Bí thư huyện đào hầm xuyên núi nói gì?
Bí thư huyện Tây Giang, Quảng Nam phủ nhận chuyện đào hầm xuyên núi để khai thác vàng.
Ngôi nhà “bình thường” của ông Liếc. Ảnh: QN
Tỉnh ủy Quảng Nam đang lập đoàn kiểm tra việc ông Bríu Liếc, Bí thư huyện Tây Giang, tự ý đào hầm dài gần 100 m xuyên lòng núi. Theo thông tin trên báo chí, đường hầm được đào vòng cung với nhiều ngóc ngách và đã thông sang sườn núi bên kia. Hầm dài gần 100 m, rộng 1,5 m, cao chừng 2 m.
Để tìm hiểu thực hư, phóng viên đã trao đổi trực tiếp với ông Bríu Liếc.
Thưa ông, ông lý giải thế nào về việc dư luận cho rằng ông đang đào hầm xuyên núi để khai thác vàng?
Ông Bríu Liếc: Thời gian qua, báo chí đăng nhiều thông tin về việc này nhưng chưa có ai trực tiếp gặp để nghe tôi giải thích cả. Tôi cảm thấy áp lực vô cùng.
Như anh thấy, mọi thứ vẫn còn nguyên đó như chiếc xe rùa, đất đá vẫn còn phía ngoài đó chứ vàng đâu ra. Làm gì có chuyện đào núi để khai thác vàng được. Chỉ là những lời đồn ác ý thôi. Tôi chỉ đào hầm để trữ rượu gia truyền, bởi sợ mất thương hiệu mà gia đình gìn giữ lâu nay.
Gia đình tôi có truyền thống nấu rượu từ rất lâu nhưng rồi bị thất truyền. Mấy năm gần đây nhờ bà cô chỉ nên tôi khôi phục lại được loại rượu men lá ngon của gia đình. Muốn thơm ngon, rượu phải được ủ dưới đất lâu ngày nên tôi mới đào hầm để chôn rượu. Sau này nếu có điều kiện, tôi sẽ mở thương hiệu riêng.
Hầm để chứa rượu có cần thiết phải dài đến hàng trăm mét và nhiều ngõ ngách như vậy không, thưa ông?
Video đang HOT
Làm gì có nhiều ngõ ngách. Anh xem chỉ có một con đường hầm nối từ phía hông nhà tôi ra phía ngoài đường thôi. Hầm này được chúng tôi đào để trữ rượu từ năm 2009 đến giờ. Tuy nhiên, không phải đào liên tục mà rảnh rỗi thì chú cháu đào một ít. Đất đá vẫn còn đó chứ có mất đi đâu mà không thấy được. Chiều dài thực của hầm chỉ 48 m, không có chuyện hầm dài cả trăm mét, xuyên núi đâu.
Do có dơi bay vào phía trong nên tôi che tấm bạt ngay ở miệng hầm để trẻ con không nghịch ngợm vào trong bắt dơi.
Ông Liếc đang trả lời phỏng vấn.
Ở một huyện nghèo, đa số đồng bào thiểu số phải nhận trợ cấp hằng tháng như huyện Tây Giang mà ông bí thư lại có hẳn một đường hầm chứa rượu và một căn biệt thự. Hẳn ông là người giàu có?
Cái đó không phải là biệt thự, cũng là nhà bình thường thôi chứ có chi đâu. Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ dùng chức quyền để xin xỏ ai hết, không tin mấy anh cứ hỏi các doanh nghiệp địa phương thì biết ngay thôi. Đến bây giờ tôi vẫn còn nợ tiền vật liệu xây dựng. Tiền xây nhà do tôi dành dụm được. Mà thôi nói chuyện đào hầm được rồi, còn chuyện nhà cửa của tôi thì đừng nói tới nữa.
Ông tự nhận thấy việc đào một đường hầm dài như vậy có trái quy định pháp luật hay không?
Việc đào hầm này cũng như đào một cái giếng vậy thôi chứ có gì đâu. Tôi không biết mình vi phạm chỗ nào nữa.
Hiện tỉnh Quảng Nam đã lập đoàn kiểm tra về việc ông đào hầm xuyên núi. Ông có ý kiến gì về việc này hay không?
Tôi cũng mong cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra để biết thực hư vấn đề. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ hỏi cụ thể là mình vi phạm quy định nào. Nếu họ có căn cứ xác định rõ ràng tôi vi phạm thì tôi sẽ đồng ý lấp hầm. Còn nếu họ không trả lời rõ ràng, tôi sẽ không chấp nhận.
Xin cám ơn ông.
Phải làm rõ nhiều điểm Theo tôi, việc ông Bríu Liếc, Bí thư huyện Tây Giang (Quảng Nam), đào hầm xuyên núi vì mục đích gì thì phải do cơ quan chức năng xác định chứ không thể tin vào lời ông nói. Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, hành vi này bị chế tài như thế nào còn tùy thuộc vào việc cơ quan chức năng làm rõ mấy điểm sau: Nếu ngọn núi này nằm trên mảnh đất không thuộc quyền quản lý, sử dụng của cá nhân ông thì ông vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại Nghị định 102/2014 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai). Nếu ngọn núi đó thuộc quyền sử dụng của ông thì phải làm rõ mục đích ông đào hầm để làm gì. Đào để trữ rượu thì chưa chắc đã vi phạm. Còn nếu đào vì mục đích tìm đãi vàng sa khoáng thì phải làm rõ ông có giấy phép hay không. Nếu không có giấy phép mà vẫn đào là vi phạm quy định tại Luật Khoáng sản. Bởi tổ chức hay cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản thì phải có giấy phép theo Điều 41 luật này và tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép phải có đủ các điều kiện theo điểm a khoản 2 Điều 53 luật này. Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang
T.TÙNG ghi Việc ông Bríu Liếc, Bí thư huyện Tây Giang, đào hầm là có thật. Tuy nhiên, việc đào hầm này với mục đích là khai thác vàng hay mục đích gì khác thì chưa rõ. Tỉnh ủy sẽ sớm cử đoàn đến kiểm tra, nếu thấy có nguy hiểm thì yêu cầu ông Liếc phải sớm lấp lại ngay. Ông PHAN VIỆT CƯỜNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Tôi cho rằng ông Liếc đào hầm là để ủ rượu và mở rộng thương hiệu rượu truyền thống Tây Giang mà thôi. Hầm sau này có thể chứa rượu ba kích và rượu gia truyền của nhà ông Liếc. Ông LÊ HOÀNG LINH
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, Quảng Nam
Theo Quang Nam (Pháp luật TPHCM)
Bí thư huyện đào xuyên núi để 'làm hầm rượu'
Hầm dài gần 100 m với nhiều ngóc ngách thông qua ngọn núi phía sau biệt thự của Bí thư huyện Tây Giang (Quảng Nam).
Đường hầm dài gần 100 m, cao khoảng 2 m. Ảnh: Tiến Hùng.
Ngày 22/3, ông Zơ Râm Buôn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Giang (Quảng Nam), cho biết sẽ kiểm tra căn hầm được ông Bríu Liếc, Bí thư huyện này đào thông qua ngọn núi. "Cái đó mình không biết, nếu biết thì đã cho kiểm tra rồi", ông Buôn nói.
Theo ghi nhận, đường hầm hình vòng cung dài gần 100 m đã được đào thông sang sườn núi bên kia. Ngọn núi nhỏ này nằm ngay phía sau biệt thự của gia đình ông Liếc. Chiều rộng đường hầm hơn 1,5 m và cao khoảng 2 m, đang trong giai đoạn thô. Bên trong gồm nhiều ngóc ngách, đất đá vương vãi chưa được vận chuyển hết ra ngoài, các dụng cụ thi công nằm la liệt.
Bên trong hầm có nhiều ngóc ngách, Bí thư huyện cho hay, việc thi công vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Tiến Hùng.
Miệng hầm hướng ra con đường trung tâm huyện Tây Giang gần đây đã được che kín bạt. Người dân cho hay, việc đào hầm đã được ngưng cách đây ít tháng, khi có đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lên làm việc với huyện. Do tình trạng khai thác vàng trái phép đang xảy ra ồ ạt ở địa phương này nên một số người dân cho rằng đường hầm được đào với mục đích tìm kiếm vàng.
Trao đổi với VnExpress, ông Bríu Liếc phủ nhận việc đào núi để khai thác vàng và cho hay hầm được đào từ năm 2009, đến giờ vẫn chưa xong. "Núi này làm gì có vàng. Đất đá đưa ra ngoài vẫn để ngổn ngang đó, vàng đâu ra", ông Liếc nói.
Ngọn núi nơi đường hầm thông qua. Miệng hầm được che kín bạt trắng. Ảnh: Tiến Hùng.
Theo Bí thư huyện, đường hầm mới xuyên qua núi và còn một số hạng mục chưa hoàn thiện. "Nó vẫn đang còn hẹp. Mục đích của tôi đào là để sau này làm hầm rượu. Đến lúc về hưu, không có việc gì làm thì nấu rượu mang vào đó chôn rồi mời bạn bè đến uống", ông Liếc nói và khẳng định khu vực này là đất của ông, vì vậy việc đào hầm xuyên núi không hề vi phạm.
Tiến Hùng
Theo VNE