Bị mụn rộp vùng kín vì bất cẩn khi ‘yêu’
Chỉ sau một lần quan hệ tình dục với bạn chat, V. đã nhiễm Herpes Simplex, loại virus gây mụn rộp, đau rát ở cơ quan sinh dục, và không thể chữa lành.
Từ đầu năm đến nay, có gần 100 học sinh, sinh viên mắc bệnh Herpes sinh dục đến Bệnh viện Da Liễu TP HCM khám và điều trị, phần lớn mắc bệnh do quan hệ tình dục thiếu an toàn.
Các bác sĩ cảnh báo, Herpes sinh dục không thể điều trị khỏi và thường xuyên tái phát. Khi mắc bệnh, quanh bộ phận sinh dục thường xuất hiện triệu chứng rát, nóng, nổi mụn nước nhỏ thành chùm và vỡ ra, đóng vảy rồi tự lành sau 1 – 2 tuần. Vết loét đau đớn nhiều hơn khi đi tiểu. Bệnh có thể kèm theo sốt, nhức đầu, nổi hạch bẹn.
Nhiễm trùng nặng vì tự điều trị
Sau lần quan hệ “vội vã” với một cô bạn chat quen trên internet, V., 21 tuổi, sinh viên một trường cao đẳng ở TP HCM, bị đi tiểu buốt rát, sau đó là nổi phồng các nốt mụn nước ở quanh dương vật. Do mặc cảm, V. tự mua thuốc về nhà điều trị, nhưng uống gần ba tuần không đỡ nên đành phải đến bệnh viện khám. Bác sĩ Trần Kim Phương, phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu, cho biết do bệnh nhân tự điều trị nên vết thương bị nhiễm trùng, virus lan rộng quanh dương vật khiến bộ phận này sưng và đau buốt.
Video đang HOT
Chờ khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM. Ảnh: Lê Hưng.
Theo bác sĩ Kim Phương, virus Herpes Simplex (còn được gọi là virus gây mụn rộp) có hai tuýp gây bệnh. Một tuýp chủ yếu gây bệnh ở phía trên cơ thể như mắt, mũi, miệng… do bị lây truyền trực tiếp từ nước bọt hoặc vết thương của người bệnh. Việc lây truyền gián tiếp do dùng chung nhà vệ sinh, khăn tắm… rất khó xảy ra, vì loại virus này chết trong vòng một giờ sau khi rời khỏi cơ thể ký chủ.
Tuýp thứ hai lây truyền qua đường tình dục nên được gọi là Herpes sinh dục. Thương tổn thường xuất hiện tại bộ phận sinh dục và hậu môn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp quan hệ bằng đường miệng vẫn lây Herpes sinh dục. Nếu sản phụ mắc bệnh, khi sinh con qua đường âm đạo, trẻ dễ bị tổn thương não, mờ mắt, thậm chí tử vong.
Dễ tái phát
Bác sĩ Trương Lê Anh Tuấn, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cảnh báo, bệnh này không thể điều trị lành vĩnh viễn. Một khi đã mắc, virus tiến sâu vào các tế bào thần kinh thuộc hạch cảm giác ở vùng sau tủy sống. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm xuống (do học tập mệt mỏi, căng thẳng tâm lý, ăn uống thất thường, đến ngày hành kinh, nhậu nhẹt, thay đổi thời tiết, trầy xước trong giao hợp…), virus sẽ hoạt động trở lại. Cũng theo bác sĩ Tuấn, số bệnh nhân tái phát Herpes sinh dục ngày càng cao, nhiều người tái phát mỗi năm hơn 10 lần.
Phần lớn người mắc bệnh rơi vào độ tuổi 18 – 30. Đây là lứa tuổi có nhu cầu tình dục cao và có nhiều giao tiếp xã hội để đưa đến hành vi tình dục không an toàn. Nhiều bạn trẻ mắc bệnh này thường xấu hổ, mặc cảm nên không đến bệnh viện điều trị, khiến vết thương lâu lành hơn và khả năng tái phát cao hơn.
Bác sĩ Phương khuyên, khi vết loét chưa lành thì không nên quan hệ tình dục. Cần giữ cho vết loét sạch sẽ, khô ráo, tránh đụng chạm, rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với vết loét. Khi quan hệ tình dục, nên mang bao cao su để tránh tái phát do sang chấn mạnh.
Theo Trường Cơ
Báo Đất Việt
5 sự thật "sốc" về bệnh lây qua đường tình dục
Đúng là quan hệ tình dục có sử dụng biện pháp bảo vệ sẽ an toàn hơn nhiều so với quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn vẫn có thể bị STD (các bệnh lây lan qua đường tình dục) ngay cả khi đã được bảo vệ. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng bao cao su không phải lúc nào cũng là sự đảm bảo giúp bạn tránh STD. Sau đây là một số sự thật bất ngờ về STD:
1. Bạn vẫn có thể bị STD khi dùng "áo mưa"
Đúng là sử dụng bao cao su sẽ làm giảm nguy cơ bị STD. Nhưng bạn cũng cần nhớ rằng bao cao su không phải là sự bảo vệ hoàn hảo. Vấn đề là ở chỗ: STD lây lan theo hai cách, thông qua làn da bị lây nhiễm và tinh dịch bị lây nhiễm. Một số STD, chẳng hạn như bệnh giang mai, mụn rộp sinh dục và HPV, có thể gây ra vết đau nhức ở bất kỳ chỗ nào trên đùi, hậu môn, hai "hòn bi" và mông, những vùng không được bảo vệ bởi bao cao su. Vì vậy, dù việc sử dụng bao cao su rất quan trọng nhưng bạn đừng nghĩ rằng sử dụng nó mỗi khi quan hệ là bạn đã có thể loại bỏ nguy cơ bị STD.
2. Bệnh STD không phải lúc nào cũng dễ nhận biết
Bạn không thể cho rằng nếu một anh chàng nào đó không thường xuyên gãi đũng quần thì anh ta không bị STD. Bên cạnh đó, bạn cũng không thể nói rằng anh ấy "sạch" chỉ bởi vì "cậu bé" của anh ấy trông có vẻ bình thường. Hầu hết những người bị STD không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Một số khác lại các triệu chứng nhẹ nên họ hoặc là không để ý hoặc là nhầm tưởng chúng là tóc mọc ngược vào bên trong. Vì vậy, việc một anh chàng nghĩ rằng anh ta không bị STD không có nghĩa anh ta "sạch'. (Và với bạn cũng vậy).
3. Bạn không thể kiểm tra tất cả STD
Cách tốt nhất để biết liệu bạn hoặc bạn đời có bị STD không là đi kiểm tra. Một số bệnh như HIV, giang mai, bệnh lậu và chlamydia có thể kiểm tra dễ dàng. Nhưng bệnh mụn rộp sinh dục và HPV sẽ khó hơn. Không có cuộc kiểm tra để chẩn đoán liệu các chàng có bị HPV hay không. Nếu một anh chàng có một vết sưng, có thể anh ta nghĩ đó là mụn cơm sinh dục, anh ta có thể đến gặp bác sỹ để chẩn đoán bằng mắt và xác định xem liệu đó có phải là HPV hay không hoặc liệu có quá khó để nói đó là gì. Mặc dù có thể kiểm tra máu để chần đoán bệnh mụn rộp sinh dục nhưng nó không phổ biến lắm và thường các mụn rộp như mụn cóc được bác sỹ chẩn đoán bằng mắt.
Về cơ bản, bất kỳ anh chàng nào nói rằng anh ta đã được kiểm tra tất cả mọi thứ thì hoặc là anh ta nói dối hoặc thật ra anh ta đang nói rằng ở một khía cạnh nào đó anh ta có những vết sưng và loét không xác định quanh háng mà anh ta đã cho bác sỹ xem. Ngay cả khi một ai đó đã tiến hành tất cả các cuộc kiểm tra STD có thể thì cũng không thể hoàn toàn chắc chắn rằng họ không bị STD. Và nhớ rằng để kết quả kiểm tra HIV chính xác nhất, một người cần phải đợi ít nhất 2 tháng sau khi có những tiếp xúc có thể xảy ra với virut này.
4. Bạn không nhất thiết bị STD trong lần đầu quan hệ với người mới
Đôi khi mọi người vẫn có những lựa chọn sai lầm trong chuyện quan hệ tình dục. Nhưng không có lý do gì để lặp lại những lựa chọn đó hết lần này đến lần khác. Rất có thể bạn sẽ ân ái với ai đó bị bệnh STD và không bị dính bệnh. Khi bạn quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ với một anh chàng 1 hoặc 2 lần, bạn không nhất thiết dính bất kỳ bệnh STD mà anh ta có thể đang mắc phải. Vì vậy, nếu trong tương lai bạn quan hệ tình dục với anh ta lần nữa thì việc dùng bao cao su vẫn rất quan trọng. Mỗi lần bạn quan hệ, thậm chí với cùng một người, thì bạn đang có nguy cơ mới đối với việc bị mắc bệnh STD.
5. Nếu bị nhiễm chlamydial mà không được chữa trị thì có thể dẫn đến vô sinh
Nhiễm Chlamydia là STD phổ biến nhất ở Mỹ. Tin tốt là: Nó hoàn toàn có thể chữa được. Tin xấu là: Việc nhiễm chlamydial nếu không được chữa trị có thể khiến cơ quan sinh sản của bạn bị hỏng. Kiểm tra viêm nhiễm chlamydia đơn giản và nhanh gọn như hít thở không khí vậy. Do đó, mọi phụ nữ quan hệ tình dục đều nên bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình bằng cách tiến hành kiểm tra chlamydia, và nếu bị nhiễm, hãy nhanh chóng điều trị trước khi việc lây nhiễm có cơ hội gây ra những thiệt hại vĩnh viễn.
Thụy Vân
(Tổng hợp theo YH)