Bi hài ‘cuộc chiến’ giữa những người hàng xóm
“Ông ta khai xảo trá. Tôi không yêu cầu bồi thường nhưng ông ta phải ngồi tù 5 năm mới đúng” – giọng đầy ấm ức, người đàn bà rít lên chĩa câu nói về người hàng xóm đứng trước vành móng ngựa.
Ân oán người lớn, dội đầu con trẻ
Phiên tòa lưu động xét xử kẻ đem xăng đốt cả nhà hàng xóm trong đêm diễn ra dưới cái nắng bỏng rát vào một ngày cuối tháng tư. Trước vành móng ngựa, bị cáo Tăng Lâm Dũng quay người nhìn hàng trăm người dự khán đến theo dõi phiên tòa với ánh mắt lặng lẽ, cam chịu.
Gương mặt chân chất, bộ quần áo nhàu nát, mái tóc điểm bạc bơ phờ làm bị cáo càng thêm tiều tụy. Ở phía dưới, gia đình bị hại đã có mặt từ lâu. Một cậu bé có gương mặt kháu khỉnh, tay cầm chai nước. Nó chẳng để ý kẻ đứng trước vành móng ngựa là ai, chỉ có cha mẹ, ông bà nó đang kể về tội ác của Dũng với những người dự khán.
Một người trong gia đình bị hại đưa bàn tay kéo tấm áo mỏng, nhiều người giật mình trước đám sẹo loang lổ chiếm gần hết phần da bụng của đứa trẻ. Mặc người lớn kể chuyện, chèo kéo hỏi han, đứa bé vẫn không thôi đùa nghịch. Nó như không còn nhớ cái ngày kinh hoàng xảy ra hơn một năm về trước.
Theo cáo trạng, Tăng Lâm Dũng và gia đình ông Nguyễn Văn Có (Q. Bình Thạnh) là hàng xóm sát vách, đã nảy sinh mâu thuẫn từ nhiều năm. Tháng 2/2009, Dũng bị ông Có đánh gãy sống mũi gây tỷ lệ thương tật 10% nhưng sau đó Công an quận Bình Thạnh ra quyết định không khởi tố vụ án. Tháng 4/2009, trong lúc vợ bị cáo cho con về quê chơi thì giữa ông Dũng và gia đình hàng xóm tiếp tục cãi vã.
Mâu thuẫn với hàng xóm dẫn bị cáo Dũng đến trước vành móng ngựa.
Video đang HOT
Ngày 13/4, vợ ông Nguyễn Văn Có dùng nước bẩn hắt sang nhà Dũng. Tức giận, Dũng đi mua 10.000 đồng tiền xăng dự tính đốt nhà hàng xóm để trả thù.
Rạng sáng hôm sau, thấy gia đình ông Có đang ngủ, Dũng đổ toàn bộ lượng xăng đã mua vào nhà người này, dùng hai sợi dây điện cột chặt hai khoen cửa rồi châm lửa đốt. May mắn thoát chết nhưng cháu L.N.N.D. (SN 2006, cháu ngoại ông Có) bị phỏng nặng, vợ ông này cũng bị phỏng ở chân trái. Chiều cùng ngày, Dũng đến Công an phường tự thú.
“Tại sao bị cáo ra đầu thú?” – “Dạ, bị cáo thấy mình gây ra tội nên đầu thú cho nó nhẹ bớt trong lòng”. “Bị cáo đã làm gì?” – “Dạ,…”, Dũng chậm rãi kể lại nội dung vụ án. “Bị cáo có biết trong nhà ông Có lúc đó có 6 người không?” – “Dạ, biết”. “Bị cáo có biết có trẻ em ở trong nhà không?” – “Dạ, biết.”
“Gia đình ông Có mâu thuẫn với bị cáo nhưng cháu bé có tội gì mà bị cáo hành động như vậy? Nếu không giải cứu kịp thời thì hậu quả thế nào? Đám cháy sẽ ra sao khi các căn nhà san sát nhau?…”, những câu hỏi dồn dập về hành vi tội lỗi làm Dũng cúi đầu im lặng. Sau lưng Dũng, người vợ và hai con nhỏ vẫn ngồi theo dõi phiên tòa trong sự lo lắng phập phồng.
Hả hê nhìn “đối thủ” trước tòa
Ông Nguyễn Văn Có được mời lên thẩm vấn. Tòa hỏi “Gia đình ông và bị cáo mâu thuẫn từ năm nào?” – “Từ năm 2002.” “Qua lần xô xát trước ông bị thương tích gì không?” – “Tôi không giám định nên không biết.” “Giám định rồi, ông bị xây xát phần mềm, tỷ lệ thương tật 0%, bị cáo bị 10%, sao ông nói không biết?” – Im lặng.
Chủ tọa tiếp tục hỏi vì sao láng giềng mâu thuẫn từ năm 2002 đến nay không ngồi với nhau để giải quyết mà lại cãi vã, đánh nhau thiếu văn hóa như vậy, ông này cho biết mình là người “đấu tranh phòng chống tội phạm”, thấy gia đình bị cáo lại mê tín dị đoan nên mới can thiệp.
Chưa dừng lại, bị hại còn thao thao bất tuyệt một hồi về cái gọi là “tội lỗi” của bị cáo và “vai trò” của bản thân trong công tác phòng chống tội phạm khiến chủ tọa phải ngắt lời: “Lý lịch của bị cáo đã công bố rồi. Ông có cần tôi công bố lý lịch của ông ở đây không?”. Trả lời tòa về việc đã nhận được quyết định xử phạt hành chính của địa phương chưa, ông Có thẳng thừng: “Tôi đã nhận được nhưng tôi bác quyết định này.”
Hàng trăm người dân trong khu vực đến theo dõi phiên tòa.
Vị thẩm phán quay sang hỏi bị cáo.”Tại sao bị cáo hành động như vậy?” – “Dạ, tại ông ấy chèn ép gia đình bị cáo, gia đình ông ấy thường xuyên chửi bới nhà bị cáo. Năm ngoái ông ấy đánh bị cáo gãy sống mũi nhưng công an không xử lý. Hôm vợ bị cáo về quê, vợ ông Có còn tạt nước bẩn (nước tiểu) qua nhà bị cáo nữa”. – “Sao bị cáo không lên phường báo cáo đề nghị giải quyết?” – “Dạ, ông ấy còn chửi cả phường luôn mà phường cũng làm thinh. Bị cáo lên công an phường 22 báo cáo, công an nói “nhắm không ở được thì bán nhà chuyển đi chỗ khác”, Dũng trả lời. Phía bị hại vẫn dửng dưng.
Nghe những lời khai của Dũng, những người có mặt đổ dồn ánh mắt về phía gia đình bị hại. Bào chữa cho bị cáo, luật sư mời bị hại (ông Có) lên thẩm vấn: “Có phải trước đây báo P.N. từng có bài viết là ông tự xưng là công an để hù dọa người khác không?” – “Không.” Luật sư đưa ra bài báo trước tòa, tức khí, người này hăm hở đi về chỗ ngồi, người dự khán ồ cười.
Nói lời nói cùng, bị cáo bật khóc “chỉ tại ông ấy… nhưng tôi sai rồi. Tôi xin tòa xem xét giảm nhẹ cho tôi.”
Bị cáo khóc sau khi được trình bày lời nói cuối cùng tại phiên tòa.
Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt Tăng Lâm Dũng mức án 9 năm tù về tội “giết người”. Thấy mức án thấp hơn đề nghị của Viện kiểm sát, người dự khán vỗ tay đồng tình. Thế nhưng, với bị cáo và gia đình đó vẫn là một bản án đau lòng, một bài học đắt giá cho hành vi vi phạm pháp luật. Phía gia đình bị hại, nỗi đau từ những vết sẹo cậu bé vô tội phải mang trên mình cũng thật khó nguôi ngoai.
Mâu thuẫn đời thường và bản án 2 năm tù
Trước đó, vào tháng 12/2009, TAND TP HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Văn Bé (51 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) về tội “cố ý gây thương tích”. Nguyên nhân vụ án cũng xuất phát từ mâu thuẫn rất “đời thường” giữa hai nhà hàng xóm.
“Tại sao bị cáo đánh bà P.?” – “Tại bà P. dựng xe qua sân nhà bị cáo. Lúc ấy bà P. dựng xe lấn sang nhà bị cáo, khi bị cáo nhắc, hai bên xảy ra cãi vã. Bà P. chửi bị cáo nên bị cáo mới tát bà ấy. Bà ấy còn lấy dao dí bị cáo nữa. Thấy vậy, bị cáo mới chạy về nhà lấy khúc cây và ống nước để tự vệ.”, Lê Văn Bé kể lại trước tòa.
“Hắn khai xảo trá. Tôi mà lấn sân nhà hắn thì cả nhà tôi ra đường xe cán chết. Hôm ấy, chồng tôi đi vắng, tôi biết thế nào hắn cũng kiếm chuyện để đánh tôi nên tôi cũng dựng lại xe cho hắn vừa lòng nhưng hắn vẫn đánh tôi chảy máu, gãy xương, tỷ lệ thương tật 20%. Do bị đánh tôi mới rút dao có sẵn trong túi xách ra đập cửa kính nhà hắn. Hắn ghét tôi vì cho rằng tôi là người tố cáo vợ hắn ghi đề khiến vợ hắn phải vào tù….” bà P. phản lại bị cáo trước tòa.
Bà cho rằng mức án 2 năm tù đối với bị cáo là chưa thỏa đáng, đề nghị tòa phải tăng án với “hắn” lên 5 năm mới đúng.
Thấy vậy, bị cáo vội thanh minh: “thưa tòa, bà P. chửi bị cáo nên bị cáo mới tát bà P. Bà ấy còn cầm dao chém nhưng không trúng bị cáo, chỉ trúng yên xe nên bị cáo mới đánh. Không tin bị cáo kêu người làm chứng.” “Kêu người làm chứng thì kêu đi. Đồ xảo trá!” – bị hại đáp lại, hai bên tiếp tục “ném đá” vào mặt nhau trước tòa.
Giờ nghị án trôi qua nặng nề. Bị hại và bị cáo đưa mắt nhìn nhau đầy ấm ức. Xét thấy, vụ án không có tình tiết mới, cấp sơ thẩm tuyên phạt Lê Văn Bé mức án 2 năm tù là hoàn toàn hợp lý. Từ đó, tòa tuyên bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo cũng như kháng cáo đề nghị tăng hình phạt của người bị hại.
Người xưa có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần” nhưng gia đình bị cáo và bị hại ở hai phiên tòa trên đã đi ngược lại lẽ sống ấy. Kết cục, đều là sự thiệt thòi, ấm ức, những nỗi đau không thể xóa nhòa cho những người trong cuộc.
Theo Vietnamnet