Bị cấm học thêm, ‘mẹ hổ’ Trung Quốc đổ xô cho con rèn thể chất
Phụ huynh nước này đăng ký cho con học thể thao không chỉ để tăng cường sức khỏe, mà còn tạo lợi thế trong thị trường lao động và giáo dục cạnh tranh khốc liệt.
Chiến dịch giảm gánh nặng bài tập về nhà và học thêm cho trẻ của Trung Quốc đang dẫn đến sự bùng nổ các câu lạc bộ thể thao và nghệ thuật.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết 33.000 cơ sở nghệ thuật và thể thao được khai trương chỉ trong hơn một tháng, sau khi chính phủ ban hành quy định “giảm kép” hồi cuối tháng 7, cấm dạy thêm cuối tuần và các ngày lễ, đồng thời yêu cầu các trường giảm số lượng bài tập.
Việc chính phủ siết chặt học thêm khiến các bậc cha mẹ phải tìm phương án khác nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho con cái trong thị trường lao động và giáo dục khốc liệt ở nước này.
“Tôi nhận được điện thoại từ phụ huynh hỏi về các khóa học cho trẻ em gần như mỗi ngày”, He Jianwei, chủ câu lạc bộ quyền Anh cùng tên ở phía đông Bắc Kinh, cho biết.
Guoguo (trái) tập đấm bốc cùng huấn luyện viên tại một câu lạc bộ ở phía tây thành phố Bắc Kinh. Ảnh: Fran Wang/ Bloomberg
Vào một chiều chủ nhật đầy gió của tháng 10, những đứa trẻ đeo găng đấm bốc và bảo vệ ống chân đang đổ mồ hôi trong câu lạc bộ. Chúng đấm đá vào các miếng đệm do huấn luyện viên giữ, rít lên tiếng hét để tăng hiệu ứng sau mỗi cú đánh.
Câu lạc bộ này dạy các môn võ cho người lớn như đấu vật, đấm bốc Thái Lan… từ 2013 và bắt đầu cung cấp các lớp học thường xuyên cho trẻ em từ 4 năm trước.
Video đang HOT
Jenny Liu ngồi ở khu đón tiếp, đợi cậu con trai 7 tuổi tên Guoguo kết thúc ca học. “Chính sách giảm kép giúp chúng tôi có thời gian tập thể dục”, bà mẹ 39 tuổi cho biết. Liu cho con trai đi học đấm bốc từ tháng trước, ngay sau khi trung tâm gia sư, nơi cậu bé học Toán, phải đóng cửa. “Guoguo đến đây ba lần một tuần”, Liu cho hay.
Các “mẹ hổ” ( tiger mother – chỉ người mẹnghiêm khắc, khó tính, và kỳ vọng nhiều ở con) của Trung Quốc không đăng ký cho con học thể thao chỉ để chúng có việc để làm. Vai trò của các môn nghệ thuật và thể thao trong các bài kiểm tra ở trường đang tăng lên. Chính phủ đã cam kết tăng dần điểm số của các môn thể thao trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Nhiều khu vực như tỉnh Hải Nam đã liệt kê bơi lội, bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền là những lựa chọn để học sinh lấy thêm tín chỉ.
Nỗ lực kiềm chế tình trạng “dư thừa học vấn” phản ánh sự mất cân bằng trong thị trường lao động của Trung Quốc. Khi các hộ gia đình Trung Quốc trở nên giàu có hơn, các bậc cha mẹ ưu tiên việc đi học hơn là phát triển thể chất, xem những công việc lao động phổ thông là “hình phạt” dành cho người không chăm chỉ hoặc không đủ thông minh. Điều này tạo ra sự bùng nổ các trường cao đẳng và gia sư tư nhân.
Trung Quốc hàng năm có thêm hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và nhiều người không thể tìm được việc làm phù hợp với trình độ. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng vọt lên gần 8 triệu vào năm ngoái, tăng hơn 30% so với một thập kỷ trước, theo tính toán của Bloomberg, sử dụng dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Ngoài ra, những người trẻ tuổi của nước này đang ngày càng béo phì, cận thị và trầm cảm. Dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia cho thấy hơn một nửa số trẻ đi học của Trung Quốc bị cận thị và gần 1/5 em trong độ tuổi 6-17 thừa cân hoặc béo phì.
Chính phủ có kế hoạch thu hút thêm gần 20 triệu người tham gia các bài tập thường xuyên trong vòng 5 năm, đảm bảo mọi quận và cộng đồng đều có thiết bị tập thể dục.
Sự thay đổi này có thể giúp ích cho các lĩnh vực sản xuất và công nghiệp của Trung Quốc nhờ sự chuyển hướng nhiều sinh viên sang đào tạo nghề hơn, bù đắp sự thiếu hụt công nhân nhà máy có tay nghề cao. Các nhà chức trách cho hay số lượng muốn đăng ký vào trường trung cấp nghề gần như tương đương với trường trung học phổ thông bình thường. Hiện nay, khoảng 57% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông.
Cuộc cải cách ngành công nghiệp giáo dục của Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ là về kinh tế. Là người hâm mộ bóng đá, ông muốn thế hệ tiếp theo khai sáng tinh thần và rèn luyện cơ thể dẻo dai.
Với các bậc phụ huynh, những thay đổi này đồng nghĩa với việc tìm sự thay thế cho các khóa học kiến thức mà vẫn tăng cơ hội có công việc tốt cho con cái.
“Tôi e rằng khoảng cách thậm chí có thể rộng hơn khi các gia đình giàu có có khả năng thuê gia sư kèm 1-1″, Liu nói.
Cô hy vọng đấm bốc sẽ giúp cậu con trai Guoguo vốn nhút nhát của mình trở nên mạnh mẽ, khỏe khoắn và hướng ngoại hơn. “Tôi muốn con có thể tự bảo vệ bản thân không bị người khác bắt nạt. Tôi không muốn nó làm việc trong nhà máy vì quá vất vả”, cô nói.
Gia sư bị sa thải hàng loạt vì chính sách siết chặt dạy thêm
Trung Quốc đang áp dụng chính sách 'giảm đồng thời' thời gian dạy và mức trần học phí của lĩnh vực giáo dục tư, khiến hàng chục nghìn gia sư nước này mất việc.
Cuộc họp nội bộ của Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ Phương Đông Mới (New Oriental) hồi giữa tháng 9 đưa ra kế hoạch sa thải hơn 40.000 nhân viên vào cuối năm nay và loại bỏ toàn bộ hoạt động kinh doanh gia sư dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, theo tờ báo tài chính Late Post . Người sáng lập công ty, Yu Minhong, nói rằng việc giảm quy mô hoạt động trực tiếp chủ yếu là do chính sách hạn chế thời gian dạy và học phí do các cơ quan có thẩm quyền đặt ra, với yêu cầu "điều chỉnh khẩn cấp".
Trung Quốc đưa ra chính sách "giảm đồng thời" vào cuối tháng 7 để giảm bớt áp lực học tập cho trẻ em do hoạt động học thêm và đáp ứng nhu cầu của các bậc cha mẹ đang đi làm. Điều này dẫn đến việc học sinh không chỉ tham gia chương trình giáo dục bắt buộc mà còn phải học thêm giờ ở trường; nhưng việc học thêm bên ngoài được giảm đáng kể. Chính sách này đang được các nhà chức tránh Trung Quốc đánh giá là hiệu quả.
Học sinh Trung Quốc trong một buổi lễ ở trường. Ảnh: Reuters
Khi ngành giáo dục bắt đầu thích nghi với tình trạng "bình thường mới" này, một số trung tâm dạy thêm thông báo thu hẹp quy mô hoạt động hoặc cắt giảm nhân sự. Vào đầu tháng 8, công ty internet ByteDance bắt đầu giảm quy mô đối với đơn vị giáo dục của mình, trong khi gã khổng lồ trong ngành giáo dục Juren cho biết sẽ đóng cửa tất cả trung tâm trên toàn quốc do "khó khăn trong hoạt động" vào đầu tháng 9.
Theo báo cáo của Late Post , khoảng 10.000 nhân viên đã rời công ty trong bối cảnh bất ổn tại New Oriental. Công ty đã tuyển dụng khoảng 100.000 nhân viên vào đầu năm 2021, khi lĩnh vực dạy thêm lúc đó vẫn là một ngành kinh doanh béo bở.
Khi được Sixth Tone liên hệ để đưa ra bình luận về việc sa thải hàng loạt, một nhân viên tại chi nhánh Thượng Hải của New Oriental đã không phủ nhận nhưng nói thêm rằng không có thông báo chính thức về vấn đề này.
Hôm 27/9, một trong những địa điểm dạy học của New Oriental bên trong một trung tâm mua sắm ở Khu Mới Phố Đông - trước đây từng quảng cáo dạy thêm trong kỳ nghỉ hè - đã tạm ngừng các lớp học. Thay vào đó, nó cung cấp các lớp học thư pháp và thiết kế robot, cũng như các buổi khám phá đa dạng sinh học hoặc lịch sử của ngành ôtô.
Tại một chi nhánh New Oriental khác, cách trung tâm mua sắm ba km, không gian hai tầng và hàng chục phòng học không có lấy một bóng người vào chủ nhật. "Hiện tại, chúng tôi chỉ có một giáo viên dạy tiếng Trung cho học sinh nhỏ tuổi", một nhân viên cho biết. "Chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào (về việc cắt giảm số lượng) và sẽ tiếp tục làm việc cho đến lúc đó".
Trong khi đó, các phụ huynh và giáo viên ở Thượng Hải cho biết các trung tâm gia sư khác, chẳng hạn như Xueersi, có kế hoạch ngừng các lớp học trực tiếp từ tháng 10, thay vào đó chuyển sang trực tuyến. Một giáo viên nói rằng họ chỉ mở lớp vào các ngày trong tuần, không có học sinh nào đến vào cuối tuần, khiến chi phí thuê mặt bằng cho công ty tăng cao.
Một số ý kiến cho rằng động thái cắt giảm hoặc hủy bỏ các lớp học trực tiếp là do chỉ thị quốc gia mới về học phí, cấm các trung tâm dạy thêm tư nhân tăng giá hơn 10% so với giá quy định của chính phủ. Các trung tâm đó từng tự đặt ra mức học phí riêng, nên sự giới hạn này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Do đó, họ đang tìm kiếm những biện pháp mới để giảm thiểu chi phí.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng về việc các trung tâm gia sư chuyển sang học trực tuyến. Xueersi tính phí 220 nhân dân tệ (35 USD) đối với mỗi lớp học 90 phút, mặc dù nhiều phụ huynh thấy hợp túi tiền, họ vẫn lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con họ về lâu dài.
"Ngồi trước màn hình máy tính quá lâu ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực của con tôi", mẹ của một học sinh lớp hai nói. "Các tương tác và hiệu ứng từ lớp học trực tuyến không giống với các buổi học trực tiếp".
Huang, cha của một học sinh lớp một, cho biết: "Nếu chi phí hoạt động là kết quả của việc định giá theo hướng dẫn của chính phủ, chúng tôi có thể phải trả khoảng 130 nhân dân tệ cho mỗi lớp học. Nhưng tôi muốn trả giá gốc cho các lớp trực tiếp thay vì nhận giảm giá cho các lớp học trực tuyến vì môi trường lớp học và sự tương tác trực tiếp không thể thực hiện qua trực tuyến được".
Chợ đen gia sư ở Trung Quốc Theo SCMP, dù chính phủ Trung Quốc đã áp dụng quy định cấm dạy thêm từ đầu năm, nhiều phụ huynh vẫn lén thuê gia sư riêng vì lo cho điểm số đại học của con. Cuối tháng 9, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã nhắc lại chủ trương cấm dạy thêm ở quy mô nhỏ, được ngụy trang dưới nhiều tên gọi...