Bí thư TP HCM: ‘Chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16′
TP HCM đang lấy ý kiến chuyên gia, bộ ngành liên quan để chuẩn bị tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm kéo giảm lây lan Covid-19, theo Bí thư Nguyễn Văn Nên.
Thông tin được Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo chống Covid-19 quốc gia vào chiều 20/7. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP HCM trải qua ngày thứ 12 giãn cách theo Chỉ thị 16 và ghi nhận hơn 37.700 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư.
“Việc này nhằm thực hiện bằng được mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan Covid-19 trong cộng đồng hiện nay. Vì thời gian qua mục tiêu này chưa đạt”, ông Nên nói và bày tỏ sự cảm ơn các lãnh đạo Trung ương, bộ ngành đã chia sẻ khó khăn, chỉ đạo chặt chẽ, hỗ trợ thành phố trong phòng chống dịch.
Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hữu Công.
“Rất mong các đồng chí nghiên cứu, bàn bạc kịp thời với TP HCM để thống nhất phương án, giải pháp hiệu quả hơn, chung tay thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 16, đem lại kết quả như mục tiêu đề ra”, ông Nên nói.
Tại cuộc họp, thống nhất với ý kiến của Bí thư Thành uỷ TP HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thành phố cần tính toán phương án áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn cho một số địa bàn quá đặc thù.
“Chúng ta đều biết cách ly nghiêm ngặt là biện pháp tốt nhất lúc này để hạn chế lây lan”, ông nói và mong thành phố sớm có biện pháp cần thiết, đủ hiệu lực cho một số khu vực được đánh giá sẽ khó kiểm soát.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Trưởng ban chỉ đạo chống Covid-19 quốc gia đề nghị thành phố cần nỗ lực thêm một bước là thực hiện xét nghiệm như Bộ Y tế hướng dẫn, thậm chí có tần suất cao hơn ở các khu vực nguy cơ cao hoặc nguy cơ chứ không chỉ khu vực nguy cơ rất cao.
Phó thủ tướng khẳng định Bộ Y tế đã thống nhất ưu tiên tối đa thiết bị điều trị cho TP HCM. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang khẩn trương áp dụng cơ chế mua sắm trong thời điểm hiện nay, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa về trang thiết bị, vật tư bảo hộ cho lực lượng chống dịch, nhất là ở các khu hồi sức cấp cứu.
“Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Y tế đảm bảo tất cả bệnh viện trên địa bàn thành phố, khu điều trị nặng… không được thiếu đồ bảo hộ, vật tư cần thiết giữ an toàn cho đội ngũ y tế”, ông Đam nói và đề nghị phải giữ bằng được lực lượng chống dịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo chống phòng chống Covid-19 quốc gia. Ảnh: Hữu Công.
Liên quan vấn đề vaccine, Phó thủ tướng thông tin từ tháng 8/2020 Chính phủ đã có nhiều đàm phán với các hãng sản xuất. Nếu đúng hợp đồng, cuối năm nay Việt Nam đủ lượng vaccine tiêm cho 70% người dân, cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 8/2021 lượng vaccine không có được nhiều.
“Trước tình hình dịch và vai trò của TP HCM, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế ưu tiên tối đa cho thành phố”, Phó thủ tướng nói và khẳng định tới đây nếu vaccine về tiếp, Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên lớn nhất cho thành phố.
Trước đó, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế cùng các bộ, ngành luôn theo dõi và đánh giá việc tổ chức phòng chống dịch tại thành phố. Ngành y tế đánh giá cao nỗ lực của thành phố khi triển khai Chỉ thị 16 và các biện pháp như giám sát dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa để kiểm soát dịch.
“Dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Đỉnh dịch của thành phố cách đây 3 ngày lên đến khoảng 5.000 ca bệnh, nhưng 3 ngày qua đã xuống hơn 3.000. Chưa có dấu hiệu khả quan nhưng trong 10 ngày tới thành phố phải áp dụng quyết liệt các biện pháp”, ông Sơn nói và hy vọng dịch sẽ giảm trong 7-10 ngày tới khi 19 tỉnh, thành phía nam áp dụng tối đa giãn cách theo Chỉ thị 16.
'Bộ Y tế dự kiến thí điểm cách ly F0 tại nhà ở TP HCM'
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà ở TP HCM.
Trưa 13/7, trả lời VnExpress, Thứ trưởng Sơn cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện 10 ngày nếu không có triệu chứng có thể cho về nhà. Theo đó, Bộ Y tế dự kiến, F0 sau khi được bệnh viện điều trị 10-14 ngày mà không có triệu chứng sẽ cho về tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà. Phương án cách ly F0 sẽ tổ chức thí điểm tại TP HCM.
"Ban đầu sẽ áp dụng cho nhóm bệnh nhân như nhân viên y tế và những người có khả năng tự theo dõi sức khỏe", Thứ trưởng Sơn nói. Nhóm này phải đáp ứng các điều kiện về nơi cách ly tương tự các tiêu chí khi áp dụng cách ly F1 tại nhà đã được thí điểm triển khai thời gian qua.
"Đặc biệt, F0 cách ly tại nhà phải có hệ thống y tế kết nối trực tiếp và phản ứng hết sức linh hoạt khi có những triệu chứng báo động y tế, phải được cấp cứu đưa ngay đến các cơ sở y tế theo đúng kế hoạch đã phân công", ông Sơn cho biết thêm.
Những ngày qua, mỗi ngày TP HCM đều ghi nhận hơn 1.000 bệnh nhân. Tính đến trưa 13/7, số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ tư tại đây là 16.027.
Phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà trước đó cũng được một số chuyên gia đề xuất.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Quỳnh Trần.
Hôm 11/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với TP HCM, cũng yêu cầu thành phố làm việc với Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh thời gian điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến phù hợp.
Hiện, tất cả bệnh nhân Covid-19 (F0) bắt buộc cách ly, điều trị tại cơ sở y tế. Tại TP HCM, các ca nhiễm không triệu chứng được điều trị tại bệnh viện dã chiến, được theo dõi y tế và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.
Quy định hiện nay của Bộ Y tế, các ca F0 không triệu chứng cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày và lấy ít nhất hai mẫu bệnh phẩm cách nhau 48-72 giờ, xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp RT-PCR. Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng đến khi ra viện không quá 24 giờ. Sau khi ra viện, người bệnh được tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế, cho biết thời điểm mấu chốt để sàng lọc phân loại bệnh nhân nặng hay nhẹ là ngày điều trị thứ 7-8, cơ sở y tế cần theo dõi sát thời gian đầu. Những bệnh nhân sau hơn một tuần không có dấu hiệu dự báo tiến triển nặng trên lâm sàng và xét nghiệm, bác sĩ mới coi là bệnh nhân nhẹ và chuyển sang khu cách ly chờ hồi phục.
Đến nay, Bộ Y tế chỉ hướng dẫn cách ly F1 tại nhà , đang được triển khai thí điểm ở một số địa phương. Cuối tháng 6, Bộ Y tế hướng dẫn TP HCM cách ly F1 tại nhà 28 ngày, nếu đảm bảo đủ điều kiện, như có phòng riêng, khép kín, tách biệt khu sinh hoạt chung của gia đình.
Theo đó, UBND cấp xã tại TP HCM cho phép F1 cách ly tại nhà nếu họ có nhà ở riêng (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập). Nhà có phòng cách ly riêng, khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nhà nhiều tầng thì dùng riêng một tầng để cách ly F1. Các hộ gia đình đảm bảo có một phòng khác để nhân viên y tế đến khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe F1.
Phòng cách ly có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng; đủ dụng cụ sinh hoạt cá nhân; có dụng cụ đo thân nhiệt; thùng đựng rác có nắp đậy và dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa Covid-19". Nhà có điều kiện được khuyến khích dùng điều hòa, máy giặt riêng; đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên mở cửa sổ. Ngoài ra, mỗi gia đình cần có bộ phòng hộ cá nhân như khẩu trang y tế, găng tay, giày, kính, quần áo bảo hộ để các thành viên dùng khi tiếp xúc với F1.
Trên cơ sở đánh giá thí điểm tại TP HCM, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.
'Y bác sĩ không được tham gia điều trị Covid-19 nếu chưa tiêm đủ vaccine' Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu tất cả nhân viên y tế Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi phải được tiêm đủ hai mũi vaccine. "Các trường hợp không được tiêm vaccine hoặc chống chỉ định thì không tham gia công tác điều trị bệnh nhân", Thứ trưởng Sơn nói khi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Điều...