Bí mật về căn cứ của “sát thủ Biển Đông” Kilo Hà Nội
Tàu ngầm kilo Hà Nội đang về gần đến Việt Nam. Căn cứ của một trong những tàu ngầm tấn công tối tân nhất thế giới này chính là quân cảng Cam Ranh. Quân cảng Cam Ranh, nơi vẫn được xem là một trong những quân cảng tốt nhất thế giới.
Giới quân sự vẫn cho rằng: Ai sở hữu quân cảng Cam Ranh sẽ có thể đủ khả năng phong tỏa được cả Biển Đông. Dù hải quân Nga đã trả lại quân cảng này cho Việt Nam nhưng với đa số chúng ta, nơi đây vẫn là một bí mật.
Hãy cùng tìm hiểu căn cứ mới của “sát thủ Biển Đông” tàu ngầm kilo Hà Nội.
Một góc quân cảng Cam Ranh.
Giới chuyên gia quân sự đã thừa nhận vị trí của Cam Ranh có tầm ảnh hưởng to lớn tới bản đồ địa – chiến lược toàn cầu, cho dù họ có đứng ở các chân trời quan điểm nào đi chăng nữa. Năm 1888, Hải hạm của Nga mang tên “Tráng sĩ” trong chuyến đi vòng quanh thế giới đã cập cảng Cam Ranh, sau đó, nơi đây đã trở thành quân cảng của các nước lớn thay nhau đồn trú trong vòng gần 100 năm trở lại đây. Trong cuộc chiến Nga – Nhật 1905, hơn 100 chiến thuyền thuộc Hạm đội Thái Bình Dương số 2 của Hải quân Nga Hoàng đã từng tập trung tại Cam Ranh.
Năm 1935, thực dân Pháp bắt đầu cho xây dựng căn cứ hải quân tại Cam Ranh. Năm 1940, Cam Ranh rơi vào tay Nhật Bản, trở thành bàn đạp để Nhật Bản tiến đánh Malaysia và các quần đảo thuộc địa của Hà Lan (nay là Indonesia).
Ngày 18/10/1946, Cam Ranh là nơi diễn ra cuộc hội kiến giữa Hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp DArgenlieu. Cuộc gặp gỡ được tổ chức trên thiết giáp hạm Suffren, có các vị chỉ huy hải, lục, không quân Pháp và các nhà báo nước ngoài. Trong bữa tiệc trên chiến hạm Suffren, khi DArgenlieu bóng gió nói: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài thật đang bị đóng trong cái khung”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mỉm cười và trả lời: “Nhưng mà ngài Đô đốc biết đấy, chính bức tranh làm nên giá trị cái khung”. DArgenlieu lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã quý mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”.
Từ năm 1965 đến 1972, Mỹ đã xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự khổng lồ được coi là “bất khả xâm phạm” để làm cứ điểm tiếp liệu và khí tài quân sự cho chiến tranh, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình Dương.
Vào năm 1969, Lyndon B. Jhonson đã đến thị sát căn cứ này, và đó là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ khi tới Việt Nam. Lúc đó, căn cứ không quân của Mỹ ở vịnh Cam Ranh rất lớn, bao gồm hai sân bay cho máy bay phản lực và một sân bay cho máy bay trực thăng, mỗi sân bay có sức chứa hơn 100 máy bay. Người Mỹ còn tiến hành khoét núi Cam Ranh, xây dựng kho chứa máy bay trong lòng núi, nâng cấp đường băng lớn có thể cho máy bay ném bom chiến lược B52 cất và hạ cánh. Vào lúc cao điểm, sân bay quân sự Cam Ranh có tần suất hạ cánh và cất cánh cao nhất thế giới.
Năm 1972, người Mỹ trao lại căn cứ này cho quân đội Sài Gòn và 3 năm sau quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng Cam Ranh. Khi tiếp quản, Cam Ranh đã bị phá hủy hoàn toàn các bến neo tàu, đường sá, sân bay, hệ thống đường dây tải điện cũng như các khu nhà ở.
2. Chuẩn đô đốc E.I Prokôpievich, người cuối cùng lên cầu tàu thủy Xakhalin-9 rời Việt Nam năm 2002 trong cương vị Chỉ huy trưởng Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật 922 của Cam Ranh nhận định, căn cứ quân sự trước đây của Mỹ trên bán đảo Cam Ranh – Khánh Hòa đã thu hút sự chú ý Liên Xôviết bằng chính vị trí địa lý của nó, xét về mọi phương diện thì hoàn toàn ưu việt cho việc triển khai một căn cứ hải quân. Nó cho phép khống chế các eo biển Malaysia và Philippines, có thể tiến hành trinh sát điện tử Biển Đông, biển Philippines, Đông Hải, thậm chí tới tận khu vực vịnh Pécxích hay vùng bắc Ấn Độ Dương. Bán đảo Cam Ranh bọc trong mình hai vịnh Bình Ba và Cam Ranh, nơi không chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết, có độ lớn và sâu để có thể neo đậu mọi loại chiến hạm và tàu hộ tống, kể cả tàu sân bay.
Ảnh tư liệu về quân cảng Cam Ranh.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Hải quân Liên Xô đã vươn ra biển lớn, bắt đầu tiến hành trực ban chiến đấu trên các đại dương. Tàu chiến, tàu ngầm, máy bay hải quân được triển khai trên các đại dương nhằm mục đích bình ổn cục diện chung. Việc mở rộng quy mô cũng như vùng hoạt động của tàu thuyền và không quân trên biển yêu cầu phải có mạng lưới hậu cần kỹ thuật hải quân rộng khắp. Vì không có căn cứ quân sự ở nước ngoài nên Liên Xô đã xây dựng trạm cung ứng vật tư kỹ thuật trên lãnh thổ các nước có quan hệ thân thiện, đương nhiên Cam Ranh là một điểm sáng tô son. Cuối năm 1978, nhóm sĩ quan đại diện cho các tổng cục của Bộ Tư lệnh Hải quân và của Hạm đội Thái Bình Dương đáp máy bay sang Việt Nam để ngày 30/12 đã thỏa thuận xong và ký biên bản ghi nhớ làm cơ sở đàm phán xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật.
Ngày 2/5/1979, Chính phủ LB CHXHCN Xôviết và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Liên Xô – trong 25 năm. Ngay ngày hôm đó, thi hành lệnh của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô và Chỉ thị số 13/1/0143 của Cục Tham mưu hạm đội Thái Bình Dương ngày 28/8/1980 đã thành lập Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật trên bán đảo Cam Ranh mang phiên hiệu đơn vị 31350.
Theo quy định trong Hiệp định, tại quân cảng Cam Ranh cùng lúc có thể tập trung từ 8-10 tàu chiến Liên Xô, 4-8 tàu ngầm có khu neo nổi và tối đa 6 tàu hộ tống. Tại sân bay cùng lúc có thể tiếp nhận từ 14-16 máy bay mang tên lửa, 6-9 máy bay trinh sát do thám và 2-3 máy bay vận tải. Tùy theo tình hình chiến sự cụ thể, số lượng máy bay và tàu chiến có thể tăng lên theo thỏa thuận giữa hai Bộ Quốc phòng Liên Xô và Việt Nam.
Tháng 5/1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào hải phận Cam Ranh. Mùa Hè năm đó, tàu ngầm nguyên tử phóng ngư lôi K-45 đã neo đậu tại Cam Ranh, sau đó ít lâu, các máy bay hải quân của hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu hạ cánh.
Tháng 12/1979, Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô, Đô đốc X. Gorskốp tới Cam Ranh và ông đã dành hẳn một ngày để quan sát vịnh biển này, giống y như cách Tổng thống Mỹ Giônxơn đã tới để ngắm nhìn địa thế “sông núi nước Nam” 10 năm về trước. Phân đội đầu tiên của Hạm đội Thái Bình Dương gồm 54 người đến đây tháng 4/1980 và tháng 8 năm đó quân số được bổ sung thêm 24 người thuộc bộ phận thông tin liên lạc.
Máy bay ném bom chiến lược của Nga ở căn cứ Cam Ranh.
Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và Chính phủ Liên Xô đã giao cho Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật 922 nhiệm vụ làm giảm nhẹ đáng kể áp lực cho Hạm đội Thái Bình Dương nói riêng và toàn bộ Hải quân Liên Xô nói chung trong việc cung cấp những dự trữ cần thiết cho các chiến hạm và tàu hộ tống đang làm nhiệm vụ tại Biển Đông trong tình hình chiến sự lúc đó của khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Và Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài, căn cứ duy nhất bên bờ Biển Đông, nơi cách cảng gần nhất của Nga 2.500 hải lý.
3. Từ mùa Thu năm 1983 đến tháng 8/1991, hải đoàn cơ động số 17 triển khai tại Cam Ranh, từ tháng 8/1991 đến tháng 12/1991 được thay thế bằng hải đoàn cơ động số 8 và sau đó là hải đội tàu hỗn hợp 119. Thời điểm năm 1986, trên sân bay triển khai trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập gồm 4 máy bay Tu-95, 4 chiếc Tu-142, phi đoàn máy bay Tu-16 khoảng 20 chiếc các loại, phi đoàn MiC25 khoảng 15 chiếc, hai máy bay vận tải An-24 và 3 máy bay lên thẳng Mi-8. Ngoài ra trung đoàn còn quản lý và chỉ huy căn cứ chống tàu ngầm, tiểu đoàn tên lửa và tiểu đoàn kỹ thuật.
Tháng 2/1984, theo đề nghị của phía ViệtNam, Chính phủ Xôviết đã quyết định khôi phục và xây dựng thêm một loạt công trình tại căn cứ Cam Ranh. Việc xây dựng Cam Ranh bước sang một giai đoạn mới, chuyển từ hình thức tự hạch toán kinh tế sang hình thức đấu thầu khoán gọn, bắt đầu giai đoạn xây dựng kiên cố thay cho các kết cấu lắp ghép tạm thời. N.M Zariphôvich – Phó tổng giám đốc Công ty Xây lắp Liên Xô tại Việt Nam giai đoạn 1987-1989 đã kể lại trong cuốn “Liên Xô – một từ không bao giờ quên” (Nguyễn Đình Long dịch) rằng, Cục kỹ thuật xây dựng nước ngoài thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô, đơn vị có nhiều kinh nghiệm xây dựng các công trình ở hơn 60 nước trên thế giới đảm nhiệm việc lựa chọn và đưa chuyên gia đến Cam Ranh. Họ là những chuyên gia tài năng của các đơn vị trong và ngoài quân đội được các tổ chức Đảng, Đoàn giới thiệu, được chở sang bằng đường hàng không qua Mátxcơva hay Vlađivôxtốc theo hành trình Mátxcơva – Tasken – Karachi (đôi khi là Bombay) – Kancútta – Hà Nội – Cam Ranh.
Căn cứ mới của kilo Hà Nội nhìn từ vệ tinh.
Video đang HOT
4. Trên cơ sở Hiệp định ký giữa Liên Xô và Việt Nam ngày 20/4/1984, hai bên đã ký hợp đồng xây dựng cụm đài rađar số ba, là công trình viện trợ không hoàn lại. Tính chung từ năm 1984 đến năm 1987, Tổng Công ty Xây lắp Liên Xô do E.X Bôprênhép làm Tổng giám đốc đã xây dựng tổng cộng 28 nhà ở và công trình chuyên dụng các loại. Lúc đó tổng số người Liên Xô sống trong khu quân sự là 6.000 người, kể cả công nhân xây dựng.
Theo thỏa thuận trong mục 71 của Hiệp định ký ngày 20/4/1984, các công trình xây dựng xong sẽ bàn giao cho phía Việt Nam sử dụng. Các hạng mục đầu tiên được xây dựng xong từ tháng 12/1987, sau đó các chuyên gia Liên Xô bắt đầu sử dụng theo hình thức thuê miễn phí.
Có thể thấy rằng, về cơ bản, các công trình được Liên Xô – Nga xây dựng ở Cam Ranh bao gồm: Khu nhà ở của Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật, trong đó có chỉ huy sở đơn vị 31350 và doanh trại cho quân số biên chế của đơn vị, nhà ăn 250 chỗ, lò bánh mỳ, tổ hợp tắm hơi – giặt là, CLB, trường phổ thông số 183, 18 tòa nhà ở, kho tổng hợp lưu giữ và cấp phát vật tư, đội xe (gồm cả xe chuyên dụng); Vùng bến nhỏ; Bể chứa ngầm thể tích 14.000m3 dùng để chứa nhiên liệu; hai hầm lạnh dung tích 270 tấn dùng để chứa thực phẩm lưu trữ; 12 kho khung sắt dùng để chứa các loại vật tư khác nhau; Hai bể lọc giếng khoan, một dùng cho sinh hoạt, một dùng cho chiến hạm và các tàu hộ tống; Trạm phát điện trung tâm công suất 24.000kW cấp điện cho tất cả các công trình thuộc khu quân sự và của Việt Nam trên bán đảo…
Khi từ biệt Cam Ranh, người Nga đã chở đi 588 người, 819 tấn hàng trong đó có 50 chiếc ôtô và xe chuyên dụng, 190 tấn dầu diezel, 133 tấn dầu mỡ các loại, vũ khí đạn dược cũng như tài liệu lưu trữ và tài liệu mật, bằng cả đường hàng không và đường biển. Đồng thời, người Nga bàn giao cho phía ViệtNam57 tòa nhà và công trình thuộc căn cứ, 85km đường dây tải điện lưới, 62km đường điện cáp, 25km công trình ngầm, 250m cầu cảng, sân bay và hệ thống quản lý kho.
Những người Nga đã sống và làm việc như thế tại Cam Ranh. U.X Ivanôvích, Đại tá quân dự bị, cựu binh Cam Ranh kể lại rằng, cho đến tận năm 1992, khi Liên Xô tan rã, thủ tục ra vào khu quân sự vẫn do phía Việt Nam quy định. Theo thỏa thuận thì mỗi tháng chỉ cho phép 4 chuyến xe đi ra ngoài theo kế hoạch định trước với số lượng người hạn chế, chủ yếu là dành cho thủy thủ Hạm đội Thái Bình Dương. Còn đối với số nhân viên kỹ thuật của Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật thì do “nhiều yếu tố” nên ra “vùng tự do” là vi phạm luật. Những người lính Nga đã ra đi, nhưng những hình ảnh của họ còn đọng lại mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Căn cứ hải quân Cam Ranh ngày nay được Việt Nam tiếp nhận và được xem như một trong những căn cứ lớn nhất của hải quân Việt Nam. Được chọn là căn cứ của tàu ngầm kilo Hà Nội và có thể sẽ có thêm những “người anh em” của nó, quân cảng Cam Ranh ngày càng khẳng định tầm quan trọng chiến lược về quân sự của mình.
Theo Petrotimes
"Ván bài lật ngửa" ở Biển Đông
Trong suốt giai đoạn từ năm 1964-1974 trong các khu vực trinh sát các hoạt động tác chiến của Mỹ ở Việt Nam, đơn vị OSNAZ đã có 17 tàu trinh sát của hải đoàn hoạt động, tiến hành 94 chuyến hải hành với thời gian mỗi chuyến từ 3 - 4 tháng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô. Gần như mỗi tuần từ các bến tàu của hải cảng Vladivostok hướng đến cảng Hải Phòng các tàu vận tải của hãng vận tải Viễn Đông chở đầy vũ khí,trang thiết bị quân sự và hàng hóa khác. Việt Nam nhận được các máy bay chiến đấu Liên Xô, các tổ hợp tên lửa phòng không và tên lửa, pháo phòng không các loại. Do Liên Xô tuyên bố chính thức không tham gia trực tiếp cuộc chiến nên các tàu vận tải dân sự Xô Viết không được trang bị vũ khí phòng không, các tàu vận tải chỉ được bảo vệ bằng quốc kỳ Liên Xô, được vẽ rất to trên boong tàu. Tất nhiên, các phi công Mỹ buộc phải nhìn thấy khi tấn công và phong tỏa Hải Phòng.
Trong tình huống chiến tranh phức tạp và nguy hiểm như vậy, hiệp đồng tác chiến với lực lượng phòng không Việt Nam là lực lượng trinh sát điện tử trên biển của Hải quân Liên Xô, nhiệm vụ nặng nề này được giao cho lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương. Trước khi không quân Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại, hệ thống trinh sát ven biển và hệ thống trinh sát hạm đội nhận nhiệm vụ chung là nắm bắt tình hình chiến sự tại khu vực Vịnh Bắc Bộ, tập trung chủ yếu vào mục đích phát hiện kịp thời những hoạt động chuẩn bị chiến tranh của Mỹ chống Việt Nam. Từ những tin tức tình báo thu được, Bộ tổng tham mưu lực lượng vũ trang Xô Viết quyết định triển khai sớm lực lượng trinh sát trên biển của Hạm đội Thái Bình Dương. Quyết định này đã đóng góp một phần rất lớn cho việc làm rõ các tình huống sự kiện Vịnh Bắc bộ đồng thời cung cấp kịp thời những thông tin trinh sát các hoạt động của hạm đội 7 Mỹ trên biển Đông.
Thời gian này, các tàu trinh sát đang nằm trong biên chế của tiểu đoàn trinh sát điện tử số 169 OSNAZ và neo đậu tại bến tàu số 37 tại Vladivostok, gần tượng đài Nevelsky. Tiểu đoàn trường đại úy hạng II A.I. Procenko, sau đó là đại úy hạng II Plotkin. Đây là những chiếc tàu đánh cá loại nhỏ và vừa, được lắp đặt dày đặc bên trong đủ các loại trang thiết bị khí tài trinh sát điện tử. Tiến hành các hoạt động trinh sát là các chiến sĩ đặc nhiệm của đơn vị hải quân tác chiến điện tử (OMRTO).
Nhóm trinh sát điện tử trên biển có khoảng 20 người với các bộ khí tài biên chế có khả năng bắt được hầu hết tất cả các loại phương tiện và các phương pháp thông tin liên lạc, theo dõi các đường dây thông tin liên lạc, tiến hành trinh sát và phát hiện các đài thu phát radars đối phương. Các chuyên gia trinh sát điện tử phải nhìn và phát hiện chính xác bằng mắt thường tất cả các mục tiêu di động trên biển và trên không theo hình dáng của nó. Trong biên chế, các tàu trinh sát điện tử này trực thuộc lực lượng hải quân Xô Viết, quân nhân được mặc thường phục. Điều đó đã làm lên huyền thoại của đơn vị trinh sát. Các tàu trinh sát thường ra khơi rất bí mật, vào những đêm tối trời và quay về căn cứ cũng tương tự như vậy. Các tàu neo đậu yên lặng ở bến tàu số 37 và không gây bất kỳ một sự chú ý nào của mọi người.
Lực lượng đặc nhiệm trên Biển Đông
Những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam đã khẳng định tính ưu việt và hiệu quả rất cao của trinh sát điện tử trên biển. Những thông tin nhận được của trinh sát điện tử trên biển rất đầy đủ và có giá trị rất cao, vượt xa các nguồn thông tin trinh sát tình báo khác. Hơn nữa, các thông tin tình báo và trinh sát điện tử thu được rất kịp thời. Hoàn toàn trong thời gian thực, hàng ngày Bộ tham mưu hạm đội Thái Bình Dương, Cục tình báo lực lượng vũ trang Liên Xô nhận được các tin tức trinh sát ngay trong vùng chiến sự trên biển Đông.
Tương tự như ngày nay chúng ta xem chương trình TV "Vremia - Time". Tất cả có được là nhờ công sức và sự cố gắng vô tận của đại úy hạng 1 N.P.Sotnhicov (sau này là chuẩn đô đốc hải quân Liên bang) chỉ huy trưởng lực lượng trinh sát và tình báo hạm đội Thái Bình Dương. Ông đã nỗ lực rất nhiều để tăng cường năng lực hoạt động của đơn vị tình báo - trinh sát trên biển, theo yêu cầu bức thiết của tình hình. Trong những tình huống đó, kể cả có va chạm với các lãnh đạo quân sự cao cấp của Liên bang, ông cũng kiên quyết đấu tranh để đạt được quyết định biên chế tổ chức trong lực lượng Hải quân Xô viết cụm tàu tình báo - trinh sát đặc nhiệm trên biển.
Ngày 1.10.1969 tại căn cứ của đơn vị hải quân tác chiến điện tử (OMRTO) số 19, trong biên chế có tiểu đoàn độc lập 169 OSNAZ đã thành lập hải đoàn trinh sát điện tử OSNAZ thuộc hạm đội Thái Bình Dương, trong biên chế của Hải đoàn có 15 tàu trinh sát biển, 19 phân đội trinh sát điện tử và radar với 10 nhóm trinh sát cơ động OSNAZ và 203 căn cứ bí mật trên bờ biển. Trong biên chế của hài đoàn có các tàu trinh sát hạng trung như "Gabriel Sarychev," "Hydrograph", "Bearing" các tàu trinh sát nhỏ như "Hydrology", "Aneroid", "Kursograf", "Izmeritel", "Protractor", "Ammeter", "Barograph", "Hydrophone", "Deflector" "Kirby" "Ungo" "Usach".
Theo tên gọi thì đó hoàn toàn là các tàu đo đạc, theo dõi thủy văn môi trường. Chỉ huy trưởng của hải đoàn là đại úy - thuyền trưởng hạng 1 Dmitry Timofeevich Lukash, đã từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ II. Nhờ những nỗ lực và sự cố gắng của ông, hải đoàn trở thành trường học nghiêm khắc và tài năng thật sự cho các sĩ quan chỉ huy lực lượng tình báo - trinh sát của Hải quân và Hạm đội, các hải đoàn trưởng, các thuyền trưởng và các phân đội trinh sát. Nhiều người đã trải qua các thử thách khốc liệt trong chiến tranh Việt Nam.
Sơ đồ cơ động của các cụm không quân hải quân công kích Mỹ trên Vịnh Bắc Bộ.
Trong giai đoạn từ ngày 4.1964 đến 31.12.1974, các tàu trinh sát hải quân Xô Viết hoạt động chủ yếu trong khu vực biển Đông, Vịnh Bắc bộ và khu vực quanh căn cứ Guam của Mỹ, ngoài những nhiệm vụ tình báo quân sự, các tàu trinh sát đã tiến hành các hoạt động trinh sát nhằm cung cấp thông tin chiến dịch, chiến thuật của không quân hải quân Mỹ cho các lực lượng phòng không Việt Nam và lực lượng phòng thủ bờ biển Miền Bắc Việt Nam. Những nhiệm vụ chủ yếu là:
- Trực tiếp theo dõi các cụm máy bay tấn công của không quân hải quân Mỹ, xác định khu vực máy bay Mỹ sẽ tiến hành các hoạt động tập kích đường không;
- Cảnh báo sớm bộ tổng tư lệnh lực lượng Hải quân Liên Xô và hạm đội Thái Bình Dương về sự chuẩn bị các đợt không kích, thời gian cất cánh của các không đoàn máy bay hải quân Mỹ trên tàu sân bay vào miền Bắc Việt Nam.
- Phát hiện và làm rõ các thủ đoạn chiến thuật mà các không đoàn hải quân Mỹ sẽ sử dụng để không kích miền Bắc cũng như các tuyến đường cơ động của các chiến hạm Mỹ khi tiến hành phong tỏa Vịnh Bắc Bộ.
Các tàu trinh sát hoạt động trên khoảng 3 dặm cách vịnh Apra thuộc đảo Guam, nơi có căn cứ đóng quân của hải đoàn tàu ngầm hạt nhân Mỹ mang tên lửa đạn đạo "Polaris-Poseidon", ngoài những nhiệm vụ chính là theo dõi hoạt động của các tàu ngầm chiến lược mang tên lửa, còn thực hiện nhiệm vụ phát hiện các chuyến bay của máy bay B-52, mục tiêu tác chiến của chúng từ căn cứ không quân Andersen và theo dõi các đợt không kích của B-52 vào các mục tiêu đang nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Thời gian bay của các máy bay B-52 thông thường kéo dài 6 giờ bay, đến thời điểm đó, các hệ thống phòng không Việt Nam đã được cảnh báo theo đường thông tin liên lạc khẩn cấp và trực 24/24 từ tàu trinh sát thông qua Bộ tổng tham mưu quân đội Xô Viết và truyền đến các đơn vị phòng không - không quân Việt Nam.
Tàu trinh sát Gidrofon - Liên Xô và tàu tác chiến điện tử Abnaki - ATF96 của Mỹ song hành trên biển Đông.
Trong suốt giai đoạn từ năm 1964-1974 trong các khu vực trinh sát các hoạt động tác chiến của Mỹ ở Việt Nam, đơn vị OSNAZ đã có 17 tàu trinh sát của hải đoàn hoạt động, tiến hành 94 chuyến hải hành với thời gian mỗi chuyến từ 3 - 4 tháng.
Nhiệm vụ thành công đầu tiên của các tàu trinh sát thực hiện là vào ngày 2.08.1964 trong cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc bộ". Trong sự kiện này, các chiến hạm của hạm đội 7 đã xâm phạm vùng lãnh hải của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với mục đích khiêu khích, nhằm đánh lừa dư luận nước Mỹ và thế giới, đồng thời tạo cớ mở rộng cuộc chiến, tiến hành các hoạt động đánh phá miền Bắc Việt Nam. Để lừa dối công luận, Mỹ đã đưa ra những bằng chứng khẳng định rằng các tàu phóng ngư lôi của Việt Nam đã tấn công tàu khu trục Maddox của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Việt Nam kiên quyết bác bỏ lời cáo buộc này. Bộ tổng tham mưu liên quân Mỹ và bộ tư lệnh hải quân Mỹ cũng nghi ngờ về điều này.
Lúc đó từ tàu trinh sát "Protraktorv" (thuyền trưởng đại úy hạng 3 N.P. Fadeev, chỉ huy trưởng nhóm OSNAZ trung úy V.I. Levushkin) đã gửi báo cáo chính xác tọa độ và quỹ đạo hoạt động của tàu Maddox, chứng minh tàu khu trục của Mỹ trong hoạt động trinh sát đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Mặc dù vậy, không quân Mỹ ngày 5.08.1964 vẫn tiến hành cuộc ném bom bắn phá lãnh thổ Việt Nam. Ngày 10.10.1964, Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết "Vịnh Bắc bộ" mở đường cho sự can thiệp bằng lực lượng vũ trang. Nghị quyết đã cho phép Tổng thống Lyndon Johnson được quyền sử dụng lực lượng vũ trang Mỹ ở Đông Nam Á, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược chống miền Bắc Việt Nam. Nhà nước Liên bang Xô viết dựa trên các bằng chứng đã khẳng định các hoạt động của Mỹ chính xác là một cuộc xâm lược, các bằng chứng sau này đã được công luận Mỹ sử dụng trong các hoạt động chống chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam.
Từ thời điểm đó, các tàu trinh sát điện tử đã tiến hành trực chiến trên biển Đông trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ của miền Bắc Việt Nam. Khu vực trinh sát chủ yếu là trung tâm các hoạt động tác chiến đường không của cụm tàu sân bay chiến thuật số 77 ( tập đoàn không quân tiến công chủ lực của hạm đội 7 Mỹ), hoặc như lính Mỹ vẫn gọi là "Yankee Station". Các tàu trinh sát của hạm đội Thái Bình Dương hoạt động ngay gần các tàu chiến Mỹ, thay đổi các tàu trực chiến cũng được thực hiện ngay trong khu vực.
Điều đó trở lên quen thuộc đến nỗi thủy thủ đoàn của Mỹ đưa tàu trinh sát của Liên Xô trở thành một phần không thay đổi của cụm tàu tác chiến chủ lực. Nhiệm vụ chủ yếu của tàu trinh sát lúc này là kịp thời thông báo cho Phòng không Việt Nam về các đợt tập kích ồ ạt của không quân hải quân Mỹ từ tàu sân bay, theo những thông tin thu thập được từ những kênh thông tin liên lạc của Hải quân Mỹ. Trong thời gian này, trên Biển Đông có khoảng 8 tàu sân bay hoạt động, cụm không quân hải quân công kích chủ lực này có khoảng 150 chiến hạm và tàu hỗ trợ hậu cần kỹ thuật đi cùng.
Tàu trinh sát điện tử Xô Viết hoạt động ngay cạnh cụm tàu sân bay Mỹ trên biển Đông.
Theo sự mở rộng hoạt động và tăng cường quân số của các tập đoàn quân đội Mỹ trong chiến tranh, nhiệm vụ của lực lượng trinh sát trên biển cũng được mở rộng. Các hải cảng quân sự như Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang trở thành những căn cứ quân sự trung chuyển, từ đó các lực lượng bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ lên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Vì vậy, các lực lượng trinh sát điện tử trên biển được tăng cường nhiệm vụ theo dõi các hoạt động triển khai lực lượng của quân đội Mỹ và những chiến dịch do quân đội Mỹ triển khai trên các khu vực thuộc miền Nam Việt Nam.
Đến tháng 2 năm 1968, trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả vùng nước và đất liền tham gia hoạt động tác chiến có 543.000 quân nhân Mỹ tham chiến (hơn 30% quân số của toàn bộ LLVT Mỹ , 40% máy bay cấp chiến thuật, gần 70% lực lượng lĩnh thủy đánh bộ...). Tổng số lực lượng tham chiến của Hạm đội 7 (35.000 người.) lực lượng không quân Mỹ có mặt ở Thái Lan và Guam (45.000 người), quân số của quân đội Mỹ ở khu vực Đông Nam Á lên đến hơn 600.000 người. Cũng theo yêu cầu hiệp đồng tác chiến, trong chiến trường Miền Nam Việt Nam đã lôi kéo thêm các đồng minh khu vực như (Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia và New Zealand). Với số lượng không lớn, những cũng tăng cường thêm nhiều năng lực tác chiến của quân đội Mỹ.
Hiệu quả tác chiến cao của lực lượng trinh sát trên biển trong vùng Vịnh Bắc Bộ đã có được một kết quả vô cùng quan trọng. Ngày 28.2.1965 trong thời gian thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch hội đồng Xô Viết tối cao toàn Liên bang ông A.N.Kosygin, phía Việt Nam đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc Liên Xô đã cũng cấp kịp thời và chuẩn xác những thông tin cảnh bảo sớm về các cuộc không kích của lực lượng không quân Hải quân và lực lượng Không quân chiến lược - chiến thuật Mỹ. Nhờ có những thông tin cảnh báo sớm mà lực lượng phòng không Việt Nam có thời gian chuẩn bị, sẵn sàng đánh chặn và phản kích mọi cuộc tập kích đường không. Điều đó giúp cho nhân dân Việt Nam giảm thiểu những tổn thất và lực lượng vũ trang giáng những đòn chí mạng vào kẻ thù. Khi A.N.Kosygin quay về sau chuyến thăm, tại Vladivostok đã quan tâm đến vấn đề, bằng cách nào mà lực lượng trinh sát điện tử hạm đội Thái Bình Dương có thể chi viện thông tin tình báo kịp thời cho Việt Nam.
Cục trưởng trinh sát điện tử, chuẩn đô đốc A.N.Sotnikov đã báo cáo chi tiết thống kê các hoạt động và kết quả đạt được của các tàu trực chiến trinh sát điện tử trên Biển Đông và khu vực đảo Guam. Cùng với thời gian tàu trinh sát điện tử "Gidrofon" quay trở về căn cứ ngày 28.02.1965. A.N.Kosygin đã trực tiếp lắng nghe báo cáo của thuyền trưởng trung úy hải quân A.A. Plotnhicov và chỉ huy trưởng nhóm trinh sát điện tử thượng úy V. Danhilov. Lắng nghe báo cáo đồng thời nghe được điều kiện sống và làm việc của thủy thủ đoàn trong thời gian trực tác chiến dài ngày trên biển, A.N.Kosygin đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng chuẩn bị Nghị quyết của Hội đồng bộ trưởng Xô viết về hoạt động của các tàu trinh sát điện tử và khẩu phần - quyền lợi đặc biệt của lực lượng khi tiến hành các hoạt động tác chiến trên biển lớn ( Nghị quyết số 433).
Anh hùng ca
Ngày 2.06.1967 Tàu vận tải containers Liên Xô "Turkestan" neo đậu dỡ hàng tại vùng nước cảng Cẩm Phả, bị máy bay cường kích hải quân Mỹ tấn công. Thủy thủ kỹ thuật viên điện lực Nicholas Ribachuk hy sinh, sáu người khác bị thương. Một vụ scandal chính trị bùng nổ nghiêm trọng, vì người Mỹ quyết liệt bác bỏ việc máy bay Mỹ tấn công tàu xô Viết. Nhưng như những câu truyện truyền thống của Nga "trinh sát báo cáo chính xác" Nhóm trinh sát điện tử từ tàu GS-34, thuyền trưởng - đại úy hải quân B.M. Mozzhukhin đã chặn được thông tin liên lạc vô tuyến của nhóm máy bay không kích Mỹ từ tàu sân bay và đưa ra những số liệu chính xác về số hiệu các máy bay thuộc phi đội bay từ tàu sân bay "Midway", thời gian và địa điểm của cuộc tấn công. Phía Mỹ đã buộc phải xin lỗi về vụ việc đã xảy ra và chấp nhận đền bù thiệt hại. Trưởng nhóm trinh sát điện tử B.M.Mozzhukhin đã được trao huân chương "Sao Đỏ".
Ngày cũng như đêm, các trinh sát viên điện tử tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.
Từ tháng 5.1972 quân đội Mỹ tiến hành các hoạt động ồ ạt phong tỏa bằng thủy lôi các tuyến đường hàng hải vào các hải cảng của miền Bắc Việt Nam. Thủy lôi được thả bởi các máy bay của không quân Hải quân Mỹ A-7 "Corsair" và A-6 "Intruder" từ các tàu sân bay "Kitty Hawk" và "Coral Sea", trong vòng 8 tháng Mỹ đã thả hơn 11.000 thủy lôi -36 và -52-2. Lượng thủy lôi được thả nhiều nhất vào tháng 8.1972, khi không quân Hải quân Mỹ từ 6 tàu sân bay bí mật thả các thủy lôi mang đầu nổ thủy âm và từ trường trên tuyến hành lang hàng hải dẫn vào cảng Hải Phòng và ngay trong lòng sông Cấm.
Tại cảng Hải Phòng, mười tàu vận tải bị phong tỏa không rời cảng. Chiến dịch này bị phát hiện kịp thời bởi nhóm trinh sát điện tử thuộc tàu trinh sát "Deflektor" (thuyền trưởng - đại úy C.V. Kuchin, chỉ huy trưởng nhóm OSNAZ K.P.Chudin) hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ. Thông tin chiến dịch đã kịp thời thông báo cho Bộ tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương và Cơ quan lãnh đạo đơn vị vận tải tầm xa của Vladivostok. Nhờ thông tin kịp thời mà các tàu hàng hải Xô Viết không bị trúng thủy lôi.
Tháng 12.1972. Tại hội nghị Paris các cuộc đàm phán kéo dài giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề chấm dứt ném bom và ngừng bắn trên lãnh thổ Việt Nam.
Các cuộc đàm phán diễn ra trong điều kiện những tổn thất về binh lực và sinh lực Mỹ ngày càng tăng, các hoạt động tấn công của lực lượng Quân Giải phóng Miền Nam diễn ra dồn dập trên khắp các chiến trường. Miền Bắc Việt Nam tiếp tục nhận được những tổ hợp tên lửa phòng không Dvina và tên lửa, đủ khả năng tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không của Không quân Mỹ và rất hiệu quả khi chiến đấu với các vật thể bay tầm thấp. Không quân Việt Nam nhanh chóng lớn mạnh và càng ngày càng tác chiến hiệu quả. Trên các phương tiện thông tin đại chúng SMI đăng càng ngày càng nhiều hình ảnh các máy bay bị bắn rơi và phi công Mỹ bị bắt làm tù binh.
Trong cuộc đàm phán cam go này, các đại diện cho chính phủ Mỹ muốn tìm một giải pháp rút quân khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Với tư cách là một siêu cường, người Mỹ lựa chọn giải pháp chính trị dựa trên sự đe dọa vũ lực. Từ 25.12.1972 Bộ chỉ huy tối cao quân đội Mỹ bắt đầu tiến hành một chiến dịch không kích miền Bắc quy mô lớn nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh tính từ năm 1945 trở về sau này, nhằm vào hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng đồng thời không kích các căn cứ quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vấn đề quan trọng nhất là yếu tố bất ngờ.
Máy bay Mỹ cất cánh từ các tàu sân bay vào đánh phá Miền Bắc Việt Nam.
Cuộc không kích bắt đầu vào những ngày trước lễ Giáng sinh không xa, theo thông lệ người Mỹ sẽ không tiến hành các hoạt động chiến tranh tích cực. Thực hiện cuộc tập kích đường không này, người Mỹ đã sử dụng tất cả lực lượng không quân ở châu Á Thái Bình Dương khu vực Đông Nam Á. Chỉ tính riêng không quân Hải quân trên 7 tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành 1500 lần xuất kích.
Nhưng Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và ban cố vấn quân sự Liên xô đã nắm chắc được ngay từ thời điểm đợt cất cánh ồ ạt của không quân Mỹ từ các tàu sân bay. Nguồn thông tin cung cấp là tàu trinh sát điện tử "Kursograf" (thuyền trưởng - chỉ huy trưởng O.D.Tulchin, các chỉ huy của nhóm OSNAZ là thuyền trưởng - trung úy V.G. Kozlov, Thượng úy hải quân V.A.Karev) nằm ngay ở trung tâm đội hình chiến đấu của Tập đoàn không quân hải quân tấn công chủ lực số 77 Mỹ. Tàu trinh sát điện tử nằm trên khu vực căn cứ Guam đã thông báo kịp thời, chính xác thời điểm các cụm máy bay ném bom chiến lược B-52 bắt đầu cất cánh, số lượng máy bay, giãn cách khoảng cách bay của đội hình chiến đấu. Do thu thập thường xuyên thông tin trao đổi giữa chỉ huy mặt đất và các lực lượng tập kích, các tàu trinh sát điện tử đã nắm chắc được từng diễn biến bắt đầu các đợt không kích cả ở Utapao và Guam.
Những thông tin thu thập được thông qua Bộ tổng tham mưu quân đội Liên xô đến Bộ tham mưu QĐNDVN liên tục, kịp thời, cho phép toàn bộ hệ thống phòng không Việt Nam được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đúng thời điểm nhất. Trong 12 ngày đêm không quân Mỹ đã ném hơn 100 nghìn quả bom các loại và Phòng không Việt Nam cũng hạ 81 máy bay Mỹ, trong đó có 31 là pháo đài bay B-52 và 5 F-111. Trước sức ép ngày một tăng của công luận quốc tế đồng thời gánh chịu những tổn thất nặng nề trong cuộc chiến, đến ngày 27.01.1973. Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về việc rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Miền Nam Việt Nam.
Từ tháng 2 đến tháng 4.1973. Người Mỹ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh trên không chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chuyển toàn bộ hoạt động tác chiến của mình về phía miền Nam Việt Nam, bao gồm các các tàu sân bay. Theo hiệp định Paris 1973, hạm đội 7 Mỹ có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động gỡ toàn bộ thủy lôi đã phong tỏa vùng vịnh Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực Cảng Hải Phòng. Chiến dịch này mang tên gọi là "End Sweep" (" lần quét cuối cùng"). Quân đội Mỹ đã tổ chức một lực lượng rà phá thủy lôi bao gồm tàu sân bay trực thăng "Okinawa" (kỳ hạm), các tàu đổ bộ hải quân có sân bay cho trực thăng rà quét mìn, các tàu đổ bộ, các tàu quét mìn phi từ trường, tàu cảnh giới yểm trợ và các tàu đảm bảo hậu cần kỹ thuật.
Toàn bộ đội tàu rà phá thủy lôi gồm có 50 chiến hạm và tàu khác nhau. Lực lượng chủ đạo giải quyết nhiệm vụ rà quét thủy lôi được trang bị máy bay trực thăng đổ bộ "Sea Staley" với lưới sonar và lưới quét từ trường trên thân và các tàu quét mìn phi từ tính (tàu không chế tạo từ kim loại) trang bị các lưới quét mìn. Để thực hiện nhiệm vụ, hải quân Mỹ đã triển khai hệ thống tọa độ 3D có độ chính xác cao "Reydist" dẫn đường cho máy bay và các tàu quét mìn. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hải quân hiện đại trên thế giới có một chiến dịch ra quét thủy lôi - mìn trên biển bằng trực thăng và tàu quét mìn phi từ tính.
Tàu đổ bộ Washtenaw County (LST-1166) Mỹ trên đường vào cảng Hải Phòng.
Sơ đồ máy bay SH - 53 Seahawk rà phá thủy lôi trên cảng Hải Phòng năm 1973.
Ảnh chụp thủy lôi bị kích nổ.
Theo mệnh lệnh của Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân Xô viết và tư lệnh trưởng hạm đội Thái Bình Dương, một đơn vị hỗn hợp của hạm đội dưới sự chỉ huy của Hải đoàn trưởng hải đoàn 38 đại úy hạng 1 D.T. Lukas được thành lập bao gồm các tàu trinh sát biển "Aneroid" (kỳ hạm), "Protraktor", "Kursograf", "Barograf", "Gidrofon" tàu quét mìn MT-4 và MT-5 cùng với tàu chở dầu yểm trợ hậu cần kỹ thuật "Vladimir Kolechitsky." Mục tiêu chính của đội là:
- Phát hiện và nắm bắt được các hoạt động tác chiến của phân đội tàu rà quét thủy lôi, chiến thuật ra phá thủy lôi, các phương tiện và lực lượng dùng để rà phá thủy lôi, tính năng kỹ chiến thuật và khả năng triển khai các trận địa thủy lôi của địch trên biển.;
- Đánh giá được kết quả rà quét thủy lôi của đối phương trên vịnh Bắc Bộ, từ đó xác định được những nguy hiểm còn tồn tại, cảnh báo sớm cho phía Việt Nam và các tàu thuyền của lực lượng vận tải Xô Viết về nguy cơ thủy lôi ở khu vực nghi ngờ.
Với nhiệm vụ được giao, phân đội hỗn hợp cấp chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc, xác định được hầu hết các khu vực ẩn chứa nguy cơ thủy lôi, số lượng thủy lôi đã rà phá và số lượng còn tồn đọng ở các vùng nước khu vực. Khi chiến dịch rà quét thủy lôi "Sea Sweep" của Mỹ kết thúc. Bộ Tổng tham mưu lực lượng QĐNDVN và Bộ tổng tham mưu lực lượng Hải quân Xô Viết đã có được những thông tin đầy đủ về kết quả của chiến dịch.
Vào giữa tháng Ba năm 1973, chiếc tàu vận tải của Liên Xô "Pioneer Marat Kazei" rời cảng Hải Phòng và trên đường ra khơi gặp tàu trinh sát điện tử "Kursograf." Và điều đầu tiên các thủy thủ Liên Xô đã trao đổi với nhau là bản đồ các bãi thủy lôi do Mỹ đã rải, các tuyến đường hải hành an toàn và vài mảnh vỡ của máy bay B-52.
31.12.1974 chiếc tàu trinh sát điện tử cuối cùng "Kursograf" quay trở về căn cứ từ biển Đông. Đó cũng là kết thúc tuyệt vời của bản anh hùng ca Việt Nam của hải đoàn trinh sát điện tử. Ngày 1.05.1975 các thủy thủ - trinh sát viên điện tử rất hài lòng xem vô tuyến trận chiến cuối cùng của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam tiến vào Sài Gòn trong cờ hoa rực rỡ, cũng với những chiếc máy bay trực thăng bay hoảng loạn từ nóc nhà đại sứ quán Mỹ, và sự tan giã của chính quyền chế độ cũ.
Trong các trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, các chiến sĩ trinh sát điện tử ghi lại được 526 máy bay chiến đấu Mỹ và 13 máy bay trực thăng bị bắn rơi, không tính 193 máy bay và 270 trực thăng của tập đoàn quân Lính thủy đánh bộ Mỹ. 591 phi công Mỹ bị bắt . Những thông tin này đã được khẳng định gần sát với con số mà cuốn sách Không quân Hải quân Hoa Kỳ 1910-1995 United States Naval Aviation 1910-1995 (Washington, 1997) đã nêu.
Trong cuộc chiến tranh điện tử mà các thủy thủ - trinh sát điện tử tiến hành trong khu vực chiến sự, nguy hiểm luôn cận kề. Các tàu trinh sát của Hải quân Xô viết, người Mỹ biết rất rõ, nhưng họ không muốn va chạm, do các tàu này hoạt động ở vùng nước quốc tế. Ngoài ra, tồn tại một quy luật bất thành văn giữa hai lực lượng hải quân Nga và Mỹ: "các tàu trinh sát không can thiệp". Nhưng những hành động khiêu khích quấy rối vẫn luôn xảy ra với các tàu trinh sát trên biển:
- Tháng 9.1967, tàu trinh sát điện tử "Anemometr" ("Kirby") ở Biển Đông, tàu tác chiến điện tử Mỹ "Bonner" đã cố ý gây một vụ đâm húc va chạm. Trường hợp này cả hai tàu đều không có những tổn thất quá nặng. Tàu trinh sát điện tử ("Kirby") bị một vết lõm lớn ở thân tàu phía trước.;
- Năm 1968, trên biển Đông, tàu trinh sát điện tử "Izmeritel" lại bị chính tàu "Bonner" của Mỹ tấn công đâm húc một lần nữa nhằm đẩy tàu trinh sát ra khỏi khu vực đang hoạt động tác chiến;
- Ngày 3.10.1969. Tàu "Gidrofon" bị các tàu tuần biển của hải quân Sài Gòn tấn công khi đang hoạt động trinh sát tại vùng nước ven bờ của Miền Nam Việt Nam, trúng đạn, tàu "Gidrofon" bị cháy một số nơi, một phần trang thiết bị bị hỏng hóc, nhưng các thủy thủ trên tàu an toàn. Lòng dũng cảm và ý chí kiên cường trong thực tế công tác đã trở thành bản chất của lực lượng trinh sát điện tử. Nhiều thủy thủ - chiến sĩ trinh sát điện tử được thưởng huy chương "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
- tháng 12. 1969. Tàu trinh sát "Protraktor" bị tàu tuần biển của Hải quân Sài Gòn tấn công hỏa lực khi đang hoạt động gần vùng nước chủ quyền Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, cuộc tấn công hỏa lực đã làm thủy thủ A.N. Lebedev bị thương ở chân. Tàu bị bắn thủng 16 lỗ mạng tàu trên vạch ngấn nước, mặc dù vậy, tàu chỉ chạy ra xa vùng lãnh hải và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ;
- Tháng 4. 1970. Với mục đích đẩy tàu "Peleng" ra khỏi khu vực theo dõi các tàu sân bay, máy bay cường kích "Skyhawk" tiến hành ném bom dọc theo hải trình của tàu phía mũi và đuôi tàu trên khoảng cách 1 đến 2 sải. Máy bay không tấn công vào tàu và không có tổn thất;
- Tháng 4.1973. Trong quá trình theo dõi chiến dịch "End Sweep", một trong những tàu kéo của Mỹ đã cố ý giả như đâm thẳng vào tàu trinh sát "Aneroid", đang thả neo trên tuyến đường hành lang trên trận địa thủy lôi và bật đèn neo tầu. Tàu kéo Mỹ đã đi sát mũi tàu của "Aneroid" cách khoảng vài mét và chân vịt tàu kéo đã mắc phải xích neo của tàu "Aneroid". Rất may các lái tàu của tàu kéo Mỹ khá có kinh nghiệm, nếu không cả hai tàu có thể bị tổn thất nặng nề. Trong chiến tranh là chiến tranh. Có trường hợp, các thủy thủ của tàu "Kursograf" đã cứu một thủy thủ Mỹ bị rơi khỏi boong của tàu chỉ huy tham mưu "Blue Ridge". Nhờ sự kiện này họ nhận được thư cảm ơn và quà của Bộ chỉ huy hải quân Hạm đội 7. Có nhiều trường hợp các tàu trinh sát cũng cứu được những thuyền nhân, hoặc các thủy thủ các tàu đánh cá bị trôi dạt trên biển. Rất nhiều trường hợp bất ngờ đã xảy ra. Nhưng sau gần 40 năm tính từ thời điểm chiếc tàu trinh sát cuối cùng rút khỏi Biển Đông, Hải quân Thái Bình Dương mới có điều kiện viết lại một biên niên sử.
Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và những hoạt động của Hải đoàn tác chiến điện tử của Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô cho thấy, tác chiến điện tử trên biển lớn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và ngăn chặn những nguy cơ chiến tranh trong giai đoạn hiện nay. Tác chiến điện tử trên biển lớn có ưu thế vượt trội so với các loại hình tác chiến khác như tác chiến điện tử mặt đất, tác chiến điện tử trên không và trên vũ trụ. Hầu hết mọi cuộc xâm lược và chiến tranh đều đến từ phía biển, bắt đầu tập trung lực lượng, xây dựng đội hình tác chiến, liên kết phối hợp và xuất phát hỏa lực tấn công đều bắt đầu trên biển lớn. Mọi tuyến thông tin liên lạc dù thời bình hay thời chiến đều diễn ra bằng sóng vô tuyến các dải tần số trên biển rộng - dễ dàng cho hoạt động tình báo hoặc trinh sát. Hoàn toàn không bị nhiễu địa hình hoặc ảnh hưởng của điều kiện không khí. Các tính huống chiến tranh hoặc xung đột bao giờ cũng có nguồn gốc từ không gian biển và tác động trực tiếp lên bờ biển và vào sâu trong lãnh thổ.
Để bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc, chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc, tác chiến điện tử trên biển, trong điều kiện thời bình là trinh sát - tình báo điện tử phải được hình thành và phát triển nhanh chóng, dưới mọi hình thức từ các lực lượng tuần biển đến các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ quan khai thác tài nguyên và đến lực lượng ngư dân trên biển lớn. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tác chiến điện tử trên biển thời bình sẽ tránh được yếu tố bất ngờ trong xung đột vũ trang hay xâm phạm chủ quyền, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về tình báo - trinh sát cảnh báo sớm, có đầy đủ điều kiện để đạp tan mọi âm mưu xâm lược.
Theo Trịnh Thái Bằng
Tiền phong
Hình ảnh hiếm về hải quân Liên Xô tại Cam Ranh Truyền thông Nga cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu sẽ tới Cam Ranh trong chuyến thăm Việt Nam. Đây là nơi Liên Xô và sau đó là Nga từng có căn cứ hải quân trong nhiều năm. Cuối những năm 1970, phía Liên Xô đã có những thỏa thuận với Việt Nam về việc thuê cảng Cam Ranh. Ngày 2/5/1979, Chính...