Bị ném đá nhầm vì trùng tên với bệnh nhân Covid-19 mới
Sau khi N.H.N. (26 tuổi) được xác nhận là ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội, nhiều cô gái trùng tên với bệnh nhân này bị nhận nhầm và nhắn tin làm phiền.
Tại cuộc họp khẩn cấp đêm 6/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội công bố bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 thứ 17 ở Việt Nam là N.H.N (26 tuổi, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội). Giữa tháng 2, người này từng sang Anh, Italy, Pháp.
Thông tin này lập tức được chia sẻ kín mạng xã hội. Trong đó, hình ảnh, thông tin cá nhân và tài khoản mạng xã hội được cho là của bệnh nhân N. xuất hiện ở nhiều nơi.
Kéo theo việc chia sẻ thông tin trong hoảng loạn của dân mạng, không ít cô gái trùng tên với N.H.N bị nhận nhầm và nhắn tin làm phiền.
Đặc biệt, nhiều trang mạng thông tin bệnh nhân N. trước khi bị đưa vào cơ sở y tế để cách ly bắt buộc đã tham dự sự kiện khai trường của Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa. Nhiều bức ảnh được cho là của người này chụp tại buổi khai trương cửa hàng Uniqlo hôm 5/3.
Tối 6/3, phố Trúc Bạch (quận Ba Đình) – nơi cư trú của bệnh nhân Covid-19 thứ 17 ở Việt Nam – bị phong tỏa. Ảnh: Phạm Thắng.
Vừa nghe Việt Nam có ca nhiễm mới như “tin sét đánh”, chị N.H.N (Hà Nội) cảm thấy choáng váng khi bị nhận nhầm là cô gái dương tính với Covid-19.
Ngay lập tức, chị lên mạng xã hội đính chính để mọi chuyện không đi xa hơn. “Ngày trước thấy người giống tên người bị chửi lây, mình cũng chỉ thấy buồn cười thôi, giờ mới dở khóc dở cười”, chị viết.
Thậm chí, khi có số lạ gọi đến, “mình sợ quá tưởng bị bắt đi cách ly”, chị N. nói với Zing.vn.
Khi lên tiếng trên mạng xã hội, điều chị N. mong mỏi là mọi người ngừng chia sẻ thông tin sai lệch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tránh làm ảnh hưởng cá nhân khác.
Trả lời báo chí sau cuộc họp khẩn, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung xác nhận bệnh nhân N. không tham dự khai trương cửa hàng Uniqlo tại Hà Nội như tin đồn.
“Tôi là người trực tiếp trao đổi với cô N. và tôi tin rằng bệnh nhân này sau khi từ Nội Bài trở về đã ở tại địa chỉ nhà riêng tại phường Trúc Bạch từ sáng 2/3. Đến 14h ngày 5/3, lái xe đã chở cô này đến Bệnh viện Hồng Ngọc, sau đó Bệnh viện Dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận người này vào 17h ngày 5/3″, ông Chung nói.
Chủ tịch thành phố cho biết, cửa hàng Uniqlo ở Hà Nội khai trương vào 18h ngày 6/3, thì không thể có chuyện người này tham dự được.
Video đang HOT
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, trong khi dư luận xã hội đang tập trung theo dõi các tin tức từ dịch bệnh, nhiều người dùng mạng đã tung tin thất thiệt, sai sự thật để tăng tương tác, thu hút sự chú ý.
Ngày 15/2, Công an huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với Trần Nhuận Phát (20 tuổi, ngụ xã Thạnh Phước) vì đăng tải nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, đồng thời xuyên tạc, xúc phạm uy tín của Đảng, Nhà nước.
Tung tin Lạng Sơn có 1 người chết vì virus corona ngày 29/1, Trần Thị Thu Thủy (sinh năm 1997, trú tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng.
Ngày 30/1, V.T.N.T. (trú quận Ngô Quyền) bị Công an TP Hải Phòng phạt 10 triệu đồng do đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Ảnh: Công an cung cấp.
Trước đó 1 ngày, UBND TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với Nguyễn Đình Vân (29 tuổi, người địa phương) sau khi tung tin thất thiệt về người chết ở Cửa khẩu Móng Cái.
Ngày 30/1, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh triệu tập Nguyễn Thu Trang (chủ tài khoản Facebook Nguyễn Trang) để lập biên bản vi phạm hành chính khi tung tin sai sự thật về việc khách Trung Quốc nhiễm virus corona nhập viện tại Quảng Ninh.
Cùng ngày, Công an TP Hải Phòng ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với V.T.N.T. (trú quận Ngô Quyền) do đăng thông tin sai sự thật một người nghi nhiễm virus corona nhập viện tại Khoa Lây, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng.
Tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) hôm 30/1, đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh Bộ Công an đã phối hợp công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận không gây hoang mang, dao động cho người dân và xử lý nhiều trường hợp đưa tin thất thiệt.
Theo news.zing.vn
Mẹ chống SARS, con chống nCoV
Thấy con gái xách vali ra khỏi nhà và dặn "Con đi công tác", bà Thục hiểu con sắp bước vào cuộc chiến giống mình 17 năm trước.
Dù đoán được mục đích chuyến đi của con gái, bà Nguyễn Thị Thục - nguyên y tá trưởng Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới (nay là Bệnh viện Nhiệt đới trung ương) vẫn hỏi với theo: "Mới đầu năm có việc gì mà phải công tác hở con?".
"Có người nhiễm nCoV rồi. Con phải ở lại bệnh viện", bác sĩ Trần Hải Ninh (trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, cơ sở Đông Anh) trả lời mẹ và rảo bước khuất sau cánh cổng ngôi nhà trong khu tập thể Phương Mai, chập tối 30/1. Ký ức về những ngày chiến đấu chống dịch SARS của bà năm 2003 lại trỗi dậy.
Là đồng nghiệp của con, bà Thục đã quen với việc nói với hai đứa cháu là "mẹ đi công tác" để chúng không đòi. Nhưng hôm nay bà lo. Một dịch bệnh mới bùng phát ở Trung Quốc từ trước Tết Canh Tý - với khả năng lây lan chóng mặt từ người sang người - đã xuất hiện ở Việt Nam.
Y tá trưởng Nguyễn Thị Thục, người tham gia chống dịch SARS năm 2003. Ảnh: Phan Dương.
Cùng thời điểm này 17 năm trước, dịch SARS cũng bắt đầu từ Trung Quốc, lây từ người sang người, gây ra những cái chết nhanh chóng. Từ một bệnh nhân gốc Hong Kong nhập viện Việt Pháp ngày 26/2/2003 chỉ ho, sốt như cảm cúm thông thường, nhưng tới đêm, ông này ho liên tục, trong đờm có máu, sau đó hôn mê.
Hai ngày sau, những nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân này cũng xuất hiện triệu chứng ho, sốt, nhức mỏi người. Các bệnh cúm thông thường ít khi tác động tới phổi, nhưng với SARS, chỉ hôm trước còn lờ mờ hôm sau phổi đã trắng xoá.
63 người ở Việt Nam đã nhiễm SARS, trong đó 7 người chết. Họ đều là y, bác sĩ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân người Hong Kong. "Trong 34 năm công tác, tôi chưa bao giờ trải qua trận dịch nào khủng khiếp như SARS", bà Thục nhận định.
Khu vực xung quanh các bệnh viện Việt Pháp, Bạch Mai, Phương Mai, Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới thuộc phường Phương Mai (quận Đống Đa) là một "tử địa" thời đó. Quán xá đó đóng kín, không ai bán đồ ăn cho bệnh viện.
"Đám ma của một y tá ngay đầu ngõ không một ai đến viếng, kể cả bạn bè cùng ngành y", bà Thục nhớ lại trường hợp y tá Nguyễn Thị Lượng, người chăm sóc cho bệnh nhân người Hong Kong, rồi thiệt mạng vì SARS. Hai người vốn cùng làm cùng Bệnh viện Bạch Mai, sau người sang Việt Pháp, người sang Viện nhiệt đới, nhưng vẫn sống trong cùng khu. Ký ức đau buồn vẫn dai dẳng trong bà Thục nhiều năm, lòng thắt lại mỗi lúc nhớ về.
Những bệnh nhân sau đó được chuyển qua Viện nhiệt đới, nơi tuyến đầu điều trị bệnh truyền nhiễm. Y tá trưởng Nguyễn Thị Thục là một trong những người tiên phong chiến đấu với dịch.
Bà kể, trong số 34 bệnh nhân SARS, có khoảng chục người nặng, phải mở khí quản, thở máy. Nhân viên y tế thời đó không có có khẩu trang N95, không có quần áo bảo hộ chuyên dụng. Họ phải đứng kề bên cho bệnh nhân ăn, tắm rửa, gội đầu, thậm chí cả thay băng vệ sinh. Nhưng vất vả nhất là bóp bóng cho bệnh nhân thở vì máy thở không đủ và có nhiều người bệnh không đáp ứng với máy.
"Đánh nhau thì còn biết tiếng súng ở phía nào chứ vi khuẩn, virus chẳng biết ở đâu mà tránh. Nhưng không thể bỏ mặc bệnh nhân được. Họ không thở được, như cá mắc cạn vậy", nữ y tá hồi tưởng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Cấp cứu Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới ra lệnh mở hết cửa cho thông thoáng, trái ngược hoàn toàn với bên Việt Pháp, bệnh nhân nằm phòng điều hoà kín mít. Đây được xem là yếu tố có ý nghĩa quyết định hạn chế virus lây lan, dù đi ngược lại với quan điểm của nhiều chuyên gia y tế thế giới bấy giờ. Y tá Thục còn cùng các đồng nghiệp đốt bồ kết, xông khắp các phòng, dù chẳng biết hiệu quả tới đâu, chỉ để an tâm hơn.
Theo bà, nhờ kinh nghiệm phòng lây chéo tốt và nhiều bác sĩ giỏi nên không chỉ tất cả bệnh nhân được cứu sống mà toàn thể cán bộ, nhân viên y tế của Viện không ai bị lây bệnh. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO công nhận là đã khống chế được dịch SARS vào ngày 28/4/2003.
Y tá Nguyễn Thị Thục (người đầu tiên bên phải) cùng các đồng nghiệp chụp hình lưu niệm với bệnh nhân SARS rất nặng, ông Nguyễn Hữu Hùng (ôm hoa hồng), bênh cạnh là vợ và em gái ông. Một người thân của ông Hùng là bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp chết vì SARS. Ông Hùng cùng em gái, tài xế đều bị nhiễm dịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thời nhỏ, bác sĩ Trần Hải Ninh hay nói: "Con ghét nghề bác sĩ của mẹ". Giờ cậu con trai 7 tuổi của chị cũng nói y hệt thế. Đang đêm phải vào viện, đang trong kỳ nghỉ phải bỏ dở chạy về và khi con muốn được ôm hôn sau những ngày trực, người mẹ luôn lùi lại và ngăn cản.
Cô gái Trần Hải Ninh vốn thích ngoại thương, song vì được tuyển thẳng vào đại học nên đã chọn trường khó nhất: Đại học Y, học đa khoa. Năm 2005, Ninh là một trong 8 sinh viên y khoa tốt nghiệp bằng giỏi.
Ban đầu chị thích làm bác sĩ nội trú, chuyên khoa tim mạch. Song khi gặp một vị giáo sư đầu ngành xin lời khuyên, ông nói: "Trong nghề y, để cứu được một người bệnh, chuyên khoa nào cũng quan trọng, nhưng bác sĩ truyền nhiễm nếu làm tốt có thể cứu cả cộng đồng". Vì câu nói đó, cô gái trẻ bỏ qua nhiều các con đường rộng mở, để chọn con đường mang tên... lý tưởng.
"Bác sĩ truyền nhiễm vừa nguy hiểm, vừa nghèo. Nhưng con đã chọn, tôi chỉ biết động viên 'phải giỏi chuyên môn thì mới cứu được người bệnh, an toàn cho mình và an toàn cho người khác'", bà Thục chia sẻ.
Được truyền nhiệt huyết, đam mê qua các bài giảng của PGS Trịnh Thị Minh Liên, GS Nguyễn Văn Kính ở bộ môn Truyền nhiễm - Trường ĐH Y Hà Nội , học được nhạy cảm lâm sàng của BSCKII Nguyễn Hồng Hà và cả những lời khuyên, sự khắt khe trong kỹ năng phòng hộ từ mẹ, Trần Hải Ninh ngày càng say mê chuyên ngành truyền nhiễm.
Bác sĩ Trần Hải Ninh, trưởng khoa Nội Tổng hợp, đang chiến đấu với dịch Corona một tháng qua. Ảnh: Phan Dương.
15 năm công tác, chị đã trải qua nhiều trận dịch như H5N1 năm 2005, H1N1 2009, dịch sởi và sốt xuất huyết các năm tiếp theo, nhiễm giun sán Bắc Ninh năm 2018, hay vi khuẩn ăn thịt người whitmore năm 2019...
Năm nay, dịch corona khiến bác sĩ Ninh lo lắng bởi đây là chủng virus hoàn toàn mới, từ đường lây nhiễm, nguồn gốc virus như thế nào, tới nay vẫn chưa rõ ràng. Bắt đầu từ buổi giao ban sáng mùng 6 Tết, y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới đưa ra nhiều kịch bản ứng phó trước tình hình bệnh.
Khoa nội tổng hợp, nơi bác sĩ Ninh là trưởng khoa, có nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân cách ly, thường xuyên có khoảng 30 bệnh nhân cần theo dõi. "Với dịch corona, cho đến nay, chúng tôi chưa gặp khó khăn về công tác điều trị mà quan trọng là kế hoạch ứng phó", bác sĩ Ninh nói.
Vì chưa biết dịch diễn biến thế nào nên thời gian đầu khoa cắt cử mỗi ngày làm việc có một bác sĩ, hai y tá, nhằm hạn chế tối đa số lượng nhân viên y tế phải tiếp xúc với bệnh nhân, cũng như để tiết kiệm các trang bị phòng hộ. Rất may tại khoa Nội gần một tháng qua, với hàng trăm lượt bệnh nhân nghi nhiễm corona ra vào, nhưng chưa có một ai dương tính.
Bước đầu, 16 bệnh nhân corona tại Việt Nam đều âm tính được xem như một thắng lợi. Song dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... và như tất cả các đồng nghiệp mình, bác sĩ Ninh không rời "vị trí chiến đấu".
Một buổi trưa đang xem bệnh án, chị Ninh chợt nghe thấy tiếng cổ cầm. Tiếng đàn lúc như thấu vào tâm can, khi lại giục giã, một cảm giác trong trẻo, kiên cường lan toả trong lòng. Hoá ra một bệnh nhân trong khu cách ly, vốn là giảng viên thanh nhạc tại Vũ Hán đang chơi khúc Bội Lan, bản nhạc về loài hoa lan mọc trong rừng thẳm không ai hay biết nhưng vẫn toả ngát mùi hương - để cảm ơn các y bác sĩ đã chăm sóc, điều trị cho mình.
"Thật tuyệt với khi giữa tâm dịch, chúng tôi vẫn có giây phút an nhiên nghe tiếng cổ cầm", bác sĩ Ninh rạng rỡ.
Phan Dương
Theo news.zing.vn
'Găm' 90.000 chiếc khẩu trang chờ tăng giá, bán kiếm lời Lực lượng chức năng vừa phát hiện điểm tập kết chứa khoảng 90.000 chiếc khẩu trang tại một hộ gia đình để chờ giá tăng cao, bán kiếm lời. Chiều 11/2, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng chức năng liên ngành phát hiện điểm tập kết khoảng 90.000 chiếc khẩu trang y...