Bí thư Quảng Ninh vào cuộc xử lý việc khai thác thủy sản kiểu tận diệt
Trước tình trạng khai thác thủy sản bằng những công cụ đánh bắt hủy diệt thường xuyên diễn ra tại các địa phương ven biển, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã đích thân kiểm tra hoạt động này tại các địa phương ven biển và vùng lõi Vịnh Hạ Long.
Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp trò chuyện, phân tích … với ngư dân về tác hại của việc khai thác thủy sản kiểu tận diệt (ảnh Cổng TTĐT Quảng Ninh)
Cụ thể, ngày 5/8, tại cuộc kiểm tra trực tiếp hoạt động khai thác thủy sản của một số phương tiện đang đánh bắt thủy sản trên khu vực Vịnh Bái Tử Long, ông Đọc cùng đoàn công tác đã phát hiện hầu hết các chủ phương tiện đánh bắt gần bờ đều sử dụng các dụng cụ cấm trong khai thác thủy sản, nhất là sử dụng bộ kích điện.
Tại đây, ông Đọc đã trực tiếp trò chuyện, phân tích với các chủ phương tiện về việc sử dụng các dụng cụ khai thác mang tính hủy diệt như hiện nay sẽ dẫn đến các loài thủy hải sản không có cơ hội sinh sống, tồn tại được trong vùng nước Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các vùng biển lân cận.
Ông Đọc yêu cầu các địa phương nghiêm túc rà soát, kiểm tra, xử lý các phương tiện sử dụng công cụ khai thác thủy sản hủy diệt. Đồng thời tới đây tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Ông Đọc yêu cầu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức chương trình tổng thể ra quân trên toàn tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức thành lập các đoàn (bao gồm biên phòng, công an, Chi cục bảo vệ nguồn lợi tủy sản, cảnh sát biển, kiểm ngư…) rà soát, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, quyết liệt, xử lý nghiêm đối với các phương tiện sử dụng công cụ khai thác, đánh bắt thủy sản hủy diệt (xiết điện, mìn, lồng bát quái…).
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ông Đọc cũng yêu cầu UBND các địa phương có kế hoạch thông tin, tuyên truyền cho ngư dân trên địa bàn không được sử dụng các thiết bị cấm trong khai thác, đánh bắt thủy sản; rà soát, kiểm tra các phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản, nhất là những phương tiện đánh bắt gần bờ.
Ông Đọc nhấn mạnh, trong năm nay, cấm khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long và dần chấm dứt toàn bộ các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trong khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, tập trung phát triển loại hình du lịch trải nghiệm câu cá trên Vịnh, tạo hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân.
An Nhiên
Theo Dantri
Nghề lưới vây thất thu chuyến đi biển xuyên Tết
Nếu như những tàu câu cá ngừ đại dương (CNĐD) trúng đậm trong chuyến biển xuyên Tết thì những tàu cá hành nghề lưới vây, chủ yếu đánh bắt cá ngừ sọc dưa lại thất thu do biển lạnh. Nhiều tàu sau khi cập cảng bán cá không đủ tổn phí cho chuyến biển.
Nghề câu cá ngừ đại dương thắng lớn
Sau Tết Nguyên đán, những tàu câu CNĐD xuyên Tết của ngư dân tỉnh Bình Định tấp nập cập cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) để bán cá cho thương lái. Theo ghi nhận, từ ngày mùng 2 đến mùng 10 Tết, cửa biển Tam Quan, đón trên 50 lượt tàu cá cập bến với sản lượng khai thác trung bình từ 2 - 2,5 tấn hải sản mỗi tàu, cá biệt có một số tàu cá đánh bắt được hơn 4 tấn. Đặc biệt, nhiều tàu câu CNĐD cập cảng với 40-50 con/tàu, cá biệt có tàu câu được 100 con. Hầu hết các tàu này, sau khi cân bán cá, mỗi ngư dân đi bạn tàu được chia trên 10 triệu đồng, tàu trúng đậm chia cho ngư dân cả 20 triệu đồng.
Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) nhộn nhịp ngày đầu năm mới
Ngày 5/1, tàu cá BĐ 96966 TS của ông Nguyễn Minh (trú ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cập cảng Tam Quan với 89 con cá ngừ đại dương. Ông Minh phấn khởi: "Chuyến biển kéo dài gần 20 ngày, tàu bán được 340 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lại gần 200 triệu đồng, chia cho ngư dân mỗi người trên 10 triệu về ăn Tết muộn với gia đình.
Còn ông Lê Xô (trú thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) cho hay, tàu của ông đánh bắt được hơn 100 con cá ngừ đại dương, các khoang chứa đầy ắp cá nên các anh em được vào bờ sớm hơn dự kiến. Mỗi bạn đi biển được chia hơn 20 triệu đồng. Các ngư dân ai ấy đều phấn khởi khi thành quả xứng đáng với việc phải xa nhà, ăn Tết trên biển.
Ngư dân Bình Định thắng đậm cá ngừ đại dương trong chuyến biển xuyên Tết
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, có 954 tàu cá với trên 9.550 ngư dân địa phương này đã vươn khơi khai thác thủy sản ở những vùng biển xa và đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 trên biển. "Hiện nay, nhiều tàu cá khai thác cá ngừ đại dương đã cập bờ, bình quân mỗi tàu từ 2-2,5 tấn cá. Nhờ vậy, nhiều tàu thu lãi hàng trăm triệu đồng" - ông Trần Văn Phúc- Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định nói.
Nghề lưới vây thất thu
Những ngày này, cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định) nhộn nhịp đón các tàu hành nghề CNĐD cũng như nghề lưới vây khai thác thủy sản trong dịp Tết Nguyên đán cập cảng. Thế nhưng, trái với tâm trạng phấn khởi của những ngư dân trên các tàu CNĐD vì trúng đậm, thì ngư dân trên tàu cá hành nghề lưới vây, chủ yếu đánh bắt cá ngừ sọc dưa lại rầu rĩ vì sản lượng đánh bắt không đạt. Nhiều tàu sau khi cập cảng chỉ 3-4 tấn cá, sau khi bán cá không đủ tổn phí cho chuyến biển.
Trong khi đó, nhiều tàu hành nghề lưới vây chủ yếu đánh bắc cá ngừ sọc dưa bị lỗ nặng
Từ vùng biển Trường Sa cập cảng Quy Nhơn sau chuyến biển đón Tết ngoài khơi, tàu mang số hiệu BĐ 96999 TS do ngư dân Huỳnh Văn Đỏ (40 tuổi, trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ cập bến với vẻ mặt mệt mỏi, buồn bã của 12 thuyền viên. Ngư dân Đỏ cho biết: "Tàu chúng tôi đi đánh bắt bằng nghề lưới vây từ ngày 17/1 tại ngư trường Trường Sa. Anh em thuyền viên phải xa vợ con đón Tết trên biển hy vọng kiếm lộc biển, nhưng năm nay, gió lớn quá chỉ đánh bắt được 5 tấn cá ngừ sọc dưa, trong khi đó mọi năm ít nhất cũng đạt trên 20- 30 tấn/ chuyến. Chưa năm nào đón Tết trên biển mà buồn nay. Chuyến nay lỗ nặng, phí tổn chưa đủ nói gì đến tiền chia cho anh em thuyền viên".
Không khá hơn tàu ngư dân Đỏ, chuyến biển 1 tháng lẻ 4 ngày, tàu cá BĐ 98056 TS do ngư dân Đặng Quang Trường (36 tuổi, ngụ xã Hoài Hương, Bình Định) làm chủ cập cảng Quy Nhơn chỉ vỏn vẹn khoảng 4 tấn cá ngừ sọc dưa.
Vẻ mặt buồn bã, ngư dân Huỳnh Văn Thanh (40 tuổi, thuyền viên trên tàu), nói: "Hiện nay, giá bán cá ngừ sọc dưa loại 1 tại cảng chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Vì vậy, chuyến biển này tàu chỉ về được khoảng gần 60 triệu đồng. Trong khi đó, phí tổn chuyến biển lại lên đến 150 triệu đồng. Năm ngoái, sau khi trừ chi phí thì mỗi thuyền viên đều cầm trong tay gần chục triệu đồng. Năm nay thì lỗ nặng. Buồn nhất là anh em cùng nhau vươn khơi ăn Tết xa nhà nhưng kết quả không được như mong muốn. Thôi thì lỗ chuyến này, chuyến khác sẽ lấy lại, điều quan trọng ngư dân chúng tôi ra khơi không chỉ khai thác thủy sản mà còn để giữ đảo, giữ vùng biển của tổ tiên".
Doãn Công
Theo Dantri
Ngư dân tố tàu thanh tra thủy sản đâm chìm tàu cá Đang đánh bắt cá trên biển, tàu cá bị tàu thanh tra ra tín hiệu dừng lại. Sau đó hai tàu va chạm nhau khiến tàu cá bị chìm. Theo thuyền trưởng Dương Văn Đồng (35 tuổi, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), ngày 16/11, anh cùng 4 ngư dân điều khiển tàu 52CV ra biển hành nghề lưới. Khoảng 8h30...