Bị ghét và xa lánh chỉ vì là người Thanh Hóa…
“Từ khi tôi vào làm, cũng có thân thiết gì đâu mà họ mời tôi đến 5-6 lần đi ăn cưới, nếu đi thì trung bình phải 500 nghìn/người, quá tốn kém với tôi… Thế là họ bảo tôi keo kiệt, bẩn tính và càng cách ly tôi hơn”.
Phân biệt, kì thị vùng miền là một vấn đề nhức nhối với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau trong xã hội. Điều này gây nên sự mất đoàn kết, chia rẽ giữa những người dân Việt Nam với nhau và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Chúng tôi nhận được bài viết của độc giả Văn Tuấn (quê Thanh Hóa, địa chỉ email vtuan…@yahoo.com.vn) chia sẻ về việc bạn bị kì thị vì là người Thanh Hóa. Xin được đăng nguyên văn bài viết của bạn Tuấn.
===//===
Xin chào ban biên tập.
Sáng nay, tôi lang thang Facebook và tình cờ lạc vào một cái hội (fanpage) có tên rất kỳ cục “Hội những người ghét cay ghét đắng dân Thanh Hóa”. Vào đọc, chỉ toàn là chửi bới dân Thanh Hóa bẩn tính, keo kiệt, lợi dụng… khiến tôi toát mồ hôi hột. Không phải vì tôi xấu hổ khi là người Thanh Hóa, hoàn toàn không có chuyện đó, mà cái fanpage đậm chất kỳ thị lệch lạc này khiến tôi nhớ lại quãng thời gian buồn của mình lúc mới lên Hà Nội học và làm việc. Tôi muốn chia sẻ một chút về cái gọi là kỳ thị vùng miền này.
Tôi tên là Văn Tuấn, sinh năm 1986, quê ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Quê tôi gần Sầm Sơn, nhưng không trù phú như vùng đó vì không có du lịch, xung quanh chỉ toàn làm nghề nông. Sau này, đất quanh chỗ tôi ở được quy hoạch xây đường, khu công nghiệp nên đời sống cũng khá hơn nhưng nhìn chung vẫn thuộc dạng nghèo. Gia đình tôi nhờ có con đường chạy qua trước nhà nên mở hàng tạp hóa, từ đó đổ buôn và thu nhập khá hơn các hộ khác rất nhiều.
Anh trai của bố tôi ra Hà Nội lập nghiệp từ hồi trẻ, nên đó là “tổng hành dinh” của mọi người ở quê mỗi khi có việc ra thành phố. Đỗ đại học, tôi cũng lên ở nhà bác. Và đó là khoảng thời gian đầu tiên tôi biết mình bị kỳ thị vì là dân xứ Thanh.
Bác gái người Hà Nội, không biết bác gái yêu bác trai tôi thế nào, nhưng với họ hàng của bác trai, chính là chúng tôi, thì bác rất lạnh nhạt. Tôi ở đó khoảng 2 năm thì phải ra ngoài thuê trọ, do bác thường xuyên đá thúng đụng nia. Tôi đi học về, đói, ăn 3 bát cơm. Bác ngồi gẩy từng hạt rồi bĩu môi “Thóc đâu đãi mãi thế”, thậm chí “Ở quê ăn rau má hay sao mà ra đây ăn lắm cơm thế!”. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cay mũi khi nghe đến từ “rau má”, một sản phẩm đặc trưng của xứ Thanh.
Một trang Facebook có tên “Hội những người ghét dân Thanh Hóa”. Ảnh chụp màn hình.
Năm thứ 3, tôi ra ở trọ cùng 2 đứa bạn cùng lớp người Nam Định. Thời gian đầu, mọi chuyện suôn sẻ, tôi làm thêm ở một công ty phần mềm máy tính nên thu nhập vẫn ổn. Tôi tự mua được máy tính, điện thoại và xin bố mẹ mua chiếc wave đi học. Nói chung không giàu nhưng tôi đầy đủ, chẳng thiếu thốn gì. Thế mà, nửa năm ở chung lại xảy ra chuyện bạn tôi mất ví. Trong 2 thằng bạn ở cùng, tôi thân với Nam hơn Cường.
Đêm đó Cường đi uống rượu về, nó say bê bết không tự vào nhà được, tôi phải dìu vào, thay quần áo rồi lau mặt cho. Nó nôn thốc ra tôi cũng phải dọn 1 mình vì Nam không ngủ ở nhà. Đến sáng, trước khi đi học tôi còn chạy ra mua cháo và nước mía để sẵn trên bàn vì sợ bạn tỉnh rượu, khát không có gì ăn uống.
Video đang HOT
Thế mà đến chiều về thì tôi thấy mặt nó hằm hằm. Cả Nam cũng ngồi đấy, và 2 thằng đó đang vu cho tôi… lấy ví của Cường trong lúc nó say. Tôi nói thế nào cũng không tin, đến lúc tức quá tôi mới chửi thề. Ức đến không thể khóc nổi mà mắt vẫn cay, nhưng điều khiến tôi đau nhất, là thằng bạn thân lại kéo tôi ra ngoài rồi thủ thỉ “Thằng Cường nó bảo bọn xứ Thanh chúng mày hay ăn cắp vặt. Thôi nếu lấy thì đưa lại giấy tờ cho nó vì hôm qua có mỗi 2 đứa trong nhà”.
Tôi phản ứng bằng cách dọn ngay ra khỏi chỗ trọ, ở nhờ nhà bác vài ngày rồi thuê chỗ mới ở một mình. Đắt hơn nhiều, chẳng còn ai chia sẻ tiền trọ nhưng mỗi khi tôi mở lời rủ bạn cùng lớp hay ở chỗ tôi làm thêm ở cùng, mọi người toàn cười ái ngại rồi từ chối. Có lẽ Cường đã đi khắp khối nói về tôi như một thằng Thanh Hóa hay ăn cắp vặt.
Khi ra trường, rồi đi làm, hàng loạt chuyện nữa mà cứ nhắc đến vùng đất quê tôi, người ta lại viện ra đủ lý do kỳ thị. Tôi vẫn nhớ như in, ngày đi xin việc ở một công ty máy tính trên phố Thái Hà, tôi vừa mở miệng ra hỏi vài câu, còn chưa đưa hồ sơ và tấm bằng loại khá ra, cô hành chính ở đấy đã nguýt: “Hoa thanh quế à?”. Bao nhiêu người ngồi đấy, tôi chỉ muốn độn thổ nhưng chỉ 5 giây sau tôi trấn tĩnh lại ngay. Tôi vặc lại “Hoa thanh quế thì làm sao hả chị?”, và không bao giờ tôi nhận được cuộc gọi nào từ công ty ấy nữa.
4 tháng sau, tôi được nhận vào công ty khác. Quê quán không phải là vấn đề với sếp, nhưng sau một thời gian làm việc chung, tôi vẫn không được đồng nghiệp ở đây vui vẻ, họ đối xử với tôi dè chừng, không thân thiết như người khác. Ví dụ đi ăn trưa, tôi không muốn đóng tiền ăn với họ vì đa số đều chọn cơm văn phòng “ship” về, toàn 50-60 nghìn/suất, có hôm thì ra ngoài ăn rất tốn kém. Tôi thì đơn giản lắm, vì tôi còn phải chi tiêu bao thứ tiền chứ đâu sướng như họ, tôi toàn xuống đường ăn tạm bát xôi hay phở, cơm bình dân. Họ vin vào đó nói tôi xa lánh, không hòa đồng.
Cuối tuần họ tổ chức đi ăn tiệm, uống cafe, tôi không thể tham gia vì đối với tôi như thế thật tốn kém. Đi nghỉ mát, tôi cũng không tham gia vì nếu không đi, sẽ được hoàn lại nửa tiền, toàn 3-4 triệu chứ ít gì. Từ khi tôi vào làm, cũng có thân thiết gì đâu mà họ mời tôi đến 5-6 lần đi ăn cưới, nếu đi thì trung bình phải 500 nghìn/người, quá tốn kém với tôi. Thế nên có người thì tôi tránh bằng cách viện lý do về quê cuối tuần, có người tôi gửi 2-300 nghìn nhưng không đi.
Thế là họ bảo tôi keo kiệt, bẩn tính và càng cách ly tôi hơn.
Thật ra điều đó cũng chẳng quan trọng, vì tôi coi việc đi làm chỉ đơn thuần là kiếm tiền. Lương ở đây khá cao, hơn nữa tôi cũng kiếm được vài mối quan hệ ở đối tác để có thể làm ngoài. Nhưng nực cười thay, đã 2 lần tôi bị cancel hợp đồng chỉ vì người làm cùng sợ tôi “chơi bẩn”. Hóa ra, người làm cùng cho rằng tôi ky bo, tính toán thiệt hơn chỉ vì khi mời đối tác ăn uống để ký hợp đồng, lúc thanh toán anh ấy thấy tôi ngồi im, không có động thái góp hay chủ động thanh toán. Đó là sự để ý rất vặt vãnh, tôi nghĩ đơn giản rằng ai trả tiền khi đó mà chẳng được. Khi nào tiền về tài khoản, tôi sẽ mời anh ấy hoặc bù lại sau. Chỉ có thế, mà anh ta gạt tôi ra khỏi hợp đồng, rủ người khác nẫng mất mấy mối ngon!
Cách đây 2 năm tôi có bạn gái. Tôi rất yêu cô ấy. Mối quan hệ của chúng tôi khá tốt đẹp, cô ấy có công ăn việc làm ổn định nên không phụ thuộc tôi về kinh tế. Thậm chí cô ấy còn lo cho tôi đầy đủ, mỗi khi tôi hết tiền, cô ấy còn tự động bỏ tiền vào ví cho tôi tiêu. Hành động đó khiến tôi cảm động lắm. Tôi đã cố gắng cày tiền để tặng bạn gái những món quà giá trị như điện thoại, máy nghe nhạc mp3 và thu xếp đi du lịch nhiều nơi. Tháng 5 năm ấy, không may tôi bị mất xe. Chính cô ấy đã chủ động cho tôi vay 15 triệu để mua xe mới, vì khi đó tôi chỉ còn 10 triệu mà công việc thì rất cần một chiếc xe tử tế đi lại.
Yêu nhau hạnh phúc là thế, nhưng về sau, chúng tôi hay cãi nhau bởi tôi phải đi tiếp khách, thường xuyên về muộn không chăm sóc quan tâm đến cô ấy. Sau nhiều lần giận dỗi, cô ấy đòi chia tay. Điều khiến tôi bực nhất là anh trai cô ấy gọi điện đến đòi tôi phải trả ngay số tiền 15 triệu kia. Quả thực tôi chỉ có thể trả một nửa khi đó, còn lại tôi hứa sẽ trả sau. Thế mà gia đình cô ấy lại gọi tôi đến nói không ra gì, bảo tôi là kẻ lợi dụng (nhà bạn gái tôi ở Hà Nội), bây giờ chầy bửa không muốn trả. Đã thế, trong cơn tức giận, tôi cũng đòi cô ấy phải trả lại tôi điện thoại, máy nghe nhạc (ai bảo anh cô ấy đòi số tiền kia?). Nghe đến đó, nhà cô ấy không tiếc lời mạt sát tôi là kẻ bẩn tính, lợi dụng con gái họ.
Tôi đã ra ngoài vay lãi để trả tiền nhà đó ngay trong ngày hôm sau. Tất nhiên quan hệ giữa chúng tôi cũng chấm dứt, sau này tôi vẫn nghe cô ấy và anh trai đi khắp nơi kể xấu tôi.
Cô ấy còn tuyên bố với bạn “Không bao giờ quen thằng nào 36 nữa!”, nhưng tôi không trách. Tôi chỉ buồn vì mình trao tình cảm không đúng chỗ. Tôi đã làm gì để mang cái tiếng lợi dụng nhỉ! Từ sau vụ ấy, tôi chẳng thiết tha gì yêu đương với các cô gái thành phố. Họ nghĩ ai cũng thích lợi dụng cái mác thủ đô của họ ư?
Thế đấy, trong cuộc sống quanh tôi, nếu yên lành thì không sao, nhưng lỡ có xảy ra chuyện gì thì người ta đều cố lôi sự phân biệt vùng miền mà theo tôi là rất “rẻ tiền”, ra để mỉa mai, nói xoáy. Tôi chỉ thắc mắc rằng những người khác, ngay cả dân HN, đã hơn gì chúng tôi mà có quyền ghét chúng tôi? Những bạn trẻ trong cái fanpage đầy sự kỳ thị kia, bao nhiêu % bạn bè của họ là người Thanh Hóa để họ có thể khẳng định là “dân Thanh Hóa không chơi được”?
Theo VNE
Mất việc, LĐ Thanh-Nghệ-Tĩnh bật khóc!
Mượn cớ kinh tế khó khăn, đơn hàng ít, cần cắt giảm lao động, không ít doanh nghiệp tìm cách đuổi khéo lao động gốc Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.
LTS: Nạn kỳ thị lao động người Thanh - Nghệ - Tĩnh từ chỗ chỉ âm ỉ, nhỏ lẻ, thì nay đang có nguy cơ lan rộng, không chỉ trong giới chủ doanh nghiệp với người lao động mà cả giới chủ nhà trọ với người thuê trọ. Chúng tôi trở lại vấn đề này khi câu chuyện kỳ thị lao động vùng miền ở khu vực TP.HCM, Đông Nam Bộ đang trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết qua loạt bài: Mất việc, lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh bật khóc!
"Anh ơi dân 36-37-38 (biển số xe các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh - PV) giờ xin việc thì khó mà mất việc thì dễ. Mấy doanh nghiệp cứ kiếm cớ đuổi việc bọn em" - anh Nam (quê Thanh Hóa, công nhân tại KCX Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) than thở sau khi bị đuổi việc.
Hiện nay nhiều công ty trong các KCN vùng giáp ranh tỉnh Bình Dương, TP.HCM không chỉ từ chối hồ sơ xin việc của thanh niên, lao động đến từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh mà còn âm thầm đuổi việc nhân công vùng này.
Xin việc khó, mất việc dễ!
Do có hộ khẩu Nghệ An nên anh Nguyễn Bá (30 tuổi, quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) trầy trật xin việc mà không công ty nào nhận. Anh kể, ban đầu anh xin vào làm ở công ty D.H (sản xuất giày da, đóng tại KCN Sóng Thần) vì vợ anh làm trợ lý cho một quản đốc của công ty này. Để được việc cho chồng, vợ anh đã tỉ tê, kể khổ với quản đốc. Sau đó quản đốc đứng ra bảo lãnh để anh Bá vào làm. Ấy vậy mà hồ sơ xin việc của anh vẫn bị gạt phăng khi bộ phận nhân sự công ty phát hiện anh quê Nghệ An.
Buồn tủi, anh Bá sang công ty P.K. gần đó (chuyên may giỏ xách) để thử vận may. Lần này qua nhiều đầu mối, anh được cả quản đốc và phòng nhân sự tiếp nhận. "Mình mừng quá, tưởng được nhận rồi. Cuối cùng phòng nhân sự gọi lại cho biết sếp người Hàn Quốc thấy mình quê Nghệ An nên loại hồ sơ", anh Bá rầu rĩ kể.
Do chạy xe biển số 37 và hộ khẩu Nghệ An nên cả tháng trầy trật ngược xuôi, anh Nguyễn Bá vẫn không thể xin được việc.
Mang hồ sơ đi "lập nghiệp", H. (23 tuổi, quê Thanh Hóa) kể: "Em đi 2 KCN Sóng Thần và Linh Trung. Công ty nào treo bảng tuyển dụng là em ghé vào. Bảo vệ công ty chưa xem hồ sơ của em mới chỉ nghe giọng em nói là họ đã lắc đầu, phất tay bảo đi chỗ khác".
Tâm sự với phóng viên qua điện thoại, nữ công nhân Lê Thị X. (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) khóc tấm tức: "Em đã về quê rồi anh ơi. Phải ngồi máy may cày 3 năm em mới lên mức lương 3 triệu vậy mà ông chủ đuổi em. Bố em đang phải chạy thận. Không có tiền, em sợ bố không qua nổi anh ạ".
Theo lời X., cô làm việc tại một công ty may ở Tân Bình, TP.HCM. Đầu tháng 4 vừa qua, ông chủ gọi X. và 2 người bạn quê Thanh Hóa lên gặp rồi nói: "Dạo này đơn hàng ít, 3 em nghỉ việc 7 ngày không lương!".
7 ngày sau, Xuyến và bạn quay lại xưởng may thì ông chủ "lệnh" phải nghỉ tiếp 10 ngày cũng với lý do trên. X. bức xúc hỏi giám đốc: "Em nghe bạn bè nói hàng trong công ty làm không xuể, bữa nào cũng tăng ca chứ đâu phải thiếu hàng". Ông giám đốc nổi cáu, quát: "Chanh chua, lý sự hả, đợt trước ai xúi công nhân viết đơn kiến nghị tăng lương? Cô với 2 ông người Thanh Hóa này chứ ai. Làm không lo làm, toàn quậy!".
X. cho biết sau khi cô bị đuổi, 5 nam công nhân khác cũng bị cho nghỉ vì lý do "cùng quê con X.". Cách đuổi việc của vị giám đốc này là bắt công nhân nghỉ không lương để công nhân chán nản tự động rút khỏi công ty.
Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân công, lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh là đối tượng đầu tiên bị cho nghỉ việc. Trong ảnh, công nhân chới với vì một công ty ở huyện Bến Cát - Bình Dương ngưng hoạt động đột ngột.
Chị Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric (KCX Linh Trung 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết mình đã nhiều lần nhận những cú điện thoại nhờ vả kiểu: "Chị ơi, em có người nhà vào đây xin việc mà đi đâu họ cũng không nhận. Chị coi công ty mình tuyển không xin giùm em với".
Thực trạng buồn!
Ông Đặng Quang Việt, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Dương (phụ trách mảng lao động), cho biết có nghe thông tin các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh từ chối lao động vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Tuy nhiên, theo ông Việt, chọn lựa lao động là quyền của doanh nghiệp, Ban Quản lý KCN không thể can thiệp.
Cũng theo ông Việt, nếu người lao động bị sa thải vô căn cứ, họ có thể khởi kiện ra tòa hoặc thông qua các tổ chức công đoàn, ban quản lý khu công nghiệp và các tổ chức khác để can thiệp.
Những công nhân nữ với khuôn mặt buồn rười rượi khi bỗng dưng mất việc
Theo một số chuyên gia, cần nhìn nhận rằng, lao động phổ thông nói chung còn chưa chuyên nghiệp. Đặc biệt là với lao động ngoại tỉnh. Họ chưa hình dung trước môi trường, văn hóa nơi sẽ đến cũng như cách thức làm việc sao cho hiệu quả.
Nói về vấn đề này, Luật sư Trịnh Thanh, VP luật sư Người nghèo TP.HCM đặt vấn đề, nên chăng các địa phương cần tổ chức những buổi nói chuyện, định hướng, để tránh sốc văn hóa vùng miền?
Lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh, tuy có một vài hạn chế, nhưng họ đoàn kết, chân thành, chịu thương chịu khó,... nên chỉ cần khéo léo khắc phục là có thể đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. "Về phía doanh nghiệp, cũng nên đặt kết quả lao động lên hàng đầu, chứ đừng lăn tăn họ là ai, họ đến từ đâu...", luật sư Thanh nêu quan điểm.
Theo các thành viên Diễn đàn Nhân sự Việt Nam, hiện nay do kinh tế khó khăn nên hàng loạt công ty ở KCN Linh Trung (TP.HCM), Sóng Thần, Việt Nam - Singapore (Bình Dương)... đang đua nhau cắt giảm nhân công. Đối tượng cho nghỉ việc chủ yếu là công nhân quê Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Kỳ, Giám đốc công ty Đại Thịnh Việt (Dĩ An, Bình Dương) kiêm thành viên của diễn đàn này nói: "Giai đoạn này các doanh nghiệp sàn lọc lao động dữ lắm. Các bạn quê Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh dù không tội tình nhiều khi cũng phải đắng lòng ra đi...". Theo ông Kỳ, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có ấn tượng không tốt với lao động đến từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Họ cho rằng lao động vùng này hay rủ đồng hương hạch sách, gây hấn với người lạ, lại hay ăn cắp vặt, nghỉ việc vô cớ... Dù hiện tượng trên chỉ xảy ra ở một số công ty nhưng "tiếng dữ đồn xa" đã khiến nhiều lao động từ vùng vùng này phải chịu cảnh cay đắng khi vào Nam mưu sinh.
Theo 24h
3 phương pháp làm mờ sẹo trên da Sẹo không gây nguy hiểm nhưng về mặt thẩm mỹ, nó lại ảnh hưởng đến sự tự tin, hoạt động giao tiếp và gây khó khăn cho bạn khi chọn trang phục. Sẹo khiến không ít người mất tự tin khi diện những trang phục như quần short, váy ngắn. Hiện nay, có 3 phương pháp làm mờ sẹo mang lại hiệu quả...