Bi kịch người đàn bà bảy lần “đẻ mướn”
Bảy lần sinh con là bảy lần chị vượt cạn một mình. Bảy lần sinh con, nhưng đứa ở lâu nhất với chị là 5 năm, còn thường cứ khi con được 3 hoặc 4 tháng, chị lại “bán”, lại “cho” đi. Thương nhất là đứa con thứ 7, nó chỉ ở vỏn vẹn với chị có 4 ngày.
Cuộc đời chị là một chuỗi bất hạnh, khi liên tiếp trở thành nạn nhân của những người đàn ông ham vui, say xỉn, thiếu trách nhiệm.
Hồng nhan bạc phận vì một chữ tình
Vượt qua con đường ngoằn ngoèo, lởm chởm sỏi đá, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Tần (SN 1968), trú tại xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An trong một buổi trưa nắng gắt. Ngôi nhà của chị nằm trên một con dốc cao, cỏ mọc um tùm che kín cả lối vào.
“Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng thanh niên và phụ nữ xã tìm ra chỗ ở của cả 7 đứa con của cô Tần, xã cũng đã phối hợp với hai người chị gái làm lại nhà cho cô Tần và tạo điều kiện cho mẹ con đoàn tụ nếu có nhu cầu. Mong rằng từ ngôi nhà mới, cuộc đời cô Tần sẽ có thay đổi, những đứa con sẽ tìm về với cô ấy…”. Ông Lê Khắc Thanh Trưởng công an xã Lạng Sơn
Cuộc đời chị là một chuỗi ngày đau khổ. Cách đây hơn 20 năm, chị không thuộc dạng “sắc nước hương trời” nhưng cũng làm làng trên xóm dưới ngả nghiêng bởi vẻ xinh xắn, duyên dáng và cái nết ngoan ngoãn, hay làm hay làm. Ngày còn ở với bố mẹ, nhà chị trai làng dập dìu, nhiều bậc cha mẹ có con trai đến tuổi cưới vợ cũng đánh tiếng hỏi xin chị về làm dâu. Nhưng chị đã đem lòng yêu thương anh hàng xóm hiền lành, chân chất. Bố mẹ mất khi chị vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, hai chị gái lại đi lấy chồng nên chị một mình lủi thủi trong căn nhà nhỏ. Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, vì tình yêu nên chị đã hiến dâng tất cả. Chị có bầu và sinh cậu con trai đầu lòng vào năm 1989, khi ấy chị vừa tròn 21 tuổi. Không trầu cau, không người bưng lễ, nhưng chị vẫn bằng lòng tin tưởng vào hạnh phúc được hứa hẹn dài lâu, bỏ ngoài tai mọi lời xầm xì bàn tán. 5 năm sau, lại một bé gái xinh xắn chào đời, nhưng chị vẫn phải mang tiếng “không chồng mà chửa”. Bởi người hàng xóm mà chị yêu thương từ thuở còn thiếu nữ, người thường xuyên chung chăn gối với chị bấy lâu lại sẵn sàng phủ nhận tất cả và đoạn tuyệt với chị.
Phần vì một mình nuôi con vất vả, phần vì không chịu được những lời đàm tiếu, nên dần dần chị bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhiều lúc ức chế quá, chị lại cười sằng sặc một mình, hát vu vơ vài câu không rõ nghĩa rồi đâm ra ngớ ngẩn. Chị bị xem như người thần kinh, lúc tỉnh thì không nói không rằng, khi lên cơn lại hát vang nhà, nhảy nhót và nói lảm nhảm.
Người đàn bà bất hạnh trong ngôi nhà cũ, nơi có bảy đứa trẻ chào đời
Bi kịch tiếp nối bi kịch
Video đang HOT
Khi chị không còn ý thức được hành động của mình nữa thì tấn bi kịch của cuộc đời chị càng lúc càng kéo dài hơn. Căn nhà chị ở được làm từ khi bố mẹ còn sống, theo thời gian đã ọp ẹp, cửa nẻo tạm bợ. Không có đàn ông trong nhà, hai đứa con còn nhỏ và bản thân chị không được tỉnh táo nên những đêm tối trời, nhà chị lại trở thành đích đến của những gã đàn ông ham vui, say rượu. Một lần thành quen, rồi kẻ nọ truyền tai kẻ kia, vào ban đêm, ngôi nhà toang hoác của chị bỗng trở thành chốn lui tới của những gã đàn ông vô đạo đức. Và cứ thế, chị lần lượt trở thành mẹ của 5, 6 rồi 7 đứa trẻ không cha.
Do sống đơn thân, không thể nuôi nổi những đứa con mình sinh ra, nên bất cứ ai đến xin con, chị đều cho cả, thậm chí có người đến xin chính là bố của đứa trẻ. Chị bảo: “Không có tiền, không nuôi được đâu. Cho người ta mình còn được quà”. Căn bệnh thần kinh khiến chị không còn cảm giác đau đớn khi phải lìa xa những khúc ruột của mình, và chính căn bệnh ấy khiến chị không ý thức được rằng mình đã trở thành người đẻ mướn cho thiên hạ.
Bây giờ, chị Tần không thể nhớ rõ mình đã cho con cho những ai, chỉ nhớ mình đã đẻ 7 đứa con – 4 trai và 3 gái. Đứa sống với chị lâu nhất là 5 năm, còn lại thường bọn trẻ chỉ ở với chị từ 2 – 3 tháng, sau đó lại có người xin làm con nuôi. Tội nhất là đứa thứ 7, vừa lọt lòng mẹ đã có người đến xin, họ để lại cho chị 5 triệu đồng cùng ít quà xem như thù lao cho người “đẻ mướn”.
Ngày chúng tôi tới, chị Tần đã có ngôi nhà mới do chính quyền xã cùng hai người chị gái phối hợp giúp đỡ. Chị Xuân, hàng xóm nhà chị Tần cho biết: “Từ khi cô Tần có nhà mới, cửa nẻo chắc chắn hơn, đêm đến chúng tôi cũng được tròn giấc hơn, không còn giật mình vì tiếng chó sủa hờ, tiếng bước chân những người say rượu nữa… Giờ chúng tôi cũng chỉ mong cô ấy có một cuộc sống tốt hơn thôi, đời cô ấy cũng khổ nhiều rồi…”.
Theo Văn Thanh – Hải Sâm (Giaothongvantai.com.vn)
Phải là người thân mới được mang thai hộ
"Cơ chế thân thích là để đảm bảo tính hỗ trợ, chia sẻ, tránh việc bị thương mại hóa" - Tổ trưởng biên tập Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nói về chế định "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo".
"Cơ chế thân thích là để đảm bảo tính hỗ trợ, chia sẻ, tránh việc bị thương mại hóa" - ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), Tổ trưởng biên tập Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nói về chế định "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo".
Nhu cầu "mang thai hộ" là rất lớn
Thưa ông việc mang thai hộ lâu nay vẫn bị pháp luật nghiêm cấm. Tại sao trong Dự thảo luật lần này lại bổ sung chế định mang thai hộ?
- Đúng là Dự thảo luật lần này dự trù đưa vào một quy định rất mới là "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo". Quy định này xuất phát từ nhu cầu thực tế trong đời sống xã hội ở nước ta, có rất nhiều gia đình chỉ có mỗi người con trai mà vợ anh ta lại không thể sinh nở trong khi truyền thống văn hóa ở ta coi trọng việc sinh con nối dõi.
Thực tế ở nhiều nơi, đặc biệt tại các bệnh viện phía Nam, có rất nhiều đơn gửi tới lãnh đạo bệnh viện với nguyện vọng nhờ người mang thai hộ, nhưng các bác sĩ từ chối vì luật chưa có. Nhiều bác sĩ nói với tôi khi đọc nhiều lá đơn đã phát khóc bởi những câu chuyện có tình cảnh éo le, thương cảm.
Chính vì thế họ đã kiến nghị nên sửa luật cho phép "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo". Theo tôi cần phải cho phép việc này vì đây là giải pháp mang tính nhân đạo rất lớn, nó giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn không thể đẻ con một cách bình thường có con để chăm nuôi, người phụ nữ được làm mẹ.
Nuôi cấy trứng non thụ tinh trong ống nghiệm bằng kỹ thuật IVM tại Bệnh viện An Sinh, TP.HCM.
Từ trước tới nay đã có nhiều trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại. Nếu tới đây luật cho phép thì liệu mục đích "nhân đạo" có bị lợi dụng?
- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng khi luật cho phép, việc mang thai hộ sẽ bị lợi dụng. Bởi khi cấm người ta vẫn còn làm huống chi là cho phép, tuy nhiên tôi cho rằng sự lo lắng đó không có cơ sở.
Chính vì chúng ta cấm mới sinh ra chuyện mang thai hộ một cách lén lút, mà khi làm lén lút thì hậu quả nghiêm trọng hơn là chúng ta hợp pháp hóa nó. Trên thực tế có những người vì nhu cầu phải có con người ta dùng cách thuê người mang thai để đẻ. Làm như vậy, một là tốn kém, hai là vì lén lút người mang thai hộ không được khám định kỳ, thiếu sự chăm sóc, hỗ trợ về y tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Có nhiều trường hợp mang thai hộ bất hợp pháp dẫn đến việc chết cả mẹ, lẫn con. Khi đã hợp pháp hóa mới tạo điều kiện cho người có nhu cầu được thực hiện một cách công khai, tránh được những hậu quả đáng tiếc khi phải làm chui.
Người đã sinh con mới được phép mang thai hộ
Trong Dự thảo luật quy định điều kiện của người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ ra sao, thưa ông?
- Khi đã có chủ trương cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì luật pháp phải quy định đảm bảo chặt chẽ từ 2 phía để tránh sự lạm dụng vì mục đích thương mại. Ở đây có 2 chủ thể, người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Khi cả 2 đáp ứng đủ điều kiện mới được thực hiện hành vi của mình.
Không phải ai cũng nhờ người khác mang thai hộ được, chỉ được áp dụng đối với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Còn nếu một cô ca sĩ hay người mẫu khỏe mạnh bình thường, nhưng không muốn mang thai vì sợ ảnh hưởng đến hình thức và muốn nhờ người khác mang thai hộ thì trường hợp này, luật không cho phép.
Về phía người nhận mang thai hộ, thứ nhất quy định độ tuổi bao nhiêu để đảm bảo sức khỏe khi mang thai hộ, chẳng hạn từ 21 - 40 tuổi; thứ hai là người này không mắc các bệnh nguy hiểm để khi mang thai không dẫn đến hậu quả xấu. Người có bệnh y học chứng minh khi mang thai nguy hiểm đến tính mạng thì không được phép; thứ ba là người đó phải đẻ một lần rồi, bởi như vậy mới có kinh nghiệm.
Bên cạnh đó 2 bên phải đảm bảo một điều kiện quan trọng là không phải vì tiền, không phải ký hợp đồng để rồi sau đó đòi tiền nhau. Đây là việc nhân đạo, trên tinh thần tương trợ lẫn nhau. Theo tôi trên thực tế để kiểm soát chặt cái này cũng khó nhưng khi đã có quy định như vậy rõ ràng sẽ hạn chế được.
Thạc sĩ - Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM: Hiện nay về mặt chuyên môn, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng sau đó đưa vào tử cung của người mang thai hộ là không khó. Hiện các bệnh viện sản tuyến trên hoặc các trung tâm hỗ trợ sinh sản đều có thể thực hiện được.
Dự thảo Luật quy định người mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ. Nhưng lại có thêm phương án trong trường hợp không có người thân thích để nhờ mang thai hộ thì có thể nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ. Điều này có bất hợp lý?
- Đây là vấn đề chúng tôi đang bàn. Có quan điểm đưa ra là những người mang thai hộ phải có quan hệ thân thích với bên nhờ mang thai hộ. Quy định này là để làm hẹp lại đối tượng nhờ và được nhờ mang thai hộ.
Quan điểm thứ hai thì cho rằng quy định như vậy giống như mở cửa chỉ mở một cánh, đã mở là mở rộng, bất cứ người nào có khả năng mang thai đều có thể được người ta nhờ, không bị hạn chế bởi mối quan hệ.
Theo tôi trong điều kiện nước ta cần phải quy định theo hướng hẹp, bởi cơ chế thân thích là để đảm bảo tính hỗ trợ, chia sẻ, tránh việc bị thương mại hóa. Một người không quen biết mà họ nhận giúp thì rõ ràng không phải vì sự chia sẻ, giúp đỡ.
Xin cảm ơn ông
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Mang thai hộ không phải là đẻ thuê Dự luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bên mang thai hộ không được quyền yêu cầu hỗ trợ vật chất cho việc mang thai. LTS: Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) sửa đổi, bổ sung vừa được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến người dân. Trong đó có những vấn đề mới như...