Bí quyết nuôi dưỡng tính trung thực cho trẻ
Phản ứng tức giận với hành động sai trái của con có thể gây ra nhiều tác hại hơn lợi ích, theo một nghiên cứu mới công bố.
Trẻ có xu hướng nói dối vì sợ bố mẹ tức giận
Trẻ em thường có xu hướng nói thật hơn khi chúng nhận thấy bố mẹ phản ứng tích cực, ngay cả khi biết chúng sẽ bị trừng phạt. Việc tìm hiểu cách trẻ nhận thức tính dối trá và trung thực có thể giúp đánh giá chính xác hơn hành vi của chúng.
Để làm rõ điều này, các nhà khoa học đến từ trường đại học Michigan (Mỹ), đã tìm hiểm những cảm xúc của trẻ về nói dối và thú nhận khi chúng làm việc sai trái.
Họ đã yêu cầu một nhóm trẻ em tình nguyện từ 4 đến 9 tuổi trả lời một loạt câu hỏi có tính giả thuyết trong những câu chuyện khác nhau. Ở mỗi tình huống, nhân vật chính làm việc sai trái và sau đó có thể nói dối và hoặc thừa nhận lỗi lầm của mình.
Video đang HOT
“Trong một câu chuyện, người có lỗi đã cướp kẹo từ bạn và trong một tình huống khác, người mắc lỗi đã đẩy đứa trẻ khác xuống đất để tranh xích đu ngoài sân chơi”, các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Trong một nửa số câu chuyện, nhân vật chính đã kể trung thực về những gì chúng làm và trong số tình huống còn lại, nhân vật chính nói dối.
Các nhà khoa học đã hỏi nhóm trẻ em tình nguyện cảm thấy như thế nào trong lúc và sau khi đọc các câu chuyện, đặc biệt là những gì chúng nghĩ về nhân vật chính. Sau đó, trẻ được hỏi về bố mẹ của các nhân vật và chúng mong họ phản ứng như thế nào.
Nhóm nghiên cứu cũng phỏng vấn mẹ của nhóm trẻ em tình nguyện về tính trung thực của chúng. Trẻ em từ 4 đến 5 tuổi thường nghĩ tích cực về sự dối trá và tiêu cực về sự thú nhận, trong khi trẻ từ 7 đến 9 tuổi bắt đầu hiểu được nói dối là sai.
Điều này đồng nghĩa trẻ lớn tuổi hơn thường coi việc thú nhận lỗi lầm là việc cần làm, ngay cả khi chúng biết mình sẽ bị phạt. Nhưng điều đó không có nghĩa trẻ nhỏ hơn không cảm thấy có lỗi hay hiểu nói dối là sai. Thay vào đó, chúng nói dối vì sợ bố mẹ tức giận.
“Với vai trò là phụ huynh, bạn có thể không vui với những gì con đã làm. Nhưng nếu bạn muốn giữ mối quan hệ cởi mở với trẻ, bạn có thể cố gắng cho chúng thấy rằng bạn cảm thấy vui khi trẻ kể trung thực những gì chúng đã làm”, tiến sĩ Craig Smith, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo Danviet
Tết, trên con đường về với quê hương
Tết của người Việt trẻ đang dần dần hướng ngoại, người ta chỉ coi đó là một dịp nghỉ dài, để đi du lịch, đi thăm thú nơi nọ nơi kia. Không phải lo mua sắm, không phải lo hoa đào hoa mai, miến măng, giò chả, bánh chưng. Đóng gói đồ đạc và ra sân bay, lên đường.
Tết của người Việt già thì muôn đời vẫn thế, mong ngóng con cháu đi làm ăn xa, nhìn tờ lịch từng ngày trôi qua khắc khoải. Bà mẹ già cắm cúi chọn từng hạt gạo mẩy tròn, từng hạt đỗ xanh lòng óng ả, chiếc lá dong bánh tẻ, miếng thịt lợn hồng để gói tình vào chiếc bánh chưng xanh, dành cho cháu con.
Trẻ em khai bút đầu xuân. Ảnh: I.T
Tết của người Việt trung niên đang lơ lửng giữa hai chiều xuôi ngược, nửa muốn đi chơi xa, nửa muốn về quây quần bên gia đình, quê hương bản quán. Đắn đo, cân nhắc thiệt hơn, và cuối cùng, nhiều người đã chọn con đường về với mùa Xuân của mẹ.
Trên con đường về với tết, người Việt sẽ bứt ra khỏi công việc đảo điên để thấy lòng thư thái làm sao. Tiết cuối năm bao giờ cũng có chút mưa phùn miền Bắc hay chút nắng nhẹ phương Nam, để đất trời có một bước chuyển mình dịu nhẹ.
Trên con đường về với tết, người Việt sẽ thấy thương làm sao quê hương xứ sở mình, dù còn vất vả gian lao nhưng tình đất, tình người vẫn muôn đời bền chặt. Là đất dâng hiến đến cạn mình cho đồng lúa tươi xanh, là sông nồng nàn phù sa tôm cá, là biển cho những trùng khơi vươn xa vươn xa, là núi như tấm phên dậu muôn đời che chở.
Trên con đường về với tết, người Việt sẽ thấy yêu làm sao ông bà cha mẹ, họ hàng, làng xóm. Vẫn những nụ cười chân chất, những khuôn mặt dãi dầu nắng mưa mà sự đen bạc ở đời không bao giờ làm phai đi tình người nồng hậu. Về với quê hương, về với xóm giềng, đón cái tết trong tình thân ấm áp, hỏi trên mặt đất này, còn chỗ nào ân tình chứa chan hơn?
Tết muôn đời là tết, không bao giờ khiến người ta phải lụy vì mâm cao cỗ đầy, thức cúng dâng lên ông bà tiên tổ cũng vẫn là những gì đẹp nhất, thanh sạch nhất, từ tấm lòng thành của con cháu, mơ màng trong khói hương trầm vương vấn chiều tất niên.
Trên con đường về với quê hương, người đem tết về cho nhau, người đi để tìm thấy tết. Tết vì thế mà muôn đời còn mãi, muôn đời che chở, nâng niu.
Theo Danviet
Cận cảnh bệnh viện nhi mới ở Sài Gòn Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố vừa đi vào hoạt động với nhiều trang thiết bị hiện đại, trong đó có 10 phòng chức năng và 39 khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố tại đường số 15, cao tốc TP.HCM - Trung Lương (thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM), chính thức đi vào hoạt...