Bí ẩn tháp Hòn Chuông
Nhà bố vợ tôi ở sát chân núi Bà. Vì nơi hòn núi cao này có khối đá khổng lồ nhô lên như một cái chuông úp, nhìn từ xa như núm cái chiêng khổng lồ nên người dân địa phương gọi là Hòn Chuông.
Ngọn núi nằm ở phía Tây, thuộc địa phận xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đứng ở nơi đây có thể bao quát được tứ bề, thấy rất rõ đầm Đạm Thủy và cửa Đề Gi ở phía Đông Bắc, quan sát được đầm Thị Nại ở phía Nam và thành cổ Đồ Bàn (Vijaya) ở phía Tây.
Tháp Hòn Chuông có độ cao 800 m so với mặt nước biển. Ảnh: Mỹ Bình
Cha tôi kể rằng, vùng núi Bà xưa còn rất hoang vu, cây cối rậm rạp, chim thú nhiều vô kể, trong đó có những loài quý hiếm như: hổ, tê giác. Dân gian còn truyền tụng về kho báu “vàng Hời” ở núi Bà hay ở Mũi Đá Vang (nơi chân núi Bà choài ra phía biển ở Cát Thành) có hang đá sâu, thắp đuốc đi cả buổi đường không hết, nơi mà người Chăm thường về tìm lại của cải còn cất giấu từ thời ông bà xa xưa…
Ngày nay, cư dân vùng Phù Cát vẫn xem núi Bà là “linh sơn”, nơi chở che, bao bọc cho họ được bình an trong suốt chiều dài lịch sử và hiện đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.
Để lên Hòn Chuông, người ta thường đi ở phía Tây thuộc thôn Chánh Danh (xã Cát Tài) vì chỗ này có đường mòn và độ dốc thấp nên bộ hành dễ hơn là đi từ phía Đông ở Chánh Thắng. Sinh thời, cha tôi chưa một lần lên đến Hòn Chuông. Nhưng ông được nhiều người dân địa phương vốn là tiều phu, người đốt than hay những người đi tìm trầm, lấy mật ong… kể rằng: Họ đã từng leo lên đỉnh Hòn Chuông và phát hiện nơi đây có một tháp Chăm. Tuy tháp chỉ còn lại phế tích với những bức tường gạch bị đổ vung vãi khắp nơi nhưng hình thù của nó thì vẫn còn khá rõ. Cha tôi rất ngạc nhiên và không hiểu tại sao người Chăm có thể cõng gạch lên non, đưa đến ngọn núi đá cao hàng trăm mét để xây tháp.
Video đang HOT
Mặc dù tháp không đồ sộ và được xây dựng kỳ công như các tháp Chăm còn hiện diện ở Bình Định nhưng đây là công trình khá độc lạ. Nó không phải là nơi để thờ phụng các vị thần và cũng không có dụng ý để làm nơi hành hương của các tín đồ. Vậy người Chăm xây dựng công trình tháp trên đỉnh Hòn Chuông với mục đích gì?
Bấy giờ, cha tôi đã đưa ra một vài nhận định về tháp Chăm này và được nhiều người đồng tình. Ông suy luận rằng, khi vương triều Champa dời về kinh đô Đồ Bàn (thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay) thì công tác bố phòng về mặt quân sự được quan tâm đặc biệt nhằm bảo vệ kinh thành, nhất là mặt Biển Đông, trong đó có những quân cảng quan trọng như: Đề Gi, Cửa Thử và Thị Nại.
Để lập chốt quan sát từ xa, họ đã chọn điểm cao nhất trên núi Bà là Hòn Chuông. Từ đây nhìn về hướng trung tâm Đồ Bàn theo đường chim bay khoảng 15 km, nếu đi đường bộ khoảng hơn 25 km. Từ trên đỉnh cao Hòn Chuông (cao hơn 800 m so với mực nước biển), người ta xây một tháp canh bằng gạch vừa làm nơi quan sát, cảnh giới từ xa cho kinh thành, đặc biệt là mặt biển, vừa làm nơi trú ngụ của quân lính. Nếu có đội quân thủy binh của địch xuất hiện, những người lính canh trên tháp có thể phát hiện từ trên biển hàng chục hải lý và kịp thời phát tín hiệu báo động cho kinh thành chuẩn bị ứng phó.
Do vậy, di tích tháp Chăm ở Hòn Chuông hoàn toàn không phải là nơi tín ngưỡng, thờ phụng mà chỉ là vị trí quân sự của các vương triều Chăm lúc bấy giờ. Thời gian xây dựng tháp này có thể vào thế kỷ XI, XII, khi kinh đô Đồ Bàn đã đi vào ổn định.
Năm 2020, đoàn khảo sát của tỉnh Bình Định với sự tham gia của các kiến trúc sư và nhà khảo cổ của TP. Hồ Chí Minh đã có cuộc khảo sát tại Hòn Chuông. Qua đó, đoàn đã có phác thảo ban đầu về ngôi tháp này như sau: “Tháp Hòn Chuông có bình đồ vuông, cạnh dài 8,5 m, cao chừng 7 m; tường tháp xây vát nghiêng vào trong, chân tháp choãi, thân tháp nhỏ dần từ đáy lên đỉnh, không có hệ thống cửa và hoàn toàn không có trang trí hoa văn như các tháp Chăm khác ở Bình Định. Phần mái của tháp bị sụp đổ; mặt phía Tây tháp bị sụp đổ khá nhiều, mặt phía Nam và phía Bắc bị mất một phần lớp gạch bên ngoài, mặt phía Đông còn tương đối nguyên vẹn phần tường, chính giữa là cửa ra vào ngôi tháp” (nguồn Bình Định Online).
Hiện nay, ngành Văn hóa tỉnh Bình Định đang đề xuất trùng tu tháp Hòn Chuông và mở đường vào đến chân tháp nhằm đưa cụm tháp này vào trong nhóm 8 cụm tháp Chăm ở Bình Định để phát triển du lịch. Các nhà nghiên cứu ở địa phương cũng đang tiếp tục tìm thêm tư liệu, nghiên cứu về tháp Chăm ở Hòn Chuông nhưng đến nay nó vẫn được xem là điều bí ẩn.
Phát hiện mới ở tháp Hòn Chuông (Bình Định)
Đầu thế kỷ XX, đặc biệt quan tâm đến các kiến trúc đền tháp Champa, các nhà khoa học người Pháp đã điền dã, thống kê, khảo tả rất chi tiết, công phu về loại hình kiến trúc này, kể cả một số công trình vốn chỉ còn là phế tích, tàn tích.
Nhưng trong toàn bộ các danh mục, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học người Pháp, tuyệt đối không có tháp Hòn Chuông ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát.
Bình Định vốn là kinh đô Vijaya của vương quốc Champa trong vòng 5 thế kỷ (998 - 1471), thế nên không có gì lạ khi di sản văn hóa Champa lại phân bố đậm đặc trên vùng đất này, nhất là các kiến trúc đền tháp. Do chiến tranh liên miên, mãi đến sau năm 1975, các nhà khoa học người Việt mới chính thức tổ chức nghiên cứu một cách bài bản các giá trị, công trình lịch sử, văn hóa Champa.
Tại Bình Định, năm 1986 Bảo tàng tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bảo tàng tỉnh Bình Định) đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức nhiều đợt khảo sát, thống kê, nghiên cứu về các đền tháp và phế tích tháp Champa trên vùng đất này. Dựa trên tài liệu nghiên cứu của các học giả người Pháp và những đợt khảo sát sau này, các nhà khoa học đều nhận định: Bình Định có 7 cụm tháp, đó là: Bình Lâm, Bánh Ít, Cánh Tiên, Thủ Thiện, Phú Lốc, Tháp Đôi, Dương Long.
Đến năm 1993, trong đợt khảo sát, lập hồ sơ di tích Núi Bà - khu căn cứ tiền phương của Tỉnh ủy Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, theo thông tin từ nhiều người dân địa phương, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Định tổ chức khảo sát và phát hiện một kiến trúc hình tháp nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững, người dân địa phương quen gọi là Hòn Chuông (vì hòn đá có hình dáng giống như một cái chuông), thuộc thôn Chánh Danh, xã Cát Tài. Cho đến khi ấy, chưa thấy có tư liệu nào đề cập đến kiến trúc này.
Tháp tọa lạc ở vị trí cao khoảng 800 m so với mực nước biển, không có chỉ dấu về đường dẫn từ chân tảng đá lên tháp. Khảo sát dưới nền đất, vị trí xung quanh chân tảng đá, phát hiện rất nhiều mảnh gạch Chăm, cùng các mảnh ngói mũi lá, mảnh trang trí có hình dáng giống sừng bò - một loại vật liệu kiến trúc đặc trưng được sử dụng trong các đền tháp Champa. Bước đầu xác định, đây là một kiến trúc tháp, lấy tên tảng đá đặt cho tên tháp là tháp Hòn Chuông. Như vậy từ năm 1993, danh mục tháp Champa tại Bình Định nhiều thêm 1, thành 8 cụm cả thảy. Năm 2014, tháp Hòn Chuông được đưa vào hệ thống tra cứu trên website bản đồ khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Năm 2020, với mục đích làm rõ về kiến trúc, vai trò của tháp Hòn Chuông, Bảo tàng tỉnh Bình Định tiến hành điều tra, khảo sát, thăm dò nghiên cứu địa điểm tháp Hòn Chuông. Đi men theo hông sườn núi và lối mòn để lại của những người đốt than, phải mất gần 3 tiếng đồng hồ từ điểm xuất phát là xã Cát Tài, đoàn khảo sát mới đến được chân của tảng đá mà tháp Hòn Chuông tọa lạc. Từ chân tảng đá lên đến tháp khoảng 200 m.
Từ vị trí tháp Hòn Chuông có thể nhìn thấy được cả một vùng rộng lớn, phía Đông là đường biển trải dài từ khu vực đầm Đề Gi đến đầm Thị Nại, phía Bắc và Nam nhìn thấy cả khu vực đồng bằng sông Côn và sông Latinh - hai đồng bằng lớn của Bình Định.
Sử dụng flycamera để quan sát, tháp Hòn Chuông hiện ra với một số chi tiết rất đặc biệt. Nếu các đền tháp Champa khác thường có tường tháp xây thẳng, có hệ thống cửa giả và bộ vòm mái ở cửa chính, trên các tầng tháp có họa tiết trang trí; thì ở tháp Hòn Chuông tường tháp lại được xây vát nghiêng vào trong, chân tháp choãi, thân thóp dần từ đáy lên đỉnh tháp; không có hệ thống cửa giả và hoàn toàn không trang trí hoa văn. Tháp có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 8,5 m, cao chừng 7 m.
Tháp đã bị sụp đổ phần mái, cây cối mọc um tùm bao phủ; mặt phía Tây tháp bị sụp đổ khá nhiều; mặt phía Nam và phía Bắc bị mất một phần lớp gạch bên ngoài; mặt tường còn nguyên vẹn nhất của ngôi tháp là mặt phía Đông; chính giữa là cửa ra vào ngôi tháp. Khảo sát cho thấy lớp gạch ngoài được xây kiểu khớp mí, các lớp gạch trong xây kiểu so le câu móc vào nhau. Đây là kỹ thuật phổ biến trong xây dựng đền tháp của người Champa xưa.
Với những điểm khác biệt của ngôi tháp Hòn Chuông so với các ngôi tháp Champa khác, từ hình dáng đến vị trí xây dựng, có thể tin rằng tháp Hòn Chuông không mang ý nghĩa, chức năng tôn giáo, mà có tính chất như một đài viễn thám, một trạm canh gác quân sự cho kinh đô Vijaya. Và tính đến thời điểm hiện tại, tháp Hòn Chuông cũng là ngôi tháp Champa duy nhất còn tồn tại cho thấy chức năng về quân sự rõ ràng hơn cả. Xem xét về niên đại, căn cứ vào loại hình kiến trúc, vật liệu kiến trúc tìm thấy xung quanh tháp, rất khó xác định niên đại ngôi tháp này. Tuy nhiên, dựa vào những cứ liệu lịch sử, có thể ước đoán tháp Hòn Chuông nằm trong khung niên đại sau thế kỷ XI.
Để góp phần làm giàu thêm di sản văn hóa Champa nói chung, hy vọng tới đây các nhà khoa học, nghiên cứu sẽ đặt tháp Hòn Chuông trong góc quan sát, khảo tả của mình kỹ hơn.
Rừng ma dưới chân Fuji san Chiếc xe nhỏ lầm lụi trong đêm từ Tokyo về Shizuoka. Ngoài trời là âm 4 độ C, tuyết rơi nhẹ phủ trắng con đường trước mặt. Rừng Aokigahara. Người Nhật ăn tết theo dương lịch, tuy nhiên đêm trừ tịch vẫn mang vẻ âm trầm của thời khắc năm cũ. Ngoại trừ Tokyo có pháo hoa đón chào năm mới, còn lại...