Bị truy quét, gái ‘bán hoa’ từ ‘kinh đô tình dục’ đổ ra nước ngoài
Sau những cuộc truy quét dữ dội của chính quyền, tệ nạn mại dâm tại Trung Quốc đã “ biến tướng”, chuyển sang hoạt động như thế nào?
Thành phố Đông Quản thuộc tỉnh Quảng Đông được xem là “kinh đô tình dục” của Trung Quốc. Suốt thời gian qua, chính quyền đã sử dụng hàng loạt biện pháp mạnh tay để dập tắt nạn mại dâm tại đây.
Nhiều năm nay Trung Quốc mạnh tay với ngành công nghiệp tình dục – Ảnh: Reuters
Chuyển hướng hoạt động
Dù vậy, theo báo Global Times (Trung Quốc) ngày 23.4, nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy những người bán dâm không hề “biến mất”, họ chỉ thay đổi địa điểm và cách thức hoạt động.
Cuộc truy quét ở Đông Quản khiến nhiều gái mại dâm tìm cách sang các thành phố khác hành nghề. “Bạn bè tôi, những người làm việc ở Đông Quản trước kia nói rằng họ hầu như không có khách vào năm ngoái, đời sống rất chật vật. Vì vậy, họ chuyển sang thành phố khác hoặc nước khác để hành nghề”, Global Times dẫn lời cô Lin, nhân viên một nhà hàng ở Thâm Quyến, Quảng Đông.
Một bài viết của trang Oriental Morning Post trụ sở ở Thượng Hải hồi tháng 12.2014 cho biết ước tính có 250.000 người làm “nghề” mại dâm tại Đông Quản. Trong đó, khoảng 100.000 người “làm” ở các phòng xông hơi, khách sạn, quán bar…; 150.000 người còn lại “hoạt động” ngoài đường hoặc tại các tiệm làm tóc.
Sau các đợt truy quét, họ chuyển địa bàn hoạt động sang các thành phố khác trong nước. Ngoài ra, một số chọn cách “làm việc” tiếp tục trong các tiệm massage bình thường. Họ không đổi nghề hẳn, mà hoạt động ngầm theo dạng cá nhân thông qua điện thoại hoặc internet.
Đổ ra nước ngoài
Mặc dù không có bằng chứng kết luận xu hướng này, nhưng nhiều trường hợp khảo sát của những tổ chức phi chính phủ chỉ ra mối tương quan giữa những cuộc truy quét mại dâm trong nước với việc gái mại dâm đổ ra nước ngoài, Global Times viết.
Cuộc sống của gái “bán hoa” khó khăn hơn nhiều sau khi bị truy quét – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Nhóm hoạt động xã hội Lotus Bus ở Paris cho rằng có khoảng 200 người Trung Quốc hành nghề mại dâm tại thủ đô nước Pháp vào năm 2002. Con số này đã tăng lên 1.300 vào năm 2014.
Trong cuộc đổ xô ra nước ngoài, gái mại dâm Trung Quốc gặp khá nhiều trở ngại. Một trong những khó khăn ấy là rào cản ngôn ngữ. Thế nên các nước gần Trung Quốc về tiếng nói và văn hóa là sự lựa chọn ưu tiên.
“Hồng Kông, Macau, Malaysia cũng là những điểm đến cho người làm nghề mại dâm nước ngoài. Tôi biết một số còn di chuyển đến Dubai, Tokyo, London, San Francisco, New York và Rome vào năm ngoái”, cô Lin nói.
Theo Global Times, từ năm 2001 chính phủ Singapore đã ấn định một vài khu vực làm “phố đèn đỏ” vì sợ ngành này sẽ hoạt động ngầm dẫn tới mất kiểm soát. Chính sách này đã thu hút khá nhiều cô gái Trung Quốc.
Các cuộc truy quét trong nước của chính quyền Trung Quốc vì thế chỉ mới giúp Đông Quản vắng bóng tình trạng kinh doanh tình dục bất hợp pháp. Phần còn lại hầu như phải “gánh” tệ nạn này, còn những đối tượng bị truy quét phải đối mặt với những khó khăn mới.
Gánh chịu nhiều rủi ro
Gái mại dâm Trung Quốc khi tìm đường ra nước ngoài làm việc đã gặp rất nhiều rủi ro, đồng thời trở thành vấn nạn xã hội của nơi họ hoạt động, Global Times dẫn thông tin từ các tổ chức phi chính phủ cho biết.
Một khảo sát của Lotus Bus cho thấy độ tuổi trung bình của gái mại dâm là 42; 90% số này đang phải nuôi con. Do “quá lứa”, họ chỉ kiếm được khoảng 20 euro cho một lần tiếp khách.
Trong cuộc khảo sát, Lotus Bus cũng cho biết có 1/3 số lượng gái mại dâm mắc bệnh hoa liễu, 46% không được khám sức khỏe thường xuyên. Trong khi đó, 70% số người được hỏi nói rằng đã từng phục vụ khách hàng không mang bao cao su, trong khi một nửa số được hỏi nói họ không được khám HIV/AIDS.
Ngoài ra, khi di chuyển ra nước ngoài, những cô gái “bán hoa” cũng đối diện sự khinh miệt xã hội cũng như những khó khăn trong việc trang trải chi phí nhà ở, tiền hoàn lại cho những người đã đưa họ ra nước ngoài.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
'Đả hổ diệt ruồi' Trung Quốc truy quét sân golf
Việc môn thể thao golf ở Trung Quốc đang biến tướng, bị lợi dụng làm công cụ phục vụ cho những hành vi không trong sạch khiến nó trở thành tâm điểm tiếp theo trong chiến dịch truy quét tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chiến dịch truy quét tệ nạn và chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đang tiếp tục nhắm vào những mục tiêu mới có liên quan đến môn thể thao golf. Ảnh minh họa: NY Times
Chiến dịch truy quét tệ nạn và chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã đi sâu vào nhiều góc tối của đời sống xã hội Trung Quốc, mạnh tay trấn áp các vấn nạn như ma túy, cờ bạc, mại dâm, hối lộ, làm giàu bất chính. Và nay, chiến dịch ấy tiếp tục nhắm đến một mục tiêu mới: golf, môn thể thao quý tộc dành cho giới nhà giàu.
Trong loạt bản tin gần đây, một số hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc miêu tả môn thể thao này như thứ cám dỗ mới mẻ, có sức hút khiến các quan chức đảng lạc lối. Một cán bộ hàng đầu của Bộ Thương mại Trung Quốc vừa bị điều tra tháng trước bởi những cáo buộc cho rằng ông này đã để một doanh nghiệp trả toàn bộ chi phí chơi golf của mình. Chính phủ đã đóng cửa hàng loạt sân golf trên cả nước vì chúng vi phạm một lệnh cấm được ban hành nhằm bảo vệ nguồn nước và đất canh tác của quốc gia.
Tại tỉnh Quảng Đông, nơi hiện có sân golf lớn nhất thế giới, quan chức đảng bị cấm chơi golf trong giờ làm việc "để ngăn chặn những hoạt động không trong sạch, vi phạm kỷ luật và bất hợp pháp", theo New York Times.
Cơ quan chống tham nhũng tỉnh cũng thiết lập một đường dây nóng để người dân báo cáo về hành vi không tuân thủ 9 quy định do đảng đề ra của các quan chức, trong đó có việc cấm cán bộ nhà nước tham gia hoạt động cá cược liên quan đến môn golf, chơi golf với những người có sức ảnh hưởng tới công việc được giao, tham gia những buổi tiệc tùng liên quan đến golf hay giữ vị trí quan trọng trong ban quản trị sân golf.
"Giống như rượu hay thuốc lá, xe sang hay biệt thự, golf là một công cụ quan hệ công chúng mà các nhà kinh doanh thường dùng để nhử những quan chức nhà nước", tờ báo trực thuộc cơ quan chống tham nhũng của đảng hôm 9/4 viết. "Những sân golf đang dần đổi thay, trở thành một vũng lầy lý tưởng, nơi người ta dùng tiền để đổi lấy quyền lực".
Môn thể thao bị cấm đoán
Dan Washburn, tác giả của cuốn sách "Môn thể thao bị cấm đoán: Golf và giấc mơ Trung Quốc", nhận định, việc golf nằm trong tầm ngắm của chiến dịch chống tham nhũng không phải là điều quá bất ngờ bởi ở Trung Quốc, nó được coi như môn thể thao của giới nhà giàu mà rất nhiều người trong số đó là các quan chức nhà nước.
"Rõ ràng ông Tập Cận Bình đang muốn tạo dấu ấn riêng", ông Washburn nhận xét. "Bất cứ ai hay lĩnh vực nào cũng có thể trở thành tâm điểm của chiến dịch chống tham nhũng. Golf rõ ràng là một mục tiêu dễ thấy", ông bình luận.
Môn golf cũng từng có thời bị hạn chế ở Trung Quốc. Năm 1949, chủ tịch Mao Trạch Đông lên án golf là "môn thể thao của những triệu phú". Các sân golf xây dựng để phục vụ những người nước ngoài khi đó bị biến thành công viên, sở thú hay trang trại.
Môn thể thao này "im hơi lặng tiếng" trong ba thập kỷ. Tình thế chỉ thay đổi khi vào năm 1984, sân golf đầu tiên được mở cửa trở lại ở Quảng Đông. Đến nay, ước tính có khoảng một triệu người Trung Quốc chơi golf. Mặc dù golf đa phần mới chỉ phổ biến trong giới thương lưu, bao gồm cả các quan chức đảng, nhưng hiện nay, một số tay golf chuyên nghiệp ở Trung Quốc cũng có xuất thân là công nhân hoặc nông dân, đến với golf một cách rất tình cờ.
Một sân golf lớn ở Thẩm Dương. Ảnh: AP
Chính phủ Trung Quốc cấm xây sân golf từ năm 2004 vì lo ngại quá trình này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nếu không được kiểm soát. Tuy nhiên, ngay cả biện pháp cấm đoán cũng không đủ sức ngăn cản môn thể thao này phát triển. Bất chấp lệnh cấm, số sân golf vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Đến nay, toàn Trung Quốc có khoảng 600 sân golf, gấp ba lần 10 năm trước.
Sân golf thường được xây dựng cùng những dự án phát triển nhà sang trọng nhằm làm tăng giá đất, từ đó thu hút các nhà đầu tư giàu có. Chính quyền địa phương, với lợi nhuận chính phụ thuộc vào việc bán đất, thường ngoảnh mặt làm ngơ khi các nhà phát triển hạ tầng miêu tả sân golf chỉ như một cơ sở "phục vụ giải trí".
Sau nhiều năm cảnh báo, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia hôm 30/3 ra lệnh cho 30 trong tổng số 66 sân golf xây dựng trái phép ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và 20 tỉnh thành khác phải đóng cửa, đồng thời khuyến cáo cuộc điều tra vẫn tiếp diễn.
Tờ Legal Weekly của Bộ Tư pháp cũng không đứng ngoài cuộc khi đăng danh sách 15 cán bộ đảng từng nhận hình phạt vì những tội danh liên quan đến golf trong thập kỷ trước.
"Golf, bởi số tiền phải bỏ ra lớn và sức quyến rũ độc đáo của nó, được gọi là 'trò chơi quý tộc'", tờ báo viết. "Nhưng có một sự thật trần trụi là nó đang trở nên thối rữa vì bị lợi dụng. Vậy nên nhiều quan chức đã phải nhận án phạt, thậm chí vướng vào vòng lao lý".
Một nhà buôn các tác phẩm nghệ thuật giấu tên ở Bắc Kinh cho hay rất nhiều thương vụ mua bán được thực hiện trên sân golf. "Khi chơi golf, chúng tôi mời cả các vị quan chức tham gia cùng", ông nói. "Đó không phải thứ mà những người bình thường có thể mua được".
Một vài golf thủ phàn nàn về việc môn thể thao này đang bị lên án một cách thái quá. Họ cho rằng bản thân môn golf không có gì sai trái. "Rất nhiều quan chức trên khắp thế giới, thậm chí cả tổng thống, cũng chơi golf. Vì sao tại đất nước này, khi một cán bộ nhà nước chơi golf, anh ta lại bị khép vào tội tham nhũng", Lin Xiang, huấn luyện viên golf tại Thượng Hải, thắc mắc trên trang mạng xã hội Sina Weibo.
Tương lai khó đoán của môn thể thao này đang khiến tốc độ xây dựng các sân golf mới ở Trung Quốc chậm lại. "Mọi nguồn vốn đã cạn kiệt", ông Les Watts, nhà thiết kế sân golf có văn phòng tại Hong Kong, cho biết. Sau hai thập kỷ xây dựng sân golf ở Trung Quốc đại lục, ông đang có ý định trở về quê hương Australia.
Tuy nhiên, các golf thủ Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ đam mê của mình. "Tôi vẫn sẽ chơi", một tay golf 60 tuổi họ Zhang ở Bắc Kinh nói. "Nó sẽ xuất hiện trong Thế vận hội Olympic sắp tới, vì thế cả nước chắc chắn sẽ ủng hộ", ông chia sẻ. "Nếu dùng tiền của mình để chơi thì chính phủ không thể cấm chúng ta được", ông Zhang nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo New York Times
Trung Quốc sẽ dẹp nạn thuê vũ nữ thoát y ở đám tang Chính quyền Trung Quốc ngày 23.4 tuyên bố tiến hành chiến dịch dẹp nạn thuê vũ nữ thoát y biểu diễn tại các đám tang. Một vũ nữ thoát y Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình Youtube Trong một thông cáo trên website, Bộ Văn hóa Trung Quốc tuyên bố chiến dịch truy quét nạn thuê vũ nữ thoát y tại các...