Bí mật của các tài tử đằng sau những lần nhận đề cử Oscar
Các nam diễn viên hàng đầu có rất nhiều phương thức khác nhau để tìm cách chinh phục Viện hàn lâm nước Mỹ, từ say rượu, bỏ bạn gái, cho tới mài răng, chịu ăn gan bò sống…
Leonardo DiCaprio với The Revenant (2015): Tài tử có cặp mắt xanh vẫn đang chờ đợi tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp sau năm lần thất bại. “Cơn khát” ấy rất có thể sẽ chấm dứt trong năm nay với The Revenant, khi Leonardo DiCaprio mang đến màn trình diễn ấn tượng trong điều kiện quay phim giá rét xuống tới -30 độ C, phải ngủ trong xác súc vật và đặc biệt là ăn gan bò sống. Bên cạnh thử thách về mặt thể xác, Leo tiết lộ anh còn phải trải qua cuộc đấu tranh tinh thần khi ăn gan bò như thế, bởi tài tử vốn là một người ăn chay. Ảnh: Fox
Michael Fassbender với Steve Jobs (2015): Dù gây ra nhiều tranh cãi, bộ phim tiểu sử năm 2015 về nhà đồng sáng lập hãng Apple vẫn nhận được hai đề cử Oscar về diễn xuất, trong đó có Nam diễn viên chính xuất sắc dành cho tài tử mang hai dòng máu Đức – Ireland. Điều gây ngạc nhiên là Michael Fassbender có lần thừa nhận anh đánh giá cao và học hỏi được rất nhiều từ Ashton Kutcher trong Jobs (2013) – một bộ phim khác cũng xoay quanh Steve Jobs nhưng phải nhận rất nhiều lời chê bai của giới phê bình. Ảnh: Universal
Daniel Day-Lewis với Lincoln (2012): Tài tử người Anh được mệnh danh là ông hoàng của lối diễn xuất nhập vai khi luôn nỗ lực hết mình cho từng vai diễn. Trong suốt sự nghiệp lẫy lừng, Daniel Day-Lewis đã có ba tượng vàng Oscar hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc, một kỷ lục chưa ai khác đạt đến. Với chiến thắng cùng tác phẩm tiểu sử về Tổng thống Abraham Lincoln, nam diễn viên 58 tuổi yêu cầu mọi người trên trường quay phải gọi anh là “ngài Tổng thống”, đồng thời nhắc nhở họ không được nói chuyện bằng giọng Anh – Anh để tránh gây ảnh hưởng tới giọng điệu mà bản thân dành cho bộ phim. Ảnh: Fox
Gary Oldman với Tinker Tailor Soldier Spy (2011): Tài tử 57 tuổi người Anh có sự nghiệp đồ sộ, nhưng tới nay mới chỉ nhận được một đề cử Oscar duy nhất vào năm 2011 trong bộ phim mang đề tài điệp viên dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của John le Carré. Để vào vai chỉ huy mật vụ George Smiley, Gary Oldman tạo ra “bụng bia” cho bản thân bằng cách liên tục ăn bánh trứng và bánh bông lan trong nhiều ngày trời. Ông cho rằng điều đó giúp mình nhập tâm hơn, còn nhân vật thì trở nên đáng nhớ hơn trong mắt khán giả. Ảnh: Focus
Jamie Foxx với Ray (2004): Để sắm vai huyền thoại nhạc soul bị mù lòa Ray Charles, Jamie Foxx chấp nhận dùng loại keo đặc biệt dính đôi mắt mình lại 14 tiếng mỗi ngày trên trường quay. “Đó không khác gì một bản án tù giam”, anh chia sẻ sau khi nâng cao tượng vàng Oscar năm 2004. Những ngày đầu tiên, phương thức khiến tài tử da màu bị hoảng loạn nhẹ, nhưng anh quả quyết chỉ có làm vậy thì mình mới có thể trở thành Ray Charles trên màn ảnh. Ảnh: Universal
Adrien Brody với The Pianist (2001): Chiến thắng của Adrien Brody tại Oscar năm 2001 là một trong những bất ngờ lớn nhất của lịch sử giải thưởng điện ảnh danh giá. Nhưng để sắm vai người nhạc công Wladyslaw Szpilman trong thời kỳ Thế chiến thứ II, anh đã chịu đánh đổi rất nhiều điều: bán xe hơi và nhà riêng để lui về một nơi hẻo lánh sinh sống, và thậm chí là chia tay cả bạn gái! Tất cả nhằm giúp Adrien Brody có thể nhập tâm vào bộ phim mang đề tài diệt chúng của đạo diễn Roman Polanski. Ảnh: Focus
Video đang HOT
Billy Bob Thornton với Sling Blade (1996): Chồng cũ của Angelina Jolie tự mình làm biên kịch, đạo diễn và sắm vai chính trong bộ phim xoay quanh một thanh niên tật nguyền, từng bị tống vào trại giáo dưỡng khi 12 tuổi vì tội giết hại mẹ đẻ và tình nhân của bà. Để thể hiện nhân vật, Billy Bob Thornton nhét thủy tinh vào trong giầy và khiến nhiều khán giả từng nghĩ rằng anh bị tật nguyền thực sự! Tài tử nhận đề cử Nam diễn viên chính xuất sắcnhưng không giành chiến thắng. Tuy nhiên, với Sling Blade, anh lại được vinh danh ở hạng mục Kịch bản chuyển thể. Ảnh: Miramax
Nicolas Cage với Leaving Las Vegas (1995): Trước khi rơi vào cảnh nợ nần vì tội trốn thuế và phải nhận lời tham gia nhiều bộ phim tồi tệ, Nicolas Cage có quãng thời gian hoàng kim và là tài tử được nhiều người tôn trọng. Anh từng giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Oscar 1995 khi sắm vai một nhà biên kịch hết thời vì thói nghiện rượu. Để chuẩn bị cho vai diễn ấy, Nicolas Cage đã chìm đắm trong rượu suốt nhiều ngày trời và tự quay lại lối hành xử của bản thân để tìm ra cách thể hiện nhân vật. Ảnh: United Artists
Clint Eastwood với Unforgiven (1992): Unforgiven đem lại cho cá nhân huyền thoại tượng vàng Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Tuy nhận đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc và không giành chiến thắng, nỗ lực kiềm chế của Clint Eastwood là rất đáng nể bởi ông có trong tay kịch bản Unforgiven vào năm 1979. Nhận thấy mình chưa đủ già để sắm vai tay súng William Munny, ông quyết định chờ đợi những 15 năm rồi mới thực hiện bộ phim thuộc thể loại Viễn Tây. Ảnh: Warner Bros.
Robert De Niro với Cape Fear (1991): Trong phiên bản làm lại tác phẩm hình sự nổi tiếng do đạo diễn Martin Scorsese thực hiện, Robert De Niro sắm vai tên tội phạm đáng sợ Max Cady – kẻ quay lại khủng bố gia đình vị luật sư từng bào chữa cho mình sau khi hắn được tại ngoại. Theo tài tử, trước khi Cape Fear bấm máy, ông quyết định bỏ tiền túi 20.000 USD để đi mài răng, nhằm giúp tạo hình của Max Cady thêm phần “khát máu”. Kết quả là Robert De Niro được nhận đề cử Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhờ vai diễn ghê rợn này. Ảnh: Universal
Theo Zing
Phim của Leonardo DiCaprio ăn khách nhất thế giới tuần qua
Bộ phim "The Revenant" không chỉ leo lên ngôi đầu phòng vé khu vực Bắc Mỹ mà còn thắng thế khắp toàn cầu trong cuối tuần qua.
Trong tuần thứ ba ra rạp trên diện rộng tại quê nhà Bắc Mỹ, The Revenant có màn bứt phá ngoạn mục khi hạ bệ Ride Along 2 để leo lên ngôi đầu với 16 triệu USD từ 3.711 cụm rạp. Hiện doanh thu nội địa của bộ phim nhận 12 đề cử Oscar năm nay là 119,2 triệu USD.
Bộ phim The Revenant thắng thế tại các phòng vé trên toàn cầu trong cuối tuần qua. Ảnh: Fox
Cuối tuần qua, The Revenant và các tác phẩm khác cùng phải đối mặt với một đối thủ rất khó chịu tại Bắc Mỹ: cơn bão tuyết Jonas. Thời tiết xấu gây ra lớp tuyết dày tới hơn 60 cm, khiến giao thông và sinh hoạt của người dân ở bờ Đông nước Mỹ bị ngưng trệ.
Hậu quả là các hệ thống rạp chiếu phim nơi đây phải giảm suất chiếu, thậm chí là đóng cửa. Các nhà phân tích cho rằng tổng thu nhập của toàn ngành điện ảnh cuối tuần qua đã giảm khoảng 15% bởi cơn bão.
Không chỉ gặt hái thành công tại thị trường nội địa, The Revenant còn dẫn đầu doanh thu phòng vé quốc tế với 33,8 triệu USD từ 8.388 cụm rạp tại 48 quốc gia. Doanh thu ngoại địa của bộ phim của tài tử Leonardo DiCaprio hiện chạm mốc 104 triệu USD.
Với thành tích kiếm tiền hiện tại, hãng Fox có thể tạm yên tâm sau khi đã chi ra tới 150 triệu USD cho dự án. Nếu The Revenant giành thắng lợi tại các giải thưởng tiền Oscar, tác phẩm hoàn toàn có thể trụ rạp với thành tích cao cho tới cuối tháng 2. Tại Việt Nam, phim chuẩn bị ra rạp từ 5/2 dưới tựa đề Người về từ cõi chết.
Trở lại khu vực Bắc Mỹ, quán quân tuần trước là bộ phim hài Ride Along 2 bị tụt doanh thu thảm hại và rơi xuống vị trí thứ ba. Tác phẩm của bộ đôi Kevin Hart - Ice Cube chỉ còn thu được 12,9 triệu USD từ 3.192 cụm rạp, tức giảm 63% so với tuần khởi chiếu.
Cùng lúc đó, Star Wars: The Force Awakens leo lên vị trí á quân khi thu thêm 14,3 triệu USD từ 3.365 cụm rạp, qua đó nâng tổng doanh thu nội địa lên mức 879,3 triệu USD. Dự kiến siêu bom tấn khoa học viễn tưởng sẽ cán mốc 900 triệu USD tại Bắc Mỹ trong tuần này.
Thời tiết giá lạnh khắc nghiệt không thể ngăn các "tân binh" tại phòng vé Bắc Mỹ đạt doanh thu sát với dự đoán. Dirty Granpa, bộ phim hài nhắm đến đối tượng khán giả lớn tuổi của Robert De Niro và Zac Efron thu 11,5 triệu USD từ 3.192 cụm rạp. Trong phim, họ vào vai hai ông cháu tham gia một cuộc vui trác táng tại Florida ngay sau khi người bà qua đời.
Dirty Grandpa bị giới phê bình lạnh nhạt khi chỉ có điểm 8% trên Rotten Tomatoes. Khán giả dễ tính hơn khi cho phim điểm B theo điều tra củaCinema Score.
The Boy có kinh phí khiêm tốn 10 triệu USD nhưng đã thu được 11,2 triệu USD ngay trong tuần ra rạp. Ảnh: STX
The Boy, tác phẩm kinh dị xoay quanh chuyện một vú em được một gia đình nơi hẻo lánh thuê về để trông nom con búp bê nhà họ, thu 11,2 triệu USD từ 2.671 cụm rạp.
Do đạo diễn William Brent Bell thực hiện, đây là bộ phim thứ ba do hãng STX Entertainment phát hành và chỉ có kinh phí sản xuất là 10 triệu USD. Thành công tại phòng vé là vậy, nhưng phản ứng từ giới phê bình và công chúng dành cho The Boy hiện chỉ ở mức trung bình.
Cuối cùng, The 5th Wave có được 10,3 triệu USD từ 2.908 cụm rạp. Đây là khởi đầu khá tệ bởi Sony Pictures đã phải chi tới 38 triệu USD để thực hiện bộ phim và muốn biến đây trở thành thương hiệu điện ảnh mới.
Trong phim, ngôi sao Chlo Grace Moretz sắm vai cô gái trẻ Cassie phải một mình đi tìm lại em trai sau khi người ngoài hành tinh xâm lăng Trái đất. The 5th Wave chỉ có điểm 19% trên Rotten Tomatoes và B- theoCinema Score.
Cuối tuần này, Kung Fu Panda 3 bắt đầu tấn công các rạp chiếu phim Bắc Mỹ. Bộ phim hoạt hình của Jack Black chắc chắn sẽ áp đảo hai đối thủ mới còn lại là tác phẩm giễu nhại Fifty Shades of Black và The Finest Hours của tài tử Chris Pine. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chú gấu trúc Po phải tới tháng 3 mới chính thức tái xuất.
Top 10 phim ăn khách tại Bắc Mỹ từ 22/1 tới 24/1:
1. The Revenant: 16 triệu USD
2. Star Wars: The Force Awakens: 14,3 triệu USD
3. Ride Along 2: 12,9 triệu USD
4. Dirty Grandpa: 11,5 triệu USD
5. The Boy: 11,2 triệu USD
6. The 5th Wave: 10,7 triệu USD
7. 13 Hours: The Secret Soldiers of Benghazi: 9,8 triệu USD
8. Daddy's Home: 5,3 triệu USD
9. Norm of the North: 4,1 triệu USD
10. The Big Short: 3,5 triệu USD
Theo Zing
Phòng vé Bắc Mỹ tê liệt vì bão tuyết Trận bão tuyết kỷ lục đang tàn phá miền Đông nước Mỹ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các bộ phim mới, cũng như doanh thu phòng vé toàn khu vực cuối tuần này. Theo tờ The Hollywood Reporter, cơn bão tuyết Jonas đã khiến ít nhất 75 cụm rạp chiếu phim tại bờ Đông nước Mỹ phải đóng cửa trong hôm...