Bi kịch của nạn nhân bị hiếp dâm trong ‘Thiên thần hộ mệnh’
Đến từ hai nền điện ảnh với nhiều khác biệt, “ Thiên thần hộ mệnh” và “ Promising Young Woman” cùng khắc họa sự bế tắc của những nạn nhân bị hiếp dâm trước định kiến xã hội.
Trong lễ trao giải Oscar lần thứ 93, bộ phim Promising Young Woman của nữ biên kịch kiêm đạo diễn Emerald Fennel đã được xướng danh ở hạng mục Kịch bản xuất sắc . Tác phẩm kể về Cassie ( Carey Mulligan), một cô gái nuôi âm mưu báo thù cho cái chết của người bạn là nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Không hẹn mà gặp, bộ phim Thiên thần hộ mệnh của Victor Vũ, ra mắt dịp 30/4 vừa qua, cũng sử dụng câu chuyện bùa ngải, hậu trường showbiz làm vỏ bọc để kể câu chuyện về văn hóa cưỡng bức. Tác phẩm khiến người xem đắng lòng khi những kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong khi nạn nhân của chúng lại bị dồn đến đường cùng.
Những “cô gái trẻ hứa hẹn” bị đánh cắp tương lai
Tấn bi kịch của Promising Young Woman bắt đầu từ một vụ hiếp dâm mà nữ sinh viên đại học Nina Fisher là nạn nhân. Vì vụ việc chỉ được xem xét hời hợt, kẻ thủ ác vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật mà Fisher đã uất ức tới mức tự sát. Cái chết ấy khiến cuộc đời Cassie – người bạn gái thân thiết của Fisher – hoàn toàn đảo lộn.
Không thể vượt qua nỗi đau, Cassie bỏ học, sống dựa vào cha mẹ dù đã sang tuổi 30. Cuộc đời cô như đã gãy làm hai nửa. Trước vụ hãm hiếp Fisher, Cassie là một “cô gái trẻ hứa hẹn” với tương lai xán lạn. Sau cái chết của bạn, cô chỉ còn là một phụ nữ ngoài 30, mưu sinh bằng nghề phục vụ tại một quán cà phê.
Promising Young Woman là bộ phim lên án văn hóa hãm hiếp tại Mỹ. Ảnh: Focus Features .
Đêm xuống, Cassie lại lui tới các hộp đêm, giả vờ say xỉn và để đàn ông đưa về nhà. Khi họ bắt đầu trò đồi bại, Cassie lập tức kết thúc vở kịch, khiến đối phương rơi vào cảnh nhục nhã, bẽ bàng. Nếu hình ảnh ban ngày của Cassie cho thấy cuộc sống bấp bênh của một phụ nữ không bằng cấp, thì “thử thách” cô đặt ra cho cánh đàn ông mỗi khi đêm xuống phản ảnh sự bế tắc và những tổn thương trong tâm lý nhân vật.
Trò giả say để gài bẫy đàn ông của Cassie luôn thành công. Ngay cả chàng trai có vẻ ngoài đáng tin cậy nhất cũng gục ngã khi trong vòng tay gã là một cô nàng đã say tới độ không biết trời đất. Sau bao năm, Cassie đã có cả một bộ sưu tập những cái tên từng cố đưa mình lên giường thay vì về nhà.
Những thử thách được đặt ra là để tìm kiếm một người đủ sức vượt qua yêu cầu ngặt nghèo từ người “ra đề”. Nhưng “bài kiểm tra nhân cách” của Cassie chỉ là một chu kỳ lặp đi lặp lại đầy mỏi mệt, bồi đắp cho luận điểm mà cô đã biết rõ: đàn ông rặt một phường háo sắc.
Thiên thần hộ mệnh mở ra bằng bi kịch của nữ ca sĩ thần tượng Lam Phương (Salim). Cô đã tự sát sau khi clip sex của mình bị tung lên mạng. Màn sương bí ẩn xung quanh cái chết của Lam Phương càng buông dày hơn khi Mai Ly (Trúc Anh), cô ca sĩ hát bè cũng là nạn nhân tội ác. Họ là nạn nhân nhưng lại hứng chịu bi kịch bị chỉ trích, lăng mạ.
Video đang HOT
Những nạn nhân bị chỉ trích
Promising Young Woman và Thiên thần hộ mệnh phơi bày thực trạng đớn đau mang tên “văn hóa hãm hiếp”. Đây là một khái niệm xã hội học được sử dụng từ thập niên 1970 tại Mỹ, mô tả tình trạng nạn hiếp dâm lan rộng và được bình thường hóa do thái độ trọng nam khinh nữ của xã hội.
Trong bộ phim của biên kịch kiêm đạo diễn Emerald Fennel, nhiều năm sau cái chết của Fisher, tay tội phạm hiếp dâm Al Monroe (Chris Lowell) đã chuẩn bị lập gia đình. Người ta giờ đây chỉ biết đến một Al Monroe được tẩy trắng, chứ chẳng ai còn nhớ cuộc đời hai cô gái đã bị xéo nát dưới gót giày của “chàng trai trẻ hứa hẹn”.
Mai Ly cũng là một “cô gái trẻ hứa hẹn” loay hoay tìm cách bảo vệ bản thân trước những tên tội phạm. Ảnh: Lotte .
Nếu Promising Young Woman tập trung chỉ trích hiện trạng tội ác hãm hiếp bị bình thường hóa, tới độ không ai quan tâm giành lại công bằng cho nạn nhân trước pháp luật, thì bộ phim của Victor Vũ xoáy sâu vào khía cạnh nạn nhân trở thành đối tượng bị đổ tội.
Sau khi clip nhạy cảm của Lam Phương bị tung lên Internet, dư luận đã dậy sóng. Nhưng không một ai, không một dòng bình luận nào lên tiếng bênh vực cô hay phê phán thủ phạm. Cư dân mạng liên tiếp buông lời chỉ trích cay độc, bình luận khiếm nhã, miệt thị cô gái.
Đây cũng là thực tế đã từng xảy ra tại Việt Nam mỗi khi có một nữ nghệ sĩ bị tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng. Cư dân mạng hả hê vì bi kịch của người khác, bình luận thô thiển, thậm chí xin nhau từng đường dẫn.
Đây xét cho cùng là một bi kịch kép cho cả nghệ sĩ và dư luận. Với nghệ sĩ, họ là những nạn nhân bất lực, vô phương chống đỡ. Còn với dư luận, cách họ phản ứng cho thấy bước lùi của văn minh. Người ta chỉ chăm chăm ném đá vào phần nhìn thấy được của câu chuyện – tức nạn nhân – thay vì kêu gọi đưa hung thủ còn ẩn mình ra ánh sáng.
Chính vì thế, Mai Ly dù chứng kiến bi kịch của người chị em thân thiết – cũng chính là dự báo số phận mình – vẫn quyết định im lặng. Cô coi những gì xảy ra đêm đó là chuyện sống để bụng, chết mang theo. Ai có thể trách cô ngây thơ đặt niềm tin vào sự nhân từ của những kẻ đồi bại nếu họ đã biết khi lên tiếng, cô lập tức trở thành con mồi của dư luận?
Vì coi thường những kẻ hiếp dâm, Lam Phương ăn trái đắng. Nhưng sợ hãi chúng đến mất hết lý trí như Mai Ly cũng không thể thoát nạn. Phương lựa chọn im lặng làm cách tự vệ còn hơn mang danh nạn nhân bị hiếp dâm trong mắt dư luận.
Cuộc báo thù trong vô vọng
Cuộc báo thù của Cassie trong Promising Young Woman là một hành trình hấp dẫn nhưng cũng đớn đau và tuyệt vọng. Dường như chỉ khi bắt tất cả những người đã tạo ra, hay quay lưng với bi kịch của Fisher phải trả giá, Cassie mới tìm lại được phần nào đó thuộc về bản chất của cô – một phụ nữ trẻ thông minh, quyết đoán.
Đôi khi, Cassie khiến khán giả tự đặt câu hỏi cô đã đau đớn và tuyệt vọng đến mức nào khi từ bỏ việc học, vứt xó tương lai trở thành bác sĩ để sống đời vật vờ không mục đích. Phải chăng, giống như nhân vật chính trong bộ phim Samaritan Girl (2004) của Kim Ki Duk, Cassie đang dùng phần đời còn lại để chia sẻ nỗi bất hạnh với người bạn gái thân thiết nhất?
Cái chết oan khuất của Lam Phương kích động một vụ trả thù hủy hoại tương lai tất cả những ai liên quan. Ảnh: Lotte .
Ở Samaritan Girl , sau khi người bạn gái thân thiết chết trong một lần bán dâm, nữ chính đã ngủ với từng người khách bạn mình từng phục vụ. Cô trả lại những người này khoản tiền mua dâm trước kia. Số tiền vốn được hai cô gái tiết kiệm cho chuyến du lịch châu Âu trong tương lai giờ đã trở thành vô nghĩa. Với Promising Young Woman , dường như Cassie đang sống trong tương lai không bao giờ đến của Fisher, nhưng lại là hiện thực bế tắc của mình.
Quay cuồng, lạc lối trong nỗi đau mất đi người thân yêu nhất cũng là bi kịch mà nhiều nhân vật trong Thiên thần hộ mệnh đã trải qua. Cuộc báo thù trên màn ảnh dù được dàn dựng lớp lang, công phu đến mấy cũng không thể che đậy sự tuyệt vọng đến cùng cực cùng lửa hận ngùn ngụt đã nhen lên nó.
Cái chết của Lam Phương không chỉ đặt dấu chấm hết cho cuộc đời cô. Nó còn gián tiếp giết chết đi tương lai của những người yêu cô hơn cả mạng sống.
Lật ngược vấn đề. Dù vụ hiếp dâm Nina Fisher có được điều tra đến nơi đến chốn và Al Monroe phải chịu sự trừng phạt trước pháp luật, không có gì chắc chắn Cassie sẽ tiếp tục là “cô gái trẻ hứa hẹn” như cô trước kia. Nhưng chắc chắn, cô sẽ không phải gồng mình, lao vào cuộc trả thù bằng mọi giá, để rồi kết cục lưỡng bại câu thương.
Cái kết của Promising Young Woman phần nào mang lại cảm giác thỏa mãn, bởi tên tội phạm hiếp dâm đã phải trả giá theo cái cách nhục nhã, ê chề và tai tiếng không thua bi kịch hắn đã từng đẩy nạn nhân của mình vào.
Nhưng đó cũng là cái kết dang dở khi không thể giải quyết rốt ráo vấn đề từ nơi nó bắt đầu. Và trên hết, cần cái chết của một “cô gái trẻ hứa hẹn”, và sự hy sinh của một phụ nữ khác để lột trần bộ mặt đạo đức giả của gã đàn ông đồi bại.
Trở lại với Thiên thần hộ mệnh , nhân vật cũng gây thêm nhiều tội ác để khám phá chân tướng một tội ác (hoặc che giấu nó), tuyệt vọng tìm kiếm sự trả thù mạng đền mạng. Bi kịch ấy không những thiếu tính hướng thiện, nó còn đưa khán giả tới một kết luận rối rắm, lạc khỏi mở bài.
Có thêm nhiều người bị hủy hoại vì một tội ác gây ra bởi ba tên yêu râu xanh không bao giờ bị pháp luật trừng trị.
Không hẹn mà gặp, Promising Young Woman và Thiên thần hộ mệnh đều tố cáo thực trạng kết tội nạn nhân các vụ án tình dục. Những “cô gái trẻ hứa hẹn” thay vì được bảo vệ, nâng niu lại trở thành tấm bia hứng chịu mọi lời mỉa mai, chỉ trích. Kế đến, họ bị quên lãng trong khi tội phạm hiếp dâm vẫn ung dung sống tiếp chuỗi ngày “hứa hẹn” của chúng.
Cả hai bộ phim không đào sâu tâm lý các nạn nhân, nhiều phần có lẽ muốn bảo vệ họ, phần khác vì khi phim bắt đầu, những thân phận bất hạnh ấy đều đã ra thiên cổ. Nhưng chỉ cần nhìn vào cuộc sống của người ở lại, chứng kiến nỗi đau đớn xen lẫn cuồng nộ và cả sự bất lực gặm nhấm, hành hạ họ, người xem vẫn có thể hiểu được tổng thể bức tranh nhuốm màu bi kịch.
Đó là bi kịch của những người sống trong một thế giới tự xưng bình đẳng, nhưng thực chất không chừa cơ hội chĩa mũi dùi vào phụ nữ.
'Rất buồn khi rạp phim đóng nhưng chống dịch phải được ưu tiên'
Trước quyết định tạm dừng hoạt động rạp chiếu phim của UBND TP.HCM, đạo diễn Victor Vũ cho biết sức khỏe cộng đồng và công tác chống dịch cần được ưu tiên lúc này.
"Đây là chuyện không ai mong muốn và đương nhiên không chỉ tôi mà bất kỳ nhà làm phim nào trong thời điểm này cũng cảm thấy buồn. Rất buồn khi rạp phim đóng, nhưng sức khỏe của cộng đồng và việc chống dịch phải được ưu tiên. Mong khán giả sẽ tiếp tục ủng hộ tất cả bộ phim sau khi rạp mở cửa trở lại", đạo diễn Victor Vũ nói với Zing .
Trước đó, Thiên thần hộ mệnh của Victor Vũ và Trạng Tí phiêu lưu ký của Phan Gia Nhật Linh mới chiếu chính thức được ba ngày tại các cụm rạp trên toàn quốc.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại buổi họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 sáng 3/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức tạm dừng hoạt động massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp phim, trò chơi điện tử... từ 18h cùng ngày.
Các rạp phim ở TP.HCM sẽ đóng cửa từ 18h, ngày 3/5. Ảnh: Phạm Ngôn.
TP.HCM vốn là thị trường điện ảnh lớn nhất cả nước. Đây là lần tạm dừng tiếp theo đối với các cụm rạp ở TP.HCM. Trước đó, UBND thành phố cho phép các rạp hoạt động trở lại trên địa bàn từ 1/3.
Từ tháng 3 đến nay, thị trường điện ảnh nước nhà tương đối sôi động với nhiều phim nội. Đầu tháng 3, Bố già và Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả chính thức khởi chiếu sau khi lỡ hẹn dịp Tết nguyên đán. Bộ phim của Trấn Thành sau đó cán mốc doanh thu 400 tỷ đồng, trở thành phim ăn khách nhất thị trường Việt từ trước tới nay.
Đến trung tuần tháng 4, Lật mặt: 48h chính thức khởi chiếu. Sau hơn hai tuần ngoài rạp, bộ phim của Lý Hải đã cán mốc doanh thu 150 tỷ đồng.
Trong ba ngày nghỉ lễ vừa qua, Thiên thần hộ mệnh có doanh thu tốt nhất. Theo số liệu của Box Office Vietnam , bộ phim của Victor Vũ thu gần 40 tỷ đồng. Trong khi đó, Trạng Tí phiêu lưu ký gần chạm mức 20 tỷ đồng.
Một số bộ phim Việt đã lên lịch ra rạp trong tháng 5. Trong đó, Bẫy ngọt ngào dự kiến tổ chức sự kiện ra mắt vào ngày 5/5 tại TP.HCM. Tuy nhiên, đại diện nhà sản xuất cho biết đoàn phim trước mắt sẽ hủy bỏ buổi công chiếu.
Victor Vũ và loạt lùm xùm 'trùng hợp ý tưởng': 'Thiên thần hộ mệnh' khiến Chi Pu bị chỉ trích, có phim từng bị rút khỏi lễ trao giải Trở lại với phim điện ảnh 'Thiên thần hộ mệnh' sau gần 2 năm vắng bóng, đạo diễn Victor Vũ đang vướng phải những lùm xùm lớn nhất trong sự nghiệp về câu chuyện 'trùng hợp ý tưởng'. Từng là một 'ông Vua phòng vé' với nhiều kỷ lục doanh thu, Victor Vũ có dấu hiệu chững lại ở một vài phim gần...