Bi kịch của người trồng lúa: Trầy trật tìm cây trồng thay thế
Nhiều địa phương đã lên kế hoạch, đặt ra mục tiêu diện tích đất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi. Tuy nhiên tìm cây gì trồng thay cây lúa để tăng thu nhập cho nông dân một cách bền vững, cũng không phải chuyện đơn giản.
Không phải muốn chuyển đổi là… được
Ông Bùi Văn Phước (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể, gia đình ông trồng lúa nhưng nửa cuối hàng năm, đất ruộng gần như bỏ không. Bản thân ông mướn 2ha đất nhưng chỉ trồng lúa trên 4.000m2. Phần còn lại ông thả sen thay lúa vì đất ngập mặn.
Trồng cây ăn quả trên đất lúa kém hiệu quả đang giúp nông dân Tây Ninh cải thiện cuộc sống. Ảnh: Vũ Nguyệt
Theo Bộ NNPTNT, vụ hè thu vừa qua, các tỉnh Nam Bộ đã chuyển đổi 35.101ha đất lúa sang trồng hoa màu và cây ăn quả, chủ yếu là cây ăn quả ngắn ngày, dài ngày… Trong đó, các tỉnh ĐBSCL có diện tích chuyển đổi đạt 32.812ha, Đông Nam Bộ đạt 2.289ha.
Theo ông Phước, dù là đất thuê nhưng thu nhập từ trồng lúa không được bao nhiêu nên chủ đất cũng chẳng buồn thu tiền cho thuê. Ngoài ra, do vùng đất này có độ cao thấp khác nhau, nhiều vùng thường xuyên bị ngập úng và xâm nhập mặn, gây khó khăn cho người dân trong việc cải tạo đất và lựa chọn cây trồng phù hợp để chuyển đổi.
Tình trạng chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cũng bắt gặp ở nhiều địa phương khác. Ông Nguyễn Chí Thiện – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, đến nay, cây lúa vẫn chiếm trên 91% so với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm, dù thu nhập từ cây lúa ngày càng bấp bênh.
Ông Nguyễn Thanh Mùi ngụ huyện Bến Lức (tỉnh Long An) canh tác trên 2ha đất lúa. Sau nhiều năm trầy trật vì giá thành tăng, giá bán lúa tụt giảm liên tục, hai năm trước, ông Mùi huy động cả gia đình cùng đầu tư sang trồng dứa. Thế nhưng, ngay mùa đầu tiên thu hoạch, giá dứa cũng tụt thê thảm. Đến tháng 7 vừa qua, giá dứa chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua, ông phải trầy trật mang ra chợ bán. Ông đang “nhắm” bỏ cây dứa, chuyển sang trồng thanh long.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện cho rằng, thói quen cũ là một trong những nguyên nhân lớn khiến việc vận động chuyển đổi gặp nhiều khó khăn. Tập quán sản xuất lúa được hình thành từ rất lâu, vẫn còn quan niệm cây lúa dễ trồng và dễ tiêu thụ hơn các cây trồng khác. Sản xuất cây rau, cây ăn trái thường có chi phí cao nhưng việc tiêu thụ khó khăn hơn do thời gian bảo quản ngắn.
“Những địa phương chưa có nhà máy chế biến hoặc chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – ông Thiện nói.
Video đang HOT
Chuyển đổi phải gắn với thị trường tiêu thụ
Còn tại Trà Vinh, từ đầu năm đến nay người dân tỉnh này đã chuyển đổi được gần 900ha. Trong đó, cây ngắn ngày hơn 600ha, cây lâu năm gần 120ha… Nhìn chung, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất sản xuất lúa còn ít, đến nay mới đạt 9,15% kế hoạch và khả năng sẽ không đạt kế hoạch đề ra.
Theo Sở NNPTNT Tiền Giang, thị trường tiêu thụ cây trồng chuyển đổi hiện đang gặp nhiều khó khăn. Một số cây trồng chuyển đổi có giá bán rất thấp như cây sả, mãng cầu xiêm, dưa hấu, ớt… nên khó vận động người dân tiếp tục chuyển đổi trong các vụ tiếp theo.
Nông dân trồng lúa gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, tuy nhiên việc chuyển đổi sang loại cây trồng khác cũng không phải chuyện dễ dàng. Ảnh: N.V
Ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NNPTNT An Giang thì cho rằng, vấn đề mấu chốt là chưa có dự báo về nhu cầu sản phẩm cây rau màu, cây ăn trái, cả về số lượng, chủng loại, giá cả và khả năng tiêu thụ. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa có chính sách đủ mạnh khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân tham gia sản xuất chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa.
“Ngay cả việc đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ hỗ trợ đầu ra cho nông dân như xúc tiến thương mại, thông tin dự báo giá cả, tìm kiếm và mở rộng thị trường… vẫn còn rất hạn chế. Ngành chức năng cần sớm xây dựng kênh thông tin giá cả làm chuẩn mực cho việc chốt giá giữa nông dân và doanh nghiệp” – ông Thư đề xuất.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa lên đất trồng cây ăn quả là phù hợp, nông dân nhiệt tình ủng hộ, nhất là trong những năm gần đây tình hình xuất khẩu rau quả ngày càng tăng. Tuy nhiên việc chuyển đổi vẫn còn không ít khó khăn cả trước mắt lẫn tương lai cần phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.
Riêng trong vụ hè thu vừa qua, có hơn 35.000ha đất lúa được chuyển đổi sang cây trồng khác. Dẫu vậy, do mùa mưa năm nay sớm hơn, lượng mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm nên việc gieo trồng cây màu gặp khó khăn, nhất là những vùng thấp khó tiêu nước. Trong quá trình chuyển đổi, chưa hình thành sự liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.
Ông Lê Thanh Tùng – đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam cho rằng, để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, đảm bảo lợi ích lâu dài thì cần định hướng rõ loại cây trồng, khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
“Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần có dự báo sản lượng thu hoạch từng loại cây theo thời gian và vùng trồng rõ rệt, từ đó dự báo cung cầu trên cơ sở quản lý tốt vùng trồng và sản lượng một số loại cây chủ lực: cam, bưởi, sầu riêng, xoài, nhãn, chôm chôm, thanh long…” – ông Tùng đề xuất.
Theo Danviet
Bi kịch của người trồng lúa: Làm 1 mẫu ruộng, tạm đủ ăn là may lắm
Lời lãi từ trồng lúa ngày càng thấp, đa phần nhà nông chỉ hòa vốn hoặc lỗ, trong khi thời tiết biến đổi ngày càng khắc nghiệt, thu nhập từ các nghề khác cao hơn khiến nhiều người không còn thiết tha với nghề trồng lúa. Tại đồng bằng sông Hồng - vựa lúa điển hình ở phía Bắc, tỷ lệ nông dân bỏ ruộng hoang hoặc cho người khác thuê lại ngày càng nhiều.
Hàng chục khoản chi trên 1 sào ruộng
Gia đình bà Đỗ Thị Tươi ở xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu (Nam Định) trước đây cấy 8 sào ruộng, nhưng nay chỉ cấy 5 sào. Bà Tươi cho biết, chi phí đầu tư cho trồng lúa ngày càng cao, trong khi lời lãi thu lại chẳng được bao nhiêu. Một sào lúa chăm sóc trong thời gian 3,5 - 4 tháng, năng suất trung bình 1,5 - 2 tạ thóc/sào/vụ, thu nhập tương đương 1,6 triệu đồng.
Chăm sóc lúa mùa tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thu Hiền
"Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản chi phí như tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rồi công cày bừa, thuê gặt..., tính ra, mỗi sào ruộng mà chúng tôi vất vả một nắng hai sương trong suốt 4 tháng trời chỉ cho lãi 200.000 - 300.000 đồng".
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Đối trồng hơn 1 mẫu ruộng ở xã Hải Toàn - số ruộng được coi là khá nhiều ở miền Bắc, nhưng gia đình bà vẫn chỉ tạm gọi là đủ ăn, lấy công làm lãi là chính.
Bà Đối nhẩm tính cụ thể với 1 vụ: Công cấy 150.000 đồng/sào, công cày bừa 90.000 đồng/sào, các chi phi thuốc trừ sâu, giống hết khoảng 200.000 đồng/sào, phân bón 200.000 đồng/sào. Đến lúc thu hoạch, nếu chân ruộng khô thuê gặt máy 120.000 đồng/sào, còn nếu không phải thuê gặt tay là 200.000 đồng/sào. Các chi phí như công phun thuốc, công làm 3 đợt cỏ lúa khoảng 300.000 đồng...
Tính tổng chi phí đầu tư cho 1 sào ruộng là 1 - 1,1 triệu đồng/vụ. Nếu cấy giống lúa Bắc thơm, năng suất đạt bình quân 1,6 tạ/sào/vụ, bán với giá 800.000 - 850.000 đồng/tạ, trừ chi phí thì tính ra lãi thu về được khoảng 100.000 - 200.000 đồng/vụ.
"Năm nào thời tiết thuận lợi thì còn có tí lãi, chứ như vụ mùa năm nay mưa to liên tục trong 18 ngày, đúng đợt cao điểm gieo cấy lúa mùa nên hầu hết diện tích ruộng bị ngập úng thiệt hại, phải cấy lại. Đơn cử như gia đình tôi có 1,6 mẫu ruộng thì phải cấy lại đến 9 sào. Tính ra mỗi sào ruộng cấy lại phải chịu chi phí thêm 250.000 đồng tiền gieo mạ, phân bón, lại vừa mất công mất sức... Vậy nên nhiều lúc cũng chán nản việc trồng lúa lắm" - bà Đối chia sẻ.
Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Hải Hậu, vừa qua do ảnh hưởng trực tiếp từ những trận mưa lớn kéo dài gây ngập úng, đã làm nhiều diện tích lúa mới sạ, cấy trên địa bàn huyện bị thiệt hại. Trong đó, các xã Hải Đường, Hải Sơn, Hải Tân, Hải Phương, Hải Toàn, Hải Phong, Hải Phú, Hải Cường là những nơi bị ngập úng nặng nhất huyện Hải Hậu. Theo thống kê, vụ mùa năm 2018, toàn huyện có 5.500ha diện tích lúa mùa phải cấy lại.
Bỏ nghề làm ruộng, đi làm ô sin
Cũng theo bà Nguyễn Thị Đối, do nghề làm ruộng vất vả, chân lấm tay bùn, hầu như chỉ lấy công làm lãi nên nhiều người trong xã Hải Toàn đã bỏ nghề làm ruộng, hoặc cho người khác thuê lại ruộng, còn bản thân mình đi làm thợ xây, thợ may với thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. "Hiện chỉ có người có tuổi mới ở nhà làm ruộng" - bà Đối nói.
Mỗi vụ lúa, nông dân huyện Kim Sơn phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần để phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Hoàng Long
Đã 3 năm nay, chị Phạm Thị Hiên, 50 tuổi, ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) để lại công việc nhà cửa, đồng áng cho chồng lo toan, còn chị ra Hà Nội đi làm ô sin, công việc chính là trông trẻ và dọn nhà với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Chị Hiên cho biết: "Hàng chục năm nay gia đình tôi gắn bó với nghề trồng lúa, dù cấy gần 2 mẫu ruộng, 2 vụ/năm nhưng hầu như vụ nào thu cũng bằng chi. Năm nào thời tiết thuận lợi, lúa được mùa được giá thì có lãi chút ít, để ra được vài đồng tích lũy, còn hầu như cấy lúa để giữ ruộng và không phải đi đong gạo ăn.
Mà trồng lúa vất vả quá, còng lưng trên đồng trong khi rủi ro thời tiết, sâu bệnh thì luôn rình rập, mỗi lần đi phun thuốc trừ sâu bệnh về tôi lăn ra ốm cả tuần. Tôi đành bàn với chồng bỏ bớt ruộng cho người khác thuê lại, còn tôi ra Hà Nội làm thuê. Đi làm ăn xa nhà nhưng lương mỗi tháng bằng cả năm cấy lúa, lại nhàn hơn rất nhiều".
Ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Bình cũng xác nhận, ở các huyện như Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, TP. Tam Điệp... có hiện tượng một số nông dân bỏ ruộng không cấy lúa, nhất là trong vụ mùa. Nguyên nhân là ruộng đồng còn manh mún, máy móc thiếu, chi phí sản xuất cao nên làm lúa không hiệu quả so với các loại cây trồng khác.
Từ khi Ninh Bình thực hiện tốt dồn đổi đất đai, đầu tư thủy lợi, việc làm lúa đỡ tốn công hơn xưa bởi có máy móc phụ trợ, nhưng thực tế cho thấy nghề trồng lúa vẫn đem lại hiệu quả thấp hơn so với trồng rau, nấm, nuôi thủy sản...
Theo Danviet
Bi kịch của người trồng lúa: Có nên "xoá sổ" cây lúa ở vùng đất khó? Hiện nay, ở một số vùng sản xuất lúa không hiệu quả tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ, người dân đã mạnh dạn và chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa. Thu tiền tỷ từ bưởi, dâu tằm Ông Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh...