Bí thư đoàn bị kết án 3 năm tù oan: Thẩm phán phải chịu toàn bộ phí bồi thường?
Theo luật sư, khi Nhà nước bồi thường xong, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân.
Những ngày qua, câu chuyện về anh Bùi Minh Lý (32 tuổi, ngụ ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) – chàng trai bị TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) kết án 3 năm tù oan đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Trước khi bị bắt, anh Bùi Minh Lý từng là Bí thư chi đoàn ấp Trung với nhiều bằng khen về công tác. Lúc đó, anh Lý cũng là một đảng viên dự bị, sắp được chuyển đảng chính thức.
Nhiều người thắc mắc, tại sao dù không đủ chứng cứ xác định phạm tội nhưng TAND quận Bình Thạnh vẫn “thẳng tay” kết tội anh Lý cướp giật tài sản và xử phạt 3 năm tù giam. “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm với bản án đã huỷ hoại cả tuổi trẻ của anh Bùi Minh Lý?
Anh Bùi Minh Lý, người bị TAND quận Bình Thạnh kết án 3 năm tù oan. (Ảnh: Thy Huệ)
Sáng 10/3, trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc kết án sai làm mất hết cơ hội chính trị, cơ hội cuộc sống cho bản thân người bị kết án oan và cho cả gia đình họ.
Đối với trường hợp của anh Bùi Minh Lý, việc cần làm ngay của các cơ quan chức năng là công khai xin lỗi anh Lý theo quy định của pháp luật. Sau đó, rà soát lại toàn bộ vụ việc và nhanh chóng bồi thường cho anh Lý theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Về trách nhiệm bồi thường, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cũng đã quy định rõ trong Điều 60 và Điều 64.
Theo đó, đối với kinh phí bồi thường, Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kinh phí bồi thường bao gồm tiền chi trả cho người bị thiệt hại và chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.
Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách Trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách Trung ương. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh. Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.
Người thi hành công vụ có lỗi (Thẩm phán, điều tra viên…) có nghĩa vụ hoàn trả số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân.Luật sư Bùi Minh Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM
Như vậy, khi có yêu cầu bồi thường có cơ sở, Nhà nước phải bố trí kinh phí để bồi thường cho người có yêu cầu. Tuy nhiên, khi Nhà nước bồi thường xong thì người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại (Thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên…) phải có nghĩa vụ hoàn trả ngân sách một phần hoặc toàn bộ số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân theo quy định tại Điều 64.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.
Luật sư Cường cũng cho biết thêm, đối với các vụ bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, các khoản bồi thường có thể gồm: Thiệt hại về tài sản do bị xâm phạm, thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, thiệt hại về vật chất do người thiệt hại bị mất, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm hại, thiệt hại về tinh thần, chi phí khiếu nại…
Video đang HOT
Người bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường và chứng minh những thiệt hại thực tế, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
“Trên thực tế, giá trị yêu cầu bồi thường của người bị oan sai là rất lớn vì thời gian nhiều và đôi khi những thiệt hại mang tính vô hình khó có thể cân đo đong đếm được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác thực hiện bồi thường thiệt hại của Nhà nước bị kéo dài do quá trình thương lượng, các bên khó tìm được điểm chung để thống nhất giải quyết”, luật sư Trần Minh Cường cho hay.
Chia sẻ với VTC News, anh Bùi Minh Lý cho biết, điều hiện tại anh mong muốn nhất là nhận được lời công khai xin lỗi của TAND quận Bình Thạnh tại nơi anh cư trú là ấp Trung (xã Đông Thạnh). Còn việc bồi thường, anh đã nhờ luật sư nghiên cứu với mức hợp lý để không quá làm khó ai.
“Giờ tôi chỉ cần TAND quận Bình Thạnh về đây (ấp Trung, xã Đông Thạnh) công khai xin lỗi tôi. Tôi sống ở đây, dân làng biết tôi, tôi mang oan họ dị nghị, vì vậy tôi cần được rửa oan tại đây. TAND quận Bình Thạnh nói sẽ công khai xin lỗi ở Bình Thạnh, tôi không chấp nhận, vì ở đó có ai biết tôi là ai đâu”, anh Lý nói.
Tối 19/1/2014, vợ chồng chị N.T.T. đãi tiệc tất niên ở Phường 25 (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Bàn tiệc đặt ở hai bên đường hẻm. Khi chị T. bưng thức ăn ra thì bị một thanh niên chạy xe máy giật sợi dây chuyền rồi phóng ga tẩu thoát. Sau đó, chồng chị T. và một người trong đám tiệc lấy xe máy đuổi theo. Đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, khi thấy anh Lý đang chạy xe thì hai người này áp sát, xông vào đánh, khống chế anh Lý và mời công an đến làm việc.
Tháng 7/2015, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm, tuyên phạt anh Lý 3 năm tù về tội cướp giật tài sản. Trong hơn 28 tháng bị tạm giam, anh Lý bị đưa ra tòa 5 lần, 3 phiên sơ thẩm và 2 phiên phúc thẩm. Ngay từ đầu khi bị bắt tạm giam, anh Lý đã kêu oan.
Tháng 9/2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại. Sau nhiều lần trả hồ sơ, ngày 31/7/2018 cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra với anh Lý do đã hết thời hạn điều tra mà không đủ chứng cứ xác định anh phạm tội.
Sau khi xác định anh Lý bị oan, đại diện các cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh liên lạc anh Lý đề nghị được tổ chức xin lỗi anh tại TAND quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, anh Lý không đồng ý mà yêu cầu phải xin lỗi anh tại địa phương nơi anh sinh sống.
Bí thư chi đoàn bị kết án oan: ' tôi từng muốn chết đi'
"Lúc đó tôi nghĩ chết còn sướng hơn sống. Nhưng rồi lại suy nghĩ mình không có làm, nếu mình chết đi thì mãi mãi sẽ là một tội phạm. Do đó tôi ráng cố gắng", anh Lý nói.
Trưa 8/3, anh Bùi Minh Lý (ngụ tỉnh Long An) bước từ trong nhà ra với chiếc áo sơ mi cũ, chiếc quần tây dính nhiều vết sơn xây dựng. "Tôi đang chuẩn bị đi phụ hồ ở bên trường học gần đây", người đàn ông có vẻ ngoài sương gió, già dặn hơn tuổi 32 nói.
7 năm trước, anh Lý là một bí thư đoàn hăng hái, năng nổ của ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, Long An. Nhưng rồi biến cố ập đến, Lý bất ngờ bị buộc tội Cướp giật tài sản.
Gần 3 năm tù oan
Tối đó là ngày 19/1/2014, nhằm chủ nhật. Như thường lệ, anh Lý chạy xe từ nhà lên cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh (TP.HCM), để đón người vợ làm nghề tóc. Hai vợ chồng chỉ mới cưới nhau được 6 tháng.
Xe của Lý quẹo vào hẻm ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần chùa Bảo Minh thì bất ngờ có 2 thanh niên ép xe anh vào lề, đánh và nói Lý cướp giật dây chuyền. Lúc này, Lý bất ngờ, bước xuống xe và nói mình không có giật của ai. Rồi hai người đó nói Lý đi cùng họ.
Một lúc sau, Công an phường 25, quận Bình Thạnh, đưa Lý về phường, buộc anh cướp dây chuyền dù Lý một mực khẳng định mình không thực hiện hành vi đó. Ba ngày sau, Lý bị tạm giam tại Công an quận Bình Thạnh.
"Lúc tôi bị đưa về công an là có bà N.T.T. (nạn nhân) ở đó. Bà T. chỉ vào tôi và khẳng định tôi chính là kẻ giật dây chuyền. Tôi bất ngờ không hiểu vì sao mình lại bị như vậy. Hóa ra mình tình cờ chạy ngang vào lúc đó, đi chiếc xe máy và mặc áo khoác có vẻ giống tên cướp nên bị bắt. Họ chỉ căn cứ lời khai của bị hại", Lý kể lại.
Anh Bùi Minh Lý. Ảnh: Hoài Thanh.
Vì không cướp giật của ai nên trong tất cả biên bản làm việc, lấy lời khai hay cả khi ra tòa, Lý đều khẳng định mình không có tội. Nhưng đến tháng 7/2015, TAND quận Bình Thạnh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt anh Lý 3 năm tù về tội Cướp giật tài sản.
"Đó là khoảng thời gian tôi khủng hoảng, không còn là bản thân mình nữa. Đang yên đang lành tự dưng mọi thứ sụp đổ. Lúc đó tôi nghĩ chết còn sướng hơn sống. Nhưng rồi lại suy nghĩ mình không có làm, nếu mình không cố gắng thì ai sẽ là người đồng hành kêu oan cho mình. Và nếu mình chết đi thì mãi mãi sẽ là một tội phạm. Do đó tôi ráng cố gắng", Lý giãi bày.
Sau án sơ thẩm, Lý cùng gia đình làm đơn kháng cáo kêu oan. 2 tháng sau, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy án để điều tra lại. Sau nhiều lần trả hồ sơ, ngày 31/7/2018, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra với anh Lý do đã hết thời hạn điều tra mà không đủ chứng cứ xác định anh phạm tội. Tổng cộng Lý bị tạm giam 28 tháng 10 ngày.
Nói về quãng thời gian bị bắt ngồi tù, Lý dùng từ "dài đằng đẵng". "Một ngày trong tù dài không tả nỗi. Nhiều khi tôi nghĩ những người đã làm oan sai cho tôi chỉ cần vào trỏng ở 10 ngày thôi, không cần nhiều, họ sẽ trải qua cảm giác khổ đau mà những người bị oan như tôi đã chịu đựng. Thấm lắm", Lý bày tỏ.
Từ suy sụp đến vỡ òa
Ngồi cạnh con trai, ông Bùi Văn Luân (55 tuổi) vẫn còn nghẹn ngào khi nhắc lại khoảng thời gian khiến cả gia đình ông suy sụp.
Nhà ông Luân có 3 người con, Lý là con trai đầu, lao động chính của gia đình. Thời điểm Lý bị bắt, đứa con trai thứ hai vừa mất vì bệnh được mấy tháng.
"Tối đó lòng tôi như lửa đốt khi thấy con đi đón vợ mà khuya rồi vẫn chưa về, gọi điện thoại lại không bắt máy. Đến qua 0h, Lý gọi điện về nói 'con không giật dây chuyền mà họ nói con giật, giờ bắt nhốt trên quận Bình Thạnh rồi cha ơi'. Cả nhà tôi suy sụp tinh thần. Nhưng vẫn ráng đi làm để có tiền thăm nuôi và thuê luật sư kêu oan cho con", ông Luân bùi ngùi.
Ngày Lý được đưa ra tòa, người cha chạy theo nói với công an rằng con ông không có tội. Ông Luân còn thề nếu Lý cướp giật thì bắt nhốt cả ông luôn cũng được. Nhưng sự khẳng định con trai vô tội của người cha này cũng không xoay chuyển được bản án của cơ quan tố tụng. Dù vậy, gia đình ông vẫn nuôi hy vọng sẽ minh oan được cho Lý.
Bà Lê Thị Đây (mẹ của Lý) kể rằng chuỗi ngày Lý bị bắt giam, không khí gia đình im ắng, buồn bã. Có những ngày vợ ngồi đây, chồng ngồi sát đó nhưng không ai nói với ai lời nào. Mỗi lần bà lên thăm con thì cố nén nước mắt vì sợ con nhìn thấy đau lòng, rời trại giam là bà Đây òa khóc.
Bà Lê Thị Đây, mẹ của Lý. Ảnh: Hoài Thanh.
"Mẹ nó mỗi ngày một suy nhược, từ cân nặng bốn mấy kg còn có 38 kg, ốm còn xương với da. Tôi cũng giảm 5-6 kg vì lo lắng cho con", ông Luân chỉ vào người vợ, nói.
Phần lớn xóm làng xung quanh tin Lý vô tội. Nhưng còn vài ba người vẫn dị nghị con ông Luân đi cướp giật nên bị bắt, ngồi tù. Gia đình ông chỉ biết kiên trì với hành trình kêu oan cho con và tin rằng đến một ngày mọi người sẽ biết Lý không có tội.
Vậy nên ngày Lý được trả tự do, bà Đây mừng đến nỗi "nhảy từ trong nhà ra chứ không đi", còn ông Luân chỉ muốn đi khắp nơi kêu lên con trai ông đã được giải oan rồi.
"Ngày mà nghe vợ của Lý báo chồng nó được thả, đang trên đường về, tôi mừng không tả nỗi. Hơn 19h tối nó bước vào nhà, hai cha con ôm nhau khóc. Hơn 800 ngày xa cách mà...", người cha nghẹn giọng, mắt rưng rưng.
Muốn được xin lỗi ở địa phương
Trước khi bị bắt, anh Lý là bí thư chi đoàn với nhiều bằng khen về công tác và cũng là một đảng viên dự bị, sắp được chuyển đảng chính thức. Khi được trả tự do về nhà nhưng chưa có quyết định chính thức, Lý gặp nhiều khó khăn để xin việc làm, xóm làng vẫn còn bàn tán.
"Vì lúc đó mình chưa trong sạch, thân phận mình vẫn còn là bị can. Họ không biết mình có tội hay không. Khi có quyết định chính thức rồi thì tôi sống tốt hơn, xóm làng bắt đầu nhìn nhận mình", Lý chia sẻ.
Anh còn kể lúc được tại ngoại, anh có lên TP.HCM 3 lần để tìm lại bà T., nói với bà rằng mình không cướp dây chuyền của bà và đã được minh oan rồi. Nhưng Lý không gặp được bị hại đó.
Hơn 3 năm từ khi được trả tự do, Lý mới được cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh "lên lịch" để xin lỗi. Hiện mức bồi thường cho anh vẫn đang được thương lượng, căn cứ vào các quy định của pháp luật.
Theo anh, kế hoạch ban đầu là sẽ xin lỗi công khai Lý tại huyện Cần Giuộc. Nhưng ngày 5/3 vừa qua, Lý có gặp Phó chánh án TAND quận Bình Thạnh, người này cho biết sẽ tổ chức xin lỗi vào ngày 24/3 tại trụ sở tòa án.
"Nếu xin lỗi ở tòa tôi sẽ không lên. Tôi có gửi thư thông báo cho Chánh án Phạm Minh Triều, nói là muốn xin lỗi ở địa phương", Lý nói.
"Hơn năm qua họ im ru, không tổ chức xin lỗi gì hết. Gia đình, dòng họ có người mang oán oan như vậy thì chua xót lắm. Nguyện vọng của gia đình tôi là nếu đã làm sáng tỏ con tôi trong sạch, muốn xin lỗi thì phải về địa phương của tôi. 20% người dân nói con tôi cướp giật mới bị bắt cần phải thấy để còn biết đã nghĩ oan cho con tôi. Chứ xin lỗi trên TAND quận Bình Thạnh là xin lỗi ai chứ đâu phải xin lỗi gia đình tôi", ông Luân tiếp lời.
Khi chúng tôi chào gia đình để quay về TP.HCM, mẹ của Lý vẫn còn lo lắng liệu rằng có còn trở ngại nào với con trai bà hay không. "Xin lỗi đợt này là xong xuôi rồi phải không con? Hết trở ngại rồi hả? Gia đình đã quá khổ sở rồi. Mong mọi chuyện khép lại", bà Đây nắm chặt tay tôi, mong mỏi.
Tối 19/1/2014, vợ chồng bà N.T.T. đãi tiệc tất niên ở con hẻm tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Khi bà T. bưng thức ăn ra thì bị một thanh niên giật sợi dây chuyền rồi rồ ga bỏ chạy.
Chồng bà T. và một người bạn lấy xe máy đuổi theo đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thì thấy anh Lý đang chạy xe nên ép xe rồi xông vào đánh, khống chế anh Lý và đưa đến công an làm việc.
Tháng 7/2015, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm, tuyên phạt Lý 3 năm tù về tội Cướp giật tài sản. Sau đó Lý kháng cáo kêu oan. Tháng 9/2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại.
Ngày 31/7/2018, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra với anh Lý do đã hết thời hạn điều tra mà không đủ chứng cứ xác định bị can phạm tội.
Sẽ xin lỗi công khai Bí thư Chi đoàn bị giam oan 28 tháng Ngày 5/3, Cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết sẽ tổ chức xin lỗi công khai đối với anh Bùi Minh Lý (31 tuổi), nguyên Bí thư Chi đoàn. Buổi xin lỗi công khai diễn ra ngày 24/3, tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - nơi anh Lý cư trú. ang đi trên đường, bất ngờ bị khống chế...