Bí thư TP.HCM: Chỉ còn 10 ngày để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch
“TP.HCM chỉ còn 10 ngày để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. Đây là chặng đường quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đối với công tác phòng, chống dịch”, Bí thư Nên nói.
“TP.HCM bước sang tuần thứ hai – tuần tăng tốc – quyết liệt thực hiện Nghị quyết 86 với mục tiêu phấn đấu kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15/9″, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kết luận tại hội nghị mở rộng đánh giá 14 ngày tăng cường giãn cách xã hội (23/8 đến 5/9).
Đừng để có tiền mà không đưa đến cho dân
Bí thư nhận định TP.HCM đã đạt một số kết quả đáng mừng nhưng phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Các pháo đài đã lượng hóa cụ thể từng nội dung công việc, tiến độ hoàn thành theo yêu cầu đề ra của các trụ cột trong phòng, chống dịch.
TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp y tế, trước hết là xét nghiệm cộng đồng. Về cơ bản, TP.HCM đã hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2 – tập trung tách nguồn lây nhiễm mạnh; và bước sang giai đoạn 3 – duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng. Công tác điều trị, đặc biệt là phân loại F0, đã đạt kết quả bước đầu, góp phần thay đổi phương thức điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tín hiệu đáng mừng là từ 31/8 đến nay, số ca tử vong giảm. Việc tiêm vaccine tuy chậm lại, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Chiến lược chuyển hóa địa bàn, kiểm soát “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh” đã có kết quả. Nhiều ổ dịch và chuỗi lây nhiễm tiếp tục được kiểm soát. Nhiều khu phong tỏa được gỡ bỏ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành ủy TP.HCM.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nêu 5 thực tế mà các cơ quan tư vấn đã đặt ra trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
5 thực tế trong phòng, chống dịch:
- Không thể “sống chung” với các đợt dịch bùng phát, lây nhiễm sâu rộng.
- Không thể đạt được zero (số 0) Covid-19.
Video đang HOT
- Trong năm 2021, vaccine vẫn tiếp tục khan hiếm.
- Không thể phong tỏa nghiêm ngặt và trên diện rộng lâu dài.
- Dịch bệnh ở khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía nam vẫn còn nghiêm trọng.
Từ nay tới ngày 15/9, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh phải chuẩn bị tâm thế cho người dân để có thói quen, tạo lập lối sống chậm trong điều kiện bình thường mới – sống trong môi trường có dịch Covid-19. Bí thư Nên đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an sinh xã hội.
“Đây là việc quan trọng, tuyệt đối không để người dân khó khăn mà bị bỏ sót. Đừng để gạo một nơi, người một ngả. Đừng để tiền có mà không đưa đến cho người dân”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Điều kiện điều tiên để sống chung với dịch là bao phủ vaccine
Bí thư dẫn chứng kinh nghiệm từ nhiều nước khi “sống chung” với dịch để phát triển kinh tế, duy trì trạng thái bình thường mới thì điều kiện đầu tiên là tiêm vaccine. Do đó, TP.HCM tiếp tục bao phủ vaccine tới từng người dân.
Ông yêu cầu những quận 3, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú và từng “pháo đài” phải cố gắng bằng mọi cách đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine.
Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu các địa phương tiếp tục mở rộng vùng xanh. Ảnh chụp màn hình Bản đồ Covid-19.
Về kiểm soát dịch bệnh, Bí thư cho biết TP.HCM chọn quận 7 và huyện Củ Chi làm mũi đột phá dẫn đầu, thí điểm các giải pháp, chiến lược chuẩn bị cho kịch bản bình thường mới sau ngày 15/9.
Huyện Cần Giờ, Nhà Bè, quận 5, 11 và Phú Nhuận tiếp tục phấn đấu đạt được tiêu chí kiểm soát dịch sớm nhất có thể. Các quận, huyện và TP Thủ Đức vẽ lại bản đồ Covid-19, bản đồ an sinh, bản đồ vaccine để chuẩn bị tâm thế sống trong điều kiện bình thường mới.
Ông đề nghị tiếp tục chuyển trọng tâm điều trị xuống cơ sở. Đặc biệt, TP mời gọi F0 đã khỏi bệnh tham gia tình nguyện, hỗ trợ F0 đang điều trị. Ngành y tế tiếp tục đề nghị Chính phủ có chính sách với cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19 có thu phí, sớm huy động các nguồn lực tham gia vào cuộc chiến phòng, chống dịch.
Về các chiến lược tiếp tục phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện bình thường mới, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu hoàn thiện từng chiến lược cụ thể về an sinh, xã hội, kinh tế, công nghệ, truyền thông, huy động các nguồn lực xã hội, trật tự an toàn xã hội, tâm lý xã hội…
“Tuyệt đối không chủ quan, nôn nóng. Nguyên tắc là từng bước, chắc chắn”, ông nhấn mạnh.
Nghiên cứu thẻ xanh vaccine
Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo từ nay đến 15/9, TP.HCM cơ bản thực hiện các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch như đã làm từ 23/8.
Sau 6/9 có 2 điều chỉnh theo hướng nới lỏng.
Thứ nhất, các siêu thị sẽ mở đến từng xã, phường, thị trấn để shipper mua hàng cho người dân và người dân “vùng xanh” đi chợ 1 lần/tuần. Các địa bàn quận 7, huyện Củ Chi và các quận huyện “vùng xanh” có thể quy định đi chợ 2 lần/tuần nếu đủ điều kiện. Thứ hai, mở hai trung tâm tiếp nhận phân phối hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.
Bên cạnh đó, TP.HCM tập trung hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9. Ông cũng giao Sở Y tế TP.HCM nghiên cứu “thẻ xanh” vaccine để quy định những ai được tham gia các hoạt động sau này.
Quận 7 dự kiến cho kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu
Dự kiến từ 20/9, quận 7 cho mở bán một số mặt hàng thiết yếu, kinh doanh đường phố với điều kiện đã tiêm vaccine 2 mũi, hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ".
Thông tin được Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên với Ban Thường vụ Quận ủy quận 7 sáng 5/9. Cuộc làm việc nhằm đánh giá kết quả phòng chống Covid-19 ở địa phương và đưa ra phương hướng, kịch bản cho những ngày tới.
Trong đợt bùng phát dịch thứ tư, quận 7 ghi nhận 10.828 ca nhiễm, xếp thứ 11/22 quận, huyện tại TP HCM. Cách đây 3 hôm, cùng với huyện Củ Chi, quận đã công bố kiểm soát được dịch.
Theo Chủ tịch UBND quận 7, hiện địa phương đã lập trung tâm nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn bình thường mới. Trong phương án khôi phục kinh tế, dự kiến từ ngày 20/9 quận sẽ cho hoạt động kinh doanh trở lại đối với mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố. Điều kiện để mở cửa là tiêm vaccine 2 mũi, hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" và tuân thủ 5K. Thời gian đầu, quận cho phép hoạt động từ 6 đến 18h hàng ngày, khuyến khích bán hàng online, không phục vụ trực tiếp, chỉ bán mang về.
"Cửa hàng sau khi được thẩm định đạt tiêu chí sẽ gắn bảng hộ kinh doanh xanh hoặc hộ kinh doanh an toàn. Việc mở cửa trở lại thực hiện từng bước, từng ngành nghề theo lộ trình", ông Tuấn Anh nói và cho biết tương tự, chợ truyền thống khi mở bán trở lại cũng phải có phương án cụ thể, đảm bảo phân luồng, có thể hoạt động theo ngày chẵn, ngày lẻ...
Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Trung Sơn
Về kết quả chống Covid-19, ông Tuấn Anh cho biết quận kiểm soát dịch bệnh theo 3 tiêu chí: quản lý F0 trên địa bàn, tỷ lệ tiêm vaccine và đánh giá vùng nguy cơ. Tỷ lệ tử vong trên địa bàn những ngày gần đây giảm, hơn 99% người dân (248.2000) đã được tiêm mũi 1, khoảng 9,5% người dân đã tiêm mũi 2, hơn 4.000 người nước ngoài được tiêm.
Về công tác quản lý F0, tính đến ngày 4/9, quận có tổng cộng 2.461 trường hợp F0 đang chăm sóc tại nhà. Số bệnh nhân Covid-19 tại các khu cách ly tập trung của quận là 2.716 người.
Từ ngày 15 đến 25/8, quận đã đánh giá 3 lần để xác định vùng nguy cơ đối với 747 tổ dân phố. Đến nay có 191 tổ dân phố "vùng đỏ" (chiếm 25,5%), 47 tổ dân phố "vùng cam" (chiếm 6,3%), 100 tổ dân phố "vùng vàng" (chiếm 13,4%) và 409 tổ dân phố "vùng xanh" (chiếm 54,5%). Hiện, "vùng xanh" và "vùng vàng" không còn F0, quận không có điểm phong tỏa, "vùng xanh" tăng lên 68,6%.
Về các đề xuất, lãnh đạo quận 7 cho biết đặc thù của địa phương có Khu chế xuất Tân Thuận với khoảng 45.000 lao động lưu trú tại 3 phường: Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và Bình Thuận. Do đó, quận kiến nghị thành phố thống nhất chủ trương cho các doanh nghiệp tạm sử dụng (1-2 năm, kể từ thời điểm bàn giao đất) các khu đất công do nhà nước quản lý chưa triển khai để xây các khu lưu trú tạm cho công nhân (quy mô một tầng, kết cấu tạm và mật độ xây dựng 60%).
Quận 7 cũng đề xuất thành phố xem xét miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm nay và quý 1/2022 để giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh. Thành phố tiếp tục hỗ trợ các gói an sinh cho công nhân và lao động; hỗ trợ các bộ kit test nhanh (3 ngày/lần) cho hộ kinh doanh khi khôi phục hoạt động trong một tháng đầu.
Thành phố sớm phân bổ thêm vaccine để quận kịp tiêm cho người nước ngoài, công nhân, người tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và những trường hợp đã đủ thời gian khoảng cách giữa 2 mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế với số lượng hơn 178.000 liều.
Đồng thời, quận cũng kiến nghị thành phố bổ sung thuốc điều trị, chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân F0; nhân lực y tế, máy móc, vật tư, trang thiết bị để vận hành Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Số 1 giai đoạn 2 dự kiến 600 giường; tiếp tục có các gói hỗ trợ an sinh cho công nhân và lao động; hỗ trợ các bộ kit test nhanh cho hộ kinh doanh một tháng đầu khôi phục hoạt động.
Trước đó, làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Củ Chi chiều 4/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá với những kết quả khả quan mà Củ Chi và quận 7 đã đạt được thời gian qua, có thể chọn hai địa phương này làm hai mũi đột phá để thí điểm việc chuẩn bị kịch bản "bình thường mới" cho TP HCM sau 15/9.
Đến nay, TP HCM đã trải qua hơn 3 tháng siết chặt giãn cách. Thời gian này, các dịch vụ, kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Hơn 2 tháng qua, các cửa hàng, dịch vụ bán đồ ăn uống mang đi dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy phải tạm ngưng vì không đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ". Từ 23/8 đến nay, người dân được yêu cầu "ai ở đâu yên đó", chính quyền cung cấp lương thực, thực phẩm đến tận nhà.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Phải bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh thành phố sẽ từng bước mở cửa, chắc tới đâu mở cửa tới đó để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, không để lụn bại. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (hàng đầu, bên trái) trao đổi với lãnh đạo Q.7 về các biện pháp khôi phục kinh tế....