Bi kịch xã xuất ngoại mang “ết” về
Không sống được bằng nghề biển, ruộng đất lại ít ỏi và bạc màu, phần lớn người dân xã biển Vinh Xuân (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) phải tha hương sang Lào làm thuê. Nhiều người sau một thời gian kiếm sống đã lê tấm thân tàn về quê do mắc HIV/AIDS, rồi làm lây lan cho nhiều người…
Nhà có 4 người mắc “ết”
Cái rét như cắt da khiến thân thể già nua của bà Võ Thị Lớn (87 tuổi) ở thôn Kế Võ bị hành hạ bởi những cơn đau xương khớp. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” như bà người ta được con cháu phụng dưỡng, còn bà hàng ngày vẫn phải bươn chải kiếm tiền nuôi 2 đứa cháu nhiễm HIV. Trong ngôi nhà “rách xơ mướp” rộng chưa đầy 10m2, bà vừa trò chuyện với chúng tôi vừa khóc nghẹn. Những nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt khắc khổ của bà xô nhau ép ra những giọt nước mắt buồn tủi.
Cuộc sống ở quê phải chạy ăn từng bữa nên anh Nguyễn Hữu M (SN 1970) – con trai bà Lớn – phải sang Lào làm thuê ngay sau khi cưới vợ. Nhờ chịu khó nên những ngày tảo tần nơi đất khách giúp M kiếm được ít tiền gửi về nuôi vợ và mẹ già. Tuy nhiên, trong một lần bị bạn bè lôi kéo, M quan hệ với gái mại dâm ở Lào rồi bị lây nhiễm HIV. Không biết mình mắc căn bệnh thế kỷ, nên những lần về thăm nhà, M đã làm lây nhiễm sang vợ mình là chị Võ Thị B (SN 1971).
Khi sức khỏe đã suy kiệt, M lê tấm thân tàn về quê rồi đi bệnh viện khám mới biết mình đã mắc HIV giai đoạn cuối. Lúc này, chị B cùng 2 con trai là Nguyễn Hữu Ph (SN 1996) và Nguyễn Hữu B (SN 1998) hoảng hốt đến cơ sở y tế xét nghiệm thì kết quả cả 3 mẹ con đều bị mắc HIV. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh M khuất núi. 4 năm sau, 2 đứa con dại của vợ chồng anh cũng đội tang mẹ khi tuổi đời còn rất nhỏ. Từ đó, bà Lớn phải thay vợ chồng con trai tần tảo nuôi 2 đứa cháu mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Tuổi cao sức yếu nhưng bà Võ Thị Lớn vẫn phải tần tảo nuôi 2 đứa cháu mắc “ết”.
“Mấy ngày ni trời rét, thân thể tui đau nhức nên không mần chi ra tiền. Hai đứa cháu mắc bệnh hiểm, áo quần không đủ ấm, tui trông mà chảy nước mắt”- bà Lớn nói nghẹn lời. Hiện 2 đứa cháu của bà Lớn một đứa học lớp 10, đứa còn lại học lớp 8. “Tụi cháu muốn được kéo dài sự sống và tiếp tục học chữ để sau ni kiếm được việc làm phụng dưỡng bà. Nhưng hoàn cảnh như ri không biết ngày mai sẽ ra sao” – em Nguyễn Hữu Ph tâm sự với cặp mắt đỏ hoe.
Nỗi đau lan rộng
Cái chết của vợ chồng anh M là những cái chết vì “ết” đầu tiên ở Vinh Xuân. Sau ngày cặp vợ chồng nghèo này khuất núi, hàng loạt gia đình có người đi Lào làm thuê ở xã biển này mới giật mình lo lắng. Rồi họ hoang mang khi thấy người thân của mình sau một thời gian xuất ngoại trở về với thân thể tàn tạ vì đau ốm, uống đủ loại thuốc vẫn không khỏi. Những triệu chứng ấy giống vợ chồng anh M trước ngày tạ thế nên nhiều gia đình khuyên người thân của mình đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm khiến nhiều gia đình đau đớn, tuyệt vọng.
Bên tuyến tỉnh lộ chạy qua thôn Xuân Thiên Hạ, có một ngôi nhà cấp bốn xập xệ đóng cửa kín mít. Một ông cụ chống gậy bước khập khiễng trên đường, nói ngôi nhà này bỏ hoang nhiều năm rồi. “Đó là nhà anh Phạm Ch, cả vợ lẫn chồng đều đã chết vì “ết”, con cái phiêu bạt mỗi đứa một nơi” – ông cụ kể bằng giọng ngắt quãng sau tiếng thở dài. Cũng như rất nhiều đàn ông trong thôn, anh Ch phải sang Lào kiếm miếng ăn cho gia đình. Sau một thời gian nai lưng làm thuê nơi đất khách, anh Ch trở về quê với thân thể tiều tụy, lở loét.
Video đang HOT
Nghĩ chồng đổ bệnh do lao lực quá sức, chị Võ Thị L – vợ anh, mua đủ loại thuốc men cho chồng nhưng vô ích. Nghe tin một số người ở xã xuất ngoại làm thuê trở về bị mắc “ết” vì quan hệ với gái mại dâm, chị L đưa chồng đi khám thì kết quả chồng chị bị mắc HIV giai đoạn cuối. Nỗi đau gấp bội khi sau đó kết quả xét nghiệm cho thấy chị L bị nhiễm HIV từ chồng mình. Cách đây 4 năm, sau khi chồng qua đời một thời gian ngắn, chị L cũng bị căn bệnh thế kỷ vật ngã. Phải đội tang cha mẹ khi tuổi đời còn nhỏ và trước sự kỳ thị của hàng xóm, 3 người con của vợ chồng anh Ch bỏ quê đi biệt xứ.
Cạnh nhà anh Ch là ngôi nhà của anh Phạm S – em ruột anh Ch. Ngôi nhà này từ nhiều năm nay chỉ có 2 đứa trẻ và một bà cụ 82 tuổi sinh sống. Anh S cũng chết vì mắc “ết” như anh trai mình sau khi sang Lào làm thuê. Sau ngày anh S chết, vợ anh là chị Hồ Thị Th cùng người con gái đầu bỏ quê đi biệt xứ, để lại hai đứa con nhỏ và bà mẹ chồng đã già nua.
Ngoài các trường hợp chết vì “ết” như vợ chồng anh Ch, anh S, ông Nguyễn Ngọc Từ – Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ còn kể cho chúng tôi nhiều trường hợp khác ở thôn đã qua đời vì căn bệnh thế kỷ sau khi xuất ngoại làm thuê. “Đến nay thôn đã có 7 trường hợp chết vì HIV trong số hơn 10 trường hợp mắc bệnh. Những trường hợp mắc “ết” ở đây chúng tôi chủ yếu nắm được khi họ tử vong” – ông Từ cho biết. Lần theo sự chỉ dẫn của ông Từ, chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình khánh kiệt, ly tán vì căn bệnh thế kỷ ở thôn. Tại các thôn Kế Võ, Xuân Thiên Thượng… cũng có nhiều người mắc và chết vì HIV/AIDS do xuất ngoại làm thuê.
Tiến thoái lưỡng nan
Nói về nguyên nhân khiến người dân ở thôn ồ ạt xuất ngoại làm thuê để rồi nhiều người rước căn bệnh thế kỷ về quê, ông Nguyễn Ngọc Từ bảo mọi chuyện bắt đầu từ việc cuộc sống ở quê quá khó khăn. “Ruộng đất ở đây ít ỏi và toàn là cát bạc màu, bị nhiễm mặn, đã vậy việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên vì không có công trình thủy lợi. Nghề biển cũng không sống được nên kinh tế bà con rất khó khăn. Vì rứa mà hiện toàn thôn có khoảng 500 người sang Lào và vào các tỉnh miền Nam kiếm sống” – ông Từ nói.
“Sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến người dân nơi đây không thể vươn lên bằng sản xuất nông nghiệp. Phong trào ly hương giúp nhiều gia đình có cái để đắp đổi qua ngày nhưng cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy đau lòng” -
Ông Trần Văn Đê
Người dân ồ ạt ly hương mưu sinh khiến thôn Xuân Thiên Hạ cũng như các thôn khác của xã Vinh Xuân nhiều năm nay chủ yếu còn lại người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Nhiều người già, phụ nữ ở đây kể trong nước mắt rằng việc chồng con tần tảo nơi đất khách quê người khiến họ luôn lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
“Không lo sao được khi mà hàng loạt người dân địa phương, trong đó có chồng tui, sau một thời gian phiêu bạt xa xứ đã trở về quê với căn bệnh thế kỷ và làm lây lan sang vợ con mình” – chị Phạm Thị T (thôn Xuân Thiên Hạ) – người có chồng vừa qua đời vì “ết” sau khi sang Lào làm thuê – tâm sự.
Ông Trần Văn Đê – Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết, phong trào người dân trên địa bàn đi làm thuê nơi xa, nhất là sang Lào, có từ năm 1990 và rộ lên những năm 2006 trở lại đây. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có gần 3.000 người ly hương làm thuê, chiếm hơn 1/3 dân số của xã. Từ khi người dân đổ xô ly hương kiếm sống, nhất là đi Lào, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều người mắc và chết vì HIV. Đến thời điểm hiện tại, theo số liệu mà xã nắm được, địa phương đã có 14 người mắc HIV, trong đó rất nhiều người đã tử vong.
Theo 24h
Dưới đỉnh Sài Khao: Quằn quại vì "bão trắng"
Nói đến bản làng vùng cao ở Mường Lát xứ Thanh ai cũng nghĩ rằng nó yên bình, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Nhưng có mấy ai biết rằng đằng sau vẻ đẹp ấy lại tiềm ẩn cơn bão HIV/AIDS đang hoành hành xóm, bản.
Ra đường gặp "H"
Theo con số thống kê của Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, từ năm 2001 đến nay trên địa bàn huyện có 401 người nhiễm HIV, trong đó 181 người chuyển sang AIDS, 59 người đã tử vong. Hiện nay, đang điều trị ARV cho 155 người. Chỉ trong năm 2012, toàn huyện đã phát hiện thêm 594 người nghiện ma túy, nóng nhất vẫn là ở các xã như Pù Nhi, Tam Chung, Mường Chanh...
Cách trung tâm thị trấn Mường Lát khoảng 7 cây số, xã Pù Nhi trước đây được coi là thung lũng vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam, chính vì vậy mà thanh niên trong bản nghiện rất nhiều. Ông Lương Văn Xích, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, cho biết, trong những năm qua nhờ thực hiện tốt chương trình vận động bà con xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, người dân cai nghiện, đến nay trên địa bàn xã chỉ còn 26 đối tượng nghiện hút. Tuy nhiên, theo ông Xích đây chỉ là con số được báo cáo lên xã để theo dõi còn thực tế số người nghiện trên địa bàn cũng khó để nắm được chính xác. Chính vì vậy mà tình hình nghiện ma túy và nhiễm HIV trên địa bàn vẫn bị lọt vào "danh sách đen" của huyện.
Mẹ con chị Ngân Thị Lòng đang phải uống thuốc ARV
Theo giới thiệu của ông Xích, chúng tôi "thượng sơn" đến bản Na Tao. Bản Na Tao có hơn 100 hộ dân, song nơi đây lại được xem là điểm nóng của ma túy và HIV. Khi được hỏi về đối tượng nghiện ma túy và người nhiễm HIV, ông Vi Văn Thấm, trưởng bản Na Tao, chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Không cần lôi sổ ghi chép nhưng ông vẫn đọc vanh vách các số liệu cho chúng tôi. Bản Na Tao có 157 hộ với 676 nhân khẩu, trong đó 11 đối tượng nghiện, chích ma túy. Tổng số người nhiễm HIV là 40, trong đó có 26 người đang điều trị ARV. Tôi hỏi, con số này đã chính xác chưa? Ông Thấm ngẫm nghĩ một lúc nói: Thực tế con số này còn cao hơn nữa, bởi rất nhiều người không chịu đi xét nghiệm, không ai công khai là mình nghiện ma túy. Trong khoảng 5 năm trở lại đây chỉ tính riêng bản Na Tao đã có 8 người chết vì AISD.
Theo chỉ dẫn của ông Thấm, chúng tôi ghé thăm nhà chị Ngân Thị Lòng. Chị Lòng năm nay mới 26 tuổi nhưng đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Chị lấy chồng năm 2009, gia đình sống rất hạnh phúc và đang chờ đứa con đầu lòng ra đời thì cũng là lúc chồng chị bị nghiện ma túy. Ba năm sau sức khỏe của chồng ngày một yếu đi, người gầy tóp lại chỉ còn da với xương. Sợ chồng có bệnh nên chị đưa anh đi khám. Cầm phiếu xét nghiệm trên tay, chị chết lặng vì kết quả dương tính. "Khi đó tôi không tin vào mắt mình nữa. Một năm trời tôi không làm được gì chỉ nằm suy nghĩ mà đổ bệnh. Giờ thì đỡ hơn nhiều rồi, vì con cái tôi phải sống, cũng muốn chăm sóc cho chồng những ngày tháng còn lại", chị Lòng tâm sự. Tôi hỏi, chồng bị như vậy, chị thì sao? Chị Lòng buồn rười rượi: Em cũng không biết nữa. Em không dám khám đâu, nhỡ có bệnh lại phải suy nghĩ nhiều.
Những đứa trẻ nơi đây vẫn hồn nhiên trước thảm cảnh HIV
Rời nhà chị Lòng, chúng tôi ghé thăm nhà anh Hà Văn Lượng, mặc dù mang trong mình căn bệnh HIV nhưng Lượng vẫn tỏ ra lạc quan khi gặp chúng tôi. Lượng bảo, mình cũng đâu có muốn bị bệnh, nhưng lỡ rồi mình phải vui lên mà sống chứ. Hỏi về nguyên nhân dẫn đến "H" của mình, Lượng tâm sự: Lúc còn trẻ mình cũng ham chơi bời nên vướng phải HIV. Từ ngày có bệnh trong người sức khỏe giảm hẳn, tinh thần suy sụp, nhiều lúc mình nghĩ tìm đến cái chết nhưng được mọi người động viên, chia sẻ nên mình đã vực dậy.
Nỗi đau còn dai dẳng
Từ Pù Nhi, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình tới xã Tam Chung, nơi đây cũng được coi là điểm nóng của căn bệnh HIV/AIDS. Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Tam Chung, tính khoảng 7 năm trở lại đây toàn xã có gần 80 người chết vì HIV/AIDS, riêng bản Poọng có trên 40 người. Người chết thì đã ra đi nhưng hậu quả để lại quá đau đớn. Đó chính là những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
Ông Hà Văn Oai, trạm trưởng Trạm y tế xã Tam Chung, cho biết, người dân nơi đây sống hồn hậu, thật thà như cỏ cây trên rừng. Nhưng sóng gió bắt đầu nổi lên từ cuối những năm 2000 khi các thanh niên trai tráng trong bản thi nhau hút thuốc phiện, một người hút, hai người hút, rồi ai cũng học đòi.
Chúng tôi vào bản Poọng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một bản làng buồn hiu hắt. Dưới mái nhà sàn mấy đứa trẻ quần áo nhem nhuốc đang lấy đất làm trò chơi. Vừa thấy người lạ chúng chạy té tung mỗi đứa một phương. Phía trên là bà Hà Thị Pun, người có con bị HIV, trầm ngâm ngồi nhìn lũ trẻ mà xót lòng. Gặp chúng tôi bà dốc bầu tâm sự: "Rõ khổ, chúng nó mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tôi là bà ngoại mà chẳng lo gì được cho chúng nó. Không biết khi tôi chết đi bọn trẻ sẽ sống như thế nào?".
Bản làng heo hút
Gạt nước mắt, bà kể lại: "Năm 2003, trong lúc nông nhàn nó (con rể) cùng đám trai làng đi chơi, uống rượu say xỉn rồi rủ nhau hút chích. Từ hôm đó, cứ sau giờ cơm nó lại ra khỏi nhà cùng đám bạn. Chẳng bao lâu nó bị nghiện nặng rồi bỏ bê việc làm ăn. Để có tiền hút ma túy nó lấy hết đồ đạc trong nhà đi bán. Đến lúc không còn tiền mua thuốc nữa nó quay sang chích cùng với bạn bè rồi mắc bệnh từ khi nào không hay, sau đó căn bệnh âm thầm truyền sang cho vợ nó là Hà Thị Piền". Năm 2008, con rể mất. Hai năm sau con gái mất để lại hai đứa con Hà Thị Thoái, Hà Văn Thướng cho bà. "Mỗi lần nhìn các cháu tôi lại xót xa, từ khi bố mẹ nó chết đi nó thèm ăn cái kẹo ngọt mà tôi cũng không có tiền mua. Chúng nó chẳng biết gì cứ vui chơi hồn nhiên với đám bạn. Nhiều người dị nghị cấm không cho con cái họ lại gần. Từ sau khi bố mẹ chết vì "ết", Thướng được đưa đi xét nghiệm, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy kết quả. Cái án tử cứ treo lơ lửng trên đầu thằng bé 5 tuổi có vẻ mặt buồn rười rượi", bà Pun tâm sự.
Có lẽ hoàn cảnh khốn khó nhất trong số những đứa trẻ mồ côi ở bản Poọng mà chúng tôi được biết là gia đình em Hà Thị Cới. Bố em đã chết 2 năm nay vì HIV, mẹ em cũng bị HIV vì lây qua chồng. Quá đau buồn cho số phận, mẹ em thường bỏ nhà đi lang thang để lại bốn chị em, đứa lớn mới 10 tuổi, đứa bé hơn 2 tuổi vật vờ đùm bọc nhau sống qua ngày trong ngôi nhà trống huơ trống hoắc. Thương cảm cho hoàn cảnh của mấy chị em Cới, ông Lò Văn May, người họ hàng xa, không có gia đình nhận về nuôi nhưng mấy ông cháu phải sống nhờ bằng lòng hảo tâm của bà con trong bản.
Thực tế về thực trạng HIV ở đây đã rõ, có điều đến nay ông Oai vẫn cảm thấy chạnh lòng, ông bảo: Tội lắm, hầu như tất cả những đứa trẻ mồ côi trong bản Poọng nói riêng và toàn xã Tam Chung nói chung đều chưa bao giờ được xét nghiệm HIV/AIDS để xem chúng có bị lây nhiễm từ bố mẹ hay không. Chúng cứ hồn nhiên lớn lên. Nguồn sống duy nhất là sự nỗ lực của chính bản thân, sự giúp đỡ của bà con trong bản. Chỉ có một vài cháu được xã đưa vào diện chính sách mồ côi để nhận mỗi tháng hơn 100.000 đồng đong gạo.
Chúng tôi rời bản Poọng khi trời đã sập tối. Cái lạnh miền sơn cước ùa về khiến nơi đây càng trở nên hoang vắng. Những ánh mắt trẻ thơ, tiếng thở dài của các cụ già dần chìm trong bóng tối giữa đại ngàn heo hút. Rồi tương lai của những đứa trẻ này sẽ ra sao khi căn bệnh HIV còn dai dẳng?
Theo 24h
Nhờ hoá chất, ruồi không dám bén mảng đến mực khô, cá khô Hầu hết các hộ phơi cá, mực ở xã Hải Bình, Hải Thanh, Hải Ninh (Tĩnh Gia, Thanh Hoá) đều sử dụng hoá chất để ruồi muỗi, nấm mốc không dám "bén mảng"... Để tìm hiểu vấn đề trên, phóng viên đã có mặt tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia. Vốn là một xã ven biển, người dân ở đây chủ yếu...