Bi kịch người phụ nữ giết chồng chạy theo tình nhân
“Điều tôi mất nhiều nhất chính là danh dự. Tôi có thể vứt bỏ tất cả vì tình yêu nhưng cuối cùng thì chẳng có gì cả. Đấy là nỗi đau lớn nhất đời của tôi, không có gì bù đắp được”.
Lên xe hoa khi chưa kịp yêu
Bước qua tuổi 40, Nguyễn Thị Thanh Thuyết, người đàn bà từng khiến nhiều người sững sờ vì đẹp, không còn rực rỡ như ngày nào. Vẫn làn da trắng không tỳ vết, vẫn khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sắc đa tình nhưng sâu vời vợi một nỗi buồn. Thuyết đẫy đà hơn trước, trầm tư hơn và trong dáng ngồi hơi chúi xuống ấy, dường như đang gánh trên vai một nỗi suy tư không thể san sẻ. Hỏi Thuyết sao buồn vậy, có gì tâm sự thì cứ nói ra cho nhẹ lòng. Người đàn bà đẹp khẽ nhếch đôi môi phớt hồng: “Tâm sự của tôi sẽ không được cảm thông. Tôi chỉ biết mình đau lắm, đến chết vẫn đau”.
Chồng chết do chính tay Thuyết và nhân tình sát hại, dẫu sao cũng mồ yên mả ấm rồi, chẳng ai còn khuấy chuyện đau lòng này lên làm gì. Hai đứa con của Thuyết, tuy bị sốc trước cảnh nhà tan nát nhưng chúng đều là những đứa có nghị lực, giờ đều là sinh viên đại học. Cũng giống như ông bà và các bác, chúng biết thứ tha tội lỗi của mẹ, thường xuyên viết thư động viên Thuyết,… nhưng tất cả chỉ phần nào giúp cô nguôi ngoai chứ không thể vơi bớt niềm đau về mối tình ngang trái của mình. 5 năm ở tù cũng là chừng ấy thời gian Thuyết luôn tự hỏi rằng tại sao dạy được con cái mà không dạy được chính bản thân mình.
15 tuổi, đẹp rực rỡ nhưng Thuyết đã về làm lẽ ông Bùi Huy Hữu Hoàng, một lái xe đường dài đứng tuổi, đã có vợ con ở Hà Đông. Không hề yêu nhau nhưng bùi tai trước lời khuyên của bố mẹ về một cuộc sống đầy đủ, nhàn nhã, Thuyết đồng ý lấy người hơn mình gần 20 tuổi, chấp nhận cảnh sống chia sẻ tình cảm. 20 năm trôi qua, kết quả của cuộc hôn nhân không dựa trên nền móng tình yêu ấy là 2 đứa con xinh, ngoan. Cuộc sống vợ chồng cũng nhiều lúc không được êm đềm bởi người chồng thành đạt nhưng nay đây mai đó, trong khi cô vợ những lúc chồng vắng nhà chẳng biết làm gì ngoài chuyện đi lễ.
Video đang HOT
Bi kịch xảy ra khi Thuyết gặp Tạ Hoàng Hiệp, một người đàn ông trẻ, kém cô 3 tuổi, quê ở làng Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) trong những lần đi lễ. Thuyết muốn tìm sự bình yên nơi cửa chùa, còn Hiệp là một người hát chầu văn rất hay. Những lần đi lễ chung ấy, Hiệp luôn chăm sóc Thuyết rất chu đáo. Ban đầu, Thuyết không để ý, nhưng lâu dần, sự quan tâm chăm sóc, tiếng hát da diết của người đàn ông trẻ ấy đã rung lên những nốt nhạc tình đầu tiên trong tâm hồn người đàn bà 2 con, chưa một lần biết đến nụ hôn của tình yêu. Đến lúc này, Thuyết mới chợt nhận ra rằng từ ngày có chồng, cô mới chỉ sống có trách nhiệm và nghĩa vụ chứ chưa bao giờ yêu và được yêu theo đúng nghĩa. Chính vì thế mà Thuyết đã yêu vội vã, cuồng nhiệt như thể muốn bù lại quãng thời gian son trẻ nhạt nhẽo. Có những lúc, không chịu đựng được sự xa cách với người tình, Thuyết đã về nói sự thật với chồng, đề nghị chia tay nhưng chỉ làm người đàn ông trung niên này bật cười vì nghĩ lâu nay cô là người sống phụ thuộc vào chồng, đâu dễ một sớm một chiều vứt bỏ tất cả để đi với nhân tình. Một lần, hai lần nghe vợ đề nghị chia tay, người đàn ông đa thê chỉ còn biết dùng đòn roi để giữ vợ. Đòn roi và sự ngăn cản, canh gác của chồng càng khiến tình yêu của Thuyết và Hiệp thêm mặn nồng. Nghĩ rằng không thể sống thiếu nhau nhưng bỏ đi thì sợ chồng tìm được, đôi tình nhân đã nghĩ ra âm mưu sát hại ông Hoàng.
Và một niềm đau còn mãi
Khoảng 1h sáng 6/10/2007, như thường lệ, Thuyết gọi chồng dậy chuẩn bị lái xe đi Hà Giang. Vì đã có kế hoạch từ trước nên sau khi nấu hai bát mì, Thuyết pha cốc bột sắn cho chồng uống. Không biết âm mưu đen tối của vợ nên ông Hoàng uống hết cốc nước có thuốc ngủ rồi chuẩn bị tư trang để lên đường. Nửa tiếng trôi qua, không thấy chồng có biểu hiện ngấm thuốc, Thuyết hoảng sợ chạy ra sân gọi điện thoại cho Hiệp, lúc này đang nằm ở một khách sạn gần đó. Thuyết bảo Hiệp hãy gác lại kế hoạch giết người nhưng những lời “Em có muốn sống với anh không? Nếu muốn thì để anh làm” của Hiệp đã khích lệ Thuyết thêm can đảm. Chị ta quay vào nhà, thấy chồng bảo không đi nữa, biết là ông Hoàng đã ngấm thuốc ngủ liền bảo: “Công việc là quan trọng, anh buồn ngủ thì để em lái xe”. Sau khi đưa ông Hoàng lên ngồi ở ghế phụ, Thuyết báo tin cho Hiệp tới.
Thấy Thuyết đang đứng trước cửa, nhà vẫn sáng đèn, Hiệp gọi điện bảo nhân tình tắt đèn, rồi vào lái xe chở ông Hoàng đi theo Quốc lộ 2 lên Tuyên Quang. Đi được gần cây số, Hiệp dùng dây thừng mang theo xiết cổ nạn nhân cho đến chết rồi lái xe đi tiếp hơn 30km nữa, dàn dựng vụ tự gây tai nạn. Vì ông Hoàng quá to béo, Hiệp không kéo ông ra ghế lái được, đành phải để ở ghế phụ, sau đó cho xe chạy tốc độ nhanh, đâm vào vỉa taluy bên đường, hắn bật về phía sau. Sau khi cởi áo lau vô-lăng và cơ thể nạn nhân, Hiệp thoát ra khỏi xe, đập các cửa kính cho rạn vỡ để giống hiện trường một vụ đâm xe.
Nhắc về vụ án năm xưa, Thuyết không một lời gỡ tội cho mình vì cho rằng “giết người phải đền mạng”, cái án chung thân với Thuyết đã là một sự khoan hồng của số phận bởi khi bị bắt, trong đầu cô chỉ nghĩ đến cái chết. Thuyết bảo lúc biết tin Hiệp bị bắt, cô cảm thấy nhẹ nhõm vì không được chung sống với nhau thì giờ cả hai lại được cùng nhau sang thế giới bên kia nên có thứ gì gia đình gửi vào, cô đều nhờ gửi cho nhân tình. Ngày ra tòa, được nhìn thấy người yêu, Thuyết quên tất cả, chẳng thấy sợ hãi khi phải đối mặt với bản án và chỉ thực sự sốc khi thấy chỉ có Hiệp nhận án tử hình. Thuyết làm đơn kháng án với ý định lần ra tòa tiếp sẽ xin được cùng chết với Hiệp như lời thề ước của hai người. Thế nhưng, trong phiên tòa phúc thẩm, người đàn bà si tình bất ngờ và đau đớn khi Hiệp đổ tất cả tội lỗi cho mình. Hiệp khai Thuyết là kẻ chủ mưu còn anh ta chỉ là người bị rủ rê, lôi kéo. Đau đớn vì đến phút chót mới nhận ra mình đang rơi vào một tấm bi kịch của tình yêu, Thuyết gục xuống thất vọng, đau khổ, không còn nhớ nổi phiên tòa ấy đã kết thúc thế nào.
Mang nỗi đau nhân tình về trại giam Tân Lập thi hành án chung thân, Thuyết sống như tách biệt với các bạn chung buồng. Thuyết bảo: “Điều tôi mất nhiều nhất chính là danh dự. Tôi có thể vứt bỏ tất cả vì tình yêu nhưng cuối cùng thì chẳng có gì cả. Đấy là nỗi đau lớn nhất đời của tôi, không có gì bù đắp được”.
Kể về gia đình, Thuyết tự hào về hai đứa con thành đạt và tin tưởng chúng sẽ sống tốt nhưng khi nói về mình, về dự định cho ngày ra tù, Thuyết chỉ cười nhẹ. Dường như người đàn bà đẹp không có mong ước được trở về bởi trong cô ta vẫn còn đau lắm mối tình đầu nông dại và phù phiếm
Theo VNE
Cô giáo giết con để được thoải mái "yêu" người tình
Cho rằng đứa trẻ chung giường sẽ giảm hưng phấn khi "yêu", Lưu giết con để "thoải mái" với người tình.
Đã 8 năm trôi qua kể từ cái ngày cùng nhân tình ra tay sát hại con đẻ, mỗi ngày qua đi là một ngày Dương Thị Lưu (SN 1976, ở thôn Don Riêc, xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) day dứt, ân hận. Nhất là những khi màn đêm chập choạng, chị ta lại nhớ con cồn cào bởi thường thì vào giờ đó, cậu con trai bé bỏng lại nũng nịu đòi cơm. Vậy mà chỉ vì tình yêu làm cho lú lẫn, Lưu đã lập kế hoạch giết đứa bé vô tội ấy để giờ đây phải trả giá bằng bản án chung thân ở trại giam Xuân Nguyên.
Nắng giữa hè bỏng rát vậy mà tôi thấy mặn đắng bờ môi khi nghe một cán bộ giáo dục ở trại giam Xuân Nguyên kể về một cô giáo phạm tội giết con, từ ngày vào trại giam luôn tỏ ra bướng bỉnh, bất cần. Phải chăng, người đàn bà này chẳng còn gì để bấu víu ở đời nên cảm thấy cuộc đời đắng chát hay đó chỉ là sự cứng cỏi bề ngoài để che đi sự tuyệt vọng, yếu đuối trong tâm khảm? Không biết lý do nào đúng song tôi vẫn muốn gặp người phụ nữ ấy. Chị xuất hiện với thái độ dè chừng, nghi hoặc để rồi trước những câu thăm hỏi rất chân tình của tôi, người mẹ tội lỗi ấy đã òa khóc như thể tìm thấy sự đồng cảm của những người cùng giới.
Lưu là một cô giáo cấp 2 của một huyện vùng cao tỉnh Lạng Sơn, không xinh nhưng lại hút hồn người khác bằng đôi mắt lá răm sắc lẹm. 21 tuổi, cô quyết định lấy một người đàn ông không giàu cũng không nghèo, làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ. Thời gian đầu, cuộc sống của vợ chồng Lưu khá yên ấm với niềm hạnh phúc nho nhỏ là mỗi chiều cả hai lại bỏ những đồng tiền hàng chồng kiếm được ra đếm, tính lỗ, lãi. Rồi đứa con trai Dương Công Lân ra đời, người vợ trẻ bắt đầu cảm thấy cuộc sống gia đình đầy áp lực với chuyện cơm áo, gạo tiền trong khi số tiền chồng mang về ngày một ít đi. Không nhẫn nại như nhiều người vợ khác, vun vén chi tiêu tùng tiệm, đôi mắt lá răm bắt đầu ngúng nguẩy để Lưu có bồ, tìm nơi xả những ức chế trong cuộc sống. Chỉ là nông dân, sống chất phác song chồng Lưu cũng cảm nhận được những đổi thay ở vợ. Con trai chưa đầy 3 tuổi, vợ chồng Lưu kéo nhau ra Tòa. Sợ tai tiếng và một phần vì có thu nhập ổn định, Lưu được giao quyền nuôi dạy con trai.
Chữ ký ngày ly hôn vừa ráo mực thì vài tháng sau, Lưu rước nhân tình về chung sống trong khu tập thể của giáo viên, bất chấp những lời gièm pha, dị nghị. Người đàn ông mà Lưu nặng tình đến quên hết tất cả ấy là Dương Công Thanh, SN 1969, người cùng xã Quỳnh Sơn, hơn cô đến chục tuổi. Những ngày chung sống trong căn phòng tập thể chật chội, ba người trên một chiếc giường nên nhiều khi Thanh cảm thấy bí bách, không được tự nhiên bày tỏ tình cảm với người yêu vì sợ cháu Lân thức giấc. Đã có lần Thanh ra điều kiện với Lưu rằng, muốn tình yêu của hai người đi đến hôn nhân thì cháu Lân phải không được hiện diện trong căn buồng của họ. Yêu đến ngu muội, lú lẫn, Lưu chẳng nghĩ ra được kế sách gì ngoài việc giết chết con mình.
- Sao em không đưa con về cho bố nó nuôi mà làm hại đứa trẻ? Tôi hỏi Lưu vì không nghĩ một người có học thức, hàng ngày vẫn đứng trên bục giảng lại nghĩ ra kế hạ sách đến vậy. Lưu cúi mặt, lặng im một lúc rồi khẽ đáp: "Tại em sĩ diện, không muốn mang tiếng vì nhân tình mà hắt hủi con nên mới bày đặt ra chuyện con chết đuối".
Để lôi kéo nhân tình cùng mình thực hiện tội ác, Lưu viết một bức thư, giả danh ông chú họ xúi giục Lưu giết cháu Lân, cho Thanh xem rồi bàn nhau sẽ tạo điều kiện để cháu bé chết dưới mương nước mà thường ngày bé Lân hay tắm. Để làm được việc đó, Thanh đi mua thuốc ngủ đưa cho Lưu nghiền nhỏ rồi hòa vào nước. Nghe mẹ gọi vào cho uống "thuốc bổ", cậu bé 5 tuổi đang chơi ngoài sân, chạy ào vào nhà, hồn nhiên cầm chén thuốc uống. Ít phút sau, Lân đòi mẹ cho ăn cơm nhưng chưa hết bát cơm thì trèo lên giường ngủ. Đoán chắc cháu bé đã ngấm thuốc, hai kẻ sát nhân liền bế đứa trẻ đi tắt qua bờ ruộng đến chỗ mương nước mà cháu Lân hay tắm, cách nhà 150m, thả xuống. Vì thuốc ngủ chưa ngấm sâu nên khi vừa chạm nước lạnh, cháu Lân bừng tỉnh vùng vẫy, la hét. Thanh nhảy xuống, tóm gáy đứa trẻ vô tội, dìm mặt cháu xuống nước cho đến chết hẳn rồi về nhà kêu khóc. Sau khi tìm khắp làng không thấy, mọi người sững sờ khi phát hiện cháu bé dưới mương nước. Lo tang lễ cho con xong cũng là lúc người mẹ sát nhân bị bắt. Màn kịch giết người bị lộ tẩy. Thanh bị kết án tử hình còn Lưu nhận mức án chung thân.
Có những kẻ ác dù có xử ở mức cao nhất cũng chưa đủ đền tội song cũng có tội ác không cần phải loại ra khỏi đời sống xã hội, thoát chết nhưng sống mà như đã chết. Với Lưu là như vậy. Không phải dựa cột như nhân tình nhưng mỗi ngày qua đi là một ngày Lưu sống trong khắc khoải, ân hận dày vò.
Hơn 8 năm rồi, Lưu chưa có lấy một giấc ngủ yên bởi cứ chập choạng tối là chị ta lại nghe văng vẳng bên tai tiếng đòi cơm của đứa con nhỏ. Rồi cảnh chị ta đứng trên bờ mương, vô cảm nhìn nhân tình dìm con mình xuống làn nước đục, không một biểu hiện xót thương hay tỉnh ngộ. Lưu bảo cuộc đời cô ta coi như hết rồi, sống để cho đau đớn gặm nhấm tâm hồn chứ nào còn ý nghĩa gì nữa. Cô không mong sự tha thứ của người đời, càng không mong được người thân thương hại, chỉ biết sau mỗi đêm còn trở dậy đi làm nghĩa là vẫn đang tồn tại. Ai đó từng nói, chết chưa chắc đã hết và có những cuộc đời sống mà như đã chết rồi.
Theo GDVN
Bắt người giúp việc dùng thuốc ngủ cướp tiệm vàng Chiều 25-6, Cơ quan CSĐT Công an Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho biết vừa bắt giữ Huỳnh Ngọc Duyên (47 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Chiêu, P.14) về hành vi "cướp tài sản". Huỳnh Ngọc Duyên tại cơ quan điều tra - Ảnh: Hoàng Lộc Trước đó, chiều 23-4, cơ quan điều tra nhận được trình báo của vợ chồng ông Nguyễn Trọng Nghĩa...