Bí mật yêu
“Tại sao lại phải lén lút? Tại sao những cô gái bên cạnh mày đều yêu mến mày, nhưng tại sao họ lại phải giấu? Mày và họ đều có quyền tự do bên nhau mà?”
Nó chỉ nhìn thẳng vào không trung đen ngòm mà không hé một lời.
“Tại sao vậy? Mày không tin tao sao? Mày biết không, tao để ý thấy tụi con gái cứ viết tắt tên mày trong danh bạ, nhưng mỗi lần nhắc tới mày là tụi nó vui trông thấy. Còn nữa, có hôm tao thấy mày đi với một con trong đám đó. Nhưng tao lại có cảm giác như hai đứa mày đang chạy trốn vậy. Tình yêu kiểu quái gì thế?”
Nó ngóc đầu nhìn tôi vẻ ngạc nhiên, tuy nó không nói nhưng tôi biết nó muốn hỏi “Sao mày biết?”
Tôi biết tỏng nó. Thằng bạn của tôi, Thắng, mười chín tuổi, da trắng, kính cận, cao ráo, thích vẽ vời, và ca hát. Nó học cũng khá. Có học kỳ hạng ba, có khi hạng năm, nhưng thỉnh thoảng cũng hạng mười lăm. Chỉ cần một cái búng tay gãy cây guitar của nó thôi thôi thì không biết bao nhiêu cô nàng hớn hở ngồi nghe. Tính từ lúc học phổ thông cho đến khi trở thành một sinh viên đại học Kiến trúc năm hai, nó đã có khoảng mười mấy cô bạn gái rồi. Nhưng khác ở chỗ là lúc đó nó công khai tất cả, nhưng bây giờ lại phải bí mật như vậy.
Tôi và Thắng là bạn từ nhỏ nên tôi rất hiểu nó. Nó thầm yêu một cô giáo trong trường nhưng không dám thổ lộ. Nó tìm những cô bạn gái để nguôi ngoai nỗi cô đơn đang đeo đuổi nó thôi. Tôi cố moi hết ruột gan nó ra chỉ mong nó nhẹ lòng đi, nhưng nó cứng đầu quá.
Thắng thầm yêu cô Thi, giác viên dạy môn lịch sử kiến trúc. Cô giáo ba mươi hai tuổi này có một ánh nhìn trầm buồn, nhưng khi cô hướng tia nhìn đến ai thì người đó lại có cảm giác một nội lực bên trong làm cho họ phải nhún mình. Mái tóc ngang vai lúc nào cũng ở đúng vị trí, không lòa xòa như mấy nàng sinh viên nhí nhảnh. Cô Thi cao chừng một mét sáu mươi, và hay mang giày cao ba phân. Mỗi khi cô bước đi, đôi giày chỉ vang lên vài nhịp gõ khe khẽ. Ngực ưỡn, lưng thẳng, đôi môi ít cười. Ngón tay áp út trái chưa đeo nhẫn. Thế nhưng cô Thi có cái duyên lạ. Dù rằng cô không nói nhiều ngoài bài vở trên lớp, nhưng từng cử chỉ làm cho sinh viên bị cuốn hút. Mỗi khi cô đưa tay cầm bút viết bảng, những ngón tay thon thả giở từng trang giáo án, hay khi cô phân tích lối xây dựng của người La Mã vào thế kỷ mười chín luôn làm cho sinh viên mê mệt lắng nghe. Cô Thi cũng y như một công trình kiến trúc vậy, càng cổ bao nhiêu, càng đẹp bấy nhiêu.
“Mày có thể nói ra cảm xúc của mày mà.” Tôi tiếp lời.
“Không được!”
“Sao vậy?”
“Tao không biết.”
“Nếu mày không nói thì mày sẽ hối hận. Mày không thể cứ để tình trạng này kéo dài hoài được. Chưa kể mày làm bao nhiêu đứa con gái hy vọng rồi lại thất vọng. Mày làm vậy là quá đáng lắm.”
“Tao quá đáng chỗ nào chứ?” – Thắng vùng ra khỏi giường.
“Mày biết rõ mấy đứa đó thích mày, mà mày có để ý gì đến người ta đâu. Vậy thì mày hẹn hò, đi chơi với tụi nó làm gì? Mày làm vậy tụi nó buồn lắm biết không?”
“Mày rành quá hả?”
“Tao biết vì con Mai nó đến khóc với tao, mày biết chưa?”
Thắng đỏ mặt, im lặng. Tôi được nước xông lên:
“Mày có biết mày đang dần trở thành một thằng sở khanh không? Nếu mày cứ tiếp tục như vậy thì mày sẽ không còn bạn bè gì nữa đâu, kể cả tao.” Tôi dừng lại ít lát.
Video đang HOT
“Tao biết mày có tình cảm với cô Thi. Mày đi gặp cô đi. Như vậy sẽ tốt cho mày đó.”
Tối đó, tôi nằm giường tầng trên mà cứ nghe tiếng sột soạt của tầng dưới. Thắng thức trắng đêm hôm đó.
Hai tuần sau, lớp chúng tôi được thông báo nghỉ môn cô Thi. Dĩ nhiên cả lớp la ó vui mừng vì tin đó, trừ Thắng.
Tiết học kế lại được nghỉ. Tuần kế, nghỉ.
Rồi bỗng lớp trưởng gửi email cho cả lớp báo rằng môn Lịch sử kiến trúc sẽ có người dạy thế cô Thi cho đến hết học kỳ.
Thằng bạn cốt của tôi như người mất trí. Nó lơ ngơ nhìn mây nhìn gió. Đồ án thì nghuệch ngoạc cho có, bài tập không ngó tới, thậm chí nó nghỉ học khá nhiều giờ. Những đứa con gái hay đi chơi chung với nó cũng bị nó lờ đi. Tôi nói gì cũng không còn lọt vào lỗ tai của nó nữa.
Gần một tháng sau, Thắng lại thay đổi.
Nói im lặng hơn, đi học lại đều đặn, những bài tập dang dở nó thức hôm thức đêm để làm lại hết. Nó không còn điệu đà nữa, chỉ mặc quần áo đàng hoàng đến lớp hay ra ngoài thôi. Điện thoại của nó cũng không còn leng reng tin nhắn như xưa. Và còn một sự thay đổi nữa làm tôi chú ý là nó hay biến mất lúc năm giờ chiều và quay về ký túc xá lúc tám giờ tối mỗi ngày.
Lúc trước nó đi chơi với những cô nàng thì ít lắm cũng mười một giờ mới về. Nó hay leo rào về phòng vì ký túc xá đã đóng cửa lúc mười giờ đêm. Có hôm nó không vào được phải ngủ nhờ phòng trọ cũng những đứa bên ngoài. Vậy mà giờ đây đúng chín giờ là Thắng bắt đầu ôn bài và học hành nghiêm túc. Tôi hỏi thì nói trả lời: “Tao đi làm thêm.”
Tất cả thầy cô đều đánh giá thằng bạn cũng phòng của tôi thông minh, nhưng lười biếng. Chính vì thế điểm số dù ở top mười nhưng không bao giờ leo lên được hạng nhất. Nó ỷ lại khả năng của mình, chỉ cần quẹt quẹt điểm cũng tám chín rồi. Thắng cũng nói nó không cần điểm mười làm chi. Cái tính bất cần đó không đưa nó lên cao, nhưng cũng giữ nó ở một vị trí trung trung.
Sắp kết thúc năm hai, nó lật đật rà lại điểm số và so sánh với mọi người.
“Chậc, năm rồi tao học tệ quá!” – Nó nhăn mặt khi nhìn bảng điểm trên máy tính.
“Ừ!” – tôi cụt ngủn đáp.
“Lần này tao phải hạng nhất mới được.”
“Ủa. Lúc trước mày đâu có muốn vậy, sao bây giờ lại kiên quyết dữ thần!” – giọng tôi hơi mỉa mai.
“Vì có người muốn tao học tốt.”
“Ai? À, mày tính xin xỏ ba mẹ mày cái gì nữa chứ gì?”
Nó im lặng rồi cười khẩy.
Quả thật, học kỳ đó nó hạng nhất. Thắng vừa được tuyên dương ở khoa, vừa được trao học bổng khuyến khích cho học kỳ một của năm sau.
Hôm nhận học bổng, nó bảo sau chín giờ sẽ đãi cả phòng một bữa. Ấy nhưng cả đám chờ mãi mà không thấy nó đâu, liên lạc cũng không được.
Tối hôm sau, nó thất thểu về phòng. Mặt mày phờ phạc xanh xao, quần áo nhăn nheo, mắt đỏ hoe. Vừa tới giường, nó ngã cái đùng, nằm im ru. Chúng tôi lo lắng hỏi han đủ thứ mà nó không trả lời trả vốn.
Tôi lo lắng quá nhưng không biết làm gì hơn. Mắt cố nhắm lại để cơn buồn ngủ kéo đến. Rồi tôi nghe tiếng thúc thít. Tiếng ấy càng lúc càng lớn. Nghe cứ rờn rợn, con co quắp người lại để đỡ sợ. Cái tiếng ấy như không thể dồn nén được nữa, nó vỡ òa.
Thắng khóc.
Tôi lật đật ngồi dậy, xuống xem bạn bị như thế nào.
Thắng đau đớn, quằn quại. Nó khóc như một đứa trẻ thơ đòi mẹ.
Cô Thi mất rồi.
Cô bị bệnh ung thư cổ họng. Mặc dù phát hiện sớm, nhưng khi tiến hành xạ trị, cô bị sốc thuốc.
Khi có thông báo thay đổi giáo viên, Thắng đi hỏi khắp nơi để biết nguyên nhân và tìm đến nhà cô. Cô Thi chỉ có một mình. Chính nó là người chăm sóc cô từ năm giờ đến tám giờ tối. Cô cũng là người khuyên răn nó nên cố gắng học hành.
Cô Thi đi rồi, Thắng đớn đau trăm ngã.
Nó gục đầu vào gối, để cho những cảm xúc thật sự trào ra.
Tôi bước ra ngoài nhìn lên bầu trời đêm. Hôm nay trời tối quá, sao chỉ có một ngôi sao duy nhất tỏa sáng thế kia?
Theo truyenngan.com.vn
Khi người lớn cô đơn
Tôi cô đơn khi tôi bắt đầu lớn bởi một lẽ đơn giản, trẻ con thì không cần bạn gái.
"Người lớn cô đơn, người lớn cần có nhau
Khi trái tim cần, tim biết mình thiếu vắng.
Người lớn một mình, trên đường chiều nhạt nắng
Những cặp đôi lướt qua, một mình giữa muôn cuộc tình."
Bạn gái trong định nghĩa của tôi là cô gái mà tôi có thể nhanh chóng nhận ra giữa tấp nập người lại qua, là người con gái mà tôi thấy như duy nhất trên đời. Tôi không nghĩ "bạn gái" là những lời à ơi giăng mắc đầy lối đời. Vì thế tôi khó tìm thấy người mình muốn. Thế là, càng lớn tôi càng thấm nỗi cô đơn thật sâu...
Tôi cô đơn trên nẻo về đông người. Khi ta lớn, càng lạc vào những nơi đông người ta lại càng cô đơn. Tôi sợ hãi mỗi khi đi trên xe bus, đi dọc cầu thang trường , lang thang nơi công viên hoặc lúc chầm chậm đi bộ trên đường chiều. Bởi những khi đó, cái thế giới đông người và nhiều tình tứ kia sẽ thả vào đôi mắt tôi một, hai cặp nhân tình. Để tôi vu vơ nghĩ ngợi, để nỗi cô đơn tột cùng lại vây kín tâm can....
"Lẻ loi là đứng giữa chốn đông người
Cô đơn là chìm trong muôn tình cảm
Khi tâm trí nứt nẻ như mảnh đồng khô ngày hạn
Tiếng sẻ gọi nhau cũng là nỗi cô đơn."
Sẽ có lúc bạn nhận ra niềm cô đơn của người lớn. Bạn nhận ra những lạ kì của sự thật: rằng con người ta không cô đơn khi chỉ có một mình mà chỉ cô đơn khi nhận ra mình khác biết. Lúc nhận ra mình khác biệt, ta như dạt vào một thế giới biệt lập. Mà sự khác biệt có thể có hai loại, một là khác biệt với mọi người, hai là khác biệt với những gì trong tâm can của mình, có nghĩa là khác biệt với chính mình!
Người lớn cô đơn thường rơi vào nỗi khác biệt thứ hai. Họ thấy họ đang sống khác biệt với những gì mà mình mong. Họ muốn có người yêu. Họ thấy chạnh lòng trước những đôi lứa đang hạnh phúc. Rồi họ lại thấy mình lẻ loi.
Sẽ có lúc bạn cô đơn như một người lớn nhận ra mình thiếu vắng. Sẽ có khi, bạn nhận thấy sự hiện diện của niềm lẻ loi, cô đơn kì lạ kia: lẻ loi giữa chốn đông người và cô đơn giữa muôn vàn tình cảm. Bạn bảo rằng khi cảnh vui thì người sẽ vui theo ư. Không phải đâu, khi người lớn cô đơn, tâm hồn họ nứt nẻ như cánh đồng hạn. Lúc ấy, ngay cả tiếng sẻ gọi bầy cũng chẳng thể làm cánh đồng vui tươi lên được. Kể cả những giọt mưa vôi cũng không khỏa lấp được cái buồn đã hóa nứt nẻ trái tim những người lớn.
Người lớn cô đơn, hồn họ chai đi dần.
"Người lớn cô đơn, người lớn tự giận hờn
Tự yêu, tự thương trong muôn vàn dang dở
Giữa đường chiều chợt nhận ra tôi lỡ
Hóa thân mình thành người lớn cô đơn......"
Người lớn cô đơn thường tự mình trong bao suy nghĩ. Họ cần yêu đã lâu mà trái tim vì một lý do nào đó lại chẳng thể hoặc chẳng dám yêu ai. Mà khi tự mình yêu, người ta sẽ dang dở mãi. Cuộc tình trọn vẹn của riêng một người thì vẫn cứ là một cuộc tình dang dở.
Dang dở như tôi bây giờ..
Dang dở như một người lớn đang một mình lang thang giữa muôn cuộc tình rải trên đường chiều...
Theo truyenngan.com.vn
Đi suốt bốn mùa anh vẫn viết 'Điều anh cần duy nhất chỉ là em' Điều anh cần duy nhất chỉ là em sẽ là nơi để ta nhìn lại mình sau những tháng ngày cố gắng quật ngã nỗi cô đơn. Nơi ta thấy mình đã từng trống trải, chênh vênh như thế nào trong những tháng ngày thanh xuân. Một ngày xuân, ta lặng lẽ bước ra khỏi văn phòng sau một ngày dài đắm mình...