Bí mật chấn động về vụ khủng bố 11/9
Bí mật về vai trò của Ả-rập Xê-út trong vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào nước Mỹ, cũng như sự bưng bít của Washington trong suốt hơn 13 năm qua về những thông tin liên quan đến cú sốc kinh hoàng này với người dân Mỹ, mới đây đã bị một số cựu nghị sỹ nước này phát giác.
Một người phụ nữ quỳ gục bên đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố 11/9/2001 được xây dựng trên nền tòa tháp đôi cũ
Theo cựu thượng nghị sỹ Bob Graham, ngay từ những ngày đầu sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, đã có những tin tức nói rằng những kẻ không tặc đến từ Ả-rập Xê-út, đi kèm những cáo buộc về vai trò của quốc gia đồng minh Trung Đông thân cận của Mỹ trong vụ này.
Trong bản báo cáo về vụ khủng bố do Tiểu ban tình báo Thượng viện Mỹ, mà ông khi đó là Chủ tịch, chỉ đạo thực hiện đã đặt vấn đề về vai trò của Ả-rập Xê-út trong việc tổ chức các vụ khủng bố bằng máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC).
Tuy nhiên, khi công bố bản báo cáo này vào năm 2002, vị thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đã kinh ngạc phát hiện thấy 28 trang trong bản báo cáo bị xóa và xếp vào diện tối mật theo đề nghị của chính quyền Tổng thống George W. Bush.
Lý do mà ông Bush đưa ra lúc đó là vì “lý do an ninh quốc gia”. Trong khi đó, ông Graham cho rằng, những trang tài liệu này không đủ tiêu chuẩn để được xếp là một bí mật an ninh quốc gia hợp pháp.
Là người đã được đọc tài liệu này, Thượng nghị sỹ Walter Jones của tiểu bang Bắc Carolina cũng cho rằng, “không có lý gì mà 28 trang tài liệu đó lại không được công bố”, bởi “nó không phải là vấn đề an ninh quốc gia”. Tuy nhiên, theo ông Jones, vào thời điểm đó sẽ có “một chút lúng túng cho chính quyền Bush”, vì “mối quan hệ nào đó với Ả-rập Xê-út”.
Nhưng đến thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, 28 trang tài liệu mật này cũng vẫn bị “khóa”. Ông Obama thậm chí còn phớt lờ một lá thư đề nghị giải mật tài liệu trên của ông Jones và thượng nghị sỹ Stephen Lynch.
Cựu Thượng nghị sỹ Graham cáo buộc rằng, đã có “một nỗ lực có tổ chức để ngăn chặn thông tin” về sự hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố của Ả-rập Xê-út, bắt đầu từ rất lâu trước sự kiện 11/9 và còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay”.
Video đang HOT
Ông Graham còn khẳng định “chính phủ Ả-rập Xê-út vẫn tiếp tục ủng hộ al-Qaeda, rồi gần đây nữa vẫn hậu thuẫn về kinh tế và tư tưởng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chính từ chối nhìn thẳng vào sự thật như vậy đã tạo ra làn sóng cực đoan mới, tấn công vào Paris vừa qua”.
“Tôi không cho rằng bất cứ ai ở cơ quan nào, cho dù đó là Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) hay Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), quyết định làm điều này (đưa 28 trang tài liệu vào diện tối mật). Tôi nghĩ rằng, Nhà Trắng đã quyết định và các cơ quan hành pháp có trách nhiệm tuân thủ chỉ đạo trên”, ông Graham nói.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác, chẳng hạn của Philip D. Zelikow – cựu Chủ tịch Ủy ban 11/9 – người cũng đã đọc tài liệu mật trên, cho rằng chúng vẫn nên còn là bí mật. Bởi, theo ông Zelikow, 28 trang tài liệu bao gồm lời khai bồi thẩm đoàn, các cuộc phỏng vấn với cảnh sát, toàn là các sự kiện chưa được chứng minh, tin đồn và lời nói bóng gió. Nếu chính phủ quyết định công khai với dân chúng thì “hàng trăm, hàng ngàn” trang tài liệu bổ sung lấy từ các cuộc phỏng vấn tương tự cũng có thể cần phải được giải mật.
Về phần mình, Ả-rập Xê-út đã phủ nhận mọi trách nhiệm đồng thời kêu gọi giải mật 28 trang hồ sơ liên quan để bảo vệ danh dự của Riyad.
Bình luận về vụ việc này, tờ Le Figaro (Pháp) cho rằng, phát giác của cựu thượng nghị sĩ Mỹ giờ đây đang khiến cho Mỹ khá lúng túng vì lo ngại nếu được giải mật, tài liệu trên sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ đồng minh đang trong giai đoạn mật thiết giữa Washington và Riyad.
Theo Linh Phương (tổng hợp)
Theo Dantri
Siêu điệp viên Israel và những bí mật hoạt động (Kỳ cuối)
Hoạt động gián điệp của mình bị bại lộ, Jay lái xe tới đại sứ quán Israel tại Washington yêu cầu sự giúp đỡ.
Biết mình có khả năng bị lộ, Jay gọi điện cho vợ mình xử lý những tài liệu mật đang cất giấu tại nhà.
Sau khi gửi một số giấy tờ quan trọng cho người thân, Anne đã cố gắn liên hệ với Đại tá Avi Sella yêu cầu sự giúp đỡ. Tuy nhiên, không có bất cứ kế hoạch nào được đưa ra đảm bảo an toàn cho Jay. Ngay ngày hôm đó, Đại tá Avi Sella lên chuyên bay sớm nhất rời khỏi Mỹ.
Trong khi Đại tá Sella an toàn ở Anh thì tại Mỹ, Jay liên tiếp trải qua những cuộc thẩm vấn liên quan đến hoạt động đánh cắp tài liệu mật của mình thời gian vừa qua. Jay có thừa nhận đánh cắp chúng nhưng lại khai giao nó cho người bạn. Jay muốn kéo dài thời gian với hi vọng phía Israel sẽ có động thái cứu mình. Tuy nhiên, mọi chuyện không như Jay nghĩ.
Ngay sau khi được thả về, Jay và Anne vội vã cầm một số giấy tờ quan trọng và lái xe tới đại sứ quán Israel tại Washington yêu cầu giúp đỡ. Anne đang giữ một số giấy tờ quan trọng, nó sẽ giúp cả hai người an toàn. Tuy nhiên, Jay đã bị từ chối ngay tại đại sứ quán. Nhân viên đại sứ quán yêu cầu vợ chồng Jay rời khỏi đấy ngay lập tức.
Chiếc xe cũ kỹ của Jay vừa rời cánh cổng đại sứ quán thì đã bị bắt. Xe của FBI đã đợi sẵn bên ngoài.
Jay chính thức bị bắt với tội danh hoạt động gián điệp. Tất cả giấy tờ trên xe bị thu giữ làm bằng chứng. Anne được trả về, tuy nhiên cô cũng bị triệu tập ngay ngày hôm sau.
Jonathan Jay Pollard, ảnh năm 1998
Tại sao Jay không được Israel cứu? Lý do này không được công bố chính thức, tuy nhiên, có nhiều thông tin cho rằng quan hệ giữa Israel và Mỹ thời điểm đó không tốt. Israel không thể cho Jay tị nạn.
Phía Israel hoàn toàn phủ nhận việc liên quan đến hoạt động gián điệp của Jay. Theo họ, kế hoạch của Jay là kế hoạch đơn lẻ. Phía họ không hay biết. Thậm chí, Israel còn giao lại cho Mỹ những tài liệu đã nhận được từ Jay.
Khi biết bị bỏ rơi, Jay quyết định khai mọi hoạt động của mình nhưng vẫn khẳng định mình không phản bội nước Mỹ.
Anne bị truy tố về tội danh bao che, cất giữ và sử dụng trái phép những thông tin quốc phòng. Bản án dành cho Anne ít nhất là 5 năm tù giam.
Phía luật sư của Jay muốn tòa đảm bảo không áp dụng án tử hình cho Jay nêu như Jay đồng khai nhận toàn bộ hành vi của mình và nhận tội. Sau nhiều phiên xét xử, Jay đã bị tuyên án chung thân.
Bản án dành cho Jay gây nhiều tranh cãi bởi trước đây, nhiều trường hợp hoạt động gián điệp cho nước đồng minh đã bị bắt giữ, tuy nhiên, bản án dành cho họ không quá 14 năm tù giam.
Ngay sau khi phán quyết được công bố, Jay được chuyển đến bệnh viện của nhà tù liên bang tại Springfield, Missouri. Jay bị quản thúc ở đây hơn một năm để điều trị chứng bệnh tâm lý của mình của mình trước khi bị chuyển đến nhà tù tại Marion, Illinois. Nhà tù ở Marion được coi là an ninh và quản thúc tù nhân khắt khe. Mỗi tù nhân chỉ được phép ra khỏi buồng giam của mình một giờ mỗi ngày.
Tháng 3/1990, Anne được thả tự do sau 3 năm 4 tháng chịu án. Cuối năm đó, cô nhận được đơn ly dị của Jay.
Trong thời gian chịu án, Jay nhận được sự ủng hộ của một người phụ nữ Do Thái nhưng mang quốc tịch Canada tên là Esther Zeitz. Hai người thường xuyên trao đổi thư từ với nhau. Không lâu sau đó, hai người tự nhận nhau là vợ chồng. Esther bắt đầu sử dụng cái tên Esther Zeitz Pollard.
Sau rất nhiều năm, câu chuyện về hoạt động gián điệp của Jay vẫn luôn là câu chuyện được nhiều người quan tâm.
Năm 1988, phía Israel đã công khai thừa nhận Jay hoạt động cho mình và xác nhận quyền công dân cho Jay. Một số quan chức Israel đã tới thăm Jay khi ông chịu án tại Mỹ.
Những hoạt động biểu tình kêu gọi trả tự do cho Jay ngày càng được lan rộng, tuy nhiên, phía Mỹ vẫn không thay đổi quyết định với lý do những tài liệu Jay đã từng đánh cắp là những tài liệu rất quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh nước Mỹ.
Hiện tại, điệp viên Jonathan Jay Pollard vẫn đang chịu án tại nhà giam ở Butner, Bắc Carolina. Jay vẫn mong đợi một ngày được tự do và sống tại đất nước Israel.
Theo Khampha
Đảng Cộng hòa giành nốt Thượng viện Đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 4/11 - một kết quả đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Washington. ABC News đưa tin, phe Cộng hòa đã chiến thắng ở 7 bang, nơi các thành viên Dân chủ đang giữ ghế: Arkansas, Colorado, Iowa, Montana, Bắc Carolina, Nam Dakota...