Bị cáo Phan Văn Vĩnh: “Tôi cho tổ ong vào tay áo”
Nguyên Tổng cục trưởng Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cho rằng, khi đặt bút ký quyết định cho phép công ty CNC thí điểm cổng game đánh bạc, ông đã tự cho cả đàn ong, tổ ong vào tay áo.
Hối hận vì “nuôi ong tay áo”?
Ngày 23/11, tại TAND tỉnh Phú Thọ, bị cáo Phan Văn Vĩnh – nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát được chủ tọa cho phép tự bào chữa. Ông Vĩnh bị cáo buộc đã chỉ đạo và cùng bị cáo Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) bao che hoạt động tổ chức đánh bạc của các Cty CNC và VTC online, giúp các Cty này thu về gần 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên ông Vĩnh từ 7 – 7 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa phải nhập viện điều trị trong khi bị cáo Phan Văn Vĩnh liên tục phải nhờ trợ giúp của y tế
Trước bục khai báo, bị cáo Phan Văn Vĩnh khẳng định từ khi nhận cáo trạng đến phiên tòa công khai hiện nay, bị cáo đã luôn nhận tội. “Bị cáo nhất quán đã gây lỗi, tội đến đâu nhận đến đó, không đổ cho ai. Xin HĐXX và quý đại diện VKSND cho phép bị cáo được hưởng khoan hồng vì thành khẩn khai báo…, làm sao hạ mức hình phạt xuống mức thấp nhất, bị cáo xin cảm ơn”.
Nói về hoàn cảnh phạm tội, bị cáo Vĩnh cho rằng việc xác nhận CNC là Cty bình phong của C50 và tạo điều kiện cho Cty này tổ chức đánh bạc vì: “Về mặt hình thức là phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, nhưng cái quan trọng hơn là đề xuất xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia… Việc xây dựng trung tâm phòng thủ quốc gia dù không có tiền nhưng Bộ có chủ trương”. Ông Vĩnh khẳng định rất hối hận khi ban hành quyết định số 1155 cho phép CNC thí điểm xây dựng các cổng game. “Khi ký quyết định này, tôi đã đưa con ong vào trong tay áo, không phải là một con ong mà là cả một bầy ong, một tổ ong” – ông Vĩnh nói.
Bị cáo Vĩnh tiếp: “Ở chỗ này, tôi đã xác định mình làm trái công vụ, vượt quá quyền hạn. Đây là lỗi hết sức nghiêm trọng dẫn đến Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương thực hiện được hành vi của mình gây hậu quả vụ án hết sức nghiêm trọng… thực sự là hết sức đau xót”. Đáng chú ý, ông Vĩnh đề nghị các luật sư của mình dừng tranh luận, đối đáp với kiểm sát viên.
“Não nhỏ, tham vọng to”
Video đang HOT
Đây là khẳng định của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khi bị kiểm sát viên xét hỏi bổ sung về động cơ phạm tội. Trước đó, các luật sư của ông Hóa đề nghị trả lại vợ ông 100 triệu đồng tiền nộp khắc phục hậu quả thừa. Cụ thể, cáo trạng xác định Cty CNC đã đưa cho C50 khoảng 700 triệu đồng tiêu Tết. Vụ án bị phát hiện, vợ bị cáo Hóa đã bỏ tiền túi ra nộp lại khoản này. Tuy nhiên, bị cáo Lưu Thị Hồng – TGĐ CNC khai chỉ đưa C50 đúng 600 triệu đồng tiêu Tết nên luật sư cho rằng cần phải trả lại cho vợ bị cáo Hóa 100 triệu đồng.
Được xét hỏi, ông Nguyễn Thanh Hóa cho biết, khi CNC chủ động đưa tiền, ủng hộ cán bộ, chiến sĩ của C50 trong dịp Tết, bị cáo đã chia đều cho mọi người trong Cục và hoàn toàn không vụ lợi cho cá nhân. Về lý do nhận tiền, cựu Thiếu tướng cho rằng trong điều kiện khó khăn, cần làm mọi việc để khắc phục nhằm đạt mục tiêu phòng chống tội phạm. “Thời chiến gọi là lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, thời bình ta gọi lấy mỡ nó rán nó” – bị cáo Hóa nói. Chủ tọa hỏi, C50 có nhận tiền ủng hộ từ các doanh nghiệp khác? Bị cáo Hóa cho biết, việc này do một cục phó phụ trách nhưng có lẽ C50 cũng nhận.
Ông Nguyễn Thanh Hóa cũng thành khẩn xin nhận tội, cho rằng khi được lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ phát triển lực lượng C50, ông hiểu được đây là lực lượng mới, bản thân lại không am hiểu gì về công nghệ nên đã hết sức cố gắng vì tham vọng có một lực lượng mạnh, có thể đương đầu với các loại tội phạm mạng. “Thưa HĐXX, VKSND, tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn, nên tạo ra một tham vọng trên nền tảng nhận thức bé nhỏ dẫn đến những vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng liên lụy rất nhiều người, làm ảnh hưởng đến thanh danh của ngành… Tôi thành thật xin lỗi” – bị cáo Hóa nói.
Sẽ tiếp tục làm rõ dấu hiệu nhận hối lộ của 2 tướng công an
Theo kiểm sát viên, các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa đã giúp sức bị cáo Nguyễn Văn Dương vận hành hệ thống đánh bạc trong thời gian dài, làm cho đường dây cờ bạc “vươn vòi bạch tuộc” ra khắp các tỉnh thành. Cơ quan chức năng chưa làm rõ được hành vi hưởng lợi cá nhân của 2 cựu tướng nên sẽ tiếp tục điều tra, xử lý sau.”Trong vụ án, có dấu hiệu của tội nhận hối lộ nhưng giờ chúng tôi chưa chứng minh được, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ trong giai đoạn sau” – kiểm sát viên nói.
Trước đó, Nguyễn Văn Dương khai khi mới tổ chức đánh bạc đã cho bị cáo Vĩnh 2 tỷ đồng/tháng; giai đoạn sau khi doanh thu đánh bạc tăng đã nâng tiền biếu lên 200.000USD/tháng. Ngoài ra, Dương biếu bị cáo Vĩnh hàng chục nghìn USD mỗi dịp Tết, cho 1 đồng hồ Rolex giá 7.000 USD… Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cũng được Dương cho 22 tỷ đồng; C50 nhận 850 triệu đồng và 1 phần mềm diệt virut giá 30.000 USD…
Chiều 23/11, chủ tọa thông báo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đã nộp đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe và hiện đang phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch CNC cũng xin vào phòng y tế vì sức khỏe yếu, sẽ có mặt trong phần nói lời sau cùng. Bị cáo Đỗ Bích Thủy – chị họ bị cáo Phan Sào Nam (GĐ Cty VTC online) cũng xin đi cấp cứu. Quá trình xét xử, chủ tọa cũng đồng ý yêu cầu của luật sư về việc cho bị cáo Phan Văn Vĩnh vào phòng y tế, chăm sóc sức khỏe.
TÙNG DUY – XUÂN ÂN
Theo TPO
Nguyễn Thanh Hóa khai C50 hợp tác với CNC như kiểu đi "dạm ngõ"
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết, việc ký bản ghi nhớ hợp tác với CNC theo kiểu như đi "dạm ngõ", không phải như cô dâu đã đồng ý lấy chồng, "khi nào chúng tôi có điều kiện thì hợp tác, không có điều kiện thì chúng ta ghi nhớ lại".
Sáng 20.11, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Sau phần tiếp tục xét hỏi bị cáo Phan Văn Vĩnh, HĐXX đã hỏi đến bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết: "Năm 2011, tôi gặp bị cáo Nguyễn Văn Dương, đi lễ hội ở Nam Đinh, do xe tôi đậu sai lỗi, mọi người bảo anh Dương rất thân với Giám đốc công an tỉnh Nam Định, có thể xin được. Nếu không có anh Dương thì tôi đã phải mất thời gian lâu mới về được", ông Hóa khai.
Ông Nguyễn Thanh Hóa tại tòa. Ảnh: Phan Anh
Theo bị cáo, Nguyễn Huy Lục và Hoàng Xuân Phóng trước đây cùng đơn vị công tác phòng chống tội phạm về tham nhũng.
"Khi tôi được bổ nhiệm làm Cục trưởng C50 thì 2 anh ấy tình nguyện đi theo tôi. Chúng tôi không mâu thuẫn gì với anh Dương và anh Vĩnh", bị cáo Hóa nói. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết năm 2009 bị cáo được bổ nhiệm Cục trưởng C50.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ai là người đề xuất thành lập CNC, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết sau khi về Cục C50, nhân sự khi đó chỉ có hơn 30 người. Đến 2011, vì chức năng nhiệm vụ là đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao khi đó cũng rất khó khăn, chưa có thiết bị, công nghệ... nên chưa thể thành lập được theo điều thứ 9 là công ty bình phong.
Bị cáo Hóa khai rằng lúc đó cố thứ trưởng Phạm Quý Ngọ gọi lên và yêu cầu cho một người cháu của ông Ngọ vào làm, ông Hóa đã nhận và hiện người này vẫn làm ở đó. Tuy nhiên do người này "không thể làm thử nghiệm được" nên bị cáo Hóa đã được ông Ngọ giới thiệu Nguyễn Văn Dương.
"Tôi gặp anh Ngọ, anh Dương ở 42 Hàng Bài. Anh Ngọ giới thiệu về anh Dương, người rất yêu công nghệ và phối hợp làm công ty bình phong", bị cáo Hóa khai.
Đối với tôi, trước đó tôi không biết là Cục có Công ty bình phong, trong khi các cục khác có. "Tôi giao Trưởng phòng tham mưu tìm hiểu tất cả các quy định, sau một thời gian anh này báo cáo tôi là Bộ không có một quy định cụ thể như nào về công ty bình phong".
Bị cáo Hóa cho biết, sau đó Phòng tham mưu cho biết có 3 loại hình: một là bỏ tiền ra thành lập công ty, hai là liên doanh, ba là có thể dùng lợi thế, sản phẩm, trí tuệ của mình để làm.
"Tôi hỏi sản phẩm, trí tuệ là gì, Phòng tham mưu cho biết có thể đưa ra loại hình chống vi rút, bảo mật để làm công ty bình phong", bị cáo Hóa nói.
Theo phòng tham mưu, trước hết là phải trình công ty bình phong, sau đó là báo cáo mô hình thành lập. "Nhưng Cục nghèo như này, chỉ có thể đóng góp bằng trí tuệ. Sau đó, tôi làm báo cáo lên cho anh Nguyễn Chiến Lược, Tổng cục phó. Nhưng sau đó tôi thấy là không được, vì không có đội ngũ về kỹ thuật. Chủ yếu là cảnh sát điều tra phòng chống tham nhũng và kinh tế", bị cáo Hóa khai.
Bị cáo Hóa cũng cho biết, sau đó đã quyết định báo cáo anh Vĩnh và anh Ngọ để thực hiện.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ai ký đề xuất tờ trình thành lập CNC, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nói "tờ trình xin thành lập công ty bình phong là do tôi ký".
Trả lời tiếp câu hỏi của vị chủ tọa rằng có ký văn bản thỏa thuận với đại diện CNC là Nguyễn Văn Dương không, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai: "Sau khi được phê duyệt, tôi với phòng tham mưu bàn bạc, nếu thành lập CNC thì không thể có vốn ngay. Sau đó, bị cáo Hóa thừa nhận đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh, tuy nhiên không ký một bản cam kết hay thỏa thuận nào".
"Phòng tham mưu của tôi bảo ký biên bản ghi nhớ kiểu như đi "dạm ngõ", không phải như cô dâu đã đồng ý lấy chồng, khi nào chúng tôi có điều kiện thì thực hiện, không có điều kiện thì chúng ta ghi nhớ lại", bị cáo trình bày tiếp.
Bị cáo Hóa cũng thừa nhận, ký ghi nhớ đóng góp 20% và cử cán bộ tham gia. Bản ghi nhớ là sau khi có tờ trình gửi ông Nguyễn Tiến Lực, ngày 10.10.2011 và ông Hóa cũng khẳng định, việc ký ghi nhớ thực chất mới chỉ như "dạm ngõ" chứ sau đó không hề thực hiện và không có bất cứ liên quan hay chỉ đạo gì CNC.
Theo Danviet
Ông Hóa nhận sai, phủ nhận việc treo biển tên tại công ty CNC Ông Nguyễn Thanh Hóa nói: Đó là căn hộ nhỏ, không có lý do gì để ra đó làm việc và treo biển tên để giải quyết khâu oai. Việc treo biển tên bị cáo hoàn toàn không biết. Bị cáo Nguyễn Văn Dương và Nguyễn Thanh Hóa đối chất tại tòa Tôi đã làm sai! .Quá trình C50 ký bản ghi nhớ...