Bí mật vật phẩm chỉ có ở nhà giàu, trai xưa tìm mua về cưới vợ
Những ngôi nhà xây bằng gạch Bát Tràng từng là biểu hiện của sự giàu có, sung túc. Nhiều chàng trai xưa còn dùng loại vật liệu này để gây chú ý với cô gái mà mình muốn kết hôn.
Lò gốm cổ nhất Hà thành
Lò gốm cổ còn sót lại ở Bát Tràng
Làng Bát Tràng ( Gia Lâm) cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Trước đây phần lớn người dân nung gốm bằng lò bầu. Trước thập niên 90 của thế kỷ 20, cả làng có khoảng 20 lò bầu nhưng hiện chỉ còn duy nhất một lò cổ.
Lò bầu nung gốm giống những mảnh vỏ sò úp ngược
Ông Phạm Văn May – CT UBND xã Bát Tràng cho biết, lò bầu có tổng diện tích hơn 1000 m2, dài khoảng 15m. Tất cả các lò bầu đều sử dụng củi để đốt.
Sau khi người thợ xong công đoạn nặn gốm, các sản phẩm được phơi khô, xếp vào lò. Lúc này lò sẽ được đậy kín, nung từ 1 – 3 ngày tùy theo sản phẩm. Lò bầu có kiến trúc vòm cuốn liên tiếp, tựa vào nhau như những mảnh vỏ sò úp ngược.
Thực chất đây là hệ thống các lò nung được nối với nhau. Mỗi lò có từ 4 – 20 bầu (buồng nung).
Quá trình nung, nhiệt độ của lò có thể đạt tới 1.300 độ C. Vì vậy, các vòm cuốn của lò được xây bằng gạch chịu lửa.
Lò bầu sử dụng lượng củi lớn để đun
Ông May chia sẻ, với cấu tạo đơn giản, lò bầu đã từng rất phổ biến tại làng gốm Bát Tràng. Trải qua thời gian, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các lò gốm như vậy đã bị phá bỏ.
Lý giải sự mai một của loại lò này, ông May thông tin thêm: ‘Để vận hành lò bầu, tốn rất nhiều thời gian và củi. Hơn nữa, người điều chỉnh nhiệt độ trong lò phải có trình độ cao, là thợ lành nghề, kinh nghiệm lâu năm nếu không mẻ gốm có thể bị hỏng vì nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.
Thời gian nung lâu, năng suất thấp cùng sự phát triển của công nghệ nung mới cũng là nguyên nhân những lò gốm như vậy mất vị thế và bị phá bỏ’.
Video đang HOT
Bên trong lò bầu nung gốm
Vị chủ tịch xã cho hay, lần cuối cùng lò bầu cổ làng Bát Tràng hoạt động là năm 1990. Gần 30 năm không sử dụng nhưng đến nay lò gốm không hề bị rêu mốc phủ lên.
Bên cạnh lò bầu cổ, làng Bát Tràng còn nổi tiếng với loại gạch ‘trai xưa tìm mua về cưới vợ’.
Bí ẩn loại gạch ‘trai xưa tìm mua về cưới vợ’
Bước chân trên những con ngõ nhỏ quanh co ở làng cổ Bát Tràng, du khách sẽ được chìm đắm trong một không gian thanh bình, yên ả.
Nơi đây không chỉ là địa danh nức tiếng về nghề sản xuất đồ gốm, có truyền thống hàng trăm năm mà còn được biết đến với sản phẩm đặc biệt: ‘ Gạch Bát Tràng’.
Theo một số người dân trong làng, gạch Bát Tràng cổ có đặc điểm: ‘Gạch không bị bám rêu mốc sau thời gian dài sử dụng, có tác dụng cách nhiệt tốt.
Những căn nhà xây bằng loại gạch này có độ bền chắc, mùa hè sẽ cảm nhận rõ sự mát mẻ, mùa đông ấm áp’.
Gạch Bát Tràng
Ông Phạm Văn May – Chủ tịch xã thông tin, gạch Bát Tràng không chỉ dùng xây nhà mà hàng trăm năm trước từng được dùng để xây thành và một số công trình kiến trúc lớn. Trong đó có thông tin, gạch Bát Tràng được dùng tại Hoàng thành Thăng Long và kinh thành Huế.
Gạch Bát Tràng được nung đi nung lại cùng hàng gốm sứ. Nguyên liệu làm gạch là đất sét trắng có khả năng chịu nhiệt. Do được nung ở nhiệt độ cao trong một thời gian dài nên gạch có thể chịu được những va đập mạnh.
‘Hiện nay ở Bát Tràng không còn hộ nào sản xuất gạch Bát Tràng. Một số người ở nơi khác tìm hiểu công thức làm, sản xuất và đưa ra thị trường loại gạch mang thương hiệu Bát Tràng. Tuy nhiên, sản phẩm đó không hoàn toàn giống gạch Bát Tràng cổ’, ông May khẳng định.
Lò bầu xây bằng gạch Bát Tràng. Trải qua quá trình nung ở biệt độ cao nhiều lần, gạch trở lên đanh, không bị bám rêu mốc
Vị chủ tịch xã tiết lộ, khởi nguồn, người dân Bát Tràng xưa không chủ ý sản xuất gạch xây nhà mà họ dùng loại gạch này làm vỏ bao quanh đồ gốm.
‘Thợ gốm Bát Tràng lấy 6 viên gạch (gạch Bát Tràng) xếp xung quanh sản phẩm gốm. Lớp gạch này như một vỏ bọc để giúp sản phẩm không bị bụi, muội và táp lửa.
Một viên gạch được dùng làm vỏ nhiều lần, nung đi nung lại. Qua các làn nung đó bề mặt gạch càng thêm đanh, chắc, còn có lớp nhựa chảy ra như men, giúp gạch không bị ngấm nước. Đó là nguyên nhân vì sao gạch Bát Tràng không bị rêu mốc bám. Thấy gạch đó tốt, người dân mang về lát nền, xây nhà và sản xuất đại trà.
Có thời điểm, những ngôi nhà được dùng gạch Bát Tràng lát sân là biểu hiện của sự giàu có, sung túc của một gia đình.
Các chàng trai khi tỏ tình với cô gái mình thích thường nhắn nhủ: ‘Ước gì anh lấy được nàng/Để anh mua gạch Bát Tràng về xây/Xây dọc rồi lại xây ngang/Xây cầu bán nguyệt cho nàng rửa chân’.
Lò nung gốm bằng gas
‘Bây giờ các lò bầu đã được thay thế bằng lò gas, việc sử dụng lò nung bằng gas giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí sản xuất và tiết kiệm thời gian nung.
Tuy nhiên, từ khi lò gas ra đời, việc sản xuất gạch Bát Tràng dần bị mai một. Nếu sản xuất, chất lượng cũng không đạt yêu cầu. Vì gạch Bát Tràng đòi hỏi phải nung nhiều lần, trong khoảng thời gian dài. Nếu nung một ngày, không đạt chất lượng sản phẩm như gạch cổ.
Trong khi đó, lò gas có kích thước nhỏ, thời gian nung khoảng 13 tiếng. Nếu nung gạch, mỗi mẻ chỉ nung được số lượng rất ít. Như vậy vừa không đảm bảo được chất lượng cũng như số lượng của sản phẩm gạch, hiệu suất kinh tế không cao’, ông May nói.
Theo VNN
Bí mật ở ngôi làng có nhiều đại gia, kẻ trộm vào một lần 'khóc thét'
Được thiết kế đặc biệt, các con ngõ ở Bát Tràng trở thành nỗi ám ảnh với kẻ có ý đồ đột nhập, trộm cắp.
Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề làm gốm. Nhiều hộ dân nơi đây có nhà đẹp, sân vườn rộng và cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, đến thăm ngôi làng, nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy những con ngõ có kích thước rất nhỏ hẹp, chỉ rộng khoảng 75cm - 1m.
Trong con ngõ này, 2 người đi bộ có thể tránh nhau nhưng xe máy thì không.
Gạch lát ngõ và xây tường là gạch Bát Tràng. Dọc lối đi trong ngõ đều có các bức tường cao bao học. Người dân nơi đây cho biết, những bức tường có chiều cao khoảng 4m.
Giữa cái nắng gay gắt đầu hè nhưng đi dưới con ngõ này, bất cứ ai cũng sẽ có cảm giác mát mẻ.
Ông Phạm Văn May - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, khi lập làng, xung quanh Bát Tràng là các cánh đồng hoang vu. Người dân lo sợ bị trộm cướp nên bảo nhau xây dựng các con ngõ nhỏ, tường bao vây cao.
'Ở nhiều khu vực trong làng, ngõ vào chỉ rộng 70 - 75 cm. Đường đi quanh co. Trường hợp trộm vào sẽ không có đường ra vì dễ dàng bị người dân bao vây, bắt lại', ông May nói.
Chính vì vậy, cho đến tận bây giờ, người dân trong làng vẫn tự hào vì an ninh ở đây khá tốt. 'Có người để quên xe máy ngoài ngõ. Chiều hôm sau ra tìm, xe vẫn còn nguyên', ông Lê Hồng Đức (SN 1940) người Bát Tràng nói.
Tuy nhiên, chính vì lối đi nhỏ, chỉ vừa một xe máy nên việc đi lại ở đây có nhiều bất tiện.
Chuyện cưới xin hay đưa tang qua các con ngõ nhỏ cũng là một khó khăn.
Không ít lần, người dân phải đục tường rào, đẽo bớt các góc cua thì mới khiêng được quan tài ra đầu làng.
Hoài Anh - Huy Hùng
Theo VNN
Canh măng mực, đặc sản cổ truyền của làng Bát Tràng Nếu bạn đã quá quen với công thức canh măng khô ninh xương, thịt bò, ngan,vịt... thì nên học cách nấu canh măng khô với mực để biến tấu hương vị. Món măng khô nấu với mực là một đặc sản của đất Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Theo VTC