Bi kịch của người lính bắn tỉa giữ kỷ lục thế giới
Từng thực hiện phát bắn không tưởng diệt phiến quân từ khoảng cách kỷ lục, người lính bắn tỉa Anh đang phải sống những ngày như “địa ngục trần gian”.
Craig Harrison, người giữ kỷ lục thế giới về phát súng bắn tỉa diệt mục tiêu xa nhất. Ảnh: NYPost
Tháng 10/2009, trung sĩ Craig Harrison thuộc lực lượng bắn tỉa của quân đội Anh ở Afghanistan đã được công nhận kỷ lục bắn tỉa xa nhất thế giới khi tiêu diệt hai phiến quân Taliban ở khoảng cách 2.475 m, xa hơn 900 m so với tầm bắn hiệu quả của khẩu súng trường ông sử dụng, theoMilitary.com.
Người lính bắn tỉa này đã trở thành huyền thoại với những phát đạn “không tưởng” được thực hiện ở Musa Qala, tỉnh Helmand, Afghanistan lúc đó. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký mới xuất bản của mình, huyền thoại sống này tiết lộ từng muốn tự sát khi bị ám ảnh bởi quá khứ chiến trận.
Trong cuốn hồi ký “Phát bắn xa nhất” của mình, trung sĩ Harrison, đến từ Cheltenham, Gloucestershire, kể lại những tình tiết dẫn tới các phát bắn kỷ lục này, cùng những di chứng hậu chiến nặng nề mà ông phải chịu đựng suốt nhiều năm sau đó.
Hôm đó, tổ chiến đấu của Harrison trên ba chiếc xe bọc thép đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra hộ tống các binh sĩ Afghanistan lúc rạng sáng ở khu vực phía nam Musa Qala thì bất ngờ rơi vào ổ phục kích của phiến quân Taliban.
Khu vực này có rất nhiều phiến quân Taliban hoạt động, và trung sĩ Harrison đã phải sử dụng khẩu súng trường bắn tỉa chính xác phiên bản quốc tế L115A3 của mình hết công suất.
Khi các đồng đội bị mắc kẹt dưới một mương nước trong làn hỏa lực địch, trung sĩ Harrison quan sát thấy khẩu súng máy của địch đang bắn xối xả vào họ từ khoảng cách ngoài tầm bắn hiệu quả của khẩu súng trường bắn tỉa mà ông đang cầm trên tay.
Theo tính toán trên máy tính của xạ thủ hỗ trợ, với khoảng cách xa như vậy, viên đạn bắn tỉa bay với vận tốc siêu thanh phải mất tới 6 giây mới có thể đến vị trí tay súng Taliban đang nã từng loạt đạn ngắn vào đội hình của lính Anh.
Trung sĩ Harrison cho biết “tất cả bằng chứng đều cho thấy không thể thực hiện phát bắn như vậy. Ở khoảng cách xa như thế, mọi yếu tố như tốc độ gió, nhiệt độ và độ ẩm đều ảnh hưởng tới phát bắn”.
“Thậm chí tốc độ quay của Trái Đất trong 6 giây đó cũng ảnh hưởng tới đường đạn. Điều đó khiến tôi phải cân nhắc rất nhiều. Ngoài ra, lúc ấy tôi đang trong tình trạng rối bời bởi tình hình khẩn cấp và hiểu rằng mình không có nhiều thời gian lựa chọn”, Harrison kể lại.
Phát bắn đầu tiên ông trượt mục tiêu, nhưng ông nhanh chóng lấy lại đường ngắm và tiếp tục bắn phát thứ hai trong lúc phiến quân Taliban cầm khẩu súng máy và tên mang đạn đứng bên cạnh cố gắng phát hiện vị trí của tay súng bắn tỉa.
6 giây sau khi viên đạn thứ hai rời khỏi nòng súng, phiến quân cầm súng máy này gục xuống đất, chết tại chỗ. “Thật không thể tin nổi, lúc đó tôi đã gần như mất kiểm soát vì hưng phấn. Tôi tự nhủ phải bình tĩnh để xử nốt tên còn lại”.
Phát bắn thứ ba của trung sĩ Harrison bị trượt mục tiêu, nhưng phát bắn tiếp theo đã tiêu diệt tên tiếp đạn của ổ súng máy. “Tôi bắn trong chớp mắt, và 6 giây sau tôi thấy tên thứ hai gục xuống”, ông kể.
“Khi đó tôi rất vui bởi không còn bất kỳ mối đe dọa nào nữa. Một cảm giác nhẹ nhõm trào dâng trong tôi. Bạn bè tôi đã thoát khỏi nguy hiểm. Nếu tôi không làm những gì cần phải làm, 8 đồng đội của tôi có thể đã hy sinh hoặc bị thương”.
Video đang HOT
Sau đó, khi một trực thăng Apache đo khoảng cách những phát bắn mà Harrison đã thực hiện – 2.475 m, tương đương độ dài 24 sân bóng đá – người lính bắn tỉa này mới biết mình vừa đạt được một kỷ lục thế giới đáng sợ.
Một khẩu súng bắn tỉa L115A3, loại súng được Harrison sử dụng để thực hiện phát bắn không tưởng. Ảnh: Military.com
“Lính bắn tỉa luôn có cảm giác đóng băng từ bên trong khi nổ súng bắn ai đó. Như thể khi đó thời gian trôi chậm lại, và tất cả các giác quan được đẩy lên cực độ. Khi viên đạn trúng mục tiêu, họ tận hưởng niềm hân hoan hệt như một liều ma túy chạy qua tĩnh mạch”, ông cho hay.
“Tôi không phải là một nhà tâm lý hay tên đồ tể. Tôi không khao khát việc giết chóc. Tôi chỉ yêu khoảnh khắc hân hoan khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Bi kịch hậu chiến
Cuối năm 2009, một viên đạn của phiến quân đã bay xuyên qua mũ sắt của trung sĩ Harrison. 10 ngày sau đó, xe tuần tra Jackal của ông bị trúng mìn do Taliban cài ven đường và nổ tung, nhưng ông may mắn thoát nạn.
Trở về nước Anh, trung sĩ Harrison được Bộ Quốc phòng ca ngợi như một người hùng vì những phát bắn phá kỷ lục đó. Thế nhưng các chỉ huy quân đội đã sơ suất tiết lộ danh tính của ông với giới truyền thông, và Harrison lập tức trở thành mục tiêu săn lùng của những kẻ khủng bố. Cả ông, người vợ Tanya và cô con gái 16 tuổi đều cảm thấy lo sợ mỗi khi mở rèm cửa nhà mình.
Có vẻ như một trong những phiến quân Taliban bị ông tiêu diệt ở Afghanistan là lãnh đạo cấp cao trong nhóm khủng bố, và giờ đây chúng muốn trả thù.
“Chúng đã đưa tất cả thông tin chi tiết về tôi lên mạng Internet. Al-Qaeda đã và đang lên kế hoạch bắt cóc một quân nhân Anh để hành quyết, và tôi bị liệt vào danh sách đen của chúng. Người ta tìm thấy một chiếc xe có ảnh của tôi cùng những dụng cụ cần thiết cho một vụ bắt cóc ở miền bắc”, Harrison cho hay.
“Kể từ đó trở đi cuộc sống của chúng tôi thực sự bắt đầu bị phơi bày ra ánh sáng”, ông nói. Điện thoại của Harrison được gắn thiết bị dò tìm vệ tinh, và bà Tanya cũng mang theo một thiết bị có thể giúp cảnh sát xác định vị trí.
Lính bắn tỉa Anh ở chiến trường Afghanistan. Ảnh: Military.com
Sau quãng thời gian chiến đấu ở Afghanistan, Harrison mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Chính vì điều này, cấp trên của ông đã từ chối trao huân chương Thập tự vì lòng dũng cảm cho Harrison, vì lo ngại ông không chịu được áp lực. Trung sĩ Harrison đã “chết lặng” vì quyết định này.
Không những thế, Harrison cũng bị những di chứng tổn thương não nghiêm trọng trong vụ chiếc xe tuần tra Jackal của ông bị trúng mìn ở Afghanistan.
Sau một lần tự tử bất thành, ông quyết định xuất ngũ vì áp lực và bắt đầu một cuộc sống mới bằng cách chế tạo trang bị cho các lính bắn tỉa khác, những người mà ông gọi là “binh sĩ chuyên nghiệp nhất”.
“Người ta không thể hiểu được những gì đang ám ảnh tâm trí tôi. Tôi tưởng tượng ra những nạn nhân mà tôi đã giết. Mỗi ngày đều là một địa ngục trần gian”, cựu binh sĩ bắn tỉa này thổ lộ.
Duy Sơn
Theo VNE
Binh sĩ 'ma' khiến Afghanistan chật vật chống Taliban
Binh sĩ "ma", những người có tên trong danh sách lĩnh lương nhưng không tồn tại trong thực tế, khiến Afghanistan thiếu hụt binh sĩ nghiêm trọng để đối phó với Taliban.
Các tân binh Afghanistan diễu hành trong buổi lễ tốt nghiệp tại Học viện quân sự Afghanistan ở thủ đô Kabul. Ảnh: AP
Hãng tin AP cho biết hiện tượng binh sĩ chỉ tồn tại trên giấy tờ xuất hiện trên khắp nước này, nhưng nghiêm trọng nhất là tại tỉnh miền nam Helmand, nơi Taliban chiếm giữ nhiều khu vực trong 12 tháng qua, kể từ khi binh sĩ Mỹ và NATO chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu và chuyển sang nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ cho lính Afghanistan.
Lĩnh lương nhưng không làm nhiệm vụ
"Tại các chốt kiểm soát, nơi theo quy định phải có 20 binh sĩ, thì thực tế chỉ có khoảng 8-10 người", Karim Atal, người đứng đầu hội đồng tỉnh Helmand cho biết. "Nhiều binh sĩ lĩnh lương nhưng không làm nhiệm vụ vì họ có quan hệ với các nhân vật quan trọng, chẳng hạn như tư lệnh địa phương".
Ông Atal cho biết trong một số trường hợp, binh sĩ "ma" được hiểu theo đúng nghĩa đen, tức là ám chỉ các binh sĩ và cảnh sát tử trận, nhưng cấp trên hay chỉ huy không xóa tên để đút túi riêng.
Ông ước tính khoảng 40% số binh sĩ trên sổ sách ở tỉnh này không tồn tại trong thực tế. Ông cho rằng việc chính quyền thiếu hụt lực lượng đã tạo điều kiện cho Taliban chiếm giữ 65% diện tích tỉnh Helmand (tỉnh lớn nhất Afghanistan) và uy hiếp thành phố Lashkar Gah, thủ phủ của tỉnh này.
Sự thiếu hụt này khiến các binh sĩ thực sự làm nhiệm vụ phải đối mặt với nguy hiểm lớn hơn. Chỉ tính riêng ba tháng qua, có khoảng 700 cảnh sát đã thiệt mạng và 500 người bị thương.
Cựu quan chức cảnh sát tỉnh Helmand, Pacha Gul Bakhtiar, cho biết tỉnh có 31.000 cảnh sát trên giấy tờ, "nhưng thực tế thì thấp hơn rất nhiều".
Gần 15 năm sau khi Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan để lật đổ Taliban, dù đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho nước này, nạn tham nhũng ở đây vẫn tràn lan và lực lượng an ninh địa phương phải chật vật kìm hãm các cuộc tấn công của Taliban trên khắp cả nước.
Năm ngoái, Taliban chiếm giữ thành phố Kunduz, phía bắc Afghanistan trong ba ngày, đánh dấu vụ tấn công lớn nhất vào một khu vực đô thị quan trọng ở Afghanistan kể từ năm 2001.
Ngày 11/1, Pakistan đã chủ trì cuộc gặp giữa đại diện 4 nước gồm nước này cùng Afghanistan, Trung Quốc, Mỹ nhằm thảo luận kế hoạch nối lại đàm phán với Taliban. Tuy nhiên, dù các nỗ lực này có thành công, Taliban vẫn sẽ tiếp tục tấn công để giành đất và lợi thế, AP nhận xét.
Bộ Quốc phòng Afghanistan từ chối bình luận về vấn đề binh sĩ "ma". Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan Sediq Sediqqi thừa nhận có hiện tượng này và cho biết đã mở một cuộc điều tra để làm rõ.
Binh sĩ Afghanistan tại Sangin, Helmand. Ảnh: AFP
Phát sinh từ tham nhũng
Iraq cũng từng khốn đốn với hiện tượng binh sĩ "ma", một yếu tố khiến nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhanh chóng thâu tóm phần lớn lãnh thổ phía bắc và phía tây Iraq vào mùa hè năm 2014. Tháng 12/2014, các quan chức Iraq cho biết chính phủ đã chấm dứt việc chi trả hàng chục triệu USD tiền lương cho những lực lượng không tồn tại.
Tuy nhiên, tại Afghanistan, nghị sĩ Hussain Nasiri, người đã điều tra vấn đề binh sĩ "ma" hơn một năm, nói rằng chính phủ đang phớt lờ chuyện này.
"Khi chúng tôi nói có 100 binh sĩ trên chiến trường thì thực tế, chỉ có khoảng 30-40 binh sĩ. Và điều này tạo ra nguy cơ lớn khi kẻ thù tấn công", ông nói. "Nó là dấu hiệu cho thấy nạn tham nhũng xảy ra tràn lan - lý do Afghanistan bị xếp hạng là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới", theo thống kê của Transparency International.
Ông Nasiri cho rằng chính phủ "dường như không muốn biết về vấn đề này". Ông cho biết ông nhiều lần bị dọa giết sau khi tiết lộ tên của các nghị sĩ có liên quan đến thủ đoạn moi tiền bằng cách khai khống quân số. Ông nói rằng ông đã giao danh sách 31 nghị sĩ tham nhũng cho Bộ Nội vụ nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Chi phí cho cho lực lượng an ninh Afghanistan hoàn toàn do cộng đồng quốc tế đóng góp, khoảng 5 tỷ USD/năm, phần lớn đến từ Mỹ. Năm ngoái, phát biểu tại một cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ, thanh tra chuyên về Afghanistan, John Sopko, nói rằng số liệu của chính phủ Afghanistan về nhân sự an ninh và số lương trả không chính xác.
"Không ai biết chính xác số binh sĩ của lực lượng quốc phòng Afghanistan", một quan chức Afghanistan giấu tên cho biết. Người này nói rằng theo các ước tính nội bộ, con số này vào khoảng 120.000 người, ít hơn 1/3 số quân cần thiết để bảo đảm an ninh trên cả nước.
Cái giá nặng nề cho hiện tượng quân đội "ma" được thể hiện rõ ràng trên chiến trường. Cả chính phủ Afghanistan lẫn NATO đều không công bố số thương vong của binh sĩ địa phương. Tuy nhiên, theo thống kê nội bộ của NATO mà AP tiếp cận được, số thành viên lực lượng an ninh Afghanistan thương vong năm 2015 tăng 28% so với năm 2014, với khoảng 5.000 người thiệt mạng.
Tháng trước, một căn cứ quân đội Afghanistan ở huyện Sangin, tỉnh Helmand bị phiến quân Taliban vây hãm trong gần một tuần, trước khi viện binh đến ứng cứu với sự hỗ trợ của các cố vấn quân sự Anh và các cuộc không kích yểm trợ của máy bay Mỹ.
Tại huyện Kajaki, phía bắc Helmand, binh sĩ Mohammad Islam cho biết nhiều đồng đội của anh đào ngũ vì họ sợ rằng thi thể của họ sẽ không được chuyển về cho gia đình nếu họ thiệt mạng. Gia đình binh sĩ không được trả tiền bồi thường nếu không có thi thể chứng minh con em họ đã tử trận.
"Mọi người đều biết rằng chúng tôi đang tham chiến cùng với các binh sĩ 'ma' và đó là lý do chúng tôi không có đủ lực lượng", Islam than thở. "Taliban cũng biết điều này".
Hồng Vân
Theo VNE
Đặc nhiệm Anh diệt 5 chiến binh IS bằng ba phát đạn Một lính bắn tỉa kỳ cựu Anh giết 5 chiến binh IS chỉ bằng ba phát đạn, ngăn chặn một vu đánh bom tự sát ở Iraq. Lính bắn tỉa Anh. Ảnh minh họa: Alamy Theo IBTimes, người lính bắn tỉa thuộc lực lượng đặc nhiệm không quân Anh (SAS) bắn ba phát từ khoảng cách 800 m, khi anh phát hiện 5...