Bị cáo được “phong chức” trước vành móng ngựa
Mặc dù chỉ là một bảo vệ, hoàn toàn không thể lợi dụng “chức vụ quyền hạn” trong hành vi phạm tội của mình, nhưng Trương Trọng Ninh đã được tòa “phong chức” khi kết luận bị cáo “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để chiếm đoạt tài sản.
Cán bộ trạm y tế lãnh án
Theo hồ sơ vụ án, Cơ sở điều trị Methadone Sơn Tây (thuộc trung tâm y tế thị xã Sơn Tây) được thành lập từ cuối năm 2009. Mục đích nhằm triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho các đối tượng nghiện chất ma túy thường trú trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Năm 2013, chương trình mở rộng cho các đối tượng ở địa bàn lân cận vào thị xã Sơn Tây vào điều trị tại cơ sở. Theo quy định, đối tượng nghiện chất ma túy thuộc diện vào điều trị tại cơ sở được uống thuốc miễn phí và không phải nộp bất kì khoản lệ phí nào.
Những người ngoài địa bàn TX Sơn Tây. Muốn được cai nghiện phải tạm trú tại địa bàn và thông qua 2 hội đồng xét duyệt (Hội đồng cấp cơ sở và hội đồng của Thị xã).
Lợi dụng là nhân viên bảo vệ của cơ sở, Trương Trọng Ninh (SN: 1958, trú tại Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã loan tin sai sự thật là người nghiện ma túy nếu xin vào điều trị phải mất tiền chi phí. Sau đó, Ninh đã nhận làm hồ sơ, thủ tục cho 12 đối tượng nghiện ngoài địa bàn Thị xã Sơn Tây vào điều trị tại cơ sở Methadone Sơn Tây để trục lợi.
Bị cáo Ninh trong phiên tòa phúc thẩm.
Số tiền đã trục lợi được, Ninh chia cho Thưng 6 triệu, Thắm 4 triệu và Diệp 3 triệu. Ninh cho anh Cường 2 triệu, Văn Mạnh 3 triệu, anh Giáp 3,5 triệu, Công Mạnh 7 triệu, và Trung 13 triệu. Số tiền còn lại (152 triệu) Ninh chi tiêu cho bản thân. Ngoài ra, Thưng còn trực tiếp chiếm đoạt 4 triệu của anh Hải để làm hồ sơ cho anh Quang vào điều trị tại cơ sở Methadone Sơn Tây.Để thực hiện hành vi phạm tội, Ninh đã nhờ Lê Thị Thắm (SN: 1966, trú tại Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội- là trạm trưởng trạm y tế xã Thanh Mỹ), Đặng Hoàng Diệp (SN:1983, trú tại Xuân Khanh, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội- là cán bộ trung tâm y tế thị xã Sơn Tây ) và Vũ Văn Thưng, giúp sức tích cực cho mình phạm tội.
Tại cấp sơ thẩm, HĐXX TAND thị xã Sơn Tây đưa ra quan điểm, hành vi của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, gây mất lòng tin của nhân dân với cơ sở điều trị Methadone và gây mất trật tự trị an xã hội. Do đó, cần phải xét xử nghiêm minh để cải tạo, giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung.
HĐXX TAND thị xã Sơn Tây tuyên bố các bị cáo Trương Trọng Ninh, Vũ Văn Thưng, Lê Thị Thắm và Đặng Hoàng Diệp phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Xử phạt Ninh 4 năm tù giam, bị cáo Thưng 3 năm tù, Thắm và Diệp cùng 2 năm tù, nhưng cả ba bị cáo này đều được hưởng án treo.
Cho rằng bản án nặng, bị cáo Trương Trọng Ninh làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm TAND TP Hà Nội.
Luật sư “bóc mẽ” những sai phạm TAND cấp sơ thẩm
Luật sư Nguyễn Văn Thắng – Trưởng văn phòng luật sư Hải Chi, đoàn luật sư TP Hà Nội là người bào chữa cho bị cáo Ninh đưa ra quan điểm: Bản án sơ thẩm kết tội Bị cáo Trương Trọng Ninh về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 280 BLHS là không chính xác.
Video đang HOT
Bởi Điều 277- BLHS quy định về chức vụ như sau “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”.
Trong khi đó, “Công vụ” là một hoạt động do công chức nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội.
Theo từ điển bách khoa toàn thư: Mục đích của công vụ là phục vụ nhân dân và xã hội. Nội dung hoạt động công vụ gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời thực hiện chức năng tổ chức phục vụ các nhu cầu chung của xã hội không vì mục đích lợi nhuận. Chủ thể thực thi công vụ là công chức.
Hoạt động công vụ không chỉ thuần tuý mang tính quyền lực nhà nước, mà còn bao gồm cả hoạt động của các tổ chức do nhà nước thành lập (được nhà nước uỷ quyền) để phục vụ các nhu cầu của nhân dân. Các hoạt động này đều do công chức, nhân danh nhà nước tiến hành Nó bao gồm các hoạt động nhân danh quyền lực và các hoạt động của các tổ chức được nhà nước uỷ quyền. Công vụ được tiến hành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của nhà nước và tuân theo pháp luật. Hoạt động công vụ mang tính thường xuyên, chuyên nghiệp.
Giả sử, bị cáo Ninh thực hiện ” công vụ” đi chăng nữa thì ” quyền hạn” của Bị cáo chỉ có thể để thực hiện công vụ của mình là bảo vệ, giữ trật tự nơi cấp phát thuốc cai nghiện làm gì có thẩm quyền quyết định tới việc các người nghiện đủ điều kiện được uống thuốc cai nghiện Methadone? Ở đây chí ít thì cũng phải là trưởng, phó hội đồng xét duyệt của thị xã Sơn Tây.
Với cái gọi là quyền của bị cáo như vậy thì “lạm dụng quyền bảo vệ, giữ trật tự để chiếm đoạt “? Điều này hoàn toàn vô lý và phi thực tế. Có chăng chỉ có thể là gây ảnh hưởng tới người có chức vụ quyền hạn để trục lợi mà thôi.
Luật sư cũng cho rằng trong vụ án này không thấy có ” chiếm đoạt tài sản” của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Vì hành vi chiếm đoạt phải được thể hiện ở những yếu tố sau đây: Tài sản phải thuộc quyền sử hữu của người bị hại. Hành vi chiếm đoạt tài sản phải là hành vi trái ý muốn của người bị hại và là hành vi trái pháp luật. Trong vụ án này người bị hại đưa tiền cho bị cáo tại nơi làm việc của bị cáo ( hay nói cách khác là tự mang tài sản đến đưa cho bị cáo), thậm chí còn có sự thỏa thuận và có yếu tố tự nguyện để được uống thuốc cai nghiện.
Từ chứng minh trên luật sư cho rằng bị cáo Trương Trọng Ninh không phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc cầm tiền của người khác trong trường hợp này có yếu tố “trục lợi”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Thắng đề nghị HĐXX tuyên bị cáo phạm tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.”
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, lời bào chữa của luật sư là có căn cứ, cấp sơ thẩm xử phạt là chưa đúng, chưa phù hợp và không chính xác với quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử Tuyên hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra bổ xung về TA Sơn Tây xem xét lại và yêu cầu Hội đồng thẩm phán xét xử giám đốc thẩm với 3 Bị cáo được hưởng án treo là trái với Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 Hướng dẫn việc thi hành Điều 60 của BLHS về án treo./.
Theo Pháp luật Việt Nam
Trai Hà Nội vướng vòng lao lý bởi trót lao theo tiếng sét ái tình
"Đã có rất nhiều nhà báo tìm đến hỏi chuyện của tôi nhưng tôi ít khi muốn nhắc lại. Đó như một cơn mộng mị dài. Hôm nay, có lẽ vì sắp được về nhà nên tôi cũng không buồn chuyện cũ nữa. Cái gì đã qua thì cho nó qua để còn làm lại cuộc đời".
Bi kịch cuộc tình
Từng có vợ đẹp, con khôn và một mái ấm gia đình hạnh phúc nhưng Trần Tiến Dũng (SN 1974, ngụ tại đường Quang Trung, Thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) đã đánh đổi tất cả để chạy theo mối tính ngang trái với một cô gái khác. Khi bị chính cha nhân tình ngăn cản, Dũng đã bị tình yêu làm mụ mị đầu óc để rồi vào một đêm mưa gió nơi một cánh rừng của tỉnh Tuyên Quang, Dũng đã bước một bước định mệnh của cuộc đời mình...
Trần Tiến Dũng có một vẻ ngoài lãng tử và đẹp trai, nhất là ở đôi mắt đen láy, sâu thăm thẳm khiến phái nữ phải hút hồn mỗi khi đối diện. Gã sinh ra trong một gia đình có tới 8 anh chị em. Cuộc sống khốn khó, bố Dũng nay đây mai đó làm nghề buôn lái trâu bò để kiếm thêm chi phí trang trải nuôi 8 miệng ăn. Học hành chẳng đến nơi đến chốn, Dũng nghỉ học từ khi học lớp 8 rồi cùng bố ngược xuôi nhiều tỉnh thành để học nghề buôn bán. Vốn lanh lợi, lại chịu khó học hỏi nên chỉ sau một thời gian ngắn, bố Dũng để lại cơ ngơi công việc kinh doanh cho cậu con trai mà ông rất mực cưng chiều, kỳ vọng. Dũng lấy vợ khi mới bước sang cái tuổi 20 và vợ Dũng, ai cũng bảo tốt phúc vì lấy được một người đẹp trai lại giỏi kiếm tiền như thế. Một năm sau, Dũng và gia đình đón đứa con đầu lòng trong nỗi vui mừng khôn xiết. Ai nấy đều nghĩ rằng, Dũng sẽ hạnh phúc với những gì mình đang có.
Tháng 1/1998, Dũng có việc lên phường Tân Quang (Thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) thăm nhà bác, tiện thể thăm dò thị trường buôn bán trâu bò ở đây ra sao. Trên chuyến xe ngược lên xứ Tuyên một ngày mùa đông buốt giá, cô gái Nguyễn Thị Hằng (SN 1974, ngụ xã ỷ La, Thị xã Tuyên Quang) như không rời mắt khỏi anh chàng với dáng vẻ thư sinh ngồi đối diện. Thấy cô gái phía bên kia hàng ghế chăm chăm nhìn mình, Dũng cũng để ý rồi cất lời làm quen. Những câu chuyện phiếm ban đầu nhanh chóng chuyển thành những câu chuyện tìm hiểu về nhân thân và hoàn cảnh gia đình.
Thấy Hằng nói chuyện gần nhà mình thường xuyên có các khách miền xuôi lên mua trâu bò, Dũng ngỏ ý muốn được về nhà Hằng chơi và xem thị trường luôn. Cảm mến Dũng vì tài ăn nói, biết Dũng giỏi buôn bán, lại chưa vợ (theo lời Dũng giới thiệu-PV) nên Hằng như mở cờ trong bụng vì gặp ý trung nhân. Về nhà, Hằng giới thiệu Dũng với bố mình là ông Nguyễn Thanh Bảo (58 tuổi). Thấy con gái vốn khó tính trong việc chọn bạn trai nay bỗng nhiên dẫn một thanh niên về nhà khiến ông Bảo rất mừng, đoán con gái bấy lâu giữ kín chuyện tình cảm hóa ra để làm bố mẹ bất ngờ.
Qua nói chuyện thấy Dũng ăn nói lễ độ, lại biết cư xử nên ông Bảo rất quý. Dũng nói rằng mình chưa có vợ, ông Bảo lại càng yên tâm để Dũng tìm hiểu con gái mình. Thời gian dần trôi, tình cảm ngày càng mặn nồng đến nỗi Dũng thường xuyên lên Tuyên Quang thăm và ngủ lại nhà Hằng. Nhiều lần Dũng vắng nhà như vậy khiến người vợ nảy sinh ngờ vực. Nhưng mỗi lần chị tra hỏi chồng đều được nghe những lý do "thị trường đang có nhiều người giành giật, không chăm lo thì không được" nên cô chỉ biết nói lại với bố chồng để cùng thăm dò thực hư. Chung quan điểm với con dâu, bố Dũng lâu nay cũng nhận thấy sự khác thường ở đứa con trai. Qua một số mối quan hệ cũ trong giới làm ăn, ông biết được Dũng có "ý khác" ở Tuyên Quang. Sau nhiều lần gọi riêng Dũng tâm sự cha con, ông khuyên Dũng nên biết suy nghĩ trước sau để tránh làm tan nát hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, Dũng vâng dạ rồi đâu lại vào đấy.
Cuối tháng 3/1998, Dũng nói đi ra Quảng Ninh mua hàng nhưng bố Dũng biết chắc là Dũng đi Tuyên Quang để đến với người tình. Ngày 1/4/1998, bố Dũng cùng con dâu lên tận nhà của chị Hằng để tìm Dũng. Thấy vợ và bố mình lặn lội lên tận Tuyên Quang để gặp mình, Dũng biết mọi chuyện đã vỡ lở. Bản thân chị Hằng cũng vô cùng bất ngờ khi đối diện với người phụ nữ tự giới thiệu mình là vợ Dũng, khiến bao niềm tin chị đặt ở "ý trung nhân" bỗng tan vỡ. Về phía ông Bảo, dù hết sức bất ngờ trước động thái này nhưng ông vẫn giữ bình tĩnh mời bố Dũng vào nhà nói chuyện. Khi hai người cha bắt tay nhau, ông Bảo nói chắc nịch: "Tôi biết sẽ phải làm gì để chúng nó hiểu ra".
Trai Hà Nội vướng vòng lao lý bởi trót lao theo tiếng sét ái tình. (Ảnh minh họa).
Sau đó, thấy Dũng thi thoảng vẫn xuất hiện tại Tuyên Quang, đoán chắc Dũng đến tìm Hằng nên ông Bảo thường mắng chửi Dũng thậm tệ, cấm cửa con gái không cho hai người gặp nhau. Tuy nhiên, Hằng đã yêu Dũng hết lòng. Cô gái này không thể nào ngăn được sức mạnh của con tim nên tìm mọi cách để gặp được người yêu, dù cô biết Dũng đã lừa dối mình. Dũng và Hằng thường hẹn nhau ở nhà bà Đặng Thị Doanh (là mẹ đẻ của chị Hằng nhưng đã ly hôn với ông Bảo) làm chốn hẹn hò tình ái suốt nhiều tháng trời.
Không làm sao giúp chồng tỉnh ngộ để quay lại với cuộc sống vợ chồng trước đây, vợ Dũng đau đớn ôm con vào Nam sống với ông bà ngoại. Biết chuyện, lại được nhiều người khuyên can hết lời, Dũng như chợt hiểu ra lỗi lầm của mình nên vội vàng bắt xe vào tìm vợ con ngay sau đó. Tuy nhiên, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, vào với vợ con được một thời gian, khi vợ đồng ý bồng con quay lại với Dũng thì gã lại tự ý bắt xe ra Bắc một mình. Dũng không thể nào quên được hình bóng của nhân tình, trong đầu Dũng lúc này đã quyết bỏ lại tất cả để chung sống với Hằng.
Sau này khi hối lỗi, Dũng từng tâm sự rằng: "Tôi yêu cô ấy thật lòng và chưa bao giờ thấy hạnh phúc như vậy khi ở bên người người khác. Bản thân tôi cũng đã đầu tư cho cô ấy một khoản tiền lớn, lại xin việc cho Hằng nên tôi không thể nào bỏ rơi cô ấy được". Dũng biết việc ông Bảo thường xuyên đánh đập, quát tháo việc Hằng yêu mình nên đâm ra thù tức, càng nuôi ý chí sẽ chung sống với Hằng như vợ chồng, công khai trước mắt ông Bảo cho bõ tức. Một lần, ông Bảo tìm đến tận nơi chửi mắng thậm tệ hai người, Dũng tức giận nảy sinh ý định sẽ giết ông Bảo để từ nay không còn ai có thể ngăn cản chuyện yêu đương của mình nữa.
Ngày 28/5/1998, Dũng bắt xe từ Thị xã Sơn Tây đi Tuyên Quang. Khi đi, Dũng mang theo một chiếc búa đinh được gói gọn trong một túi ni lông màu trắng bọc giấy trắng phía ngoài cẩn thận. Đến nơi, Dũng gọi điện hẹn gặp Hằng ở một cây xăng gần nhà. Khoảng 20h cùng ngày, Dũng đi xe ôm đến chỗ hẹn gặp Hằng nhưng thấy Hằng chưa đến nên Dũng liền bảo lái xe ôm chở mình về phía nhà ông Bảo. Lúc này, trời bắt đầu nổi cơn mưa.
Đến nơi, thấy nhà ông Bảo vẫn còn sáng đèn, Dũng liền bảo lái xe chờ mình còn Dũng một mình đi thẳng vào nhà. Dũng trèo qua bờ rào, đi một vòng ra phía giếng nước thì vô tình đá phải một chiếc chậu để ở đây gây ra tiếng động, thấy vậy Dũng vội nép vào góc tường chờ đợi. Thấy có tiếng xô chậu loảng xoảng, ông Bảo cầm đèn pin và một đoạn gậy đi ra xem xét. Gần đến sân giếng, thấy có bóng người lay động chỗ bờ tường nên ông Bảo lớn tiếng: "Thằng nào vào nhà tao làm gì giờ này?". Nghe thấy tiếng ông Bảo, Dũng kéo mũ che kín mặt rồi lao vào đẩy ngã ông Bảo xuống. Sau đó, gã dùng chiếc búa đinh mang theo đập liên tiếp vào đầu nạn nhân.
Sự việc chỉ diễn ra trong tích tắc, lại bị những nhát đập chí mạng nên nạn nhân không thể nào hô hoán. Dũng gây án xong chạy vội ra phía xe ôm yêu cầu anh này chở ngược lại bưu điện huyện Yên Sơn. Tại đây, Dũng gọi điện thoại cho Hằng. Trong câu chuyện kéo dài hơn 5 phút, Dũng cho Hằng biết mình đang gọi điện từ Thị xã Sơn Tây. Ngày mai (tức 29/5/1998) Dũng mới có thể lên gặp Hằng và đưa tiền chi tiêu tháng này cho cô được. Cuộc điện thoại đó của Dũng nhằm mục đích tạo bằng chứng ngoại phạm cho mình. Sáng sớm ngày 29/5/1998, Dũng về đến Thị xã Sơn Tây, bỏ lại mũ, áo và đôi giày gây án đêm hôm trước ở nhà một người quen. Sau khi tắm rửa và ăn uống xong, Dũng lại bắt xe đi quay ngược lên Tuyên Quang để kịp hẹn với Hằng, như chưa có chuyện gì xảy ra.
Về phía ông Bảo, sau khi nghe tiếng quát tháo ở nhà ông, hàng xóm vội chạy qua nhà thì thấy ông này nằm gục bên vũng máu nên mọi người vội đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã không qua khỏi. Chiều ngày 29/5/1998, Dũng đến Tuyên Quang nghe tin ông Bảo mất đã mua hoa quả và vào làm lễ phúng viếng, động viên chị Hằng. Trước khi bỏ đi, Dũng còn để lại cho Hằng ít tiền tiêu vặt. Khi y vừa rời Tuyên Quang sang Thái Nguyên thì bị lực lượng Cảnh sát hình sự tỉnh Tuyên Quang bắt giữ.
"Lát cắt" số phận
Về việc bắt giữ Dũng rất nhanh chóng và kịp thời của Công an tỉnh Tuyên Quang có một phần công lớn của quần chúng nhân dân. Trước thông tin có một bóng người áo đen, đội mũ lưỡi trai nhanh chóng rời khỏi hiện trường vụ án đã được các trinh sát hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang đặc biệt lưu ý. Qua xác định các đối tượng tình nghi và các mối quan hệ của ông Bảo, các trinh sát hoàn toàn khẳng định đây là một vụ án giết người vì động cơ khác chứ không phải cướp tài sản.
Kiểm tra hành tung của một số nghi can, các trinh sát đặc biệt lưu ý đến Dũng bởi theo một số nhân chứng, Dũng vừa mới xuất hiện ở Tuyên Quang chiều 28/5 nhưng đầu giờ chiều 29/5 Dũng lại có mặt ở đây khiến các trinh sát không khỏi nghi ngờ. Bám theo hành tung của Dũng, các trinh sát được người lái xe ôm khẳng định đó chính là hành khách mà anh ta chở đến bưu điện huyện Yên Sơn đêm 28/5/1998. Dũng bị bắt nhưng y không nói một lời nào mà chỉ khóc. Có lẽ, những giọt nước mắt đó bắt đầu mở ra một giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời y.
Tại phiên tòa ngày 30/10/1998 của TAND tỉnh Tuyên Quang, chị Hằng gần như suy sụp hoàn toàn khi phải đối diện với Dũng trước tòa. Bị cáo đứng trước vành móng ngựa kia, người đã tay ấp gối kề mà chị đã yêu thương hết lòng lại chính là kẻ đã gây ra cái chết thảm khốc của bố mình. Dù không tin là sự thật, nhưng chính Hằng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng bởi nếu chấm dứt mối tình ngang trái với Dũng, chắc chắn Hằng đã không đối diện với kết cục phũ phàng này. Trong khi đó, bố đẻ Dũng thốt lên não nề: "Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao thằng con tôi vốn hiền lành như cục đất như thế mà lại đi giết người dã man như vậy".
Bào chữa cho hành vi của mình, Dũng khai rằng y chỉ có ý định dọa ông Bảo để nạn nhân trả lại số tiền 9 triệu đồng mà Dũng đã đưa cho trước đó để ông Bảo làm nhà cho Dũng và Hằng ở chung với nhau. Tuy nhiên, có mặt tại phiên tòa, chị Hằng gạt nước mắt phản bác thông tin này. Chị cho biết, Dũng chưa bao giờ đưa tiền cho bố mình cả. Giữa chị và Dũng có chuyện quan hệ tình cảm nhưng việc trang trải, chi tiêu giữa hai người đều bình đẳng. Chị Hằng khẳng định, chị không bao giờ níu kéo Dũng, chính Dũng mới là người tha thiết đến với chị. Trước lời biện hộ của bị cáo, chủ tọa phiên tòa đã chất vấn: "Tại sao bị cáo lại phải bịt mặt để không ai nhận ra? Tại sao bị cáo lại phải dùng búa đinh để dọa và đánh nạn nhân nhiều nhát vào đầu như vậy?". Những câu hỏi liên tiếp như vậy như đập tan những quanh co của Dũng tại phiên tòa, bị cáo chỉ biết cúi đầu im lặng.
Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của Dũng đã được lên kế hoạch từ trước, y đang tâm tước đoạt mạng sống của ông Bảo rồi ngụy tạo bằng chứng ngoại phạm với chính chị Hằng cho thấy ý định của Dũng là có sự sắp đặt tinh vi, nguy hiểm. Dũng thể hiện sự ích kỷ khi muốn sống với chị Hằng mà không bị ai ngăn cản nên đã ra tay cướp đi mạng sống của ông Bảo, vì vậy phải chịu tình tiết tăng nặng "phạm tội có tính chất đê hèn". Tuy nhiên, xét đến nhiều tình tiết giảm nhẹ mà Dũng được hưởng, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Tiến Dũng mức án Chung thân và bồi thường 11,9 triệu đồng cho gia đình ông Bảo.
Ngay sau phiên tòa, mối tình ngang trái giữa Dũng và chị Hằng cũng lập tức đặt dấu chấm hết. Chị Hằng lẳng lặng ra về mà chẳng buồn nói một lời nào với Dũng.
Làm lại cuộc đời
Dũng thụ án Chung thân tại Trại giam Nam Hà (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) nay đã là 15 năm. "ít nói, không mấy khi cười" là nhận xét của cán bộ quản giáo về Dũng khi dẫn chúng tôi đi thăm gặp. Biết mình thuộc diện đặc xá, tha tù trước thời hạn năm 2013, Dũng nói chuyện với chúng tôi cởi mở và thân tình hơn. Dũng tâm sự: "Đã có rất nhiều nhà báo tìm đến hỏi chuyện của tôi nhưng tôi ít khi muốn nhắc lại. Đó như một cơn mộng mị dài. Hôm nay, có lẽ vì sắp được về nhà nên tôi cũng không buồn chuyện cũ nữa. Cái gì đã qua thì cho nó qua để còn làm lại cuộc đời".
Dũng kể, ngày mới vào trại, phạm nhân này đã không ít lần có ý định tự kết liễu vì đau buồn. Chạy theo mối tình với Hằng, Dũng sa ngã đến nỗi bị chính bố đẻ mình hắt hủi. Vợ con nay không còn, bản thân Dũng cũng đánh mất tất cả sau tội lỗi đó. Hỏi Dũng có còn liên lạc với Hằng nữa không? Dũng cười: "Sau phiên tòa đến nay đã 15 năm nhưng chúng tôi bặt vô âm tín. Có lẽ cô ấy đã có cuộc sống riêng của mình và tôi cũng chúc cho cô ấy hạnh phúc sau tất cả những khổ đau mà cô ấy đã phải chịu đựng". Lý giải về mối tình năm nào, Dũng cho hay, anh ta cũng không tài nào hiểu được tại sao yêu Hằng và sẵn sàng làm mọi thứ để được chung sống với cô ta đến vậy. Sau câu chuyện buồn, Dũng mất tất. Anh ta bị chính nhân tình rũ bỏ sau bao ngày tháng mặn nồng, gia đình tan nát.
"Tôi không biết mức án Chung thân thì khi nào mới có thể có cơ hội về nhà. Thế rồi, các cán bộ quản giáo, nhiều anh em phạm nhân có hoàn cảnh tương tự động viên, giúp đỡ tôi, tôi tự nhủ mình sẽ làm được nên cuối cùng đã được "bẻ án" xuống còn mức án có thời hạn. Giờ đây, sắp được về nhà nữa, tôi hình dung được rất nhiều việc mình phải làm", Dũng tâm sự.
Hỏi ý định của Dũng sau khi hoàn lương, Dũng bảo sẽ về tạ lỗi với ông bà tổ tiên và anh em họ hàng. Sau đó Dũng sẽ đi tìm vợ và con, khi Dũng đi trả án, con phạm nhân này mới được 3 tuổi.
"Còn hai bàn tay, còn kinh nghiệm kinh doanh năm nào nay vận dụng với thị trườn, tôi tin mình sẽ làm lại được", Dũng quả quyết với chúng tôi như vậy trước khi ra về. Có lẽ, khi bài báo này lên trang, phạm nhân Trần Tiến Dũng đã không còn khoác lên mình chiếc áo phạm nhân nữa. Chúng tôi và xã hội đều mong những con người như Trần Tiến Dũng sẽ làm lại được như những gì anh ta đã quyết tâm.
THÀNH NAM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Bé gái 12 quyết liệt chống cự thoát khỏi "yêu râu xanh" Bị "yêu râu xanh" dùng vũ lực khống chế để thực hiện thú tính, cô bé 12 tuổi đã giãy giụa, kêu la, dùng tay cào vào cổ, mặt gã này và chạy thoát được ra ngoài... Bị cáo Nguyễn Văn Quân tại phiên xét xử Ngày 18/8, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Văn Quân (25 tuổi, ở huyện Quốc...