Bị cáo Nguyễn Văn Dương thừa nhận thành lập Công ty bình phong của C50
Ngày 19.11, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Sau phần xét hỏi đẫm nước mắt của bị cáo Phan Thu Hương, phần được nhiều người quan tâm là bị cáo Nguyễn Văn Dương.
Khi nghe HĐXX hỏi về mối quan hệ của Dương với Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương khai đã quen Phan Sào Nam từ 2015 do anh Nam chủ động liên hệ. Khi được hỏi về lời khai của Nam, Dương thừa nhận các lời khai đó là chính xác và không bổ sung gì thêm.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương tại tòa.
HĐXX đặt câu hỏi “Ai là người giới thiệu cho bị cáo biết C50 để thành lập CNC?”, bị cáo Dương trả lời: Thời điểm đó tôi đang làm doanh nghiệp, trong một số lần trao đổi, anh Nguyễn Thanh Hóa có nói với tôi C50 thành lập công ty về công nghệ cao. Lúc đó tôi đồng ý và anh Hóa giới thiệu tôi thành lập công ty bình phong. Mục đích là để thực hiện hoạt động kinh tế nghiệp vụ, phục vụ cho cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.
HĐXX tiếp tục hỏi về hợp đồng hợp tác giữa CNC với C50, bị cáo Dương cho biết: Vì thời gian cũng lâu, tôi không nhớ hết, một số nội dung chính là hợp đồng kinh tế thông thường phục vụ hoạt động kinh doanh; thứ 2 là hoạt động trinh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. Người đại diện cho C50 ký là ông Nguyễn Thanh Hóa.
Khi được hỏi về mối quan hệ với ông Nguyễn Thanh Hóa có gì mâu thuẫn không(?), Dương cho biết không có mâu thuẫn.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương cho biết thêm, theo đề án thành lập, C50 có góp 20% vốn, có tham gia về con người.
“Trên thực tế C50 có đóng góp không?”, HĐXX hỏi. “Sau khi ký hợp tác, Nguyễn Thanh Hóa có góp vốn nhưng không đảm bảo theo thỏa thuận trong hợp tác. Còn phía CNC nỗ lực tham gia hợp tác hoạt động, xem xét tìm hiểu loại hình tội phạm công nghệ cao. Thực tế cho thấy, có rất nhiều báo cáo trong hồ sơ vụ án về phạm tội công nghệ cao”, Dương trả lời.
HĐXX hỏi tiếp: Phía Bộ Công an ai là người có chức năng giám sát công ty của bị cáo? – “Giám sát thời điểm đó với công ty tôi là anh Nguyễn Thanh Hóa”, Dương cho biết. Hàng tháng, quý, năm tôi đều báo cáo với anh Hóa. Phía C50 cũng có xuống kiểm tra hoạt động của công ty.
Về trụ sở công ty thành lập ở đâu? Bị cáo Nguyễn Văn Dương cho biết: Thời điểm lúc đầu thuê ở ngoài, sau đó thì ở ngay số 10 Hồ Giám,quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tôi được biết nơi đó là của Bộ Công an, sau đó bàn giao cho Tổng cục Cảnh sát. Người cho thuê là anh Dũng, Cục phó Cục Chính trị hậu cần.
Video đang HOT
HĐXX hỏi tiếp: Bị cáo có báo cáo với bị cáo Hóa không? – “Tôi thấy việc thuê nhà khi đó không có khó khăn gì, khi đó căn nhà này bỏ không lại không có người bảo quản, tôi cũng có báo cáo anh Hóa.
HĐXX: Công ty của bị cáo có treo biển tên của bị cáo Hóa không?
Nguyễn Văn Dương: Tôi nhớ lúc đầu anh Hóa có đề nghị Cục Chính trị hậu cần có bố trí phòng làm việc của C50, ban đầu là có, sau thì không sử dụng.
HĐXX: Biển treo tên của bị cáo Hóa treo ở đâu?
Nguyễn Văn Dương: Một phòng làm việc ở tầng 2, thời gian ngắn khoảng 1 tháng, sau đó không sử dụng nên thôi.
HĐXX hỏi về nội dung trong bản cáo trạng, hành vi của bị cáo như thế có đúng không? Bị cáo Dương cho biết: Tôi tôn trọng cáo trạng Viện Kiểm sát đã công bố. Hành vi của tôi mong hội đồng xét xử xem xét yếu tố chủ quan.
HĐXX liền nhắc nhở bị cáo: HĐXX vừa hỏi như thế có đúng không, nếu không đúng là ở nôi dung gì, không yêu cầu bị cáo phải tôn trọng, bị cáo Dương liền trả lời: Tôi xin xác nhận đúng.
Theo Danviet
Phan Sào Nam: Gửi tiết kiệm mỗi ngày cũng kiếm được 200 triệu đồng tiền lãi
Đầu giờ phiên xét xử sáng 19/11, HĐXX phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ tiếp tục phần xét hỏi đối với bị cáo Phan Sào Nam - cựu Chủ tịch VTC Online.
Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương công bố nội dung lá đơn được Phan Sào Nam gửi đến TAND tỉnh Phú Thọ trước ngày xét xử.
Theo đó, Nam cho biết với số tiền kiếm được từ việc tổ chức đánh bạc, nếu gửi ngân hàng, mỗi ngày "ông trùm" này có thể kiếm được 200 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, do nhận thức được sai phạm của mình, bị cáo đã hợp tác với Cơ quan An ninh điều tra để khắc phục hậu quả. Kết quả là, Nam và gia đình đã nộp lại 1.337 tỷ đồng trong tổng số 1.475 tỷ đồng có được từ việc tổ chức đánh bạc.
Tại tòa, Phan Sào Nam cho biết bản thân cũng không thể ngờ việc tổ chức đánh bạc lại có thể mang lại nhiều tiền đến như vậy. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch VTC Online cũng khẳng định trước HĐXX rằng bản thân có nhiều đóng góp cho lĩnh vực internet và công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Đáp lại, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương cho rằng những việc làm của Nam và đồng phạm đã đem lại những hệ lụy rất xấu cho xã hội.
Cũng tại phiên tòa sáng nay, mẹ của Phan Sào Nam đã đề nghị được trả lại chiếc điện thoại di động mà cơ quan ANĐT đã thu giữ của Nam, vì đây là điện thoại do bà cho Nam mượn. Mẹ của Nam khẳng định đến giờ phút này vẫn tin tưởng con trai mình là một đứa con ngoan. Người phụ nữ này bày tỏ mong muốn con sớm trở về với xã hội.
Phan Sào Nam ngoái nhìn mẹ đẻ.
Phan Thu Hương: Luôn tin Phan Sào Nam là công dân tốt
Sau khi kết thúc xét hỏi đối với bị cáo Phan Sào Nam, HĐXX tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Phan Thu Hương (dì ruột của bị cáo Phan Sào Nam).
Do bố mẹ ly hôn nên Phan Sào Nam ở với dì từ nhỏ và gọi nhau là mẹ-con. Bị cáo Phan Thu Hương cho biết tình cảm giữa bị cáo với Phan Sào Nam không khác gì tình mẫu tử. Thực chất việc giúp Nam cất giữ tiền và đầu tư sinh lời vì tin tưởng Nam.
"Bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của người mẹ, người dì ruột đối với Phan Sào Nam. Đến giờ phút này, bị cáo đã khắc phục hoàn toàn số tiền mà cơ quan điều tra thông báo cho bị cáo biết là hơn 236 tỷ đồng", Phan Thu Hương khóc nức nở.
Bị cáo Phan Thu Hương, dì ruột của Phan Sào Nam.
Trước khi bị khởi tố, bà Phan Thu Hương là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ có hàng trăm lao động. Bị cáo cho biết hoàn toàn tin tưởng cháu ruột nên không nghĩ rằng tiền do Nam gửi nhờ giữ hộ là do phạm tội mà có.
Với Phan Sào Nam, bà Hương tiếp tục nghẹn ngào xin HĐXX cho bản thân được nói đôi lời: "Nam con, mẹ và gia đình luôn tin tưởng con là người con hiếu thảo với gia đình và người công dân tốt của xã hội. Suốt thời gian qua, con xa gia đình, mẹ và gia đình chưa có điều kiện để nhắc nhở con, nhưng tại đây mẹ và gia đình thấy con là người dám làm dám chịu. Mẹ tin với sự công minh của luật pháp và sự nhân đạo của HĐXX, con sẽ sớm được trở về với gia đình và xã hội. Mẹ chúc con vững vàng, thành khẩn và cải tạo tốt. Mẹ không bao giờ trách con".
Bị cáo Phan Thu Hương vẫn thể hiện sự hết mực tin tưởng, yêu thương đối với Phan Sào Nam.
Theo cáo trạng, tổng cộng Phan Sào Nam chỉ đạo nhân viên và đối tác chuyển vào tài khoản của Phan Thu Hương số tiền 236,069 tỷ đồng và nhờ bà Hương kinh doanh sinh lời.
Sau khi nhận được số tiền trên, Phan Thu Hương gửi tiết kiệm ngắn hạn, sau đó rút ra mua vàng, đô la Mỹ rồi bán kiếm lời. Đến tháng 11/2016, Phan Thu Hương sử dụng một phần nguồn tiền này và tiền vốn tích cóp được mua 5 căn hộ tại TP.HCM với giá 28,470 tỷ đồng và nhờ Phí Quang Hưng (bạn Nam) đứng tên giấy tờ nhà.
Đến đầu năm 2017, Phan Thu Hương tiếp tục sử dụng số tiền Nam chuyển và tiền của bản thân mua căn nhà số 45 Lê Quý Đôn (thuộc phường 7, quận 3, TP.HCM) với giá 270 tỷ đồng để đầu tư sinh lời.
Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với Phan Thu Hương về tội Rửa tiền.
Tại Cơ quan điều tra, Phan Thu Hương khai nhận bản thân đã có hành vi che giấu cho bị can Phan Sào Nam vì tình cảm dì cháu và đã nuôi Phan Sào Nam từ nhỏ nên không muốn Nam bị vào vòng lao lý. Bà Hương cho rằng bản thân luôn nghĩ đó là số tiền hợp pháp, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết đó là tiền do phạm tội mà có.
Theo infonet
Tiếp tục xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Ông Phan Văn Vĩnh nói gì về những món quà xa xỉ? Liên quan đến những món quà mà Chủ tịch HĐTV công ty CNC hối lộ trong thời gian "bảo kê" cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ, ông Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận được Nguyễn Văn Dương cho 01 chiếc áo sơ mi, 01 lọ thuốc bổ gan; không thừa nhận về việc nhận 27 tỷ đồng, 1.750.000USD và 01 chiếc đồng...