Bị tủ đè vào tay gãy xương, bé 4 tuổi phải nhập viện vì hoại tử da do đắp lá
Ngày 16/3 vừa qua, Bệnh viện Hồng Ngọc vừa tiếp nhận và điều trị một ca bệnh nhi bị gãy xương bàn tay, hoại tử, tụ máu dưới da mu bàn tay phải sau khi bé bị tủ đè vào tay.
Điều đáng nói là trước đó, thay vì đưa bé đến bệnh viện để khám và điều trị thì gia đình lại cho bé đi đắp lá tại nhà một thầy lang qua giới thiệu.
Bé N.M.V 4 tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng như bao em bé khác, hoạt bát và hiếu động. Không may, trong quá trình vui chơi, bé bị tủ đè vào bàn tay phải. Thấy bé kêu đau nhức nhiều, mẹ đưa bé đến khám tại nhà một thầy lang thông qua giới thiệu của một người quen.
Mẹ bé cho biết, thầy lang không sử dụng bất cứ một kỹ thuật chẩn đoán hiện đại nào mà chỉ xử trí bằng cách đắp lá và bó chặt vào vùng mu bàn tay phải, hẹn ngày trở lại thay thuốc.
Ngày hôm sau, thấy con không đỡ mà còn kêu đau nhiều hơn, bàn tay sưng to, mẹ bé mới lo lắng đưa con đến một cơ sở y tế để kiểm tra và được chẩn đoán gãy xương ngón tay số 3, 4, 5 và xử lý bằng phương pháp bó bột bên ngoài lớp lá đắp.
Một tuần sau, bé tiếp tục kêu đau nhiều, bàn tay sưng to, sốt khiến mẹ vô cùng hoang mang lo lắng nên đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc.
Kết quả chụp X-quang cho thấy bé bị gãy xương bàn tay phải số 3, 4, 5, không lệch. Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện vùng tụ máu lớn dưới da mu bàn tay phải hình thành ổ viêm hoại tử do lóc da kích thước 30×9,8×30mm có dấu hiệu sưng tấy lan rộng, thâm nhiễm mỡ xung quanh. Bàn tay phù nề nghiêm trọng.
Video đang HOT
Ảnh chụp X-quang bàn tay phải bệnh nhi N.M.V ngày 13/3/2021
Hình ảnh bàn tay phải của bệnh nhi N.M.V
Bác sĩ Nguyễn Giang Lam – bác sĩ chủ trị ca bệnh cho biết: ” Tình trạng của bé ban đầu không nghiêm trọng nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, việc mẹ cho bé đi khám và đắp thuốc lá ngay khi bé bị chấn thương đã làm chậm cơ hội cứu bàn tay. Bên cạnh đó, việc xử trí thiếu triệt để trước đó khiến cho chấn thương tuy nhỏ nhưng tiến triển nặng thêm gây chảy máu dưới da một cách từ từ dẫn đến phù nề, tụ máu và nhiễm trùng khối máu tụ cấp độ 3. Tình trạng này nếu không xử lý kịp thời và triệt để có thể dẫn đến hoại tử toàn bộ da mu bàn tay và có thể dẫn đến nhiễm trùng lan rộng, viêm màng hoạt dịch, hoại tử toàn bộ bàn tay. Nếu xử lý được cũng sẽ ảnh hưởng làm hạn chế cơ năng và gây mất thẩm mỹ mu bàn tay “.
Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt tổ chức da hoại tử, lấy máu tụ và mủ, dẫn lưu, rửa sạch vết thương và điều trị bằng thuốc, nẹp bột cẳng bàn tay.
Quá trình điều trị nội trú sau phẫu thuật đối với bệnh nhi còn nhỏ tuổi gặp nhiều khó khăn do bé quấy khóc, không hợp tác. Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ, y tá đã hết sức dỗ dành chu đáo, nhẹ nhàng để có thể chăm sóc và giúp bệnh nhi hồi phục nhanh chóng. Sau 5 ngày, vết thương đã se, ổn định, tốc độ lành nhanh, bé không còn đau đớn, tuy vẫn cần để tay phải nghỉ ngơi nhưng bé đã có thể ăn uống và vui chơi bình thường.
Hình ảnh bàn tay phải của bệnh nhi N.M.V sau phẫu thuật
Thông qua trường hợp của bé N.M.V, các bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc khuyên các bậc cha mẹ: ” Trẻ em nhỏ tuổi và hiếu động, chỉ cần gặp bất cứ một chấn thương nào cũng có thể gây ra hậu quả khó lường. Vì vậy, ngay khi xảy ra chấn thương, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để khám, đánh giá và sơ cứu ban đầu cũng như điều trị kịp thời sẽ tránh được các rủi ro tai biến cho bé sau này. Bởi vì nếu chậm trễ, để xảy ra các tai biến sẽ gây khó khăn cho việc chữa trị và để lại nhiều di chứng cho bé “. Mặt khác, bác sĩ cũng nhấn mạnh, cha mẹ nên lựa chọn các bệnh viện uy tín, không nên đến thầy lang hay các cơ sở y tế không đủ điều kiện khám chữa bệnh và chưa được cấp phép hành nghề.
Mất cơ hội làm mẹ vì nhờ 'lang băm' chữa bệnh
Phát hiện có khối u nhưng sợ "động dao kéo", người phụ nữ trẻ được "thầy lang" tư vấn dùng kim đâm trực tiếp vào khối u hút máu ra ngoài, nhằm giúp khối u teo nhỏ lại...
BS Kiều Dug và ê-kip thực hiện phẫu thuật cho chị Q. (ảnh: BVCC)
Ngày 19/2, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân bị hoại tử nhiễm trùng khối u xơ tử cung lớn.
Đó là chị N.T.Q. (29 tuổi, ở Bình Dương) nhập viện trong tình trạng tình trạng sốt cao, lạnh run, mạch nhanh, bụng chướng to và đau khắp bụng. Toàn bộ bề mặt da bụng phía trên khối u bị hoại tử nhiễm trùng, lở loét, chảy mủ vàng đục có mùi hôi và xuất hiện các đường rò từ bề mặt da vào trong ổ bụng. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ xác định chị Q. có một khối u xơ tử cung rất to (bằng một thai khoảng 7 tháng tuổi) đang bị hoại tử, nhiễm trùng kèm theo viêm phúc mạc toàn thể rất nặng.
Cách đây một năm, chị Q. được chẩn đoán u xơ tử cung tại một bệnh viện ở TPHCM. Chị được chỉ định mổ nhưng do sợ "động dao kéo" nên từ chối điều trị. Sau đó, theo lời giới thiệu của người quen, chị Q. đến khám tại một phòng khám tư nhân. Tại đây, chị được nhân viên phòng khám này tư vấn và điều trị bằng cách mỗi ngày dùng kim đâm trực tiếp vào khối u để hút máu ra ngoài, giúp khối u teo nhỏ lại.
Phần da bụng bị hoại tử do dùng kim châm chích để hút máu chữa u (ảnh: BVCC).
Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện phương pháp này, khối u không nhỏ lại mà còn phình to hơn. Chị Q. bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, liên tục bị sốt cao, lạnh run, bụng đau và ngày càng phình to hơn. Vùng da bị kim đâm bị lở loét, tiết dịch và mủ gây đau đớn. Lúc này "thầy lang" tại phòng khám mới cảm thấy lo sợ và khuyên chị nhanh chóng đến bệnh viện.
ThS.BS Lê Thị Kiều Dung, Khoa Phụ sản BV ĐHYD TPHCM cho biết, vì khối u quá lớn và có dấu hiệu hoại tử, nhiễm trùng nặng kèm theo viêm phúc mạc toàn thể, nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng và có thể dẫn tới tử vong. Ngay sau khi nhập viện, người bệnh đã được hồi sức tích cực, dùng kháng sinh liều cao để ngăn chặn sự nhiễm trùng, sau đó được chuyển vào phòng mổ để cắt bỏ toàn bộ tử cung. Sau 2 giờ, cuộc phẫu thuật được thực hiện thành công. Khối u cân nặng khoảng 2,6kg được cắt bỏ. Kết quả sinh thiết cho thấy khối u xơ lành tính, người bệnh được xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật, tình trạng sức khỏe ổn định.
"U xơ tử cung là một bệnh lý lành tính thường gặp ở phụ nữ. Có khoảng 20-30% phụ nữ trên 30 tuổi mắc bệnh lý này. Triệu chứng biểu hiện tùy theo kích thước, số lượng và vị trí khu khối u. Đa số khối u có kích thước nhỏ, không gây ra triệu chứng. Nếu u không quá to và không có biến chứng (chèn ép, rong kinh - rong huyết, gây đau...) thì không cần điều trị đặc hiệu, chỉ khám định kỳ và theo dõi, đến tuổi mãn kinh các khối u này sẽ dần teo lại" - BS Dung nói.
Khối u khủng nặng tới 2,6kg được phẫu thuật thành công (ảnh: BVCC)
Cũng theo BS Dung, trường hợp khối u có kích thước lớn, nếu phát hiện và điều trị đúng phương pháp, người bệnh vẫn có thể có khả năng sinh con. Trong trường hợp người bệnh không muốn thực hiện phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của khối u và tiếp tục phối hợp với các phương pháp hỗ trợ sinh sản để giúp người bệnh có thể có con.
Tuy nhiên ở trường hợp chị Q., việc dùng kim đâm trực tiếp rất nhiều lần vào khối u xơ tử cung của người bệnh để hút máu là một phương pháp hoàn toàn phản khoa học, chưa từng có tiền lệ trong y văn. Đây là một việc làm rất nguy hiểm khi mũi kim được đâm liên tục vào một khối u chưa rõ là lành tính hay ác tính.
Nếu là khối u ác tính sẽ cực kỳ nguy hiểm. Mũi kim châm vào, rút ra nhiều lần sẽ gieo rắc tế bào ung thư, khiến khối u có thể phát triển rất nhanh, lan tràn khắp ổ bụng và cho di căn xa. Đây là trường hợp u xơ lành tính nhưng phương pháp phản khoa học nói trên khiến vùng da bị châm chích nhiễm trùng nặng, viêm mô tế bào da thành bụng. Khối u bị châm chích nhiều lần cũng bị nhiễm trùng, hoại tử và gây viêm phúc mạc. Để điều trị triệt để, người bệnh buộc phải được cắt bỏ toàn bộ tử cung và mất đi cơ hội làm mẹ.
"Điều trị tại phòng khám tư nhân không đảm bảo chuyên môn là việc làm nguy hiểm. Người bệnh nên đến khám tại các cơ sở có uy tín và tuân thủ chỉ định điều trị của các bác sĩ. Đối với u xơ tử cung, trường hợp có triệu chứng rong kinh, rong huyết hoặc u lớn xâm lấn vào lòng tử cung, nằm ở vị trí đặc biệt gây chèn ép bàng quang, niệu quản thì mới cần phải can thiệp. Thông thường, người bệnh sẽ được điều trị nội khoa để làm giảm thể tích khối u, sau đó có thể thực hiện thuyên tắc mạch có chọn lọc để làm cho khối u teo nhỏ hoặc được bóc nhân xơ. Tùy theo số lượng, kích thước khối u và cả nhu cầu duy trì khả năng sinh sản mà các bác sĩ sẽ cân nhắc việc bóc nhân xơ hay cắt bỏ tử cung" - BS Dung khuyến cáo.
Con bị hoại tử sau khi mẹ đưa đến thầy lang chữa bỏng Chị U. đưa con bị bỏng nước sôi đến thầy lang điều trị với giá 25 triệu đồng. Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng đang chữa trị cho bệnh nhi Đ.N.A. (13 tháng tuổi) trú tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An, bị hoại tử da do đắp lá thuốc chữa bỏng....