Bỉ tuyển dụng người tị nạn để bù đắp thiếu hụt công nhân xây dựng
Ngành xây dựng ở Bỉ hiện nay đang thiếu nhân lực.
Những người tị nạn ở Bỉ được bố trí công việc chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Hương Giang
Để cung cấp công nhân cho ngành này, các đối tác xã hội của lĩnh vực xây dựng, Cơ quan liên bang tiếp nhận người xin tị nạn (Fedasil) và Quốc vụ khanh về Tị nạn và Di cư, Sammy Mahdi, vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng những người tị nạn hợp pháp.
Đây là lần đầu tiên loại thỏa thuận này trong lĩnh vực xây dựng được ký kết. “Chúng tôi sẽ bắt đầu với các dự án thí điểm nhỏ”, Michael Kegels, Tổng giám đốc Fedasil, cho biết. Ngành xây dựng ước tính có 20.000 việc làm ngay lập tức.
Việc sử dụng những người tị nạn không có gì mới. Từ vài năm nay, các ứng viên là người tị nạn đã có thể gia nhập thị trường lao động bốn tháng sau khi bắt đầu thủ tục xin cấp quy chế. Sau khoảng thời gian này, họ có thể xin giấy phép lao động và nộp đơn xin việc cho các công ty. Họ có các quyền giống như những người nhập cư hợp pháp.
Video đang HOT
Trên thực tế, hình thức này chỉ được sử dụng rất ít vì gặp nhiều trở ngại: thiếu thông tin, bất đồng ngôn ngữ, khó di chuyển… “Thông thường, chúng tôi thiếu một cách tiếp cận tập trung trong việc cho phép người xin tị nạn làm việc”, Quốc vụ khanh về Tị nạn và Di cư, Sammy Mahdi, cho biết.
Anh Issa, người gốc Trung Phi, đến Bỉ vào cuối tháng 12/2021 với tư cách xin bảo hộ quốc tế nhưng không đợi đến lúc thỏa thuận này được ký kết mới bắt đầu tìm việc. Ngay khi định cư tại trung tâm tiếp nhận ở Liège, Issa đã nộp đơn xin giấy phép lao động. Sau đó, anh đã gửi hồ sơ đến các nhà tuyển dụng khác nhau trong khu vực.
Những người tị nạn ở Bỉ được bố trí công việc chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Hương Giang
Issa đã làm việc được ba tuần trong một công ty xây dựng trong vùng. “Ở quê nhà, tôi là giám đốc xây dựng, tôi đã chỉ huy các đội trên công trường xây dựng các tòa nhà từ 8 đến 10 tầng. Còn ở đây, tôi là một công nhân đa năng trên các công trường nhỏ hơn. Nhưng với kinh nghiệm và sự hòa nhập với nhóm, tôi tin là mình sẽ có nhiều triển vọng”, Issa cho biết.
Tại thời điểm này, Issa đang có những hợp đồng nhỏ. Hợp đồng đầu tiên kéo dài một tuần. Tiếp theo là một hợp đồng dài 15 ngày. Vì thủ tục xem xét tị nạn vẫn đang được tiến hành nên Issa không thể ký hợp đồng dài hạn. Issa vẫn chưa biết khi nào anh mới nhận được quyết định chính thức vì thường mất một năm để có phản hồi từ các dịch vụ xin tị nạn.
Lĩnh vực vệ sinh môi trường cũng sử dụng nhiều người tị nạn và nhập cư. Ảnh: Hương Giang
Đối với Issa, công việc là công cụ giúp anh hội nhập và có thu nhập. Mỗi sáng, xe tải của công ty đến đón Issa tại trung tâm. “Tôi có một hợp đồng và tôi kiếm được mức lương như những người khác,” anh nói. Hiện nay, Issa được lĩnh toàn bộ tiền lương. Tuy nhiên, Luật tiếp nhận quy định đến một thời điểm nào đó, một phần tiền lương sẽ bị khấu trừ.
Việc cho phép người xin tị nạn làm việc là trọng tâm trong chính sách tị nạn của Bỉ. Michael Kegels, Giám đốc điều hành Fedasil, cho biết chính sách này đã tồn tại từ trước, nhưng vẫn bị coi là ngoài lề. Từ một thị trường ngách, hiện nay, nó đã trở thành một ưu tiên.
Fedasil cũng đã thành lập một đơn vị chỉ dành riêng cho việc triển khai công việc của những người xin tị nạn. Hiện nay, Fedasil đã lên kế hoạch ký kết những thỏa thuận tương tự với các lĩnh vực cần nhân lực, chẳng hạn như lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn hoặc lĩnh vực vệ sinh môi trường.
Số người phải sơ tán vì bạo lực trên thế giới lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu
Ngày 23/5, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết cuộc xung đột ở Ukraine và các cuộc xung đột khác trên thế giới đã khiến số người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán trên toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu người.
Người tị nạn Ukraine xếp hàng chờ đăng ký xin giấy phép lưu trú tại Praha, CH Séc, ngày 2/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo UNHCR, tính đến cuối năm 2021, đã có khoảng 90 triệu người phải di tản do tình trạng bạo lực ở Ethiopia, Burkina Faso, Myanmar, Nigeria, Afghanistan và CHDC Congo. Ngoài ra, cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2/2022 đến nay đã khiến hơn 8 triệu người đã phải di tản ở trong nước, trong khi hơn 6 triệu người khác sơ tán ra nước ngoài. Tính chung, con số "đáng báo động" này bao gồm cả người tị nạn, người tìm kiếm quy chế tị nạn và hơn 50 triệu người phải di tản trong nước.
Con số 100 triệu tương đương hơn 1% dân số toàn cầu, và trên thế giới chỉ có 13 quốc gia có dân số lớn hơn số người phải đi sơ tán nói trên. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho rằng đáng lẽ con số kỷ lục "buồn" này không bao giờ được thiết lập, do đó đây sẽ là "hồi chuông cảnh tỉnh" thế giới cần ngăn chặn các cuộc xung đột và chấm dứt bạo lực, đồng thời giải quyết những nguyên nhân cơ bản buộc họ phải rời bỏ nhà cửa.
Ông nhấn mạnh cộng đồng quốc tế đã tích cực hỗ trợ những người phải đi sơ tán vì xung đột ở Ukraine và hy vọng điều này được áp dụng đối với tất cả các cuộc xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, ông Grandi cho rằng viện trợ nhân đạo chỉ giúp giảm nhẹ hậu quả, không phải là biện pháp giải quyết. Do đó, để đảo ngược xu hướng này, chỉ có một cách thức duy nhất là thiết lập hòa bình và ổn định.
Dự kiến, UNHCR sẽ công bố dữ liệu đầy đủ về số người buộc phải di tản trong năm 2021 trong Báo cáo Xu hướng toàn cầu hàng năm vào ngày 16/6 tới.
Vụ nổ khách sạn ở Cuba: 40 người thiệt mạng, 54 người bị thương Ngày 9/5, Bộ Y tế Cuba cho biết số người thiệt mạng trong vụ nổ tại khách sạn Saratoga ở thủ đô La Habana cuối tuần trước đã lên tới 40 người, trong khi 54 người khác bị thương. Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát của khách sạn Saratoga ở thủ đô La Habana, Cuba, ngày 8/5/2022....