Bí quyết đi chân trần trên than hồng nóng
Khoảng 6.000 người đã đi chân trần trên một lớp than đá nóng đỏ trong sự kiện “đi trên lửa” do Tony Robbins chủ trì ở San Jose, California, Mỹ hồi tuần trước nhưng chỉ có 21 người phải chữa trị các vết bỏng sau đó. Hãy cùng trang Live Science khám phá bí quyết giúp đa phần những người mạo hiểm này không bị tổn thương gì.
Các chuyên gia cho hay, than đá không phải là vật dẫn nhiệt quá tốt. Nói một cách khác, mặc dù than đá có thể trở nên rất nóng (thường từ 538 – 1093 độ C), nó không thể truyền sức nóng tới các vật liệu khác một cách hiệu quả. Khi da thịt tiếp xúc với vật liệu nóng là chất dẫn nhiệt tốt, ví dụ như kim loại, hậu quả thường là vết bỏng vì kim loại đốt nóng da thịt rất nhanh.
Dẫu vậy, than đá và đặc biệt là lớp tro bao bọc một viên than đá nóng đỏ không truyền nhiệt tốt. Do đó, khi da thịt tiếp xúc với nó, da thịt sẽ làm mát dần lớp bề mặt bên ngoài của than đá nhanh hơn tốc độ của sức nóng dịch chuyển từ dưới bề mặt than đá lên thiêu đốt da thịt, ít nhất ở giai đoạn ban đầu.
Nguyên lý này cũng sẽ cho phép bạn đưa tay vào một bếp lò nóng đỏ mà không bị bỏng hoặc nhanh chóng chạm tay vào một ổ bánh mỳ đang nướng trong lò (ngay cả khi bạn sẽ bị bỏng khi chạm vào các gờ của bếp lò hoặc giữ tay trên ổ bánh mỳ lâu hơn một vài giây). Bánh mỳ, giống như than đá, cũng không phải là vật truyền nhiệt hiệu quả.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều hiểm nguy song hành với việc “đi chân trần trên lửa”: Nếu bạn đứng trên một viên than đá nóng đỏ quá lâu, thay vì di chuyển thật nhanh hoặc nếu xuất hiện một lượng dù rất nhỏ của bất kỳ vật liệu nào như kim loại, gỗ hoặc nhựa cây (những vật liệu truyền dẫn nhiệt tốt hơn than đá) lẫn trong lớp than đá nóng đỏ thì bạn có thể bị bỏng. Điều không may tương tự cũng sẽ xảy ra nếu một mảnh than đá nóng dính vào bàn chân bạn trong khi diễn trò mạo hiểm.
Trong sự kiện “đi trên lửa” của Robbins ở San Jose, việc 6.000 người cùng đi chân trần trên hàng chục lớp than đá nung đỏ dài tới 3 mét dường như là thách thức đối với những kẻ ưa mạo hiểm vì nó khiến họ nhiều khả năng bị dồn túm tụm trên lớp than nóng, gia tăng nguy cơ khiến họ bị bỏng.
Hầu hết các nghi lễ hoặc sự kiện “đi trên lửa” truyền thống chỉ diễn ra với hơn 10 – 20 người cùng đi trên 1 lớp than đá nóng đỏ. Ngoài ra, các vết bỏng nhẹ hoặc phồng rộp da chân là hậu quả phổ biến mà những người “đi trên lửa”, kể cả lúc thành công, thường phải hứng chịu.
Nhiều người khởi xướng việc đi trên lửa tuyên bố rằng, trò mạo hiểm này sẽ thành công nhờ trạng thái tâm lý hưng phấn hoặc sự bảo vệ của đấng siêu nhiên. Ông Robbins từng viết “mọi người thay đổi chức năng sinh lý của họ bằng cách thay đổi niềm tin”, và một người “đi trên lửa” bị bỏng khi trả lời phỏng vấn tờ San Jose Mercury News đã nói ông bị thương vì “không đạt được đúng trạng thái”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các nhà vật lý và nhân chủng học từng tham gia nhiều cuộc đi chân trần trên lửa đã lên tiếng phủ nhận việc một trạng thái tâm lý cụ thể nào đó quyết định sự thành công của trò mạo hiểm nếu lớp than đá được chuẩn bị đúng quy tắc và mọi người không đi trên chúng quá lâu.
Các nghi lễ hoặc sự kiện đi trên lửa được phát triển một cách độc lập, song song nhau ở Hy Lạp, Fiji, Ấn Độ và những khu vực khác trên thế giới. Thường thì việc đi trên lửa đóng vai trò như một trải nghiệm chuyển biến về mặt tinh thần hoặc như một nghi lễ thu nạp vào một giáo phái nào đó.
“Đi trên lửa” đã được Tolly Burkan, một diễn giả truyền cảm hứng và tin vào sức mạnh tự lực nhờ tinh thần, du nhập vào Mỹ trong những năm 1980. Về sau, trò mạo hiểm này được ông Robbins cùng các diễn giả khác, những người tuyên bố phương pháp này giúp con người nhận ra toàn bộ tiềm năng của họ, tiếp thu và truyền dạy khắp nơi.
Theo VNN
Gần 200 nghìn người chết vì bỏng mỗi năm
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), công bố tháng 5/2012, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 195.000 ca tử vong vì bỏng.
Đa số các trường hợp bỏng xảy ra ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, mặc dù có thể phòng ngừa.
Phụ nữ ở các nước vùng Đông Nam Á có tỷ lệ bị bỏng cao nhất, chiếm tới 27% tử vong toàn cầu do bỏng và 70% số ca tử vong do bỏng ở Đông Nam Á.
Phụ nữ có nguy cơ cao bị bỏng do phải nấu nướng bằng bếp lửa, thói quen dùng bếp lò không an toàn có thể bén lửa vào quần áo lòe xòe. Đốt lửa để sưởi ấm và thắp sáng cũng dễ gây nên tai nạn bỏng.
Ngoài phụ nữ, trẻ em cũng là nhóm đối tượng rất dễ bị bỏng. Bỏng là nguyên nhân thứ 11 gây tử vong ở trẻ 1-9 tuổi và cũng là nguyên nhân thứ 5 gây thương tích không tử vong ở trẻ em. Ngoài nguy cơ chủ yếu là do không được người lớn trông coi cẩn thận, thì có khá nhiều trẻ bị bỏng do bị bạo hành.
Bỏng là một nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật, bao gồm nằm viện dài ngày, tàn phế dẫn đến kỳ thị, hắt hủi. Những chi phí gián tiếp như mất tiền lương, chăm sóc dài ngày, chấn thương thân thể và tinh thần, sự chăm sóc của thân nhân... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội.
Cấp cứu khi bỏng. (Ảnh minh họa)
Tai nạn bỏng xảy ra chủ yếu ở gia đình và nơi làm việc. WHO đã đưa ra khuyến nghị trong trường hợp cấp cứu bỏng như sau:
Nên:
- Cởi bỏ bớt quần áo nạn nhân để tránh làm bỏng nặng hơn và rửa vết bỏng.
- Làm mát vết bỏng bằng cách mở vòi nước chảy chầm chậm lên vết bỏng.
- Trong trường hợp bỏng lửa, cần dập lửa bằng cách cho nạn nhân lăn tròn trên đất hoặc phủ chăn, dùng nước hay các phương tiện chữa cháy để dập lửa.
- Trong trường hợp bỏng hóa chất, cần làm sạch hoặc làm loãng bớt hóa chất bằng cách rửa vết bỏng với nhiều nước sạch.
- Băng nhẹ vết bỏng bằng băng gạc sạch và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Không nên:
- Không tiến hành cấp cứu cho nạn nhân nếu chưa đảm bảo an toàn: ngắt cầu dao điện, đi găng tay cao su để phòng người cứu hộ bị bỏng hóa chất...
- Không đắp thuốc mỡ, nghệ... lên vết bỏng.
- Không đắp đá lên vì có thể làm tổn thương sâu thêm.
- Tránh làm mát bằng nước quá lâu vì có thể gây hạ thân nhiệt.
- Không làm trợt vỡ nốt phỏng cho đến khi đã bôi kháng sinh tại chỗ.
- Không bôi đắp bất kỳ thứ gì lên vết bỏng vì có thể gây nhiễm trùng.
- Tránh bôi thuốc lên vết bỏng nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Theo vietbao
Hà Nội: Nến to phát nổ, bé trai bỏng nặng Nhà bị mất điện, bé N.T.N (11 tuổi, Hà Nội) châm nến thắp sáng không ngờ cây nến phát nổ, lửa bùng lên bám vào quần áo cháu bé và bùng cháy. Vụ hỏa hoạn hy hữu xảy ra vào tối 30/5. Tối đó bé N. được người nhà đưa đến khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng bỏng toàn thân,...