Bi hài nghề food reviewer: Người tăng 30kg, người khiến chủ quán ‘truy tìm’
Được ăn ngon, được trả tiền, được các chủ quán quý mến, nhiều người nghĩ rằng nghề Food reviewer là một “món hời” và chưa thực sự nghiêm túc với nó.
Niềm vui của những người đi tìm món ngon
Theo nghề được hơn 2 năm nay, Lê Ngọc Trung (29 tuổi, Hà Nội) vẫn nhớ những niềm vui mỗi khi nhận xét giúp một quán ăn nào đó đông khách bất ngờ. Mặc dù mỗi lần đánh giá thành công là từ đó chính anh sẽ phải xếp hàng hoặc chờ đợi lâu khi tới ăn.
Với Nguyễn Trần Phong Vũ, một shipper kiêm food reviewer, dù mới làm hơn 1 năm nay nhưng kỷ niệm vui buồn của anh với nghề cũng đầy ắp. Vũ nhớ những lần xin quay, chụp quán ăn bị người ta từ chối thẳng thừng, nhưng anh cũng không thể quên những tình cảm mà các chủ quán dành cho anh dù chẳng hề quen biết.
Vũ kể: “Tôi hay đánh giá các quán ăn vỉa hè, những món ăn dân dã và truyền thống. Rất nhiều quán tôi giới thiệu vì thấy ngon, chứ không phải vì được đặt hàng. Tôi nhớ có lần tôi đánh giá một quán bún nằm trong ngõ ngách rất sâu. Tôi ăn quen, hay gọi cô chủ quán là ‘u’.
Bình thường, quán chỉ bán cho dân quanh đó và bán trên ứng dụng. Sau lần giới thiệu của tôi, quán ‘vỡ trận’ vì quá đông khách. Từ sau hôm đó, u lân la hỏi thăm về tôi với các anh em shipper khác. U xin số điện thoại, nhờ liên hệ, ý muốn cảm ơn tôi. Nhưng tôi bảo với mọi người là nếu có duyên tôi sẽ quay lại.
Nhưng không ngờ, mới hôm kia, khi tôi đang ốm nằm nhà thì u gọi hỏi thăm. Thực sự tôi rất xúc động và bất ngờ vì tình cảm mà mình nhận được từ một người xa lạ”.
Hay có lần Vũ cảm thấy vừa tự hào vừa hạnh phúc khi một “người hâm mộ” thường xuyên xem video của anh đã nhận ra mình trong một quán ăn. Cô thể hiện niềm vui sướng và bất ngờ hết sức khi nhìn thấy Vũ, giống như người hâm mộ gặp thần tượng vậy. Vũ bảo, chưa bao giờ anh coi mình là người nổi tiếng nhưng anh vẫn rất vui khi có người nhận ra và yêu mến mình đến thế.
Vũ hay nhận được những lời cảm ơn chân tình của các chủ quán mà anh “âm thầm” giới thiệu giúp họ
Bùi Tuyết Mai (25 tuổi, Hà Nội) – một food reviewer có thâm niên 4 năm làm nghề – cho biết, nhờ công việc này mà cô có được những mối quan hệ rất tốt. Ban đầu, họ chỉ là đối tác nhưng về sau lại trở thành anh em, bạn bè thân quen.
Mai kể, năm dịch Covid-19 đang khá căng thẳng, cô dự định ở lại Hà Nội ăn Tết vì sợ về quê sẽ bị cách ly lâu ngày. Khi chia sẻ dự định ấy, nhiều anh chị chủ quán ở Hà Nội đã ngỏ lời mời cô đến ăn Tết cùng gia đình, khiến cô rất vui. “Có những anh chị Tết nào cũng gửi quà cho tôi” – Mai kể.
Mất hứng thì đừng ăn… cố
Chấm điểm đồ ăn là một công việc đang thu hút rất nhiều người trẻ tham gia, đặc biệt là thế hệ đầu 9X đổ xuống.
Video đang HOT
Lê Ngọc Trung cho rằng, thời đại công nghệ ngày nay – khi mà ai cũng có trong tay chiếc điện thoại thông minh với đủ các chức năng quay, chụp tốt – lại càng khiến nhiều người trẻ nhầm tưởng rằng ai cũng có thể làm công việc này để kiếm tiền. Thậm chí có những người chỉ cần được trả tiền là sẽ khen ngon bất kể thực tế chất lượng món ăn ra sao.
Chính tư duy ấy đã sinh ra những người làm ẩu, làm không trung thực, khiến người xem mất niềm tin vào những lời nhận xét.
Đồng ý với ý kiến này, Vũ cho rằng sự trung thực chính là yếu tố quan trọng giúp giữ chân người xem khi theo dõi những video đánh giá món ăn của mình. “Nhiều bạn lại đang nghĩ là tôi có danh tiếng rồi thì tôi làm thế nào cũng được”.
Ngoài ra, việc giữ sức khoẻ và sự hứng thú với đồ ăn mỗi lần đánh giá cũng là một yếu tố quan trọng không kém. “Có nhiều bạn mình biết, sau khi làm food reviewer đã tăng tới 30-40kg. Bản thân mình, dù số đơn đặt hàng nhận không quá nhiều, nhưng vẫn đi tập gym để giữ cho không bị tăng cân quá đà”.
Lê Ngọc Trung – một food reviewer – cho rằng, hiện có rất nhiều bạn trẻ làm video đánh giá ẩm thực theo chiều hướng “bóc phốt”, “tạo drama (chuyện kịch tính)” để gây chú ý nhưng đó không phải là một hướng đi bền vững
Vũ nói, anh cũng không dám nhận nhiều đơn đặt hàng vì sợ bị quá tải, mất hứng thú với đồ ăn. “Ví dụ như ăn một món quá nhiều thì sẽ khó cảm nhận như thế nào là ngon”.
Theo Vũ, người đánh giá ẩm thực cũng nên cân nhắc cảm xúc của mình khi làm công việc này, chứ không nên khen bất chấp. “Có những lúc tôi bị mất hứng thú, quay chụp mấy tiếng rồi mà đầu vẫn rỗng tuếch. Nhưng tôi không thể nghĩ đến chuyện bịa ra một nội dung nào đấy, làm cho xong để nhận tiền của quán. Những lúc như thế, tôi lại phải tìm cách làm mới bản thân bằng cách nghỉ ngơi, đi chơi với bạn bè”.
Vũ nói, hiện tại công thức mà nhiều người hay áp dụng để trở thành một TikToker ẩm thực được nhiều người theo dõi thường là “trai xinh, gái đẹp, ăn nói khéo léo hoặc xéo xắt, giật tít cho nổi”. “Cũng có những người ban đầu hay đi chê, ‘bóc phốt’ các quán để mình nổi lên, nhưng sau một thời gian khi có nhiều đơn đặt hàng thì lại chỉ thấy khen”.
Vũ cho rằng, nghề đánh giá ẩm thực đang bị các bạn trẻ coi là dễ kiếm tiền quá.
“Nhiều bạn không hiểu về món mình đang ăn, sao chép, xào xáo những lời nhận xét của nhau, không nhận ra sự khác biệt giữa các quán. Các bạn rất chịu khó đầu tư cho thiết bị công nghệ, nhưng lại lười tìm tòi, học hỏi, đọc sách về ẩm thực để có vốn kiến thức về những gì mình đang làm.
Tôi tin là có những thứ mình không thể đọc được trên mạng xã hội, mà chỉ đọc được trong những cuốn sách. Tôi nghĩ, để trở thành một food reviewer có tâm và có tầm thì mình phải thực sự đầu tư cho nó một cách nghiêm túc giống như bao công việc khác. Tôi vẫn đang trong quá trình trau dồi để làm tốt hơn việc đó mỗi ngày”.
9X kiếm hàng chục triệu đồng nhờ liên tục đi ăn miễn phí
Những người đánh giá ẩm thực tích cực và uy tín có thể kiếm được vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
LTS: Đánh giá ẩm thực (Food reviewer) là một nghề mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây. Công việc này ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ - những người thành thạo các kỹ năng chụp ảnh, quay phim và hiểu về cách thức lan truyền thông tin trên các nền tảng mạng xã hội.
Cũng giống như nhiều nghề khác, Food reviewer cũng có những câu chuyện thú vị, những góc khuất mà chỉ người trong nghề mới biết. VietNamNet xin giới thiệu loạt bài về nghề đánh giá đồ ăn.
Nghề 'kiếm được'
Sinh năm 1998, Bùi Tuyết Mai (Hà Nội) đã làm Food reviewer được 4 năm nay. Cơ duyên đến với công việc này cũng vì Mai hay đi ăn uống với bạn bè, lại có kỹ năng chụp ảnh đẹp. Ban đầu, cô chia sẻ các quán ăn trên Facebook cá nhân chỉ để giới thiệu cho mọi người biết những nơi ăn ngon.
Dần dần những bài giới thiệu của Mai được nhiều người quan tâm, nhận được tương tác tốt. Các chủ nhà hàng, quán ăn mời cô đến ăn thử và đánh giá giúp. Ban đầu, cô chưa lấy tiền của các quán. Sau nhận thấy kỹ năng chụp ảnh, viết lách của mình càng ngày càng lên tay, các bài giới thiệu đều mang lại cho quán một lượng khách nhất định, Mai mới nhận một chút tiền công và vào nghề như thế.
Hiện tại, bên cạnh công việc văn phòng, Mai vẫn nhận đơn khá đều đặn. Mỗi tuần, cô thường sắp xếp để nếm thử và viết bài giới thiệu cho khoảng 5-7 quán ăn, từ món chính cho đến món ăn vặt, đồ uống.
Làm nghề mới được hơn 1 năm, nhưng Nguyễn Trần Phong Vũ (30 tuổi, ở Hà Nội) cũng có hàng triệu lượt like cho các video đánh giá ẩm thực trên TikTok. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Vũ yêu những ngõ ngách và các món ăn ngon của thành phố này.
Công việc chính là tài xế giao đồ ăn cho một ứng dụng gọi xe công nghệ, Vũ có cơ hội được lê la khắp thành phố, gặp nhiều quán ăn ngon mỗi ngày. Sự thuận lợi ấy giúp Vũ có thể sản xuất video đều đặn và đa dạng cho các "khán giả" đang theo dõi kênh TikTok của mình.
Nếu ai theo dõi kênh của Vũ sẽ thường xuyên thấy anh "ưu ái" cho những quán ăn vỉa hè, những món ăn bình dân và là đặc sản của Hà Nội.
Song song với công việc tài xế xe công nghệ, mỗi tuần Vũ đánh giá khoảng 3 quán ăn theo đơn đặt hàng và 1-2 quán mình tự chọn chia sẻ vì yêu thích.
Chụp ảnh đẹp là một trong những kỹ năng mà Tuyết Mai cho là rất quan trọng với những người làm công việc đánh giá và giới thiệu các quán ăn ngon
Theo tìm hiểu của PV, mức giá cho một bài đánh giá quán ăn, nhà hàng dao động rất lớn tuỳ theo nền tảng chia sẻ, yêu cầu từ phía chủ quán và đặc biệt là phụ thuộc vào độ nổi tiếng, "chất riêng" của mỗi người đánh giá.
Một bài giới thiệu, bao gồm nội dung và ảnh, đăng trên các hội nhóm Facebook trung bình thường có giá trên dưới 1 triệu đồng. Nếu là video đăng trên TikTok có thể là 2-3 triệu đồng/video, thậm chí có những người đưa mức giá 10-15 triệu đồng/video.
Với các nhà hàng lớn có đội ngũ marketing, yêu cầu thường bao gồm nhiều tiêu chí hơn về ảnh và nội dung. Với các quán ăn vừa và nhỏ, yêu cầu thường chỉ đơn giản là giúp quán được nhiều người biết đến.
Mai cho biết, mức giá của cô và số lượng quán cô nhận đang ở mức trung bình trong ngành đánh giá ẩm thực. "Tôi biết, có nhiều người thu nhập tới vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng bằng nghề này".
Hiện tại, Vũ và Mai đều đang làm 2 công việc song song nhưng thu nhập từ nghề đánh giá của họ thường bằng hoặc cao hơn thu nhập từ công việc kia.
Sành ăn, chụp đẹp, viết hay
Theo quan điểm của Mai, để trở thành một người đánh giá đồ ăn tốt, trước hết phải là người có cái miệng sành ăn. "Thậm chí, người đánh giá nên biết nấu ăn để biết món ăn ngon dở ra sao, thiếu sót ở đâu, cái gì nêm quá nhiều, cái gì nêm quá ít...".
Hai yếu tố quan trọng tiếp theo là kỹ năng chụp ảnh và kỹ năng viết. Thậm chí, ảnh đẹp còn quan trọng hơn viết hay, bởi vì ảnh phải đẹp mắt thì mới khiến người xem dừng lại để đọc nội dung. "Nếu không, người ta cũng chỉ lướt qua giữa vô vàn thông tin hấp dẫn của mạng xã hội" - Mai nói.
Với Vũ - người không dám nhận mình là "Food reviewer", mà chỉ đơn thuần là một người trải nghiệm ẩm thực Hà Nội, anh cho rằng sự chân thật chính là yếu tố thu hút người xem đến với kênh TikTok của anh.
Nguyễn Trần Phong Vũ cho rằng sự chân thật là yếu tố khiến người xem thích video của anh
"Là một tài xế công nghệ, tôi ghi lại trải nghiệm thưởng thức những món ăn bình dân như một thực khách bình thường. Tôi không hay dùng những từ ngữ hoa mỹ, hay kỳ công tạo dựng hình ảnh đẹp để bắt mắt người xem. Ví dụ, tôi ăn một suất thì sẽ chỉ gọi một suất như người đi ăn bình thường, chứ không gọi nguyên một bàn đồ ăn cho đẹp để lên hình".
Vũ cho rằng, sự giản dị và chân thật chính là nét riêng của mình và không muốn mất đi màu sắc riêng ấy.
TikToker này chia sẻ, những đánh giá của anh thường dựa trên tiêu chuẩn phổ thông của đa số thực khách, chứ không dựa trên những sở thích khác biệt của bản thân, không dùng chuẩn của thương hiệu này để so sánh với thương hiệu kia. Ví dụ anh không so sánh phở Thìn với phở Lý Quốc Sư, hoặc nếu chỉ thích ăn phở tái lăn thì không dùng tiêu chuẩn đó để đánh giá phở tái gầu...
"Tôi là người không ăn cá từ nhỏ, nên tôi cũng sẽ từ chối các quán đề nghị đánh giá món cá, chứ không phải vì tiền mà nhận lời tất cả để đưa ra nhận xét không chính xác, thậm chí là gian dối".
TikToker Lê Ngọc Trung (29 tuổi, ở Hà Nội) - một Food reviewer cho rằng, hiện nay nhiều người xem đang mất niềm tin vì tình trạng "khen vống lên", không đúng thực tế. Thậm chí, có những người không hiểu về ẩm thực, về món ăn đó nhưng vẫn phán bừa, bất chấp để kiếm tiền. Đó cũng là một thực trạng xấu xí trong ngành này.
TikToker review gây tranh cãi, bị chủ quán 'cấm cửa', luật sư nói gì? Ranh giới giữa việc review ẩm thực 'có tâm' và cố tình sử dụng chiêu trò để câu 'view' khá mong manh. Không thể phủ nhận mảng review ẩm thực hiện nay đang là xu hướng và được xem là một trong những công việc hấp dẫn giới trẻ. Độ phủ sóng của TikToker "không thể đùa" được và được hàng loạt thương...