Bí thư TPHCM: Quyết tâm kiểm soát Covid-19 để người dân đón Tết bình yên
“TPHCM cần nhắc nhở nhau cùng thực hiện Nghị quyết 128 có hiệu quả để người dân được hưởng dịp Tết tương đối bình yên, bù lại những ngày khó khăn đã phải trải qua”, Bí thư Thành ủy TPHCM nói.
Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương chiều 10/12, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, chia sẻ: Đại dịch Covid-19 vừa qua đã để lại những khó khăn, hậu quả không thể nói hết bằng lời. Tuy nhiên, điều đọng lại trong lòng mỗi người là tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự đồng cam, cộng khổ, thắt lưng buộc bụng và nhiều nghĩa cử âm thầm, lặng lẽ.
“Đại dịch khủng khiếp, khốc liệt khiến nhiều người trong số chúng ta không kìm được xúc động khi nhớ lại. Những ngày tháng ấy không giấy mực nào có thể viết hết, cảm nhận hết”, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: H.K.).
Hơn 50% F0 tử vong tại TPHCM chưa tiêm vaccine Covid-19
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố thông tin, hiện tại, dịch Covid-19 trên thế giới, các nước trong khu vực và nước ta còn diễn biến phức tạp. Tại TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam, số ca nhiễm, ca nặng và số người tử vong chưa được kéo giảm.
“Sáng nay, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 với các tỉnh, thành. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần sớm đạt chuyển biến về tình hình dịch bệnh, chuẩn bị cho người dân đón tết bình yên”, Bí thư TPHCM dẫn lại.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, thành phố đang thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao mắc Covid-19.
Để đạt được mục đích nêu trên, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị các đơn vị tăng cường thực hiện có hiệu quả Nghị định 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế để đạt hiệu quả trên từng địa bàn. Trong đó, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, thuốc điều trị đóng vai trò quan trọng, vaccine Covid-19 là chìa khóa, biện pháp 5K và ý thức người dân là biện pháp cực kỳ có ý nghĩa.
“Chúng ta cần truyền thông mạnh mẽ để người dân thay đổi thói quen trong điều kiện bình thường mới. Trong bối cảnh này, chúng ta cần hạn chế bớt xúc gần, hạn chế tụ tập và tập trung bảo vệ người có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19″, Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Nên phân tích, qua các số liệu thống kê, một dấu hiệu đáng lo về dịch tễ của TPHCM là hơn 50% ca mắc Covid-19 tử vong thời gian qua chưa tiêm vaccine Covid-19. Trong giai đoạn mở cửa lại các dịch vụ để khôi phục kinh tế, những người này nằm trong nhóm nguy hiểm, có nguy cơ cao mắc Covid-19.
Video đang HOT
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng quán triệt, hiện tại, thành phố cần tập trung thực hiện cả 3 mục tiêu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân. Thành phố cần nỗ lực tối đa để không quay lại tình trạng quá sức chịu đựng hay buộc phải áp dụng các biện pháp khác để phòng, chống dịch.
“Nhân cuộc gặp gỡ quan trọng này, chúng ta cần nhắc nhở nhau quyết tâm góp phần giúp đất nước, TPHCM thực hiện Nghị quyết 128 có hiệu quả để người dân được hưởng dịp Tết tương đối bình yên, bù lại những ngày khó khăn đã phải trải qua”, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định.
Báo chí là tuyến đầu của tuyến đầu
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng gửi lời cảm ơn tới lực lượng báo chí trên địa bản TPHCM và cả nước đã đồng hành cùng địa phương trong suốt quá trình phòng, chống dịch. Lực lượng báo chí đã có mặt, kịp thời thông tin chính xác để phục vụ người dân cùng công tác phòng, chống dịch.
“Lực lượng báo chí đã lăn xả trong tuyến đầu chống Covid-19, không quản ngại gian khổ khó khăn để đưa hình ảnh, tin tức cần thiết trong lúc nước sôi lửa bỏng”, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá.
Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, lực lượng báo chí là tuyến đầu của tuyến đầu (Ảnh: H.K.).
Với việc lăn xả ra, có mặt trực tiếp ở các điểm nóng của dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, lực lượng báo chí có thể coi là tuyến đầu của tuyến đầu.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố nhìn nhận, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều tổ chức, cá nhân, báo chí cũng nằm trong bối cảnh chung ấy, buộc phải thích ứng linh hoạt, sáng tạo. Cụ thể, các cơ quan báo chí vừa phải vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa đảm bảo đời sống cho đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Ngoài các công việc chuyên môn, trong quãng thời gian “nước sôi, lửa bỏng”, các cơ quan báo chí cũng kịp thời phản ánh thông tin xấu, độc. Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao sự đồng hành của lực lượng báo chí trong quãng thời gian địa bàn trải qua quãng thời gian các thông tin sai lệch về dịch Covid-19 tràn ngập trên không gian mạng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 2 hội thảo, bàn về vấn đề thu phí đối với báo điện tử.
Vấn đề được đưa ra bàn luận trong bối cảnh, quảng cáo của các báo ngày càng giảm. Tuy nhiên, các hội thảo không đi đến được kết quả cụ thể.
“Còn một nhóm báo chí không muốn áp dụng mô hình thu phí đối với báo điện tử. Lý do bởi họ đã chiếm 80%-90% quảng cáo nên không cần thu phí. Tuy nhiên, nhóm đó chỉ có khoảng 10 cơ quan báo chí, còn 700 cơ quan báo chí còn lại đang thuộc nhóm khó khăn”, ông Lê Quang Tự Do nêu vấn đề.
Trước thực trạng này, để đạt được sự đồng thuận từ các bên là điều rất khó. Ông Lê Quang Tự Do đề xuất các bộ, ban, ngành cần đứng ra thống nhất để các tờ báo cùng triển khai dưới một chủ trương chung.
TPHCM thiệt hại kinh tế gần 12 tỷ USD trong "2 năm Covid-19"
"Với tác động nặng nề của dịch Covid-19, thiệt hại kinh tế trong năm 2020 và năm 2021 trên địa bàn ước tính khoảng 273.000 tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD", Chủ tịch HĐND TPHCM thông tin.
Chiều 9/12, kỳ họp thứ 4, HĐND TPHCM khóa X, bước vào phiên bế mạc sau 2,5 ngày làm việc. Với tính chất là bản lề của kế hoạch phát triển thành phố giai đoạn 5 năm, kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố đã xem xét, phân tích những kết quả, bài học đạt được trong năm vừa qua cùng những định hướng cho năm mới 2022.
"Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của thành phố, đất nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động, thiệt hại kinh tế trong năm 2020 và năm 2021 trên địa bàn ước tính khoảng 273 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD", bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, phát biểu bế mạc.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, phát biểu bế mạc kỳ họp (Ảnh: Hữu Khoa).
Nhiều chỉ tiêu lớn cho năm 2022
Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, những tháng cuối năm nay và có thể đến năm 2022, tình hình dịch Covid-19 với biến chủng Delta vẫn gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại. Một nỗi lo khác cũng xuất hiện với biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn biến chủng Delta đến 500%.
Bên cạnh đó, qua quãng thời gian căng mình chống dịch, thành phố cũng kịp rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn nhất. Những tiền đề của thành phố cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 là kinh tế số, tỷ lệ bao phủ vaccine, củng cố hệ thống y tế các cấp và người dân điều chỉnh hành vi tiêu dùng.
Kỳ họp HĐND TPHCM đã chất vấn lãnh đạo UBND thành phố cùng các sở, ngành về nhiều nội dung (Ảnh: Hữu Khoa).
Nhấn mạnh về chủ đề năm 2022 của TPHCM là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Lệ nêu các nhiệm vụ trọng tâm của UBND TPHCM trong năm mới.
Cụ thể, chính quyền TPHCM cần thực hiện có hiệu quả các kịch bản về tăng trưởng để có giải pháp thiết thực, hiệu quả bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 . Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 cần đạt từ 6% đến 6,5%.
UBND TPHCM cần tạo môi trường, điều kiện thu hút các đối tác chiến lược, tiềm năng vào thành phố. Công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để chính quyền thành phố có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhân dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu HĐND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các vụ việc tồn tại, kéo dài để kịp thời đề xuất, kiến nghị Thành ủy lãnh đạo, xử lý dứt điểm nhằm phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm như kỳ vọng của Thành phố đã đề ra.
Thông qua 25 nghị quyết định hướng cho năm 2022
Tại kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố đã xem xét, thảo luận, thông qua 25 nghị quyết, tờ trình quan trọng. Trong đó, 13 nghị quyết về lĩnh vực kinh tế - ngân sách, 3 nghị quyết về cơ chế - chính sách; 3 nghị quyết về văn hóa - giáo dục; 2 nghị quyết về quy hoạch đô thị và 4 nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác.
"Đây là những Nghị quyết hết sức quan trọng, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân TPHCM năm 2022 cũng như nhiều năm tới", bà Nguyễn Thị Lệ báo cáo.
TPHCM đặt mốc tăng trưởng GRDP 6%-6,5% cho năm 2022 (Ảnh: Hữu Khoa).
Trong đó, HĐND TPHCM đã thông qua kế hoạch đầu tư công cho năm 2022. Theo đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước của thành phố trong năm tới là hơn 43.500 tỷ đồng.
Các đại biểu HĐND thành phố cũng thống nhất với nội dung tờ trình của UBND TPHCM về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, đến năm 2025, thành phố cần trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đối với mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, thành phố cần đạt GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD. Với tầm nhìn xa hơn, thành phố cần đạt GRDP 13.000 USD.
Mục tiêu xa hơn được đưa ra là đến năm 2045, TPHCM cần phát triển để trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. Giai đoạn này, GRDP bình quân đầu người của thành phố cần đạt mốc 37.000 USD.
"Toàn hệ thống chính trị đang và sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể và chuẩn bị tổ chức cho nhân dân đón Tết Nguyên Đán Nhâm Dần (2022) bình yên, an toàn nhất", bà Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết thúc kỳ họp.
TPHCM có 3 địa phương tăng cấp độ dịch Covid-19, F0 có dấu hiệu gia tăng Toàn địa bàn TPHCM vẫn đạt tiêu chí cấp độ 2 của dịch Covid-19. Đối với các quận, huyện, có 3 địa bàn tăng cấp độ dịch so với tuần trước đó, ca mắc mới trong tuần cũng tăng nhẹ. Sáng 6/12, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã ký văn bản khẩn về việc thông báo cấp độ dịch...