Bị cáo Trương Mỹ Lan lĩnh thêm án chung thân
Cho rằng hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm nên HĐXX tuyên phạt bị cáo này tù chung thân.
Chiều nay (17/10), TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 8 năm tù về tội “ Rửa tiền”, 12 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hình phạt bị cáo phải chấp hành là chung thân.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) nhận 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Vận chuyển trải phép tiền tệ qua biên giới”, 8 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hình phạt bị cáo phải chấp hành là 23 năm tù.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) bị tuyên 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hình phạt bị cáo phải chấp hành là 17 năm tù.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) nhận 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 7 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hình phạt bị cáo phải chấp hành là 14 năm tù.
Bị cáo Trương Huệ Vân bị tuyên 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn bị cáo Chu Lập Cơ nhận 2 năm tù về tội “Rửa tiền”.
Các bị cáo còn lại trong vụ án phải lĩnh từ 2-16 năm tù.
Video đang HOT
Về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, HĐXX nhận định các bị cáo ở nhiều cơ quan khác nhau nhưng đã liên kết, phối hợp phát hành trái phiếu để chiếm đoạt tiền của bị hại. Các bị cáo đều phạm tội từ 2 lần trở lên.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm, theo HĐXX, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Một số bị cáo có thành tích trong quá trình công tác, được nhận giấy khen, bằng khen. Ngoài ra, gia đình một số bị cáo có công với cách mạng, được tặng huân chương kháng chiến…
Còn về dân sự, HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Ngân hàng SCB và các bị hại. Đồng thời, HĐXX tiếp tục kê biên toàn bộ tài sản, cổ phần, cổ phiếu của bị cáo Trương Mỹ Lan để đảm bảo thi hành án; tiếp tục kê biên các tài khoản, tài sản của 2 con gái bị cáo Trương Mỹ Lan.
Với các pháp nhân nộp tiền khắc phục hậu quả theo yêu cầu của bị cáo Trương Mỹ Lan là hơn 400 tỷ đồng, HĐXX tiếp tục ngăn chặn để khắc phục hậu quả của vụ án.
Đối với số tiền mà các bị cáo tự nguyện nộp khắc phục hậu quả, HĐXX sẽ áp dụng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Với tài khoản của một số bị cáo, HĐXX xét thấy không liên quan đến hành vi phạm tội nên quyết định hủy bỏ ngăn chặn. Với tài khoản, các tài sản của những người có nghĩa vụ liên quan, HĐXX nhận định không liên quan tới vụ án nên hủy bỏ ngăn chặn.
Liên quan tới siêu dự án Amigo với tứ giác Nguyễn Huệ – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) mà bị cáo Lan muốn bán, lấy tiền khắc phục hậu quả, HĐXX cho rằng tài liệu các bên cung cấp còn nhiều mâu thuẫn, chưa được làm rõ nên chuyển cơ quan điều tra.
Với 100% cổ phần tại Công ty Cổ phần Twin Peaks (sở hữu tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai Hà Nội, hiện thế chấp cho các ngân hàng nước ngoài) – số tài sản mà bị cáo Lan yêu cầu giải tỏa kê biên để bán trả tiền cho ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng và Công ty Twin Peaks cũng yêu cầu được giải tỏa kê biên, HĐXX xét thấy quan hệ tín dụng là hợp pháp, đồng thời hiện nay, khoản nợ đã đến hạn thanh toán. Theo HĐXX, cần hủy bỏ lệnh kê biên, giao cho 3 ngân hàng để xử lý thu hồi nợ dưới sự giám sát của VKS Nhân dân Tối cao, C03 và cơ quan thi hành án. Phần giá trị tài sản còn lại dùng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa nhận được gần 6.000 đơn yêu cầu bồi thường của bị hại
HĐXX cho biết, liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, HĐXX đã nhận được 5.965 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng có hơn 1.000 đơn thuộc các mã trái phiếu nằm ngoài vụ án này.
Sau gần 1 tháng xét xử, hôm nay (17/10) TAND TPHCM đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Trong phần nhận định, HĐXX cho rằng, quá trình diễn ra phiên toà, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận vai trò chủ trương phát hành trái phiếu, chỉ thừa nhận cho Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) mượn các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) để phát hành trái phiếu.
Đối với tội "Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới" và tội "Rửa tiền", bị cáo Lan cho rằng cùng số tiền, cùng 1 thời gian và 1 hành vi nhưng truy tố bị cáo 2 tội danh là bất lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, bị cáo Lan đồng ý dùng toàn bộ tài sản cá nhân, tài sản của Tập đoàn VTP, ưu tiên trả cho các bị hại.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Nguyễn Huế
Trong khi đó, các bị hại là những nhà đầu tư trái phiếu khống cho rằng họ bị Công ty Chứng khoán Tân Việt và SCB dẫn dụ để mua trái phiếu. Từ đó, họ yêu cầu bà Lan trả lại số tiền đã chiếm đoạt cùng lãi suất như quy định.
HĐXX cho biết vụ án có 35.824 bị hại cư trú tại 58 tỉnh, thành trên cả nước và 5.965 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, có hơn 1.000 đơn yêu cầu bồi thường thuộc các mã trái phiếu nằm ngoài vụ án nên không được xem xét.
Đối với hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thể hiện qua việc bị cáo Lan đã chỉ đạo các nhân viên cấp dưới sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn VTP (gồm các công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) để phát hành 25 mã trái phiếu "khống", không có tài sản đảm bảo.
Về hành vi "Rửa tiền", theo HĐXX, nhằm che giấu nguồn gốc số tiền 445.000 tỷ đồng có được từ hành vi phạm tội tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và phát hành trái phiếu, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng này.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Tân Châu
Về hành vi "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", mỗi khi cần chuyển tiền ra nước ngoài để trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, bị cáo Lan đã giao cho các thuộc cấp lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng "khống" này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài qua hệ thống SCB.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự xã hội, ảnh hưởng đến đầu tư trong và ngoài nước nên cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.
Theo cáo buộc, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, có tổng giá trị hơn 30.869 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo đem bán cho các nhà đầu tư. Đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ của hơn 35.000 nhà đầu tư, không có khả năng thanh toán. Để che giấu nguồn tiền có được từ việc phát hành trái phiếu và 415.000 tỷ đồng có được từ hành vi "Tham ô tài sản" từ nguồn tiền của Ngân hàng SCB, bà Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp phối hợp, lên phương án rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng, sử dụng cho các mục đích khác nhau. Từ năm 2012-2022, mỗi khi chuyển tiền đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp... giữa các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các công ty "ma" ở trong và ngoài nước. Thông qua các hợp đồng "khống" này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB. Tổng số tiền bà Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới là hơn 4,5 tỷ USD, tương đương 106.000 tỷ đồng. |
TAND TP.HCM tuyên án vụ Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 2 Hôm nay, TAND TP.HCM sẽ tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) lừa đảo hơn 30.081 tỉ đồng, rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỉ đồng. Sau 15 ngày xét xử sơ thẩm và nghị án dài ngày, hôm nay...