Biden khó lay chuyển ‘di sản Trung Quốc’ của Trump
Quan hệ Mỹ – Trung đang có nguy cơ biến thành “ Chiến tranh Lạnh mới” dưới thời Trump, xu hướng Biden khó có thể đảo ngược nếu đắc cử.
Mối quan hệ song phương Mỹ – Trung vốn tương đối ổn định suốt nửa thế kỷ đã chứng kiến nhiều xáo trộn kể từ sau chuyến thăm Tử Cấm Thành của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 11/2017.
Cùng với nỗ lực trung gian hòa giải ở Trung Đông, thay đổi trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc chắc chắn là một trong những di sản lớn của chính quyền Tổng thống Trump, theo tiến sĩ Hui Feng, nhà nghiên cứu của Viện châu Á Griffith.
“Khi con gái Ivanka của Trump nói tại Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa rằng ‘ Washington không thay đổi Donald Trump, Donald Trump thay đổi Washington’”, điều này chắc chắn bao gồm cách xử lý của chính quyền Trump với vấn đề Trung Quốc”, tiến sĩ Hui Feng nhận định.
Tổng thống Donald Trump (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. Ảnh: TASS.
Dù sự trỗi dậy của Trung Quốc từng là mối lo ngại với chính quyền tổng thống George W. Bush và Barack Obama, nhưng Trump mới là người đã thay đổi toàn bộ câu chuyện về Trung Quốc, biến Bắc Kinh từ “đối tác chiến lược” thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ.
Mọi chuyện bắt đầu từ báo cáo Chiến lược Quốc phòng của Mỹ được công bố chỉ một tháng sau chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2017 của Tổng thống Trump.
“Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới đối lập với các giá trị và lợi ích của Mỹ. Trung Quốc đang tìm cách thế chỗ Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mô hình kinh tế do nhà nước điều hành và sắp xếp lại trật tự khu vực theo hướng có lợi cho họ”, nội dung báo cáo có đoạn.
Trước Tổng thống Trump, Mỹ từng tìm cách khuyến khích Trung Quốc phát triển thành một “người chơi” có trách nhiệm trong trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nhưng chính quyền Trump tin rằng cách tiếp cận “thiện chí” này đã bị Trung Quốc lợi dụng trong một chiến lược dài hơi nhằm gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trump cho rằng chiến lược của Trung Quốc xoay quanh “kinh tế tước đoạt” về thương mại và công nghệ, bắt nạt về chính trị với các quốc gia nhỏ hơn, cũng như tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực. Niềm tin này thúc đẩy Mỹ dưới thời Trump thi hành chính sách “búa tạ” với Trung Quốc, gia tăng sức ép trên mọi lĩnh vực trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường.
Theo tiến sĩ Hui Feng, Trump đang nhìn nhận quan hệ Mỹ – Trung dưới “lăng kính giao dịch”, tin rằng có thể giảm thâm hụt thương mại song phương bằng một thỏa thuận thương mại “lớn và tốt đẹp”. Ông cũng coi đây là “viên đạn bạc” cho cả nền kinh tế Mỹ lẫn triển vọng tái đắc cử của mình.
“Điều này giải thích toàn bộ thăng trầm trong tiến trình đàm phán thương mại kéo dài giữa hai nước, trong đó, Bắc Kinh hầu như chỉ sử dụng thỏa thuận này để loại bỏ các vấn đề chiến lược lớn hơn”, tiến sĩ Hui Feng viết.
Chuyên gia này cho rằng cách tiếp cận này của Trump mới chỉ giải quyết phần ngọn, trong khi gốc rễ của vấn đề lại nằm ở cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc, như các khoản trợ cấp của nhà nước cho doanh nghiệp hay tiêu chuẩn lao động.
Video đang HOT
Hui Feng còn chỉ ra rằng chính sách của Trump đối với Trung Quốc, ít nhất là trên mặt trận thương mại, đều là đơn phương. Thay vì tìm sự ủng hộ của các đồng minh, Washington gây “rạn nứt” với cả đồng minh lẫn đối tác khi áp thuế Canada, đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc theo hướng có lợi cho Mỹ, giảm cam kết an ninh với NATO.
Chính quyền Trump cũng rút khỏi vai trò lãnh đạo trong các thể chế toàn cầu về thương mại, biến đổi khí hậu và nhân quyền. Kết quả là Mỹ đánh mất đồng minh vào thời điểm cần nhất và tạo điều kiện để Trung Quốc có chỗ đứng mới trên vũ đài quốc tế.
Chính sách Trung Quốc của Tổng thống Trump càng bị sa lầy khi chính nội các của ông xảy ra nhiều mâu thuẫn. Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, nhóm của Trump đã bị “chia năm xẻ bảy” trong việc xử lý cuộc chiến thương mại và toàn bộ chính sách về Trung Quốc.
Khi Trump ngày càng thất vọng với việc Chủ tịch Tập Cận Bình từ chối thỏa thuận thương mại vào giữa năm 2019 và sau đó là đợt bùng phát Covid-19, phe diều hâu chống Trung Quốc trong chính quyền ông đã giành được ưu thế. Dù điều này dẫn tới một cách tiếp cận đồng nhất hơn với thách thức mà Trung Quốc đặt ra, nó cũng dẫn tới nhiều cuộc đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh hơn và làm leo thang căng thẳng song phương.
Mối quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp đáng báo động sau những màn “ăn miếng trả miếng” trên nhiều mặt trận, từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, hai bên đóng cửa lãnh sự quán của nhau, hạn chế visa của phóng viên, học sinh và học giả, tham vọng hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông, cũng như vấn đề Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan.
Tiến sĩ Hui Feng nhận định Tổng thống Mỹ có thể không thành công trong việc thay đổi hoàn toàn Washington, nhưng chính quyền của ông ít nhất đã thay đổi quan điểm chiến lược về Trung Quốc trong giới tinh hoa Mỹ.
Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2013. Ảnh: AP.
Cứng rắn với Trung Quốc đã trở thành “mặt trận chung hiếm hoi” mà lưỡng đảng Mỹ tìm thấy sự đồng thuận. Tiến sĩ Hui Feng cho rằng ngay cả khi Trump thất cử và ứng viên Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, việc đảo chiều mối quan hệ Mỹ – Trung khó có khả năng xảy ra, bởi đảng Dân chủ cũng chĩa những “mũi dùi” chỉ trích tương tự về phía Trung Quốc.
Ứng viên Dân chủ Joe Biden từng viết “nếu Trung Quốc tiếp tục con đường của mình, họ sẽ tiếp tục cướp tài sản trí tuệ và công nghệ của Mỹ và các công ty Mỹ”.
Tuy nhiên, Biden cũng cho biết ông sẽ bỏ một số loại thuế quan để đảm bảo một thỏa thuận thương mại công bằng hơn với Trung Quốc. Đồng thời, ông cũng muốn xây dựng một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh và đối tác Mỹ để ứng phó với Trung Quốc.
“Nếu Bắc Kinh hy vọng cuộc bầu cử sắp tới giải quyết vấn đề Trump bằng cách đưa một người mới vào Nhà Trắng, họ không nên quá háo hức”, tiến sĩ Hui Feng nhận định. “Mối quan hệ Mỹ – Trung đã bị Tổng thống Trump thay đổi nghiêm trọng và không dễ dàng đảo ngược”.
Từ chối liên minh với Mỹ, Ấn Độ không muốn "đặt hết trứng vào 1 giỏ"?
Mặc dù có cùng mục tiêu đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong và ngoài khu vực nhưng vì sao Ấn Độ vẫn ngần ngại liên minh với Mỹ?
Giữa bối cảnh mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc lao dốc sau cuộc xung đột đẫm máu ở biên giới 2 nước trên dãy Himalaya cũng như căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang, thậm chí có thể trở thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, việc Ấn Độ nghiêng về phía Mỹ dường như được cho là một lẽ tự nhiên trong tam giác chiến lược này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay nhau sau khi đưa ra tuyên bố chung ở New Delhi ngày 25/2. Ảnh: AP
Cuộc đụng độ biên giới gây thương vong lớn nhất trong hơn 50 năm quan hệ Ấn - Trung đã "làm nóng" các cuộc tranh luận rằng, liệu New Delhi có nên hình thành một liên minh chính thức với Washington để đối phó với Bắc Kinh hay không, và liệu điều đó sẽ thay đổi mối quan hệ giữa 3 nước cũng như định hình môi trường địa - chính trị ở Ấn Độ - Thái Bình Dương như thế nào.
Cựu Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee từng khẳng định trong một bài phát biểu năm 1998 ở New York, Mỹ rằng Ấn Độ và Mỹ là "hai đồng minh tự nhiên của nhau trong hành trình tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới". Tuyên bố này được coi là một sự dịch chuyển mạnh mẽ trong chính sách không liên minh của New Delhi trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Một số nhà quan sát ở Trung Quốc dường như cũng tin rằng việc Ấn Độ đứng về phía Mỹ để đối đầu với Trung Quốc chỉ là vấn đề thời gian.
Vì sao Ấn Độ ngần ngại liên minh với Mỹ?
Trên thực tế, hơn 2 thập kỷ sau tuyên bố trên của cựu Thủ tướng Ấn Độ, bất chấp những cuộc trao đổi về cái gọi là "liên minh tự nhiên", cho đến nay, Ấn Độ vẫn ngần ngại trong việc chọn đứng về bên nào trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung. New Delhi cũng chưa sẵn sàng để hoàn toàn chấp nhận chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay kế hoạch thành lập liên minh 4 bên với Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Ấn Độ ngần ngại tham gia vào một liên minh quân sự với Mỹ bởi nước này lo ngại sẽ mất khả năng "tự trị chiến lược" và trở thành đồng minh cấp thấp bởi sự bất đối xứng rõ ràng về quyền lực giữa Washington và New Delhi.
Mặc dù Mỹ và Ấn Độ cùng chia sẻ nhiều giá trị chung nhưng mối quan hệ 2 nước vẫn không thể phát triển lên những nấc thang mới, phần lớn là bởi thái độ trung lập của Ấn Độ trong Chiến tranh Lạnh và mối quan hệ liên minh của Washington với Pakistan.
Phải tới cuối những năm 1990, Ấn Độ mới bắt đầu xích lại gần Mỹ, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và quốc phòng khi cùng chia sẻ một mối lo ngại chung, đó là sự ảnh hưởng về kinh tế và ngoại giao ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở trong và ngoài châu Á.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, dù hợp tác ngày càng sâu rộng với Mỹ nhưng Ấn Độ vẫn giữ thái độ cảnh giác trước xu hướng xa rời đồng minh của Tổng thống Trump. Ngoài ra, nước này cũng không muốn từ bỏ quan hệ đối tác đa dạng với các quốc gia khác, đặc biệt là sự hợp tác về an ninh và quốc phòng với Nga.
Sự phức tạp trong tam giác Mỹ - Ấn - Trung
Dù vậy, cuộc đụng độ biên giới đẫm máu đầu tiên giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ năm 1975 có thể trở thành sự kiện mang tính bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Ấn bởi tranh cãi về vấn đề biên giới vẫn luôn là mắt xích yếu nhất trong quan hệ Ấn - Trung.
"Sự bùng nổ những cuộc đụng độ biên giới sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn giữa bối cảnh 2 nước cùng đối mặt với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, đồng thời buộc New Delhi tái cân nhắc nghiêm túc về lập trường của mình đối với nội dung chống Trung Quốc trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington", Pang Zhongying - một chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Hàng hải Trung Quốc nhận định.
Các nhà phân tích thận trọng đánh giá mối quan hệ nồng ấm, cùng các hoạt động ngoại giao thân thiết và sự hợp tác an ninh của Ấn Độ với Mỹ trong 2 thập kỷ qua đã thay đổi tam giác quan hệ với Trung Quốc và sự cân bằng quyền lực khu vực.
"Trong khi Trung Quốc tiếp tục khả năng phòng thủ nhằm đối phó với chính quyền Tổng thống Trump thì Bắc Kinh cũng ngày càng tăng cường vị thế chủ động đối với các khu vực xung quanh nhằm đạt được nhiều ảnh hưởng nhất có thể", Yun Sun, học giả cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington đánh giá.
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump được công bố cách đấy 3 năm nhằm xây dựng một liên minh với Ấn Độ và các nước cùng chí hướng khác kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc, đã đảo ngược và thúc đẩy Trung Quốc tái đánh giá tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ, cũng như ra sức lôi kéo New Delhi.
"Nếu Washington không thúc đẩy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác với Ấn Độ, hướng chiến lược của Trung Quốc với nước này có thể đã rất khác", chuyên gia Sun đánh giá.
Với Trung Quốc, mối quan hệ phức tạp và dễ biến động với Ấn Độ là một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh.
"Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là ổn định quan hệ với Ấn Độ nhằm ngăn cản Washington lôi kéo New Delhi cũng như tránh một cuộc chiến trên 2 mặt trận với cả Mỹ và Ấn Độ", chuyên gia Sun cho hay.
Tuy nhiên, xét tới sự thay đổi trong cán cân quyền lực giữa Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan tại Nam Á, sự nghi ngại và thái độ thù địch giữa Bắc Kinh và New Delhi vẫn tiếp tục sâu sắc, bất chấp những dấu hiệu có vẻ nồng ấm của 2 quốc gia này những năm qua.
Một diễn biến đáng lưu ý nữa là khi Tổng thống Trump đề xuất hồi tháng trước về việc mở rộng nhóm các quốc gia công nghiệp G7 thành G11, bao gồm thêm Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và Nga, Bắc Kinh đã tỏ ra giận dữ khi Thủ tướng Modi có phản ứng tích cực về ý tưởng này.
"Không đặt tất cả trứng vào một giỏ"
Dù vậy, theo Mohan Guruswamy, Chủ tịch Trung tâm các Giải pháp chính sách tại New Delhi, Ấn Độ không có ý định tham gia vào liên minh chống Trung Quốc hoặc trở thành một phần trong bất kỳ liên minh quân sự chống Trung Quốc nào.
"Ấn Độ coi sự đối đầu Mỹ - Trung giống như cuộc đối đầu giữa những con voi. Khi 2 con voi đánh nhau, cỏ cây và những loài vật nhỏ hơn đều bị giẫm nát. Chúng tôi không muốn gây ra bất kỳ xáo trộn nào và hầu như không có vai trò gì trong cuộc xung đột này", ông Mohan Guruswamy phân tích.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon thì chỉ ra những hạn chế của liên minh Mỹ - Ấn và cảnh báo chính quyền Thủ tướng Modi không nên liên minh với Washington, đồng thời dẫn ra sự kiện căng thẳng biên giới kéo dài 73 ngày cách đây 3 năm.
"Cuộc khủng hoảng Doklam năm 2017 là ví dụ gần đây nhất cho thấy không nước này sẵn sàng đối phó với thách thức chiến lược lớn nhất của Ấn Độ là Trung Quốc. Ấn Độ từng chứng kiến phản ứng lạnh nhạt của phần còn lại thế giới trong sự kiện trên", chuyên gia Menon - một học giả cấp cao tại Viện Brookings Ấn Độ nhận định trong một bài báo xuất bản hồi tháng 5.
"Nhiều người tin rằng Ấn Độ không đặt tất cả trứng vào một giỏ mà thay vào đó sẽ đi con đường ở giữa bằng cách thúc đẩy mối quan hệ với cả Nga và Mỹ", Rajeshwari Rajagopalan - học giả cấp cao và là người đứng đầu Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian thuộc Quỹ Nghiên cứu Giám sát ở New Delhi nhận định.
Hơn nữa, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên lĩnh vực thương mại phụ thuộc quá nhiều vào nhau nên bất chấp căng thẳng hiện nay, New Delhi nhiều khả năng sẽ không chọn liên minh với Mỹ mà đi con đường riêng của mình trong nỗ lực cân bằng các mối quan hệ phức tạp này nhằm đạt được lợi ích tối đa.
Căng thẳng Mỹ - Trung có thể tồi tệ hơn Chiến tranh Lạnh Học giả nổi tiếng Trung Quốc cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung có thể xấu hơn nhiều mối quan hệ giữa Moskva với Washington thời kỳ Chiến tranh Lạnh. "Trong vài tháng tới, chắc chắn chính sách đối ngoại với Trung Quốc sẽ là vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ", Vương Tập Tư, chủ nhiệm khoa...