Bí mật khó tin ở nơi được mệnh danh là sao Hỏa của Trái Đất
Tận dụng địa hình như ’ sao Hỏa trên Trái đất’ của sa mạc Atacama, NASA thường sử dụng các khu vực này để kiểm tra các vệ tinh và một số thí nghiệm cho sứ mệnh chinh phục Hành tinh đỏ.
Hoang mạc Atacama hay còn được gọi là sao Hỏa của Trái Đất nằm ở phía bắc Chile, giữa Thái Bình Dương và dãy núi Andes. Nơi đây vốn được Kỷ lục Thế giới Guinness, NASA và Hội địa lý Mỹ ghi nhận là “sa mạc khô cằn nhất thế giới”.
Bởi lẽ địa hình tại Atacama hoàn toàn tương phản với nhau: những ngọn đồi toàn đá, đá núi lửa và những cồn cát trải dài. Diện tích rộng lớn 181.300 m2 nhưng chỉ nhận được lượng mưa không quá 1 mm/năm.
Những lần hiếm hoi Atacama đón trận mưa “quý như vàng” khiến rừng hoa cẩm quỳ bất ngờ nở rộ trên mảnh đất khô cằn này, tạo nên cảnh quan ngoạn mục hiếm có.
Người ta cho rằng, nguyên nhân khiến sa mạc này ít có mưa vì những dãy núi cao nằm xung quanh được tạo nên từ hàng triệu năm trước. Cũng vì vậy, thảm thực vật và động vật ở sa mạc Atacama vô cùng ít ỏi, đến cây xương rồng cũng không thể mọc lên khiến nơi đây như một “vùng đất ma”.
Nhiệt độ ở sa mạc Atacama vào mỗi thời điểm trong ngày có sự chênh lệch lớn. Ban ngày nhiệt độ khoảng 40 độ C trong khi vào ban đêm nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 4 độ C.
Mùa hè thì khắc nghiệt đến mức, người đến đây có thể gặp tình trạng: gãy vụn tóc và râu và nứt nẻ móng tay, móng chân.
Điểm đặc biệt nhất của hoang mạc Atacama là địa hình khá giống với sao Hỏa. Mặc dù nhiệt độ ở Atacama không hạ xuống mức thấp như trên sao Hỏa nhưng đất đai ở đây cũng có màu gỉ sét giống như bề mặt hành tinh Đỏ.
Chính vì vậy, NASA thường sử dụng khu vực này để kiểm tra các vệ tinh và một số thí nghiệm cho sứ mệnh chinh phục sao Hỏa.
Các thiết bị được sử dụng trên tàu thăm dò sao Hỏa Viking 1, Viking 2, và Phoenix cùng với tàu tự hành ExoMars trong tương lai của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA), đều được thử nghiệm ở “sao Hỏa trên Trái Đất” này.
Đầu năm 2019, các nhà khoa học từ Nasa và Đại học Carnegie Mellon ở Mỹ đã thử nghiệm robot tự hành khoan xuống dưới bề mặt Sa mạc Atacama và phát hiện loài vi khuẩn kháng muối kỳ lạ trong lòng đất. Điều này có lẽ sẽ cung cấp manh mối về sự sống nào có thể vẫn tồn tại trên sao Hỏa.
Một bí mật khác từng gây xôn xao giới khoa học khi được công bố, đó là xác ướp lâu đời nhất không được tìm thấy ở Ai Cập mà là ở sa mạc Atacama. Theo các chuyên gia, xác ướp cổ nhất được tìm thấy tại sa mạc này có niên đại vào khoảng năm 7020 trước Công nguyên.
Sa mạc khô cằn nhất thế giới biến thành biển hoa muôn màu. Nguồn: Youtube Kênh VTC14
Mộc Nhiên
Robot NASA chụp ảnh selfie giữa sườn đồi khô cằn của hành tinh đỏ
Bức ảnh toàn cảnh 360 độ ghi lại khoảnh khắc robot Curiosity của NASA đứng giữa sườn đồi khô cằn của sao Hỏa.
Robot tự hành Curiosity của NASA lập kỷ lục trèo địa hình dốc nhất, trèo lên bình nguyên Greenheugh Pediment, dải đá rộng nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Trước khi làm điều đó, con robot đã chụp ảnh selfie ghi lại khung cảnh ngay bên dưới Greenheugh hôm 26/2.
Phía trước Curiosity là lỗ khoan mang tên Hutton khi robot lấy mẫu vật nền đá cứng. Bức ảnh selfie toàn cảnh 360 độ được ghép từ 86 ảnh chụp do Curiosity truyền về Trái Đất.
Khi chụp ảnh, con robot đang ở thấp hơn khoảng 3,4 m so với địa điểm nó sắp leo tới ở vùng bình nguyên nứt nẻ.
Bức ảnh selfie của robot Curiosity. Ảnh: NASA
Curiosity leo lên đỉnh dốc hôm 6/3 sau ba lần leo thử. Trong lần leo thứ hai, con robot nghiêng tới 31 độ, chỉ kém một chút so với kỷ lục nghiêng 32 độ của robot tự hành Opportunity năm 2016.
Từ năm 2014, Curiosity bắt đầu trèo núi Sharp, ngọn núi cao 5 km ở trung tâm miệng hố Gale. Các chuyên viên vận hành robot ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Nam California, Mỹ, cẩn thận lập bản đồ mỗi chuyến di chuyển để đảm bảo Curiosity không gặp sự cố. Con robot không có nguy cơ lật nhào bởi hệ thống bánh xe của cho phép nó nghiêng tới 45 độ.
Được biết, nhiệm vụ của Curiosity là nghiên cứu liệu môi trường trên sao Hỏa có thuận lợi cho sự sống vi khuẩn cách đây hàng tỷ năm hay không. Một công cụ để Curiosity thực hiện thăm dò là camera Mars Hand Lens (MAHLI) nằm ở cuối cánh tay robot. Camera này giúp quan sát cận cảnh những hạt cát và bề mặt đá, tương tự cách nhà đại chất học dùng kính lúp để xem xét mẫu vật trên Trái Đất.
Được biết, hồi năm ngoái, Curiosity cũng đã phát hiện một lượng khoáng vật đất sét lớn nhất kể từ khi nó được đưa lên sao Hỏa hồi tháng 8/2012.
Cụ thể, hai mẫu vật được Curiosity tìm thấy khi khoan 2 mục tiêu đá được đặt tên là Aberlady và Kilmarie. Những mẫu vật này chứa lượng đất sét cao nhất từng được phát hiện trong nhiệm vụ của NASA.
Khu vực phát hiện hàm lượng đất sét cao nằm ở mạn bên của vùng thấp ở núi Sharp. Vùng này vốn nằm ngoài quỹ đạo khám phá của NASA trước khi Curiosity được đưa lên sao Hỏa. Công cụ phân tích khoáng sản học của Curiosity có tên là CheMin, đã đưa về Trái Đất bản phân tích đầu tiên về các mẫu đá khoan được tại khu vực nhiều đất sét.
Ngoài ra, trong lần khoan và phân tích này, Curiosity sử dụng camera điều hướng đen trắng để chụp ảnh các đám mây trôi dạt. Các đám mây này có thể là những đám mây băng (có chứa nước), cách bề mặt sao Hỏa khoảng 31km.
Vũ Đậu (T/h)
Thời cổ đại đã có sự sống trên sao hỏa? Phát hiện hai hố nước sâu dưới lòng đất sao Hỏa cổ đại đã làm dấy lên hi vọng tìm kiếm cuộc sống ngoài Trái Đất tại hành tinh đỏ. Một miếng hố trên sao Hỏa Theo tờ Fox news, các nhà khoa học đã phát hiện ra hai hồ chứa nước cổ xưa độc đáo từng chảy sâu bên dưới bề mặt...