Bị từ hôn vì “bố nát rượu”
Anh yêu tôi, cần tôi, biết ơn tôi nhưng không thể cưới tôi vì một ông bố nát rượu.
Tôi là một người phụ nữ sống khép kín. Tôi không quen nói về mình với bất kỳ ai, dù tôi có khá nhiều bạn. Tôi biết mình sống như thế là ích kỷ nhưng tôi cũng không thể nào làm khác được.
Tôi luôn khao khát tìm được một người hiểu mình, một người mà khi ngồi bên cạnh họ, tôi cảm thấy bình yên, hạnh phúc.
Có thể khi nghe xong những dòng tâm sự của tôi, một số bạn sẽ đồng cảm, chia sẻ với tôi và cũng có nhiều người sẽ cho tôi là kẻ ngu ngốc. Nhưng bây giờ, tôi đang cần một niềm tin, một niềm tin để tiếp tục bước tiếp.
Tôi là một đứa trẻ sinh ra trong bất hạnh bởi nạn “bạo lực gia đình” – 4 từ tôi mới biết đến cách đây vài năm. Không như những đứa trẻ khác, luôn sợ bố mẹ mình ly dị, còn tôi từ lúc 9 tuổi, tôi đã học cách viết đơn ly dị (vì như thế sẽ tốt hơn cho mẹ và những đứa em tôi).
Tôi biết làm như vậy thì mình sẽ phải xa mẹ và sống với người bố nát rượu, không làm ra tiền, suốt ngày đánh đập vợ con nhưng chắc chắn một điều rằng, nếu bố mẹ ly dị thì cuộc sống của mẹ và em tôi sẽ không còn đau đớn như bấy giờ nữa.
Tôi nhớ những đêm tôi không ngủ vì phải trốn chạy, những đêm lang thang quanh nghĩa địa để lẩn tránh, những đêm lóng ngóng xung quanh nhà vì sợ mẹ và các em bị ông ấy bắt được. Và rồi sáng ra, mấy mẹ con chúng tôi lại phải đối diện với cảnh đổ nát của trận chiến hôm trước.
Dù giận bố đến bao nhiêu, tôi vẫn cố gắng lo cho ông ấy những bữa cơm đầy đủ vì dù sao, ông ấy cũng là bố tôi. Khi tỉnh rượu, dường như ông ấy là một người hoàn toàn khác, một người trầm tính và luôn yêu thương mẹ con. Tại sao lại thế? Đó là câu hỏi mà mỗi lần nhìn vào mắt bố, tôi thật sự không hiểu.
Ông căm ghét mẹ con tôi hay tại con ma men làm ông trở nên như thế?
Hầu như tất cả các buổi tối, tôi không có thời gian dành cho học tập, làm bài. Tôi chỉ tranh thủ chút ít thời gian giải lao ít ỏi trên trường để chuẩn bị những thứ cần thiết cho ngày mai (vì buổi tối của tôi là ở ngoài đường hoặc ở nghĩa địa).
Có những đêm, khi mẹ con tôi đang ngủ say giấc thì ông ấy lại trở về trong cơn say khướt. Ông dựng mẹ tôi dậy hành hạ, đánh đập, mắng nhiếc… và hình ảnh bố dùng gậy, dùng chổi đánh đập mẹ đã in hằn trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ. Còn nỗi đau nào bằng nỗi đau khi nhìn thấy người mình yêu thương nhất bị đánh đập, hành hạ không thương tiếc? Dù rất thương mẹ nhưng tôi vẫn không dám can ngăn… mà chỉ dám ngồi ở xa khóc lóc trong nỗi sợ hãi.
Tôi nhớ một lần năm tôi 11 tuổi, khi nhìn thấy cảnh mẹ bị đánh đập dã man, tôi đã lao vào bênh vực mẹ không một chút sợ sệt. Và kết quả là tôi phải bỏ học cả tuần liền vì mặt tôi sưng vù và người chi chít vết thương. Đó cũng là lần đầu tiên ông đánh tôi vì với ông, tôi là đứa con gái rượu duy nhất.
Kể từ ngày đó, tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi trở nên mạnh mẽ nhưng ngang ngược, bướng bỉnh hơn. Tôi không còn sợ bất cứ thứ gì ngoại trừ nước mắt của mẹ. Tôi mong mình lớn thật nhanh để có thể bảo vệ bà… nhưng tôi cũng không nỡ ghét bỏ bố vì dù sao ông cũng là bố tôi. Ông ấy rất thương tôi, dù biết rằng, tôi luôn đứng ra bênh vực mẹ. Tôi cứ sống như vậy suốt bao nhiêu năm qua, âm thầm và chịu đựng.
Video đang HOT
Năm 23 tuổi, tôi đã yêu say đắm một người. Anh theo gia đình từ Bắc vào Nam lập nghiệp. Suốt 4 năm xây dựng tình cảm, tôi đã cho anh tất cả và không giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình. Tôi đã cùng anh xây dựng sự nghiệp cho riêng anh mà không mảy may nghĩ đến bản thân mình.
Đến khi anh trở thành ông chủ thì cũng là lúc anh nói lời xin lỗi tôi. Anh nói rằng, anh yêu tôi, anh nợ tôi rất nhiều thứ, anh không thể sống thiếu tôi… nhưng anh không thể cưới tôi vì bố tôi là một người đàn ông say xỉn, gia đình tôi không nề nếp…
Tôi đã khóc rất nhiều nhưng vẫn kiêu hãnh ra đi vì tôi không cho bất cứ một ai xúc phạm đến gia đình tôi và cả bố tôi nữa. Tôi tìm cách quên anh và quyết định bỏ quê vào Sài Gòn tìm việc. Ở thành phố nhộn nhịp này, nó thật xa lạ với tôi, nó khiến tôi cảm giác chông chênh, vô phương hướng…
Một năm sau vào đúng ngày sinh nhật tôi, anh gởi tin nhắn chúc mừng sinh nhật và mong tôi sớm tìm được hạnh phúc. Rồi chúng tôi đã quyết định gặp lại nhau, lại là những giọt nước mắt chua xót… Tôi phát hiện ra anh gầy đi trông thấy nên tôi đã đưa anh tới bệnh viện để xét nghiệm.
Bác sỹ kết luận, anh bị lao kháng thuốc nên rất khó chữa khỏi. Anh đã rất lo sợ và suy sụp đi rất nhiều. Còn tôi, tôi đã bỏ mọi công việc của mình để ở bên anh, dù tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi bị anh bỏ rơi. Tôi nói với anh rằng, “Em sẽ ở bên cạnh anh cho đến khi nào anh khỏi bệnh”, dù bệnh của anh đã bị kháng thuốc và rất khó để chữa trị.
Suốt gần hai năm điều trị, anh bị mọi người xa lánh vì sợ lây nhiễm nhưng tôi lại không sợ điều đó. Vì tôi biết rằng, nếu tôi rời xa anh lúc này thì rất khó khăn để anh có thể hồi phục.
Khi cơn nguy kịch qua đi, anh vẫn phải tiếp tục uống thuốc để duy trì sự sống thì cũng là lúc tôi trở lại Sài Gòn để tìm việc. Mọi thứ phải làm lại từ đầu khiến tôi không khỏi xót xa và mệt mỏi. Suốt bao năm sống cho tình yêu, sống vì người khác như vậy thì tôi sẽ được gì? Lại là hai bàn tay trắng sao? Tôi tự vấn lòng mình, chẳng nhẽ tình yêu là cho và nhận đây ư? Cho đi tất cả để lấy về những niềm đau sao?
Tôi vào Sài Gòn nhưng vẫn thường xuyên điện thoại về thăm anh. Trong khoảng thời gian này, anh đã tìm được người yêu mới nhưng anh vẫn muốn có tôi. Anh nói với tôi rằng, “Em là tình yêu của anh, còn cô ấy là trách nhiệm của anh với gia đình. Anh muốn em suốt đời này sẽ là người tình của anh”. Nghe những lời nói đó, tôi bật cười chua xót… Tôi tự hỏi, anh là người đàn ông tôi đã yêu thương và hy sinh tất cả cho anh suốt bao năm đây sao? Sao tôi không nhận ra điều này sớm hơn… để bây giờ nhận ra bộ mặt ích kỷ, hèn hạ của người đàn ông mình đã từng yêu, tôi không khỏi xót xa thương chính bản thân mình. Chẳng nhẽ tất cả đàn ông trên cõi đời này đều ích kỷ như vậy sao?
Đôi khi ngồi suy nghĩ lại mọi chuyện, tôi thấy mình thật ngu ngốc. Tôi dường như mất hết niềm tin vào cuộc sống. Dù bên cạnh tôi cũng có khá nhiều người theo đuổi nhưng tôi không còn bất cứ niềm tin vào người đàn ông nào nữa.
Bắt đầu làm lại mọi thứ ở cái tuổi 28, chúng đều khiến tôi mệt mỏi. Tôi sợ chính tay mình phải xây dựng lại mọi thứ rồi lại chính mắt mình nhìn thấy nó sụp đổ. Tôi sợ phải tìm hiểu, hẹn hò, giận hờn, để rồi kết cục cũng là những giọt nước mắt cay đắng của tôi. Tôi sợ trái tim mình lại đau thêm một lần nào nữa… vì tôi vẫn chưa thể nào quên được nỗi đau đó!
Khi có ai đó hỏi tôi, “Bao giờ lấy chồng?”. Tôi đều trả lời là “năm sau”. Vậy mà đã bốn cái “năm sau” trôi đi, tôi vẫn một mình như thế! Bây giờ tôi thật sự không dám về quê vì tôi sợ phải trả lời các câu hỏi đại loại như vậy… để rồi tôi lại tự hỏi chính bản thân mình: “Biết lấy ai khi mình không dám cho ai cơ hội?”.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Mẹ vợ bệnh nặng sống trong chuồng heo vì con rể nát rượu
Sợ con gái bị chồng đánh nên bà Nguyễn Ngọc Lan (SN 1970, ngụ ấp An Long, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) ra sức ngăn cản chàng rể trong cơn say xỉn, không ngờ lại bị hắn dùng gạch đập đầu. Trở về từ cơn "thập tử nhất sinh", bà Lan mang bệnh nặng, phải bán hết ruộng đất để chạy bệnh. Để có chỗ yên giấc qua ngày, bà phải xin ở nhờ trong chuồng heo của một người quen.
Hiện trường vụ án.
Gã rể nát rượu
Lấy chồng từ năm 22 tuổi, tuy cuộc sống còn thiếu thốn nhưng bà Lan luôn cảm thấy ấm áp khi cùng chồng, con vun vén hạnh phúc gia đình. Những tháng vào mùa, cả nhà cùng nhau thu hoạch trên một công đất nhãn, mang ra chợ bán. Những tháng còn lại, vợ chồng bà xin làm mướn khắp nơi để có tiền lo miếng ăn trong nhà.
Do không đủ tiền cho con ăn học nên chị Nguyễn Ngọc Huệ (SN 1994, con gái bà Lan) đành phải rời ghế nhà trường khi vừa học hết lớp 9, sau đó lên Sài Gòn làm thêm phụ giúp gia đình.
Trong những ngày nghỉ làm trở về quê thăm nhà, Huệ quen với Phan Thanh Trí (SN 1991), một chàng trai trong xóm. Thấy Trí lanh lẹ lại ngoan hiền nên vợ chồng bà Lan đồng ý cho hai con trẻ tiến tới hôn nhân vào đầu năm 2011. Sau đó Lan dọn về ở chung với chồng, ngôi nhà nằm sâu trong một khu vườn.
Bình thường Trí rất thương yêu vợ, săn sóc cho vợ từng li từng tí, nhưng hễ có chút men rượu vào người là gã la mắng vợ không thương tiếc. Có hôm "ma men" dẫn lối, Trí lôi vợ từ trong nhà ra tới lộ, đánh nhừ tử nhưng khi tỉnh táo thì lại luôn miệng xin lỗi.
Dù vợ đã bỏ qua nhiều lần nhưng Trí vẫn chứng nào tật nấy, thường xuyên tụ tập bạn bè ăn nhậu. 17h ngày 21/10/211, thấy chồng đi nhậu về nên cô vợ nhờ chở về nhà thăm mẹ. Thấy nhà mẹ cách đó 2km, đường lại đang sửa chữa, đá xanh gồ ghề, trong khi vợ mang thai được gần hai tháng, sợ động thai nên Trí không đồng ý.
Thấy vợ cứ nằng nặc đòi về, gã tức tối quát: "Cô không nghe bác sĩ nói thai rất yếu à, lỡ bị hư thai rồi sao?". Đang mang thai, khó chịu trong người nên Huệ giận dữ cãi lại. Trí dẫn xe ra đón mẹ vợ qua giải quyết.
Bà Lan khi ấy đang bận công việc trong nhà, thấy con rể qua rước, cứ tưởng chị sui đi làm thuê ở Tiền Giang trở về rủ qua chơi nên vội lên xe cho con rể chở đi. Vừa đến nơi, chưa kịp hiểu chuyện gì, bà Lan đã thấy hai vợ chồng Huệ tiếp tục cự cãi.
Lúc này Huệ nặng lời về chuyện chồng "suốt ngày nhậu nhẹt, không chí thú làm ăn, biết bao giờ mới khá nổi". Nghe vậy, Trí nói: "Đi đường dằn như vậy, trước sao gì cũng hư thai, nếu vậy để tôi giải quyết luôn cho". Vừa dứt câu, với gương mặt đằng đằng sát khí, Trí tiến tới chỗ vợ ngồi. Sợ con gái bị đánh, bà Lan tức tốc chạy đến ôm chặt lấy chân của chàng rể. Vì không muốn lớn chuyện, bà Lan kêu con gái chạy vô nhà của hàng xóm ẩn trốn.
Đến 19h vẫn chưa thấy vợ về, Trí quyết định qua tìm một lần nữa. Vừa nhìn thấy con rể nhổm người dậy, bà mẹ vợ đã ôm chặt kéo lại. Gỡ tay mẹ vợ mãi vẫn không được, gã tức tối vớ lấy cục gạch ống đập mẹ vợ nhiều nhát làm bà ngã gục trên nền cát.
Thấy mẹ vợ nằm bất tỉnh, gã hốt hoảng kêu cứu, vội vã cùng bà con đưa nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long cấp cứu. Song do vết thương quá nặng, nếu không được điều trị bằng những kỹ thuật tiên tiến sẽ dẫn đến tử vong nên bà Lan được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy Tp HCM, các bác sĩ kết luận mang tỷ lệ thương tật 57%.
Tán gia bại sản
Để có tiền chạy bệnh, bà Lan phải đứt ruột bán đi căn nhà và một công đất của mình. Vợ chồng Trí cũng bán hết những vật dụng có giá trị trong nhà được tổng cộng 25 triệu góp vào phụ mẹ lo tiền thuốc men nhưng vẫn không thấm vào đâu. Vì thế chồng bà Lan phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền để đắp vào khoản chi tiêu 87 triệu trong suốt cả tháng điều trị.
Trở về trong cơn "thập tử nhất sinh", dù đã ngoạn mục giành lại sự sống nhưng giờ đây vợ chồng bà Lan trở thành kẻ trắng tay, không chốn nương thân. Con gái kêu về ở chung, nhưng sợ không sống được với gia đình gã con rể đã hại mình nên bà không nhận lời.
Đi lang thang khắp nơi đến ấp Tân Thuận (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ), vợ chồng bà được bà con thương tình cho ở nhờ trong cái chuồng heo đã bỏ trống. Quét dọn sạch sẽ, đóng những khúc cây bỏ thành một cái giường nhỏ, vợ chồng bà Lan đã chọn cái chuồng heo làm nhà suốt bốn tháng nay.
Để có tiền trả nợ và lo thuốc cho vợ mỗi tháng, năn nĩ mãi chồng bà Lan mới được nhận vào làm thợ hồ cho một công trình đang thi công gần chỗ ở. Sáng sớm là ông đã đi làm đến tận tối mới về với thu nhập 60.000 đồng mỗi ngày. Có những hôm ông xin tăng ca đến giữa đêm mới về để có thêm 40.000 đồng tiết kiệm.
Còn bà Lan từ ngày tai nạn xảy ra đến giờ sức khỏe yếu hẳn đi, không thể làm được việc gì cả, trí nhớ cũng giảm sút. Mở cái khăn quấn suốt ngày trên đầu, chỉ vào vết sọ bị lõm vào, bà Lan nghẹn ngào nói với giọng thì thào: "Buỗi tối trời mát thì không sao, chứ mỗi khi nắng nóng là tôi nhức đầu kinh khủng, có khi chịu không nỗi xỉu không ai biết. Con mắt bên trái sau bữa đó cũng không nhìn thấy đường nữa. Còn một phần hộp sọ được "nuôi" trên bệnh viện và chờ ngày phẫu thuật ghép vào, tốn cũng không ít, bây giờ không biết tìm đâu ra số tiền đó nữa".
Nhìn vào những sợi tóc khô cứng cùng những mảng gàu to bám dày đặc trên đầu bà Lan, khách đến thăm không khỏi chạnh lòng. Bà Lan cho biết, hơn 4 tháng nay bà không thể gội đầu vì đụng vào vết thương sẽ đau. Điều đó làm da đầu rất ngứa nhưng bà vẫn không dám gãi, mà chỉ biết cắn răng chịu trận.
Cầm trên tay chén cơm trắng chan nước tương, bà Lan cho biết: "Đói quá, không có gì ăn, tôi mới đi xin người ta được chén cơm này. Bác sĩ dặn tôi phải ăn uống đầy đủ chất mới mong khỏe lại. Hổm rày không có cái ăn lại lo đủ chuyện nên họp sọ lõm vô nhiều hơn. Nói thiệt, bây giờ có một bữa ăn no là tôi mừng rồi, đòi chi đủ chất".
Chuồng heo - "ngôi nhà" của vợ chồng bà Lan nằm heo hút trong một khu vườn, ngày cũng như đêm muỗi bay vo vo, khắp người bà đâu đâu cũng mẩn đỏ những nốt muỗi đốt. Song khó khăn một lần nữa lại đến khi bà hay tin chủ nhà chuẩn bị lấy lại chuồng heo, phá đi để xây nhà cho con trai sắp cưới vợ. Gạt dòng nước mắt, bà Lan thở dài: "Giờ tôi không biết đi đâu nữa, chắc phải dọn ra chân cầu sống".
* Trong phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án ngày 28/2/2012 tại Nhà văn hóa xã An Bình vừa qua, đối tượng Phan Thanh Trí đã bị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án 5 năm tù giam vì hành vi cố ý gây thương tích.
* Mọi tấm lòng hảo tâm đóng góp giúp đỡ nạn nhân xin gửi về địa chỉ:
Nguyễn Ngọc Lan - Ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long
Theo PLVN
Sena Kashiwazaki - cô học trò xinh đẹp Boku wa Tomodachi ga Sukunai được biết đến với tên tiếng anh "I Don"t Have Many Friends" (tạm dịch: Tôi không có nhiều bạn). Đây là loạt tiểu thuyết ngắn của Yomi Hirasaka, minh họa bởi Buriki và do Media Factory phát hành. Sena Kashiwazaki - cô học trò tóc vàng con gái của thầy hiệu trưởng trường, Sena có bề ngoài hấp...