Bí quyết khám phá Hà Giang vào mùa hoa đẹp nhất
Cô gái 24 tuổi đến Hà Giang những ngày vào mùa hoa đẹp nhất, cánh đồng hoa Tam giác mạch bung xòe rực rỡ, đẹp đến mê hồn…
Hà Giang khiến nhiều người thầm thương trộm nhớ”, đi một lần chắc chắn sẽ muốn đi lần thứ hai, lần thứ ba và nhiều hơn nữa… Mảnh đất này mang lại cho biết bao du khách nhiều cảm xúc khó phai.
“Mình đã lên kế hoạch khám phá cao nguyên Đá để viết tiếp một chương mới cho hành trình thanh xuân của mình. Mọi người biết không, kế hoạch hoàn hảo nhất là kế hoạch được thực hiện. Mình đến Hà Giang vào những ngày tháng 11, khi những cánh đồng hoa Tam giác mạch bung xòe rực rỡ, mùa đẹp nhất của Hà Giang”, Vũ Thùy Linh, quê ở Nam Định, sinh sống tại Hà Nội bày tỏ với Tạp chí Du lịch TP.HCM.
Hà Giang hùng vĩ.
Cô nàng nói rằng, chuyến đi này đã mang lại cho Linh rất nhiều cảm xúc, khó có thể nói thành lời, được tận mắt chứng kiến sự hùng vĩ và tráng lệ của đất trời Hà Giang.
“Với chuyến đi này, mình cảm nhận được kha khá về cuộc sống của đồng bào miền núi, đặc biệt là cuộc sống của trẻ em – những em bé vùng cao vô cùng đáng yêu và hồn nhiên. Mình nghĩ rằng để cảm nhận được rõ ràng một khoảnh khắc đặc biệt nào đó, không thể nghe qua lời kể, cũng không thể nhìn qua hình ảnh mà trải nghiệm hết được. Tất cả đều phải trải qua và chạm tới, hình ảnh cũng chỉ mang tính chất minh họa, kỉ niệm mới là thứ lưu giữ mãi trong tim”, cô gái tuổi 24 cảm nhận sau chuyến đi 2 ngày 1 đêm ở Hà Giang.
Có những chuyến đi không quan trọng điểm đến, mà chính là quãng đường, hành trình và những dấu chân mà ta đã đi qua, được rong ruổi khắp Hà Giang, ngắm nhìn non sông hùng vĩ của đất nước, con người, văn hóa.
“Lang thang trên những con đường ấy, mình bắt gặp những đứa trẻ vùng cao thật dễ thương và mến khách. Chúng khỏe mạnh, hồn nhiên như vẻ đẹp tự nhiên của cỏ cây, hoa trái núi rừng. Và đặc biệt, không chỉ cảnh sắc thiên nhiên mà nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và nét sinh hoạt truyền thống của những bà con trên đó cũng gây ấn tượng với mình. Hà Giang còn đơn sơ, mộc mạc, vẻ đẹp rất riêng, hoang sơ như chính tên gọi của nó, Hà Giang đã đi là chẳng muốn về…”, Linh chia sẻ.
Địa điểm check-in nổi tiếng.
Ngày 1: Hà Nội – Cột mốc số 0 – Dốc Bắc Sum – Cổng trời Quản Bạ – Chợ phiên Quản Bạ – Cây cô đơn – Dốc Thẩm Mã – Dốc Chín Khoanh – Nhà của Pao – Dinh thự Họ Vương – Cột cờ Lũng Cú – Đồng Văn
9h30: Xuất phát từ Bến xe Mỹ Đình tầm 3h30′ sáng, Linh đến bến xe Hà Giang, thuê phòng để nghỉ ngơi một lúc và chuẩn bị đồ đạc để bắt đầu hành trình.
5h30: Cột mốc số 0: Cột mốc này nằm ngay bên đường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang, đây là Quốc lộ 2C hướng đi lên Quản Bạ, Đồng Văn – Mèo Vạc. Lịch trình đi ngắn ngày nên Linh đã xuất phát sớm để kịp thời gian, vì đi sớm nên được cảm nhận không khí sáng sớm ở Quảng trường thành phố, khá đông đúc, vui tươi và nhộn nhịp. Km số 0 là điểm bắt đầu cho một chuyến hành trình dài vượt qua những con đường đèo nguy hiểm, những vách đá cheo leo, dựng đứng.
7h: Dốc Bắc Sum: Linh được nghe rằng đón bình minh trên dốc Bắc Sum rất đẹp nên hí hửng lên sớm để bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất. Tiếc thay, Linh lên đến tận Dốc nhưng sương mù vẫn mù mịt, không thấy mặt trời, mây mù giăng lối, làm giảm tầm nhìn rất nhiều. Đúng kiểu “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, tuy nhiên mịt mờ sớm mai kiểu này nhìn mới lạ như tiên cảnh, đúng kiểu đi trên mây vào sáng sớm.
7h15: Cổng trời Quản Bạ: Di chuyển thêm khoảng 15km, Linh đến Cổng trời Quản Bạ. Đây là nơi bắt đầu của con đường mang tên Hạnh Phúc và cũng là cửa ngõ đầu tiên của cao nguyên đá Đồng Văn. Tới đây, trời quang hơn nhưng thời tiết khá lạnh. Mọi người ăn khoai và trứng nướng, ngồi nghỉ ngơi cho ấm người, rồi tiếp tục hành trình.
Lên đến cổng trời, nhìn xuống dưới có thể bắt trọn những cung đường ngoằn ngoèo từng đi qua, chúng tựa như sợi chỉ nhỏ len lỏi giữa những đồi núi xanh trập trùng. Mây lang thang thoắt ẩn thoắt hiện tựa khung cảnh chốn bồng lai, ai cũng muốn ở lại.
8h: Chợ phiên Quản Bạ: Linh đi ngày đầu tiên vào Chủ nhật nên có cơ hội trải nghiệm cảm giác đi chợ phiên. Bà con đến mua bán, giao lưu, ăn uống, váy áo rực rỡ đủ sắc màu, rất vui và nhộn nhịp. Với Linh – một cô gái từ miền xuôi lên đây, cảm thấy rất thú vị và độc đáo về nét văn hóa đặc sắc ở chợ phiên. Mọi người nếu có cơ hội nên trải nghiệm, đó là một khung cảnh sinh động, đầy sắc màu của đồng bào các dân tộc vùng cao, rất khác lạ.
Tiếp tục đi thêm khoảng 9km, Linh cùng mọi người đến ăn sáng ở Phở Tráng Kìm Quang Huy, bánh phở mềm, ăn khá lạ miệng, thịt gà dai, ngon, chắc, nước dùng ngọt thanh, đậm đà, ăn rất cuốn.
9h: Cây Nghiến cô đơn: Di chuyển thêm khoảng 2km dọc theo Quốc lộ 4C sẽ đến cầu Cán Tỷ. Ở đây có biển hướng dẫn đi Yên Minh bằng hai đường, Yên Minh (41km) hướng về Rừng Thông Yên Minh, Yên Minh (22,6km) đường mới đi qua cây cô đơn. Linh rẽ phải hướng đường mới, đi khoảng 1,6km đến cây cô đơn.
Sau khi chụp ảnh và nghỉ ngơi, Linh quay lại đường Yên Minh cũ để tiếp tục hành trình (do đường mới đang sửa khó đi nên có bạn ngồi ở biển hướng dẫn khuyên nên đi đường cũ). Thời tiết lúc này đã hửng nắng, khung cảnh cũng rất đẹp, đất trời hùng vĩ bắt đầu hiện ra theo từng cung đường Linh đi.
Con dốc huyền thoại.
Những em bé dễ thương, hiếu khách.
Video đang HOT
11h: Dốc Thẩm Mã: Dốc Thẩm Mã huyền thoại nối con đường từ thị trấn Yên Minh lên tới tận Phố Cáo với quãng đường uốn lượn dài chừng 5km. Linh có mặt tại dốc Thẩm Mã vào thời điểm nắng lên cao. Linh đi cuối tuần nên rất nhiều em bé đeo những gùi hoa Tam giác mạch rực rỡ ở trên dốc, các em bé dễ thương và mến khách, xin chụp ảnh cùng là đồng ý. Linh thuê vòng hoa đội đầu và gùi hoa để chụp dốc Thẩm Mã uốn lượn phía dưới, hỏi các em giá thuê, các bạn nhỏ chỉ bảo “Cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu”. Linh gửi tiền và phát bánh kẹo cho các em.
12h30: Dốc Chín Khoanh: Đoạn đường này rất cheo leo, khúc khuỷu, rất nhiều những góc cua tay áo, cua chữ U nối gần nhau, cảm giác lên dốc rất phiêu. Vượt dốc Chín Khoanh tiếp tục đi đến Sủng Là – nơi có ngôi nhà của Pao nằm trong làng văn hóa Lũng Cẩm.
1h: Nhà của Pao: Nhà của Pao mang nét huyền bí, mộc mạc, đặc trưng của văn hóa người Mông ở giữa vùng cao nguyên đá. Dọc đường vào nhà của Pao là hai cánh đồng hoa Tam giác mạch rất rộng, nên thơ và rực rỡ. Ngoài là ngôi nhà quay phim Chuyện của Pao, đây còn là bối cảnh của một bộ phim mà Linh rất thích là “Lặng yên dưới vực sâu” ngôi nhà của Phống.
5 năm trước, khi biết đến bộ phim, Linh đã mơ về sự hùng vỹ của những dãy núi đá tai mèo, cánh đồng hoa tam giác mạch ngút ngàn, mái nhà bình yên ẩn sau bờ rào đá và tiếng sáo Mông da diết, mạnh mẽ vang vọng giữa núi rừng… Sau 5 năm, Linh đã đến được nơi đây, cảm giác thật khó tả, bồi hồi…
2h: Dinh thự Họ Vương: Đặt chân vào ngôi dinh thự cổ kính này, Linh cảm thấy choáng ngợp trước công trình kiến trúc đồ sộ, độc đáo, tinh xảo và đặc sắc. Sau khi tham quan một vòng, Linh tiếp tục đến địa điểm tiếp theo là Cột cờ Lũng Cú.
Cột cờ Lũng Cú.
4h: Cột cờ Lũng Cú: Di chuyển thêm khoảng 30km, Linh đến với Cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc nơi địa đầu Tổ quốc. Linh đi xe máy lên tới chân cột cờ rồi leo bộ khoảng 200 bậc thang sẽ lên tới cột cờ. Hôm Linh đi, ở đây rất đông, do đó tham quan một lúc rồi di chuyển về đồi hoa Tam giác mạch.
5h: Đồi hoa Tam giác mạch: Linh khảo sát một vòng thấy hai đồi hoa Tam giác mạch gần cột cờ Lũng Cú là đẹp nhất. Hoa Tam giác mạch nở thắm cả vạt đồi, nở hồng thung lũng, đây là loài hoa đặc trưng của Hà Giang. Lúc Linh có mặt ở đây là xế chiều, hoàng hôn buông xuống, đứng giữa đồi hoa cộng hưởng với cảm giác se lạnh, kết hợp với bốn bề là những dãy núi hùng vĩ, thực sự cảm giác lúc ấy rất khó tả, thán phục như đứng giữa mỹ cảnh nhân gian, rất tuyệt.
6h: Đồng Văn: Linh di chuyển về thị trấn Đồng văn (mọi người nhớ về thị trấn trước 6h, vì mùa đông nên thời tiết tối sớm, đi đường đèo nguy hiểm). Về vừa lúc trời tối, Linh đến Tùng Ping House nhận phòng, nghỉ ngơi và đi ăn tối. Linh ăn tối lẩu gà đen tại Kiều Hương Quán tại Phố cổ Đồng Văn. Linh thấy nước lẩu rất đậm đà, vị thảo quả rất thơm, chất lượng cực kì. Linh ăn lẩu gà nhiều nơi nhưng thấy ở đây ngon nhất.
Sau khi ăn tối, Linh đi dạo ở Phố cổ Đồng Văn. Ở đây, buổi tối mọi người đốt lửa trại, chơi trò chơi dân gian, không khí vô cùng vui tươi, nhộn nhịp, gần gũi, mọi người kết bạn, giao lưu, cực kì vui…
“Mọi người nhớ ghé qua Phố cổ Đồng Văn vào buổi tối, chắc chắn sẽ không làm mọi người thất vọng. Kết thúc lịch trình ngày đầu tiên, mình thấy khá mệt nhưng vui, mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Vì đi cả ngày cũng thấm mệt nên khi về, mình đi ngủ luôn để nạp lại năng lượng cho ngày mai”, Linh nói.
Ngày 2: Đồng Văn – Mỏm đá tử thần – Mã Pí Lèng – Sông Nho Quế – Mèo Vạc – Bảo Lâm – Bắc Mê – TP Hà Giang – Hà Nội
Lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên con sông nổi tiếng, cùng loài hoa rực rỡ sắc màu.
7h30: Lịch trình ngày 2 của Linh thảnh thơi hơn. Linh đi bộ ra Phố cổ Đồng Văn. Nghe nói bánh cuốn bà Hà nổi tiếng, Linh cũng muốn thử xem sao. Hôm Linh đi phải đợi 10 phút mới có bàn, quán khá đông mặc dù thứ 2 đầu tuần. Bánh cuốn chấm cùng nước ninh xương, Linh thấy khá ngon và lạ miệng, ăn rất cuốn. Ăn suất bánh cuốn và cốc sữa đậu là no cả ngày. Ở đây còn có xôi ngũ sắc, nhìn rất hấp dẫn. Sau khi ăn xong, Linh dạo một vòng phố cổ và chợ, khung cảnh sáng sớm thích mê.
9h: Mỏm đá tử thần: Linh có mặt ở đây lúc nắng lên nhè nhẹ, khung cảnh ở đây rất hoang sơ, hùng vĩ. Để di chuyển đến địa điểm này, mọi người tìm quán Cafe A Páo trên cung đường đèo đi Mã Pí Lèng, rẽ phải đi lên tiếp tầm 3km sẽ đến vị trí mỏm đá. Quãng đường này đi cũng thót tim, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là núi, đường nhỏ, không có lan can, đi xe được tầm 2km, Linh xuống đi bộ lên vị trí mỏm đá.
Địa điểm này sau khi xem xét Linh thấy cực kì nguy hiểm, không dành cho ai yếu tim và sợ độ cao, không đảm bảo sự an toàn, không có lan can hay rào chắn, trượt chân phát ở dưới là vực sâu. Tập trung ở đó khá đông người, 70% là du khách nước ngoài, họ bạo gan hơn nên cũng leo lên.
“Với các bạn nữ, mình không khuyến khích leo lên vị trí mỏm đá. Thay vào đó, chúng ta có thể chụp bên dưới mình thấy đẹp hơn, giống như Sống lưng khủng long mà vẫn thấy được khung cảnh hùng vĩ, di chuyển xuống dưới có rất nhiều hoa mọc trên đá cũng rất đẹp.
Mình có tìm thấy một mỏm đá khác đối diện quán cafe A Páo, đi bộ khoảng 300m là lên. Mỏm đá này an toàn hơn và có cây đào rất to, mùa xuân hoa nở chụp ảnh sẽ siêu đẹp”, Linh chia sẻ.
10h30: Đèo Mã Pí Lèng: Tiếp tục di chuyển trên con đường Hạnh Phúc, Linh đến đèo Mã Pí Lèng, đây là một trong tứ đại đỉnh đèo ở Việt Nam. Ở khoảng giữa đèo có view chụp ảnh phía sau lưng là sông Nho Quế xanh ngát, khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ, Linh thấy choáng ngợp khung cảnh nơi đây, cảnh thực sự rất đẹp.
“Mình ấn tượng nhất với đèo Mã Pí Lèng. Đèo chỉ dài khoảng 20km, nhưng được mệnh danh là “tứ đại đỉnh đèo” ở phía Bắc bởi sự hiểm trở và vẻ đẹp hoang sơ. Núi non trùng trùng điệp điệp, đường đi quanh co, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, vừa sảng khoái, vừa lo sợ, vừa thích thú, vừa hãi hùng… Tất cả trộn lẫn trong suốt chặng đường chinh phục đèo. Con đèo huyền thoại, có đặt chân đến đây mới thấy được những nỗ lực phi thường, sự hi sinh bất diệt của những người mở đường hơn 60 năm trước”, Linh nói.
12h: Sông Nho Quế và hẻm Tu Sản: Mọi người di chuyển cuối đèo Mã Pí Lèng về phía Mèo Vạc sẽ có biển đi Xỉn Cái (chưa đi qua làng H’mông Pả Vi), các bạn chạy vào khoảng hơn 7km sẽ tới bãi giữ xe, ô tô cũng vào được. Mọi người có thể check Map cầu Tràng Hương sẽ dễ hình dung hơn (đoạn đường này hơi khó đi, nhiều ổ gà, ổ vịt, mọi người lưu ý đi cẩn thận). Tới địa điểm, các bạn gửi xe, mua vé vào bến thuyền, sẽ có xe trung chuyển đi khoảng 2km đưa các bạn tới chỗ chân nhà máy thủy điện Nho Quế 1, đi bộ vào khoảng 500m nữa sẽ vào tới bến thuyền.
Linh đi sông Nho Quế vào lúc nắng lên cao, khung cảnh hớp hồn du khách. Nước xanh ngọc bích cực đẹp, lái thuyền sẽ dừng cho mình 3 điểm để chụp ảnh. Đó là đồi hoa Tam giác mạch, hướng nhìn ra hẻm Tu Sản, ở đây có khu camping mới mở, view chill chill, nếu Linh có thời gian sẽ la cà ở đây cả ngày, điểm dừng thứ 2 là hẻm vực Tu Sản, đây được xem là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á và nằm trong thung lũng có kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam, khung cảnh ở đây rất tuyệt vời, kì bí, hùng vĩ và tráng lệ. Điểm dừng thứ 3 là mỏm đá, Linh bỏ qua điểm này để về cho kịp thời gian.
Lên bến thuyền cũng có dịch vụ ăn uống, mọi người có thể ăn cơm lam hoặc thịt xiên, khoai nướng…
14h30: Linh cùng mọi người di chuyển về Mèo Vạc ăn bún bò sốt vang ở Quán ẩm thực Nắng Cao nguyên. Bún quán này ăn rất ngon, đậm đà.
Cảnh đẹp Hà Giang hút hồn bao du khách.
15h: Linh xuất phát cung phượt về là Mèo Vạc – Bảo Lâm – Cao Bằng – Bắc Mê – TP Hà Giang với khoảng 156km, đây là cung đường Linh tâm đắc nhất. Cung này đẹp xuất thần, đúng là hồi kết hoàn hảo cho chuyến đi phượt lần này của cô nàng. Lúc Linh về là chiều tà, cảnh đẹp hút hồn, sông xanh êm ả trôi cạnh những ngôi nhà ven sườn núi, thỉnh thoảng thấy khói bếp nhìn thơ mộng trữ tình cực kì. Từ Mèo Vạc đến hết Bảo Lâm đường đẹp, dễ đi, mang lại cảm giác rất khác so với những dãy núi trùng điệp ở Hà Giang, đẹp xuất sắc nhưng lại không thấy có ai, vắng người, cung này quá đẹp mà chưa thấy nhiều người biết, mọi người nên đi và cảm nhận. Linh cứ thắc mắc mãi là đoạn này đẹp quá sao chưa thấy đơn vị nào phát triển du lịch ở đây?
Linh sang đến Bắc Mê tầm 5h30′. Lúc này, trời bắt đầu tối vì đang vào mùa đông, chỉ còn khoảng 50km Linh về đến thành phố và trong đầu vẫn đinh ninh đường êm như Cao Bằng, nhưng trời tối đen, đổ đèo, cua liên tục, đường lại không có một bóng người, đúng là một trải nghiệm đáng nhớ. Tầm 7h, Linh mới có mặt ở TP Hà Giang. Lúc ấy, Linh phải hét lên sung sướng vì thoát rồi. Khúc này lưu ý mọi người phải từ Mèo Vạc về trước 2h chiều mới kịp về thành phố trước khi trời tối, không nên đi như Linh, rất nguy hiểm.
7h15: Linh đi ăn thử ở Phở Chua Hiền Lương ở 12 Bạch Đằng. Ăn vị chua chua, thanh mát, khá lạ miệng. Sau đó, Linh ghé qua Cột mốc số 0 đi dạo một lúc rồi mới lên xe về với Thủ đô Hà Nội.
“Vậy là cuộc hành trình kết thúc, mình quay về Hà Nội cùng với sự lưu luyến, vương vấn những khoảnh khắc đẹp, những phút giây được tự do như cánh chim trời. Quay về với bộn bề cuộc sống, công việc thường ngày, nhưng mình vẫn vui vì mình đã được đặt chân lên miền Đông Bắc, được tận mắt chứng kiến Hà Giang hùng vĩ”, Linh cảm nhận.
Những món ăn ngon.
Nhà của Pao.
Góc ảnh đẹp.
Linh duyên dáng trong trang phục của người dân địa phương.
Chuyến du lịch Hà Giang đáng nhớ.
Hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn, không kém phần thơ mộng.
Chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đẹp của đất trời vào lúc mùa hoa đẹp nhất.
Một vài điểm lưu ý:
Mọi người nên book phòng và xe sớm khi có kế hoạch đi để tránh trường hợp hết phòng đẹp, vì Hà Giang mùa này rất đông, đặc biệt dịp cuối tuần.
Mọi người nhớ chuẩn bị áo ấm vì thời tiết trên đây khá lạnh, nhất là vào buổi tối, nhiệt độ thay đổi khá đột ngột khi tắt nắng. Nên mặc trang phục màu sáng để lên ảnh đẹp hơn. Bạn nào phượt xe máy nên chuẩn bị đồ càng gọn nhẹ càng tốt, vật dụng nào thật quan trọng mới cầm đi vì phải di chuyển liên tục và đi xa.
Nếu đi bằng xe máy, mọi người nhớ chuẩn bị giấy tờ đầy đủ và bảo dưỡng trước khi đi để đảm bảo an toàn, luôn để ý vạch xăng tránh trường hợp hết xăng giữa đường.
Hà Giang đang vào mùa hoa Tam giác mạch nên mọi người khi vào các vườn hoa chụp ảnh nên có ý thức giữ gìn, không nên dẫm đạp hay nhổ hoa vì công sức bà con trồng rất vất vả, sau mùa hoa bà con còn thu hoạch để lấy hạt làm lương thực.
Mọi người ăn uống dọc đường nên tập kết vỏ bánh kẹo, đồ uống… vứt rác đúng nơi quy định để bảo tồn, phát triển du lịch bền vững của Hà Giang.
Quan trọng nhất là phải tìm được xế xịn. Anh bạn đồng hành của Linh có tay lái cứng, có kinh nghiệm đổ đèo, có kinh nghiệm đi phượt các cung đường đèo nên Linh có chuyến đi khá thuận lợi.
Di chuyển:
Xe khách di chuyển Hà Nội – Hà Giang và chiều về ngược lại, Linh đều lựa chọn xe Cung điện di động của nhà xe Quang Tuyến. Đánh giá về chất lượng nhà xe, Linh thấy không gian xe sạch sẽ, chăn gối thơm tho, không gian riêng tư thích hợp để nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe trước khi bắt đầu lịch trình dài khám phá Hà Giang, xe chạy nhanh, thái độ phục vụ của nhân viên nhiệt tình, chu đáo, niềm nở. Linh cũng muốn thử qua xe Mạnh Quân và Bằng Phấn chất lượng tương đương nhưng vì không đặt trước sớm nên hết chỗ.
Di chuyển trong Hà Giang: Linh phượt bằng xe máy. Bạn Linh có chuẩn bị từ trước nên Linh không phải thuê xe. Di chuyển trên đường đèo núi, những đoạn đường xấu, xe côn tay Linh thấy đi rất ổn và mượt, gầm xe cao, dễ di chuyển. Xe bạn Linh có độ đèn, bảo dưỡng trước khi đi nên quãng đường đi của Linh trong Hà Giang khá thoải mái và an toàn. Các bạn đi phượt tự túc nhớ bảo dưỡng xe và mang theo một ít xăng đề phòng những rủi ro khi đi trên đường.
Chỗ ở:
Linh đi vào mùa hoa Tam giác mạch – mùa hot nhất của Hà Giang nên lượng khách đổ về đông. Theo lịch trình, Linh sẽ nghỉ 1 đêm tại Đồng Văn tuy nhiên hỏi khắp nơi lại hết phòng, do Linh lên kế hoạch ngày hôm trước, hôm sau là đi nên hơi vội. May mắn thay, vào phút chót Linh tìm được Tùng Ping House, book phòng luôn nên cũng yên tâm hôm sau đi là không phải ngủ ngoài đường. Phòng đẹp, cách phố cổ Đồng Văn 100m, gần trung tâm nên ăn uống đi lại vui chơi đều rất tiện, chị chủ nhiệt tình, chất lượng phòng ổn trong tầm giá vì Linh chỉ cần chỗ ngủ lại qua đêm nên thấy địa chỉ này khá hợp lý.
Kinh nghiệm khám phá Hà Giang của cô nàng phượt thủ xinh đẹp
Có một Hà Giang đẹp mê ly, cung đường kì vĩ cùng những cánh đồng tam giác mạch mênh mang giữa vùng cao nguyên đá xa xôi…
Hà Giang mùa hoa tam giác mạch
Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ cùng sự đa dạng văn hóa mà còn được biết đến như một trong những địa phương phát triển du lịch khá bài bản.
Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt, khiến du khách luôn muốn quay lại vùng đất này nhiều lần.
Cánh đồng hoa tam giác mạch tại Hà Giang. Ảnh: Phạm Hùng
Đến với Hà Giang, du khách không thể không đến với cao nguyên đá Đồng Văn, nơi được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Nằm ở độ cao 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, có diện tích 2.356km, trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn, đây là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Quần thể di tích lịch sử - danh thắng Lũng Cú, Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, Bãi đá cổ, di chỉ khảo cổ... Đây cũng là nơi có các thắng cảnh hùng vĩ như sông Nho Quế, Mã Pì Lèng - "Thiên hạ đệ nhất đèo", hẻm Tu Sản - hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á với độ sâu 700 - 900m.
Thật sự khó tìm thấy một vùng đất nào mà đẹp cả bốn mùa trong năm như Hà Giang! Mùa Xuân, Hà Giang ngập tràn sắc hoa mận, hoa đào khoe, rực rỡ trong tiết trời se lạnh. Đến đầu Hạ, tầm tháng 5, tháng 6 là mùa nước đổ - thời gian người dân chuẩn bị cho vụ mùa mới của năm. Ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì lúc này long lanh nước, biến hóa thành những tấm gương "siêu to khổng lồ", đẹp mãn nhãn, uốn lượn, ôm khắp núi rừng.
Tới tháng 8, tháng 9, lúa ngả màu chín vàng, phủ lên óng ả khắp ruộng bậc thang. Nhìn từ xa, từng thung lũng, dãy núi ở Hà Giang như những dải lụa vàng. Còn khi Thu qua Đông về khoảng tháng 10 - 11, là lúc hoa tam giác mạch dần nở rộ, Hà Giang lại chuyển mình sang sắc hồng tím quyến rũ.
Cuối năm, tháng 12 hoa tam giác mạch tàn đi lại nhường chỗ cho hoa cải vàng thắm. Bởi vậy, Hà Giang là miền đất hứa đối với những người đam mê "xê dịch" và những tay máy săn ảnh.
Những ngày đầu tháng 11 này, chúng tôi đã có chuyến đi vượt chặng đường hơn 500km từ Hà Nội lên tới địa đầu Tổ quốc, qua những địa danh nổi tiếng như cổng trời Quản Bạ, Yên Minh, cao nguyên đá Đồng Văn, Lũng Cú... Những khúc cua tay áo uốn lượn chắc chắn là thử thách không nhỏ với những người yếu bóng vía và cánh tài xế dưới xuôi, nhưng sẽ là trải nghiệm hấp dẫn không thể nào quên với những người đam mê xê dịch.
Chúng tôi bị mê hoặc bởi cánh đồng hoa tam giác mạch trắng tinh khôi khi mới ra hoa, lúc hồng tím rực rỡ khi vào độ chín. Hoa tam giác mạch được gieo khắp nơi, trên những triền núi cao, dưới thung lũng sâu, loài hoa nhỏ bé mỏng manh len lỏi trên tảng đá tai mèo rồi tràn ra vệ đường vươn mình rực rỡ tạo sức hấp dẫn mãnh liệt cho vùng sơn cước. Những địa điểm có nhiều hoa nhất là Sủng Là, Đồng Văn, Phố Cáo, Ma Lé, Lũng Cú, Xín Mần...
Người Hà Giang thích nghe sự tích gợi liên tưởng tam giác mạch là cây của trời, do nàng tiên Gạo, nàng tiên Ngô đổ mày gạo, mày ngô vào khe núi mà thành. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lạnh lẽo và nhiều sương muối nhưng những thân cây mỏng manh, những cánh hoa nhỏ li ti đã thể hiện một sức sống bền bỉ, mãnh liệt.
Từ bao đời nay, cây tam giác mạch đã gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Hà Giang và nhiều khi là một trong những nguồn lương thực chính. Cây tam giác mạch còn non có thể làm rau ăn hằng ngày, cho hoa để ngắm và cho hạt làm bánh, ủ rượu. Giờ đây hoa tam giác mạch còn vươn lên trở thành một trong những biểu tượng du lịch hấp dẫn của vùng đất cao nguyên đá Hà Giang.
Ngắm sông, núi Hà Giang hùng vĩ mùa đẹp nhất trong năm Mùa nào ở Hà Giang cũng đẹp nhưng nếu đẹp nhất chỉ trong tháng 10, 11 và 12, khi hoa tam giác mạch hay những cánh đồng cải khoe sắc. Hà Giang là tỉnh địa đầu của Tổ quốc, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc giáp...