Bị cáo Phạm Công Danh: “Tôi bị ép phải tăng vốn điều lệ”
Bị cáo Phạm Công Danh cho rằng vào thời điểm tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín, bị cáo chịu nhiều áp lực lớn khi vừa phải đảm bảo thanh khoản ngân hàng, vừa bị buộc phải tăng vốn điều lệ. Dù bị cáo đã xin chia nhỏ số tiền tăng vốn điều lệ ra nhiều giai đoạn, nhưng vẫn không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận.
Ngày 12.1, phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục phần xét hỏi.
Mở đầu phiên tòa, đại diện VKS thông tin lại đề nghị liên quan đến số tiền 6.126 tỷ đồng. VKS cho rằng giám định thiệt hại thuộc về Ngân hàng VNCB nên trong quá trình điều tra, Viện KSND Tối cao đã có yêu cầu về việc thu hồi số tiền hơn 6.126 tỷ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả, nhưng cơ quan điều tra chưa thực hiện. Do đó, VKS đề nghị HĐXX và đại diện VKS tiếp tục điều tra công khai tại phiên tòa để xác định các khoản tiền phải thu hồi do hành vi làm trái của các bị can và người có liên quan gây ra, cùng trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Phạm Công Danh.
Trong phần xét hỏi sáng 12.1, HĐXX tập trung làm rõ các thông tin liên quan đến hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm dùng 12 công ty tạo những hồ sơ vay giả tạo vay 4.700 tỷ đồng từ BIDV.
Như Dân Việt đã thông tin, trong giai đoạn 2 của vụ án, Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã thực hiện các hành vi gây thất thoát của VNCB hơn 6.000 tỷ đồng. Riêng hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty của mình vay vốn, Phạm Công Danh đã gây thiệt hại cho VNCB trên 2.550 tỷ đồng.
Video đang HOT
Trong phần xét hỏi, bị cáo Mai Hữu Khương (cựu Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) xác nhận việc dùng số tiền vay 4.700 tỷ từ BIDV là để tăng vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín (sau là VNCB). Bị cáo này thừa nhận là đại diện cho 12 công ty lên BIDV vay vốn. Sau khi vay, số tiền được chuyển về 4 công ty đầu ra trong phương án vay vốn, tức 12 công ty phải trả tiền cho 4 công ty vật liệu xây dựng, sau đó chuyển tiền về Agribank Tân Phú để phục vụ tăng vốn điều lệ của VNCB, theo chỉ đạo của Phạm Công Danh.
Trong phần trả lời, bị cáo Phạm Công Danh thừa nhận lời khai của Mai Hữu Khương là đúng, nhưng xin trình bày thêm về bối cảnh xảy ra vụ việc. Dù nhiều lần bị HĐXX nhắc nhở, yêu cầu dừng lại nhưng bị cáo Danh vẫn cố gắng xin trình bày, bị cáo cho rằng thời điểm đó bị cáo chịu áp lực rất lớn, đó là lo ngân hàng mất thanh khoản, đặc biệt chịu áp lực phải tăng vốn điều lệ theo quy định của NHNN. “Tôi bị ép phải tăng vốn điều lệ…” – bị cáo nói trước tòa.
Theo trình bày của bị cáo Danh, trong một cuộc họp với đại diện NHNN tại Long An, ông đã trình bày những khó khăn của ngân hàng nên việc đảm bảo số tiền 40 ngàn tỷ để tái cơ cấu ngân hàng rất khó khăn. Bị cáo cho biết đã xin NHNN tăng vốn điều lệ theo từng giai đoạn, mỗi lần từ 500 – 1.000 tỷ nhưng NHNN không cho, đồng thời yêu cầu phải tăng vốn. Do đó, bị cáo này cho rằng bị ép phải tìm mọi cách tăng vốn điều lệ ngân hàng từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng.
HĐXX yêu cầu bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) xác nhận có hay không việc bị cáo Danh cho rằng bị ép phải tăng vốn điều lệ? Bị cáo Mai cho rằng cách nói khác nhau, nhưng hiểu đại khái là như vậy. Bởi trong cuộc họp với NHNN tại Long An, bị cáo Phạm Công Danh xin đại diện NHNN cho chia nhỏ khoản tiền tăng vốn điều lệ và thực hiện làm nhiều giai đoạn, nhưng NHNN vẫn yêu cầu thực hiện theo phương án tái cơ cấu, buộc phải tăng vốn điều lệ.
Trước đó, cũng trong sáng 12.1, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết có nắm 2 giấy thay đổi đăng ký kinh doanh của VNCB. Năm 2013 VNCB có đăng ký để thay đổi vốn, Sở đã nhận hồ sơ và thực hiện thay đổi theo vốn điều lệ 7.500 tỷ, nhưng sau đó NHNN đề nghị sửa đổi giấy phép tăng vốn của VNCB để giảm vốn trở lại do chưa đủ điều kiện. Sau khi xem xét công văn của NHNN thì Sở đã thu hồi giấy đăng ký kinh doanh vừa cấp lại.
Tuy nhiên khi HĐXX hỏi “NHNN đã bao giờ cho phép VNCB tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng đâu?”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An cho biết Sở đã thực hiện theo NHNN vì NHNN có văn bản cho biết đang xem xét lại việc tăng vốn của VNCB và đề nghị thu hồi đăng ký kinh doanh vốn 7.500 tỷ. Vị đại diện Sở này cũng cho biết, do mảng ngân hàng là mảng chuyên ngành nên Sở Kế hoạch và Đầu tư bị sơ sót trong việc cấp thay đổi đăng ký kinh doanh.
Theo Danviet
Xử vụ Phạm Công Danh:Vì sao NHNN 2 lần từ chối giám định thiệt hại?
Liên quan đến hành vi gây thiệt hại của Phạm Công Danh cùng đồng phạm, các luật sư đã đưa ra thắc mắc với đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc vì sao 2 lần bộ phận giám định từ chối giám định thiệt hại?
Chiều 11.1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi, trong đó tập trung đến hành vi bị cáo này cùng đồng phạm cố ý làm trái trong việc gửi tiền sang Ngân hàng Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) trên 1.835 tỷ đồng; ủy thác đầu tư Quỹ Lộc Việt gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng.
Tại tòa, luật sư đã đề cập đến con số thiệt hại tại Ngân hàng VNCB (nay là Ngân hàng Xây dựng - CB) do 2 hành vi của các bị cáo gây ra. Tuy nhiên trong phần này, đại diện Ngân hàng CB đã từ chối trả lời con số thiệt hại cụ thể, thay vào đó khẳng định rằng các con số thiệt hại đã được nêu trong cáo trạng nên đại diện CB không nói gì thêm.
"Ông có ý kiến ra sao về khoản tiền 1.800 tỷ đồng bị cho là CB thiệt hại?", luật sư hỏi tiếp. Đại diện Ngân hàng CB cho biết, khi tòa xử thì sẽ có kết luận cuối cùng và bồi thường. Đến phần tranh tụng, Ngân hàng CB mới nêu ra các con số thiệt hại cụ thể. Câu trả lời này không làm luật sư hài lòng, vị luật sư này cho rằng Ngân hàng CB là bên bị cho là thiệt hại thì đáng lẽ CB phải biết là thiệt hại bao nhiêu tiền, không nhất thiết sử dụng tài liệu của cơ quan thứ ba.
Các bị cáo được áp giải đến tòa.
Trong khi đó, một luật sư khác cũng đề cập vấn đề thiệt hại với bộ phận giám định Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Luật sư thắc mắc với đại diện NHNN về việc giám định NHNN hai lần từ chối giám định thiệt hại dựa trên hai văn bản số 3912 và 7405 và được trả lời tổ giám định thời điểm đó không có chức năng giám định. Nhưng việc giám định dựa theo văn bản quy phạm nào thì đại diện cơ quan này chưa trả lời được.
Luật sư thông tin thêm phải đến đến lần thứ 3, bộ phận giám định NHNN mới thực hiện việc giám định, và nêu câu hỏi vì sao? Đại diện cơ quan giám định NHNN cho rằng, lần thứ 3 khi thấy đủ điều kiện cơ quan giám định mới tiến hành giám định. Điều này thực hiện theo Thông tư số 44 của NHNN. Luật sư cũng đưa ra một số câu hỏi, nhưng đại diện cơ quan giám định NHNN chưa trả lời.
Sau phần xét hỏi của các luật sư liên quan đến 2 hành vi cố ý làm trái nêu trên, đại diện VKS tiến hành xét hỏi liên quan đến đường đi của dòng tiền 1.800 tỷ mà Phạm Công Danh cùng các đồng phạm vay của Sacombank và gây thiệt hại cho VNCB. VKS xác định dòng tiền vay từ Sacombank được Phạm Công Danh dùng để trả nợ cho BIDV, đây là nguồn tiền bất hợp pháp, đồng thời đặt nhiều câu hỏi cho đại diện BIDV.
Trong phần trả lời, đại diện BIDV cho biết lâu quá không nhớ cụ thể, ngân hàng này cũng không biết dòng tiền này có nguồn gốc từ đâu, thay vào đó tiền về tài khoản doanh nghiệp đang mở tại ngân hàng thì ngân hàng trích nợ để thu hồi nợ. Trước câu trả lời từ đại diện BIDV, đại diện VKS đề nghị những người đã có giấy triệu tập có mặt tại tòa để làm rõ về dòng tiền 1.800 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên tòa buổi sáng, luật sư cũng đề cập các câu hỏi liên quan đến bộ phận giám định của NHNN. Khi đề cập đến việc 3 ngân hàng (BIDV, TPBank, Sacombank) cho VNCB vay có biết ngân hàng này đang bị kiểm soát hay không thì được trả lời rằng, đoàn giám định xác nhận là VNCB chỉ mới ở tình trạng bị giám sát tại tổ giám sát. Trách nhiệm của tổ giám sát là cho ý kiến đối với các khoản cho vay, thay đổi tài sản, khoản thay đổi số dư tiền gửi từ 5 tỷ trở lên. Tức khoản tiền gửi này của VNCB thuộc hạng mục phải xin ý kiến ban giám sát.
Theo hồ sơ, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại các ngân hàng: Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó, bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.129 tỷ đồng.Các công ty làm hồ sơ vay khống không thực hiện kinh doanh theo phương án cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Còn VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được số tiền bảo lãnh từ các công ty. Từ đó, dẫn đến thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng.
Theo Danviet
VKS kiến nghị thu hồi 1.700 tỷ ông Phạm Công Danh đã trả nợ BIDV Đại diện VKS cho biết đã chứng minh được đường đi của 1.800 tỷ đồng - ông Phạm Công Danh rút của VNCB trả nợ cho BIDV gần 1.700 tỷ, nên sẽ xem xét thu hồi Chiều 11.1, phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Phó chủ tịch HĐQT...