Bí mật về chương trình tra tấn của CIA: Sắt thép cũng tan chảy
Trong bài trước, chúng tôi đã nói đến “vua tra tấn” John Bruce Jessen cùng những “kỹ thuật” hỏi cung tàn bạo. Đồng tác giả của những kỹ thuật ấy là James Elmer Mitchell. Khi Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo về tra tấn tù nhân, Mitchell đã không ngần ngại biện minh rằng: “Tôi chẳng có gì để phải xin lỗi vì tôi chỉ là một anh chàng, được nhiều người hỏi rằng tôi đã làm gì cho đất nước…”.
Sinh năm 1952, James Elmer Mitchell gia nhập lực lượng không quân Mỹ lúc 23 tuổi, làm nhiệm vụ tháo gỡ, vô hiệu hóa những loại bom đạn đã được ném ra nhưng không nổ. Năm 1980, Mitchell giải ngũ rồi theo học chương trình thạc sĩ tâm lý tại Đại học Alaska. 6 năm sau, ông ta lấy bằng tiến sĩ tâm lý tại Đại học South Florida.
Quay lại không quân vào năm 1988, Mitchell trở thành Trưởng khoa Tâm lý tại Trường Huấn luyện Fairchild, đặt ở căn cứ không quân Spokane, bang Washington.
Tại đây, Mitchell giám sát các học viên trong môn thẩm vấn tù nhân dựa vào những giáo trình do Công ty SERE soạn thảo. Đến năm 1996, Mitchell là nhà tâm lý học cho một đơn vị hoạt động đặc biệt tại căn cứ không quân Fort Bragg, bang North Carolina.
Sau khi xảy ra vụ tấn công tòa tháp đôi, Trung tâm thương mại New York và Lầu Năm Góc ngày 11-9-2001, CIA đề nghị Mitchell và Jessen phát triển một chương trình thẩm vấn dựa trên những tài liệu do tổ chức khủng bố Al Qaeda biên soạn, hướng dẫn cho các chiến binh thánh chiến cách chống lại thẩm vấn nếu bị bắt.
Đến năm 2005, Mitchell và Jessen cho ra đời Công ty Mitchell Jessen and Associates, chịu trách nhiệm giảng dạy cho một số điều tra viên của CIA, FBI về những “kỹ thuật” hỏi cung, bắt tù nhân phải khai ra tất cả những gì bí mật nhất.
Trong bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Mitchell bị nêu đích danh là người đã thực hiện tra tấn tù nhân Khalid Sheikh Mohammed bằng nhiều biện pháp dã man.
Kiến trúc sư khủng bố
Khalid Sheikh Mohammed sinh ngày 14-4-1965 tại Balochistan, Pakistan. Là người dân tộc Baloch, Mohammed thông thạo tiếng Balochi, Urdu, tiếng Ả Rập và tiếng Anh.
Theo các tài liệu của CIA, năm 1982, sau khi nghe bài phát biểu của Abdul Rasul Sayyaf – một trong những lãnh tụ của phong trào Taliban ở Afghanistan hồi đó – nội dung kêu gọi “thánh chiến” chống lại quân đội Liên Xô đang hiện diện ở Afghanistan để bảo vệ chính phủ do Tổng thống Muhammad Najibullah lãnh đạo (ông này về sau đã bị Taliban treo cổ), Mohammed gia nhập tổ chức Huynh đệ Hồi giáo nhưng không có một hoạt động nào được ghi nhận..
Khalid Sheikh Mohammed, “kiến trúc sư khủng bố” lúc bị bắt.
Năm 1983, Mohammad tốt nghiệp trung học rồi sang Mỹ, học ngành kỹ thuật tại Đại học Chowan ở Murfreesboro, bang North Carolina.
Năm 1986, Mohammed nhận bằng cử nhân cơ khí nông nghiệp. 4 năm sau đó, ông ta đến Peshawar, Pakistan, gia nhập hàng ngũ Mujahideen chống lại quân đội Liên Xô tại Afghanistan.
Sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, Mohammed quay lại trường học và nhận bằng thạc sĩ Văn hóa Hồi giáo tại Đại học Punjab, Pakistan. Tiếp theo, Mohammad đi Qatar, là kỹ sư dự án của Bộ Điện và Nước.
Năm 1994, với vỏ bọc “kỹ sư dự án của Bộ Điện và Nước Qatar”, Mohammed cùng đứa cháu trai là Ramzi Yousef đến Philippines để nghiên cứu phương thức phá hủy 12 đường bay thương mại giữa Mỹ, Đông Á và Đông Nam Á.
Sử dụng lịch bay của các hãng hàng không, Mohammed và Ramzi Yousef lập ra một kế hoạch mà theo đó, các chiến binh thánh chiến sẽ bí mật đặt bom lên 12 chiếc máy bay trong cùng một ngày, giờ nổ được ấn định khác nhau tùy vào lịch bay của từng hãng nhưng tất cả sẽ đồng thời nổ cùng một lúc.
Video đang HOT
Theo tính toán của Mohammed, 12 chuyến bay với ít nhất 400 người trên mỗi chiếc, sẽ giết chết 5.000 người.
Bên cạnh đó, Mohammed còn định thuê một chiếc máy bay du lịch loại nhỏ, nhét đầy thuốc nổ để một chiến binh Mujahideen lao vào Tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia, Mỹ, hoặc chiếm quyền điều khiển một máy bay thương mại khi nó đang chuẩn bị hạ cánh xuống Washington D.C rồi lái nó hướng về bang Virginia, chỉ cách đó vài dặm, mục tiêu vẫn là Tổng hành dinh CIA.
Tháng 12-1994, cháu trai Mohammed là Ramzi Yousef tiến hành thử nghiệm, bằng cách bí mật đặt một quả bom nhỏ với lượng chất nổ chỉ bằng 1/10 so với những quả bom mà Mohammed và Yousef dự định sẽ chế tạo, trên chuyến bay 434 của Hãng Hàng không Philippines từ Manila đi Tokyo, Nhật Bản.
Kết quả một hành khách người Nhật chết khi quả bom phát nổ. Đến ngày 7-2-1995, Yousef bị Cơ quan An ninh Philippines bắt. Trong tù, gã khủng bố trẻ người non dạ khai ra kẻ chủ mưu là ông chú mình: Khalid Sheikh Mohammed.
Tháng 1-1996, Mỹ và Philippines phát lệnh truy tố Mohammed với tội danh khủng bố. Để tránh bị bắt, Mohammed trở về Afghanistan, nơi ông ta có mối quan hệ thân thiết với Abdul Rasul Sayyaf, một trong những lãnh đạo cao cấp của Taliban để được Sayyaf che chở.
Đến cuối năm đó, Abu Hafs al-Masri, trợ lý thân cận của Bin Laden đã sắp xếp một cuộc gặp giữa Mohammed và Bin Laden ở vùng Tora Bora, thánh địa của tổ chức khủng bố Al Qaeda.
Trong cuộc gặp này, Mohammed vạch ra kế hoạch tấn công nước Mỹ bằng cách cướp máy bay rồi lao xuống những địa điểm trọng yếu. Ấn tượng trước sự việc ấy, Bin Laden kêu gọi Mohammed gia nhập Al Qaeda nhưng ông ta từ chối.
Chỉ đến khi thực hiện thành công các vụ đánh bom vào Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi và Dar es Salaam năm 1988, Mohammed mới chính thức trở thành thành viên cao cấp của Al Qaeda.
Cuối năm 1999, Bin Laden chấp thuận cho Mohammed tiến hành tổ chức những cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay nhắm vào nước Mỹ, và được toàn quyền chọn lựa những người tham gia. Mục tiêu mà Bin Laden và Mohammed cùng thống nhất, gồm Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc và điện Capitol, nơi làm việc của Quốc hội Mỹ. Ngày 11-9-2001, vụ tấn công nổ ra.
Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại New York và Lầu Năm Góc bị ba chiếc máy bay phản lực thương mại do nhóm khủng bố Al Qaeda cướp được, lao vào.
Riêng điện Capiol may mắn thoát nạn vì chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng do những nỗ lực của một số hành khách, chống lại bọn không tặc. Đến ngày 10-10-2001, FBI liệt Mohammed vào hàng đầu trong danh sách 22 tên khủng bố bị truy nã khẩn cấp, là “kiến trúc sư chính trong vụ 11-9.
“Mày sẽ ước gì đừng gặp tao”
Sau rất nhiều những nỗ lực săn lùng, CIA phối hợp với Cơ quan Tình báo Pakistan, đã bắt được Mohammed ngày 1-3-2003 tại thành phố Rawalpindi, Pakistan và ngay lập tức bị dẫn độ về Mỹ. Lúc gặp Mohammed trong một trại giam bí mật, câu đầu tiên của ông “vua tra tấn” Mitchell nói với Mohammed là: “Sắp tới đây, mày sẽ phải cầu đức Allah cho mày ước gì đừng gặp tao”.
Một tù nhân sau khi bị “đổ nước”.
Để khai thác “kiến trúc sư khủng bố”, ngoài kỹ thuật “đổ nước” mà Mohammed phải chịu hơn 100 lượt, Mitchell còn áp dụng những hình thức khác, chẳng hạn như tát liên tục vào mặt, không cho mặc bất kỳ một thứ quần áo gì trong nhiều ngày, nhốt vào một chiếc hộp bằng bêtông dài 2m, ngang 60cm, chiều cao chỉ 35cm, hoặc bị dìm vào một bể nước đá, mỗi lần 40 giây.
Rất nhiều lần, Mohammed bị bắt phải ngồi thẳng, lưng dựa vào tường, đầu nẹp bằng một chiếc đai sắt để tránh cựa quậy.
Một ngọn đèn 500 watt chiếu thẳng vào mặt ông ta từ giờ này sang giờ khác trong lúc Mitchell liên tục lặp đi lặp lại những câu hỏi. Đôi khi, “vua tra tấn” thay đổi “thực đơn” bằng cách treo ngược Mohammed lên rồi bơm thức ăn và nước qua đường hậu môn.
Chịu không nổi, Mohammed thú nhận mình là kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11-9, vụ giấu thuốc nổ trong đế giày để lên máy bay, vụ đánh bom khu du lịch Bali, Indonesia và ở Kuwait.
Bên cạnh đó, Mohammed cũng khai ra những âm mưu khủng bố khác, được gọi là “làn sóng thứ hai”, nhắm vào Tháp Thư viện ở Los Angeles, Tháp Willis ở Chicago, tòa nhà ngân hàng Seattle Plaza, bang Oregon, cao ốc Empire State ở New York.
Bản hỏi cung Mohammed do Mitchell thực hiện cho thấy “kiến trúc sư khủng bố” đã lên kế hoạch tấn công tàu chở dầu và tàu hải quân Mỹ ở eo biển Hormuz, eo biển Gibraltar và Singapore. Chưa hết, Mohammed còn lên kế hoạch ám sát Tổng thống Mỹ Bill Clinton, dùng xuồng cao tốc chứa chất nổ lao vào tàu Mỹ khi nó đi qua kênh đào Panama, làm nổ tung chiếc cầu treo tại thành phố New York.
Đánh bom hủy diệt sân bay Heathrow và tháp đồng hồ Big Ben ở London, Anh Quốc, đánh bom những câu lạc bộ đêm (night club) ở Bangkok, Pattaya, Chieng Mai, Thái Lan, nơi có nhiều du khách Mỹ lui tới, đánh bom thị trường chứng khoán New York, phá hủy các cơ quan hành chính, quân sự ở Eilat, Israel, tiêu diệt các Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia, Australia và Nhật Bản, tiêu diệt Đại sứ quán Israel ở Ấn Độ, Azerbaijan, Philippines và Australia, khảo sát và tài trợ cho một cuộc tấn công vào chiếc máy bay của Hãng hàng không El Al của Israel khi nó cất cánh từ Bangkok, Thái Lan.
Bên cạnh đó, Mohammed cũng thú nhận là chủ mưu vụ đánh bom tự sát xảy ra hồi tháng 11-2002 nhắm vào một khách sạn ở Mombasa, Kenya, cũng như âm mưu bắn hạ một chiếc máy bay thương mại của Israel lúc nó rời khỏi sân bay Mombasa.
Cuộc hỏi cung Mohammed kéo dài suốt 3 năm và những gì mà ông ta khai báo đã khiến các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ, Israel, Philippines, Nhật Bản, Thái Lan, Anh Quốc, Pakistan…, đổ mồ hôi hột. Tháng 12-2006, Mohammed được chuyển về giam giữ tại Trại Guantanamo, nằm trong vịnh Cuba.
Đến tháng 2-2008, “kiến trúc sư khủng bố” bị Ủy ban quân sự Mỹ cáo buộc đã gây ra “tội ác chiến tranh và giết người”, mức hình phạt cao nhất là tử hình nhưng năm 2012, một cựu công tố viên quân sự Mỹ bất ngờ lên tiếng, chỉ trích các thủ tục tố tụng chỉ dựa vào lời thú tội của Mohammed bằng sự tra tấn, trong đó tên tuổi của hai “ông vua” Mitchell và Jessen được đưa lên hàng đầu.
Trả lời tờ New York Times, Mitchell cho rằng kỹ thuật thẩm vấn tù nhân do Công ty Mitchell Jessen and Associates phát triển không có gì sai, nhưng Michell từ chối đi sâu vào chi tiết với lý do “đã có một thỏa thuận với Chính phủ Mỹ về việc không tiết lộ nội dung của chương trình ấy”.
Năm 2010, nhà tâm lý học Jim L.H Cox đệ đơn khiếu nại chính thức lên Tòa án bang Texas, nơi Mitchell được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tâm lý. Đơn khiếu nại cáo buộc những hành vi vô đạo đức của Mitchell, rằng ông ta đã vi phạm các nguyên tắc nghề nghiệp bằng cách giúp CIA phát triển “kỹ thuật thẩm vấn tăng cường”.
Và mặc dù Mitchell không phải là thành viên của Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) nhưng APA vẫn gửi thư cho Thống đốc bang Texas, nêu lên nguyên tắc:
“Từ lâu APA đã nghiêm cấm các nhà tâm lý tham gia tra tấn tàn nhẫn tù nhân dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu những hành động của Mitchell là đúng sự thật thì ông đã vi phạm trắng trợn đạo đức nghề nghiệp, và APA cần thiết phải hành động”.
Khi được hỏi về những lời cáo buộc, Mitchell nói đó là sự bôi nhọ với những chi tiết bịa đặt, dối trá. Đến năm 2014, tờ The New York Times kêu gọi điều tra và truy tố cặp đôi Mitchell, Jessen vì vai trò của họ trong việc phát triển các kỹ thuật tra tấn được sử dụng bởi CIA.
Năm 2015, Tổ chức quan sát nhân quyền – Human Rights Watch – cũng đề nghị truy tố Mitchell vì đã tham gia trực tiếp vào việc tra tấn vượt quá quyền hạn…
(Theo Công an nhân dân)
Dự án điệp viên mèo triệu USD của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh
Cục Tính báo Trung ương Mỹ (CIA) chi tới 20 triệu USD cho việc cấy ghép thiết bị gián điệp lên mèo để do thám Liên Xô nhưng không mang lại kết quả.
Các thiết bị cảm biến trên mèo sẽ ghi âm cuộc trò chuyện từ xa. Ảnh: Imgsafe.
Sau Thế chiến II, căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô gia tăng, khiến hai siêu cường này luôn tìm cách để giành lợi thế trước đối phương. Không chỉ chạy đua về công nghệ và vũ khí, họ còn tạo ra các phương thức gián điệp độc đáo, trong đó có việc biến các loài động vật thành điệp viên, theo War History Online.
Tài liệu giải mã của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ năm 2001 đã tiết lộ một dự án bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mang tên "Mèo nghe lén" (Ascoustic Kitty), được tiến hành trong thập niên 1960.
Năm 1961, Phòng nghiên cứu và phát triển của CIA bắt đầu triển khai dự án này. Mèo được chọn vì đây là động vật nhỏ, có thể di chuyển lặng lẽ mà không thu hút sự chú ý. CIA đưa ra ý tưởng gắn một cục pin, máy ghi âm, ăng ten và thiết bị truyền dẫn lên những con mèo để chúng do thám Liên Xô.
Các thiết bị như vậy phải đủ nhỏ để không gây nghi ngờ, chịu được sự cọ sát hoặc liếm. Ngoài ra, các yếu tố hóa học, độ ẩm, thân nhiệt và tính tò mò của loài mèo cũng được tính đến.
Việc đưa các trang bị vào vòng cổ mèo không khả thi, do trình độ công nghệ lúc bấy giờ còn sơ khai. Mỹ quyết định cấy chúng vào trong thân mèo. CIA đã thuê một chuyên gia âm thanh để tiến hành công việc, nhưng không tiết lộ mục đích sử dụng. Sau vài lần kiểm tra trên mô hình, họ bắt đầu thử nghiệm trực tiếp trên thân mèo.
Bộ phận truyền dẫn dài 19 mm được cấy ghép vào đáy hộp sọ mèo, cùng một microphone trong ống tai, pin điện được đặt trong khoang ngực. Đoạn dây lưới đóng vai trò ăng ten được kéo từ gáy đến đuôi và ẩn trong lông mèo.
Bản thiết kế hệ thống do thám của dự án "Acoustic Kitty". Ảnh: War History Online.
Nhóm mèo thí nghiệm được giám sát để xem cách phản ứng với thiết bị, đảm bảo chúng thấy thoải mái và di chuyển bình thường để không gây chú ý. Lo ngại bị công chúng phát hiện và phản ứng tiêu cực, CIA điều chỉnh thiết bị để cuộn dây ăng ten không buộc vào cổ mèo. Thay vào đó, chúng được cấy dọc theo cột sống.
Giai đoạn cuối là huấn luyện nhóm mèo điệp viên, khiến chi phí cho toàn bộ dự án lên tới 20 triệu USD.
Năm 1966, mèo được huy động thực hiện nhiệm vụ đầu tiên ở thủ đô Washington DC. Mục tiêu là hai người đàn ông ngồi bên ngoài đại sứ quán Liên Xô. Một con mèo được thả xuống từ xe tải chứa nhiều thiết bị do thám điện tử và các nhân viên tình báo sẵn sàng tiếp nhận tín hiệu được con mèo thu lại.
Nhưng khi băng qua đường để tiếp cận mục tiêu, con mèo bị một chiếc taxi cán phải, công sức đầu tiên của CIA tan thành mây khói. Tuy nhiên, kết quả nhiệm vụ cho thấy điệp viên mèo có thể tập trung vào mục tiêu mà không bị xao nhãng.
Năm 2013, Robert Wallace, cựu giám đốc phòng kỹ thuật của CIA tiết lộ con mèo đó không chết. Nó được mang về để công nghệ nghe lén không bị rơi vào tay người khác. Các trang thiết bị do thám trên thân mèo được gỡ bỏ, sau đó nó được trả về cuộc sống đời thường.
CIA đã tốn tới 20 triệu USD mà không mang lại kết quả nào. Dự án bị hủy năm 1967, CIA chuyển sang sử dụng robot cỡ nhỏ và máy bay do thám của Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA).
Duy Sơn
Theo VNE
Nguy cơ từ mối bất hòa giữa Donald Trump và CIA Quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Tổng thống đắc cử Mỹ và CIA có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hoạch định chính sách của nước Mỹ, cũng như làm xói mòn uy tín của cơ quan này trên toàn cầu. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP Việc ông Donald Trump bác bỏ kết luận điều tra...