Biden ký sắc lệnh ‘chống đói’ cho dân Mỹ
Tổng thống Biden ra lệnh mở rộng phúc lợi chính phủ cho những người Mỹ bị ảnh hưởng trong trận đói lớn nhất thời hiện đại do Covid-19 gây ra.
Đây là một trong hai sắc lệnh mà Joe Biden sẽ ký ngày 22/1, được nhận định là “khiêm tốn và kém xa” so với những điều mà Tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội thực hiện.
Tuy nhiên, sắc lệnh là một trong những động thái đầu tiên của Biden từ khi nhậm chức hôm 20/1 nhằm khôi phục nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau khi Covid-19 gây ra đợt sa thải hàng loạt vào đầu năm ngoái và khiến nhiều người chật vật thanh toán các hóa đơn.
“Dân Mỹ không thể chờ đợi được nữa. Rất nhiều người rơi vào tình thế bị đe dọa, họ cần được giúp đỡ và chúng tôi cam kết làm mọi cách để cung cấp hỗ trợ nhanh nhất có thể”, Brian Deese, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế của Nhà Trắng, cho biết.
Biden nêu sáng kiến xoay chuyển nền kinh tế bằng “gói giải cứu” trị giá 1,9 nghìn tỷ USD hồi tuần trước, cùng đề xuất được hứa hẹn thúc đẩy tạo ra việc làm và tuyển dụng. “Còn rất nhiều điều được mong chờ. Đó là lý do chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng Quốc hội và dân chúng về yêu cầu triển khai kế hoạch giải cứu người Mỹ”, Deese nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký loạt sắc lệnh trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 20/1. Ảnh: Reuters .
Các sắc lệnh cũng chỉ thị cơ quan chính phủ giúp mọi người tiếp cận nhanh hơn với những khoản thanh toán hỗ trợ của liên bang, cho phép người lao động nghỉ công việc có thể gây nguy hiểm có sức khỏe, mở rộng các biện pháp bảo vệ cấp liên bang cho người lao động và tạo cơ sở cho tăng lương tối thiểu cho các nhà thầu liên bang.
Tuy nhiên, dù chính phủ Mỹ tung ra hai gói hỗ trợ lớn, nền kinh tế nước này vẫn vẫn quay cuồng vì thiệt hại do Covid-19 gây ra, với gần 25,2 triệu ca nhiễm và hơn 420.000 ca tử vong được ghi nhận. Bộ Lao động Mỹ cho biết hơn 1,3 triệu đơn trợ cấp thất nghiệp được nộp hồi tuần trước, 16 triệu dân Mỹ đang nhận một số hình thức trợ cấp thất nghiệp của chính phủ tính tới đầu tháng 1.
Trong lúc thất nghiệp diện rộng diễn ra, nhiều gia đình Mỹ phải vật lộn để trả hóa đơn mua hàng tạp hóa. Bộ Thương mại Mỹ báo cáo giữa tháng 12/2020, 13,7% người trưởng thành đôi khi hoặc thường xuyên thiếu ăn.
Video đang HOT
Hàng triệu trẻ em phụ thuộc vào bữa ăn từ các trường học, vốn bị đóng cửa hoặc sửa đổi lịch giảng dạy trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Chỉnh phủ Mỹ năm 2020 chu cấp cho các gia đình số lương thực tương đương những gì con cái họ nhận được ở trường.
Nhà Trắng cho biết sắc lệnh của Biden sẽ tăng 15% mức trợ cấp cho các gia đình có ba con, ước tính khoảng hơn 100 USD mỗi tháng. Sắc lệnh cũng chỉ thị Bộ Nông nghiệp Mỹ ban hành hướng dẫn cho phép các bang mở rộng hỗ trợ lương thực cho thêm 12 triệu người và đánh giá lại cơ sở để xác định mức lợi ích.
Tình nguyện viên chuẩn bị lương thực hỗ trợ người gặp khó khăn vì Covid-19 trong dịp Giáng sinh tại thành phố Warren, bang Michigan, Mỹ, tháng 12/2020. Ảnh: Reuters .
Quốc hội Mỹ tháng 12/2020 nâng mức hỗ trợ của mỗi chi phiếu lên tới 600 USD. Sắc lệnh của Biden yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ tìm cách chuyển số tiền đó đến tay người nhận nhanh hơn và giúp những người chưa bao giờ nhận trong đợt chi đầu tiên vào đầu năm ngoái.
Sắc lệnh yêu cầu Bộ Lao động Mỹ cho phép người lao động đã từ chối công việc có thể gây hại cho họ, bao gồm cả nguy cơ nhiễm nCoV, được quyền yêu cầu trợ cấp thất nghiệp.
Sắc lệnh thứ còn lại của Biden khôi phục quyền thương lượng tập thể của các nhân viên chính phủ liên bang, đồng thời hướng dẫn các cơ quan thực hiện công tác sơ bộ để Tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh mới trong những tuần tới nhằm yêu cầu các nhà thầu liên bang trả cho nhân viên của họ tối thiểu 15 USD/giờ và cấp cho họ khoản tiền thôi việc khẩn cấp.
“Những bước đi này được xây dựng để đảm bảo chính phủ liên bang là nhà tuyển dụng kiểu mẫu”, Deese nói. Biden đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu toàn quốc lên 15 USD, song điều này cần Quốc hội Mỹ chấp thuận, trong khi phe Dân chủ chỉ giữ số ghế nhỉnh hơn một chút so với phe Cộng hòa.
Triển vọng Mỹ - Trung thời Biden 'mù mờ'
Khi lên nắm quyền lãnh đạo, Tổng thống Mỹ Biden sẽ đối mặt một Trung Quốc rất khác so với đất nước mà ông từng đối phó dưới thời Obama.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 20/1 cho biết tân Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, sau đó là những đối tác và đồng minh khác của Mỹ nhằm "xây dựng lại các mối quan hệ, đồng thời xử lý các thách thức và mối đe dọa mà chúng ta đang đối mặt".
Dưới thời tổng thống Donald Trump, "những mối đe dọa" này bao gồm cả Trung Quốc. Vậy nên, giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu khả năng về các cuộc đàm phán sớm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả thi hay không và liệu chúng có thể giúp sửa chữa mối quan hệ đang rơi vào khủng hoảng gần như trên mọi mặt này hay không.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 20/1. Ảnh: Reuters.
Bắc Kinh đã kêu gọi hai nước nối lại liên lạc bình thường sau 4 năm chính quyền Trump áp dụng cách tiếp cận cứng rắn, phá vỡ các chuẩn mực với Trung Quốc. Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, ông liên tục gây sức ép với Trung Quốc trước hàng loạt vấn đề như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.
Cơ hội để Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập gặp nhau trong năm nay có thể xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Italy, vào tháng 10. Lần gần đây nhất hai người cùng ngồi xuống thảo luận là vào tháng 9/2015, khi ông Tập thăm Washington dưới chính quyền Barack Obama.
Vừa bắt đầu nhiệm kỳ không lâu, Tổng thống Biden đã nhớ lại một cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập trong chuyến công du Trung Quốc hồi năm 2011, khi đó, ông đã nói với Chủ tịch Trung Quốc rằng Mỹ luôn quan tâm tới "các khả năng". Biden không kết nối câu chuyện này với những căng thẳng hiện nay nhưng Bắc Kinh vẫn luôn theo dõi mọi dấu hiệu về con đường tương lai của mối quan hệ song phương, chuyên gia nhận định.
Không lâu trước lễ nhậm chức của Tổng thống Biden, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng câu trả lời của Chủ tịch Tập cho một lá thư từ cựu chủ tịch Starbucks Howard Schultz. Qua thư, ông kêu gọi chuỗi cà phê này đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với chính quyền Mỹ mới.
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt chống lại trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt, còn tại Washington, quan điểm chống Trung Quốc ngày càng trở nên cứng rắn hơn.
Giới phân tích nhận định ông Tập sẽ là người hăng hái nối lại đàm phán hơn nhằm chống lại đà chia rẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi Tổng thống Mỹ Biden trước mắt sẽ tập trung hơn vào các ưu tiên trong nước như ứng phó với đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng kinh tế và căng thẳng sắc tộc.
Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc cũng đã bị mài nhọn ngay từ khi Biden còn là phó tổng thống và Mỹ ít khả năng muốn quay trở lại cách tiếp cận hòa hoãn, nhân nhượng bởi thực tế cho thấy nó không thể giúp thay đổi Bắc Kinh.
Zhao Minghao, nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh hoa, cho rằng ảnh hưởng của mối quan hệ cá nhân giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ đã suy yếu và mọi cuộc thảo luận đều có cơ hội diễn ra trong môi trường đa phương nhưng không thực sự rõ ràng.
"Vai trò của ngoại giao nguyên thủ quốc gia đối với quan hệ Mỹ - Trung đã liên tục suy giảm trong 10 năm qua", Zhao nói. "Chủ tịch Tập và Tổng thống Biden không còn lạ gì nhau. Nhưng sự quen thuộc đó vừa có thể là tài sản quý giá nhưng cũng có thể là gánh nặng, đặc biệt khi Biden bị công kích ngay trên sân nhà vì tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc".
"Quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi và rất khó để hai nguyên thủ gặp nhau song phương. Cơ hội để cả hai tổ chức các cuộc gặp song phương sẽ lớn hơn nếu diễn ra trong khuôn khổ đa phương, ví dụ G20 hay bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào về chống Covid-19 ở tương lai. Và họ ít có khả năng gặp nhau trong tương lai gần", Zhao dự đoán.
John Lee, chuyên gia cấp cao tại Viện Hudson, nhận định Chủ tịch Tập muốn nói chuyện với Tổng thống Biden càng sớm càng tốt để thúc đẩy mối quan hệ thoát khỏi căng thẳng. Và ngay cả khi không có các cuộc điện đàm sớm, hai người vẫn có thể trao đổi nếu họ gặp nhau tại các sự kiện, như G20.
"Ông Tập sẽ nhanh chóng nhận ra rằng ông Biden sẽ không quay trở lại với những cách tiếp cận dưới thời Obama khi đương đầu với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc", Lee đánh giá. "Cách tiếp cận của Biden sẽ ít mang tính đối nghịch công khai hơn so với Trump nhưng sẽ tiếp tục gây áp lực trước các vấn đề tương tự" chính quyền tiền nhiệm.
Dưới thời tổng thống Trump, Trung Quốc và Mỹ căng thăng trên hầu như mọi mặt trận, từ thương mại, công nghệ đến nhân quyền hay hệ tư tưởng.
Theo Denny Roy, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii, Chủ tịch Tập sẽ muốn đối thoại với Tổng thống Biden về các vấn đề như biến đổi khí hậu và tìm cách đưa quan hệ kinh tế trở lại thời điểm trước chính quyền Trump. Tuy nhiên, Biden sẽ muốn tập trung vào những vấn đề gây tranh cãi hơn như nhân quyền hay các cáo buộc về việc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ.
Hợp tác sẽ trở nên khó khăn hơn bởi giờ đây trong mắt người Mỹ, Trung Quốc đã phản bội lại niềm tin rằng họ sẽ chấp nhận tự do hóa và các chuẩn mực quốc tế. Về phía Trung Quốc, giới tinh hoa chính trị nước này lại nghĩ rằng Mỹ không khoan nhượng vì lo ngại sức mạnh của Bắc Kinh hơn là hành vi, Roy cho hay.
"Bối cảnh đã thay đổi hoàn toàn kể từ thời Obama", Roy nói. "Vì coi nhau là những mối đe dọa an ninh nên hai nước sẽ nghĩ nhiều về lợi ích tương đối hơn là lợi ích tuyệt đối. Đặc biệt, Mỹ nhiều khả năng sẽ từ chối những mối quan hệ hợp tác dù ở đó họ có lợi nhằm ngăn Trung Quốc đạt được lợi ích".
Theo Wei Zongyou, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phục Đán, sau "4 năm quan hệ xói mòn", điều cần thiết lúc này là "hạ thấp giọng điệu chỉ trích từ cả hai phía".
Có chế độ ăn healthy, ông Joe Biden bỏ nút bấm Trump từng dùng để gọi nước có gas đến bàn làm việc Phòng làm việc của 2 vị Tổng thống có nhiều chi tiết khác nhau. Một nút bấm mà ông Donald Trump sử dụng để ra lệnh cho Diet Cokes khi làm việc trong Phòng Bầu dục đã bị Tổng thống Joe Biden loại bỏ. Theo đó, đây là một trong số những thay đổi sâu rộng ở DC trong 24 giờ qua. Thiết...