Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên kiểm tra công tác ứng phó bão Noru tại vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước
Trước những diễn biến phức tạp của bão Noru, chiều 25/9, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão tại thị xã Sông Cầu – vùng nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước.
Ngư dân thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đưa tàu thuyền vào bờ để tránh bão Noru. Ảnh: Tường Quân/TTXVN
Trực tiếp kiểm tra khu vực cảng cá Dân Phước và các lồng bè nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là tôm hùm) tại thị xã Sông Cầu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu chính quyền địa phương chủ động thông báo, hướng dẫn người nuôi các biện pháp chằng chống, thả chìm hoặc di chuyển 82.696 lồng nuôi thủy sản đến vùng an toàn.
Đối với 4.780 người thường xuyên làm việc, canh giữ các bè nuôi phải được sơ tán trước thời điểm bão Noru đổ bộ vào đất liền. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu cần xây dựng phương án cụ thể để sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là vùng ven biển, cửa sông khi cần thiết.
Mặc dù chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru nhưng từ 19 giờ ngày 24/9 đến 11 giờ ngày 25/9, trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 60 – 148mm. Mưa to đã khiến cho khu phố Dân Phước và Vạn Phước (phường Xuân Thành) bị ngập úng với khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng. Địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để khơi thông dòng chảy nên tình trạng ngập úng đã cơ bản được khắc phục.
Video đang HOT
Để chủ động ứng phó khi bão Noru đổ bộ vào đất liền, tỉnh Phú Yên đã đã duy trì nghiêm chế độ trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Các địa phương ven biển là thị xã Sông Cầu, Đông Hòa; huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa đã tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp chằng néo nhà cửa. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã thông tin cho 4.107 phương tiện nghề cá với 24.600 lao động vào nơi tránh trú an toàn.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 26/9, tỉnh Phú Yên sẽ cấm tàu thuyền ra khơi.
Bộ Giao thông vận tải ra công điện khẩn ứng phó bão Noru
Bộ Giao thông vận tải vừa có công điện về việc ứng phó với cơn bão gần Noru trên biển Đông đang di chuyển nhanh, cường độ mạnh, có khả năng ảnh hưởng đến nước ta.
Đồn biên phòng Cửa Đại và đồn biên phòng ven biển tỉnh Quảng Nam hướng dẫn hàng chục tàu thuyền chở hàng, sà lan trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam chỉ đạo hệ thống Đài thông tin Duyên hải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Đối với Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đơn vị này chỉ đạo các cảng vụ hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại cảng, vùng nước và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn.
Đặc biệt, các cảng vụ không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão, đặc biệt đối với các tàu vận tải, du lịch. Đồng thời, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng, bến, con người hoạt động trong phạm vi quản lý.
Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Trong khi đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chỉ đạo các Cảng vụ đường thủy nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại cảng, vùng nước và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn, không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông ở những vị trí trọng yếu, đảm bảo giao thông thủy an toàn.
Đối với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình; phối hợp đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đang thi công và xây dựng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các Cục quản lý đường bộ khu vực chịu ảnh hưởng của bão, rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt; tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ; kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu... để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực ứng trực sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; trong đó, cần đặc biệt chú ý các công trình ở khu vực hay có lũ đột xuất.
Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác an toàn bay, không cho phép máy bay cất hạ cánh khi có tình huống xấu của thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của bão.
Trong khi đó, các Sở Giao thông Vận tải được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu có nhiệm vụ rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt tiến hành khắc phục sự cố do mưa, bão, lũ gây ra, tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ ủy thác và đường địa phương...
Quang Toàn (TTXVN)
Ứng phó bão Noru: Tích cực thu hoạch sớm diện tích lúa, rau màu Theo các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chủ động ứng phó với bão số 4 (bão Noru), các đơn vị đã liên hệ với các địa phương để hướng dẫn nông dân thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm "xanh nhà hơn...