Bi hài chuyện ‘3 tại chỗ’
1h30 sáng, Chiêm Hồng Hải ôm quần áo rời khỏi hàng người trước cửa nhà tắm công ty sau gần 5 tiếng chờ đợi, bởi phía trước anh còn vài chục người.
“Công ty chuẩn bị cho mọi thứ thiết yếu, chỗ ăn, ngủ… nhưng chưa chuẩn bị kịp chỗ tắm”, Hải, 24 tuổi, công nhân của một công ty chuyên về thiết bị điện tử thông minh ở Thủ Dầu Một kể. Công ty anh áp dụng “3 tại chỗ” hôm 7/7, có hơn 1.000 công nhân đăng ký.
Ngày đầu tan ca, mọi người ôm quần áo đi tắm mới biết không đủ chỗ. Trong lúc nháo nhác, giám đốc yêu cầu quản đốc chia công nhân thành tốp nhỏ, dẫn lên tòa nhà dành riêng cho chuyên gia, có khoảng 20 phòng để tắm.
Đợi mãi không đến lượt, Hải đành quay về lều, chấp nhận “ở dơ”. Nhưng ngủ ở nơi có cả nghìn công nhân, mà mỗi người chỉ có một quạt cóc. Nóng quá, đêm đó Hải thức trắng.
Công nhân tại công ty chị Trúc Hà test nhanh Covid-19, tháng 8/2021. Ảnh: Trúc Hà
Mô hình “3 tại chỗ” được cho là khởi phát ở các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh trong đợt dịch hồi tháng 5. Khi các địa phương giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế – xã hội phải tạm ngừng. Sáng kiến “3 tại chỗ”, cho công nhân ăn, ngủ, sinh hoạt và sản xuất ngay tại nhà máy, đã giúp hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn, duy trì chuỗi cung ứng đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu chống dịch và thu nhập cho người lao động.
Cũng vì ưu điểm này mà khi đợt dịch thứ tư bùng lên ở miền nam, mô hình “3 tại chỗ” đã nhanh chóng được áp dụng. Chỉ tính riêng ba trung tâm công nghiệp lớn là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, trong tháng 8, đã có gần 6.000 doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 điểm đến”. Riêng Bình Dương có hơn 3.700 doanh nghiệp đăng ký, với gần 390.000 lao động.
Ông Đào Minh Tính, chủ tịch công đoàn công ty Hải làm việc, thừa nhận quyết định được ban hành gấp theo lệnh giãn cách nên trong những ngày đầu, chưa kịp đáp ứng nhu cầu của cả nghìn người lao động. “Sang ngày thứ ba, công ty mới xây dựng hàng chục nhà tắm dã chiến, lắp quạt hơi nước chống nóng cho công nhân. Còn điều hòa được lắp đặt sau một tháng”, ông Tính cho biết.
Theo bà Lê Thụy Trúc Hà, trưởng phòng nhân sự một công ty in ấn và phụ kiện thời trang, ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương), dù chỉ có gần 300 người “3 tại chỗ” từ cuối tháng 6 nhưng chuyện sinh hoạt của công nhân nhiều khi khiến ban giám đốc phải đau đầu. Nhóm năm người được cấp một bộ xô, chậu để tắm rửa, nhưng một số người vẫn giữ thói quen sinh hoạt như ở nhà.
Video đang HOT
“Nhiều bạn nữ tắm xong phải gội đầu, ủ tóc, xả tóc, giặt xong lại ngâm nước xả. Người ngoài đợi hoài không đến lượt là quạu nhau”, chị kể.
Tắm giặt, ăn uống đã khó, đến chỗ phơi đồ cũng không có nên công nhân phải mắc tạm quần áo ngoài trời. Có hôm trời đổ mưa, công nhân ùa ra hối nhau cất đồ, không đảm bảo giãn cách.
Với các doanh nghiệp, uốn hàng nghìn công nhân vào khuôn khổ không dễ khi điều kiện sinh hoạt chật hẹp, nhu cầu thiết yếu bị hạn chế.
Công nhân trong công ty anh Hải chia thành hai khu nam-nữ, ngủ cùng một tòa nhà. Mỗi người được cấp phát một lều ngủ, đồ dùng cá nhân riêng, nhưng vì hai lều đặt sát nhau, nên những ngày đầu, Chiêm Hồng Hải gần như mất ngủ. Cạnh “nhà” anh là một nam công nhân có vợ cũng “3 tại chỗ”. Tranh thủ buổi tối, khi không có bảo vệ, cô vợ mò sang lều của chồng.
“Họ làm gì tui cũng biết, ầm ầm ấy”, Hải kể. Nhiều hôm anh bực dọc quát vọng sang: “Giờ này còn không yên cho người ta ngủ”. Bên kia đáp: “Nhà ai người đó ở”. Ngại nên cậu thanh niên lại nín thinh.
“Công ty tốt, nhưng người lao động ý thức không tốt, tự làm khổ mình rồi làm khổ người khác”, Hải kết luận sau gần ba tháng “3 tại chỗ”.
Ý thức người lao động cũng là lý do khiến mô hình này của nhiều doanh nghiệp vỡ trận sau một thời gian ngắn. Chị Nguyễn Hồng Nhung, nhân viên một công ty chuyên sản xuất đồ nội thất ở Bình Dương cho biết, công ty chị chỉ duy trì được hình thức này đúng một tuần.
Hơn 700 lao động được chia thành các khu riêng biệt. Tuy nhiên, ngay ngày đầu “3 tại chỗ”, công an đã đến lập biên bản do công nhân tụ tập đánh bài, ăn nhậu, livestream lên mạng xã hội. Nhiều người khác lén lút mua đồ ở ngoài vào. Sau một tuần, công ty Nhung trở thành ổ dịch với 40 người nhiễm Covid-19.
Lều dã chiến, nơi ngủ nghỉ của công nhân công ty thiết bị điện tử thông minh ở Thủ Dầu Một đang được khử khuẩn, hôm 21/9. Ảnh: Ngọc Vy
Tình trạng “cầm nhầm” đồ đạc của nhau cũng khiến mọi người khó chịu. “Tui mang vào 7 bộ đồ mà được mấy bữa là không còn cái để mặc, phải đặt ngoài mang vào”, anh Chiêm Hồng Hải kể.
Ở công ty Hồng Nhung, công nhân sạc pin điện thoại tại một điểm chung. Nhưng vừa cắm chiếc sạc dự phòng, quay ra quay vào, cô mất đồ. Nhung bực mình, ôm ổ điện vào lều dùng riêng thì bị lập biên bản vì vi phạm quy định an toàn.
Khi “3 tại chỗ”, các công ty còn phải giải quyết bài toán công nhân đi làm mà không có người trông con. Công ty chị Trúc Hà phải đón 5 đứa trẻ, là con công nhân vào ở cùng. Các bé được cấp suất ăn miễn phí như mọi công nhân, bố trí chỗ ngủ gần ba mẹ.
Không có chính sách đón trẻ vào “3 tại chỗ” nên một tuần đầu, công ty thiết bị điện tử của anh Hải ngày nào cũng có 5-6 người xin nghỉ làm. Người vì không thích nghi được, người vì nhớ nhà, nhớ con.
Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng duy trì được “3 tại chỗ”. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, việc duy trì “3 tại chỗ” khiến đa phần các doanh nghiệp áp dụng mô hình này gặp khó khăn vì “đội” thêm nhiều chi phí, như phải hoán cải công năng của các khu vực khác nhau thành chỗ ở tạm. Việc giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định cũng rất khó áp dụng. Môi trường cách ly tại chỗ nhiều nơi không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp đang đề xuất được tự chọn mô hình sản xuất phù hợp hơn.
Các doanh nghiệp cũng muốn được phân bổ và đẩy nhanh tiêm đủ liều vaccine cho toàn bộ người lao động; bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn như miễn, giảm, hoãn, khoanh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, nguồn vốn.
Lê Xuân Tân, thành viên ban giám đốc công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc ở Đồng Nai, cho biết doanh nghiệp cần có thời gian để chuẩn bị cho “3 tại chỗ”. Họ khó có thể đảm bảo an sinh cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con người trong vài ngày.
Với Hải, hiện anh và đồng nghiệp đã quen với nếp sinh hoạt, công ty cũng đã khắc phục những thiếu thốn ban đầu. Người “hàng xóm” đã xin nghỉ. Ba tháng vừa qua, thu nhập của anh tăng 3-5 triệu đồng, trong khi không tốn tiền ăn, xăng xe, tiền trọ hay sinh hoạt phí.
“Bây giờ, tui lại thích 3 tại chỗ”, Hải nói.
Bộ Y tế nói gì về test nhanh Covid-19 mua ở nước ngoài chỉ 35.000 đồng?
Về thông tin giá test nhanh Covid-19 mua ở nước ngoài chỉ 1,5 USD, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết Bộ Y tế không kiểm soát giá các xét nghiệm này mà do doanh nghiệp tự công bố.
Theo thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9 thì giá test nhanh Covid-19 mua với số lượng lớn ở nước ngoài chỉ 1,5 đô la, quy đổi khoảng 35.000 đồng, tính chi phí về Việt Nam là khoảng 50.000 đồng. Trong khi đó, giá hiện nay các tỉnh thành đang đấu thầu là 60.000-70.000 đồng/bộ.
Vì thế, nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng.
Ảnh minh họa: Hải Long.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết trước hết cần phân biệt giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm. Giá dịch vụ xét nghiệm hiện Bộ Y tế có quy định rõ về giá, còn giá xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định.
Theo đó, hiện nay, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các xét nghiệm nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.
Để giúp các đơn vị mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá, từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế. Giá niêm yết này là giá công ty mong muốn bán ở thị trường Việt Nam, đơn vị tự chịu trách nhiệm về điều này. Khi mua sắm các địa phương có thể tham khảo giá trúng thầu được công khai trên cổng.
Theo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, có gần 90 loại test nhanh đang được lưu hành tại nước ta, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu (từ nhiều nước khác nhau). Hiện giá các xét nghiệm nhanh này dao động 80.000-130.000 đồng, đã giảm so với thời điểm cuối tháng 8 do một số doanh nghiệp điều chỉnh giá.
Ngày 23/9, Bộ Y tế cũng đã có công văn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, các địa phương cũng cần thanh kiểm tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tránh tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm.
Bộ kit test nhanh giá gốc chỉ 25.000-35.000 đồng, giá trong nước 80.000-200.000 vì sao? Tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp ngày 26-9, ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đã gây xôn xao khi cho hay qua tìm hiểu, có những đơn vị bán bộ kit test nhanh COVID-19 chỉ khoảng 1,5 USD. Một bộ kit test nhanh COVID-19 được nhập khẩu về Việt...