Bi kịch của những nữ nhân viên massage gốc Á ở Mỹ
Đến Mỹ với nhiều kỳ vọng về công việc, tài chính song nhiều nhân viên massage gốc Á không chỉ chật vật kiếm sống mà còn đối mặt nhiều sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc.
Giữa tháng 3, vụ xả súng ở Atlanta (Mỹ) khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á gây phẫn nộ trong cộng đồng người Mỹ gốc Á tạo ra làn sóng biểu tình trên khắp xứ cờ hoa.
Vụ việc cũng khiến những phụ nữ làm nghề massage ở Mỹ được chú ý trở lại, dù thường nghề nghiệp của họ chẳng mấy được coi trọng, theo Sixth Tone.
Tình trạng kỳ thị, bạo lực với người gốc Á ở Mỹ, đặc biệt là người nhập cư thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thấp hơn, không mới và không phải đợi đến đại dịch mới bùng nổ.
Khó khăn
Lily, nhân viên massage người Trung Quốc ở khu phố Tàu của Seattle, nhập cư vào Mỹ 6 năm trước. Là mẹ đơn thân, cô dành hơn 2 thập kỷ làm công việc bàn giấy ở Trung Quốc. Cuối cùng, cô nhận ra thu nhập của mình không còn đủ để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ ngay cả ở các thành phố không lớn của Trung Quốc.
Năm 2015, sau khi đứa con trai duy nhất vào đại học, Lily đến Mỹ bằng thị thực du lịch. Mục tiêu của bà mẹ đơn thân là kiếm tiền chi trả học phí và tích góp mua nhà cho con trai.
Video đang HOT
Nhân viên massage là công việc của nhiều phụ nữ gốc Á ở Mỹ.
Xixi, nhân viên một tiệm massage khác ở Seattle, đã đưa con gái đến Mỹ, bỏ chồng ở lại Trung Quốc. Trong khi con gái tham gia các lớp học ngoại ngữ để chuẩn bị vào đại học, Xixi tìm cơ hội làm việc trong cộng đồng người Hoa tại địa phương.
Sau khi nhận ra không dễ để xin việc ở Mỹ vì hạn chế ngôn ngữ, Xixi và nhiều phụ nữ chung cảnh ngộ theo học khóa massage rồi làm việc tại các spa của người Trung Quốc. Công việc dễ tìm, không yêu cầu giao tiếp nhiều với khách này nhanh chóng trở thành bến đỗ an toàn cho nhiều người nhập cư châu Á trung niên.
Nhiều nhân viên tiệm massage cho biết công việc này đem lại sự thoải mái và thu nhập cao hơn nhiều việc khác. Dù thời gian làm việc thường kéo dài 12 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, nhân viên chỉ thực sự bận rộn khi có khách. Lúc rảnh, họ có thể xem tivi, gọi video cho người thân, các chủ quán cũng hiếm khi xuất hiện.
Tuy nhiên, sự tự do này cũng mang lại rủi ro. Các tiệm massage Trung Quốc thường là mục tiêu của tội phạm trộm cướp. Dù tìm đến cảnh sát nhờ giúp đỡ, họ hiếm khi được phản hồi.
“Báo cảnh sát ở đây chỉ phí thời gian thôi”, Chang, nhân viên massage ngoài 50 tuổi, nói. Sau khi bị sa thải khỏi chức quản lý tại một công ty quốc doanh lớn khoảng 20 năm trước, cô vật lộn kiếm sống trong nhiều năm trước khi quyết định đặt vận may vào cuộc sống ở Mỹ.
Tiệm massage Chang làm việc thường xuyên bị cướp song mỗi lần gọi cảnh sát, cô cảm giác như mình bị bắt nạt.
Hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng ở Atlanta.
Nhiều nhân viên massage mà Zhou Shuxuan (học giả Trung Quốc về nữ quyền, một trong những người tổ chức dự án Tiếp cận các tiệm massage ở Mỹ) từng nói chuyện đều không tin tưởng vào cơ quan thực thi pháp luật.
Họ nói cảnh sát thường xem họ như nạn nhân nạn buôn người, người nhập cư không có giấy tờ, bán dâm bất hợp pháp, nói chung là không phải những “công dân tử tế” đáng được bảo vệ.
Đúng là có nhân viên massage cung cấp các dịch vụ tình dục song không phải tất cả. Nhưng dù như thế nào, theo Zhou, chẳng ai cần chứng minh bản thân không liên quan đến mại dâm để đủ điều kiện được bảo vệ khỏi bạo lực.
Một ngày sau vụ nổ súng, 8 tình nguyện viên từ tổ chức viện trợ của Zhou đã đến thăm 12 tiệm massage ở khu phố Tàu của Seattle. Những câu trả lời phổ biến họ nghe được là “Tôi sợ”, “Chúng tôi sẽ đóng cửa sớm hơn”.
Theo Zhou, cuộc tấn công ở Atlanta không chỉ là về một vụ giết người bình thường và những định kiến về chủng tộc của thủ phạm, nó còn phản ánh sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng phổ biến mà từ lâu đã không được kiểm soát trong xã hội Mỹ.
Tổng thống Mỹ cam kết xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án mạnh mẽ tình trạng "phân biệt chủng tộc có tính hệ thống và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng" cản trở sự phát triển của Mỹ lâu nay, đồng thời cam kết sửa đổi các luật liên quan nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở Atlanta, bang Georgia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố nhân Ngày quốc tế Xóa bỏ phân biệt chủng tộc (21/3), Tổng thống Biden thừa nhận nước Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bản địa bài ngoại (nativism). Ông Biden nhấn mạnh sự thù hận không thể có chỗ đứng ở Mỹ cũng như ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đồng thời kêu gọi nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng thù hận và phân biệt. Ông cam kết thay đổi các luật hiện hành ở Mỹ vốn được cho là "dung túng" tình trạng phân biệt đối xử.
Tuyên bố của Tổng thống Biden được đưa ra trong bối cảnh giới chức thực thi pháp luật ở Mỹ đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng liên quan cách xử lý loạt vụ xả súng hồi tuần trước ở thành phố Atlanta, bang Georgia. Với 6 trên tổng số 8 nạn nhân là phụ nữ gốc châu Á, các vụ xả súng đã gây chấn động mạnh với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á.
Trước đó, ngày 19/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có bài diễn văn về lịch sử phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người gốc châu Á ở Mỹ, trong đó cảnh báo nạn phân biệt chủng tộc, bài ngoại và phân biệt giới tính "là có thật ở Mỹ và nó luôn hiện hữu". Bà Harris là nữ phó tổng thống gốc Á đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Loạt vụ tấn công xảy ra ngày 16/3 tại 3 tiệm massage khác nhau ở thành phố Atlanta, trong đó đa số nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ gốc Á, đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á trong thời gian gần đây. Nghi phạm trong vụ xả súng được xác định là Robert Aaron Long, một công dân da trắng 21 tuổi. Long bị cáo buộc 8 tội danh giết người. Tuy nhiên, người này phủ nhận thực hiện hành vi phạm tội với động cơ phân biệt chủng tộc.
Tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc châu Á tại Mỹ được cho là gia tăng trong thời gian đại dịch COVID-19. Riêng trong năm 2020, đã có gần 3.800 vụ việc chống người gốc châu Á. Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, công bố ngày 16/3, chưa đầy một năm kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, trung tâm này đã tiếp nhận báo cáo về 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương trên toàn nước Mỹ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân.
Cùng ngày 21/3, hàng nghìn người Mỹ đã xuống đường tuần hành để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á. Các cuộc tuần hành diễn ra rầm rộ ở nhiều thành phố lớn ở Mỹ, trong đó có Atlanta - nơi xảy ra vụ xả súng, New York và Washington. Tại Canada, hàng trăm người ở thành phố Montreal cũng tham gia tuần hành với mục đích tương tự.
Tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19 Ngày 19/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật về Tội ác thù hận đại dịch COVID-19 sau các vụ xả súng diễn ra ở thành phố Atlanta, bang Georgia, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng ở Atlanta, ngày...