Bí ẩn sau những cú sốc ngàn tỷ của Bầu Đức
Chuỗi ngày đen đủi dường như chưa buông tha doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) trong bối cảnh các doanh nghiệp của đại gia này liên tục phải giải quyết các vấn đề liên quan đến việc duy trì vốn cho hoạt động kinh doanh. Sau các cú sốc, nhiều điều bí ẩn đang dần hé lộ.
Đồng loạt báo lỗ
Cả hai doanh nghiệp của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bất ngờ công bố lỗ lớn trong quý cuối cùng của năm 2015. Kết quả này đang dần lý giải những cú sốc gần đây đối với các cổ đông.
Sau nhiều lần bị nhắc nhở, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã công bố báo cáo tài chính với một khoản lỗ lớn lên tới gần 590 tỷ đồng trong quý IV/2015.
Với kết quả này, lợi nhuận cả năm sụt giảm xuống còn chưa tới 680 tỷ đồng, không bằng một nửa so với năm 2014.
Bầu Đức mất 5 ngàn tỷ đồng trong vòng 1 năm qua.
Gần như đồng thời, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico (mã HNG), DN con của HAGL cũng bất ngờ điều chỉnh kết quả kinh doanh quý IV/2015 từ lãi sang lỗ trên 110 tỷ đồng trong sự ngỡ ngàng của nhiều NĐT.
Nếu như HAGL được giải thích lỗ do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng khoảng 2 lần thì HAGL Agrico lỗ đậm do DN phải xóa sổ các khoản đầu tư thiết bị và hạ tầng ngành khoáng sản tại Campuchia do đóng cửa các mỏ và không khai thác. Bên cạnh đó, HAG phải điều chỉnh chi phí bảo trì sân bay Attapeu và trích bổ sung lãi suất 5% của trái phiếu kèm chứng quyền ngành cao su.
Hiện tại cả 2 DN đều do ông Đoàn Nguyên Đức giữ chức chủ tịch.
Video đang HOT
HAGL và HAGL Agrico có doanh thu lớn nhất đến từ các sản phẩm nông nghiệp. Và 2 DN cũng gặp khó khăn chính với lĩnh vực này. Theo báo cáo, HAGL phải kinh doanh cao su dưới giá vốn nên lỗ gộp hàng chục tỷ đồng. Hoạt động chăn nuôi và kinh doanh bò mang lại doanh thu lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận có xu hướng thấp đi, không được như kỳ vọng trước đó.
Một điểm khiến nhiều NĐT lo ngại trong báo cáo tài chính của HAGL và HAGL Agrico là nợ tăng mạnh. Tổng nợ của HAGL đã tăng thêm gần 12 ngàn tỷ đồng lên 32,6 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD) vào cuối 2015.
Trong tổng cộng hơn 48,6 ngàn tỷ đồng giá trị tài sản, HAGL có tới hơn 21 ngàn tỷ đồng đang nằm dưới dạng chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Điều đó có nghĩa là HAG vẫn đang trong quá trình đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh và lợi nhuận cao là điều còn năm trong tương lai.
Gánh nợ tỷ USD
Nợ ngắn hạn của HAGL tính tới cuối 2015 đứng ở mức gần 12,8 ngàn tỷ, trong đó vay ngắn hạn là hơn 8 ngàn tỷ đồng, tương đơn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Nợ dài hạn đạt gần 20 ngàn tỷ, trong đó vay dài hạn lên tới gần 19,1 ngàn tỷ đồng.
Bầu Đức muốn trở thành doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực nuôi bò.
Tổng nợ ở mức cao cùng với nhu cầu về vốn lớn trong khi kinh doanh đang gặp không ít khó khăn do giá cả hàng hóa trên thế giới đồng loạt lao dốc… là các mối lo ngại lớn đối với cổ đông của như các NĐT.
Đây có thể là một trong các lý do khiến cổ phiếu của bầu Đức giảm giá liên tục trong thời gian qua. HAG giảm khoảng 70% trong vòng 1 năm qua, từ mức 22 ngàn đồng/cp xuống còn khoảng 8.000 đồng/cp như hiện nay. HNG cũng giảm ở mức tương tự, từ 35 ngàn đồng/cp khi lên sàn hồi tháng 7/2015 xuống còn khoảng 9.000 đồng/cp.
Giá cổ phiếu xuống khiến bầu Đức mất khoảng 5 ngàn tỷ đồng trong vòng 1 năm qua. Còn các cổ đông tại các DN của bầu Đức mất hàng chục ngàn tỷ.
Gần đây, giới đầu tư xôn xao sau khi Ngân hàng ACB siết nợ, bán giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gai Lai – HAGL Agrico để thu hồi nợ vay.
Vụ việc xảy ra cũng khiến một bí mật hé lộ. Báo cáo giao dịch cho thấy, số lượng cổ phiếu HNG mà HAGL nắm giữ trước khi bị ACB giải chấp bất ngờ biến mất bí ẩn hơn 14 triệu đơn vị. Trong một báo cáo ra cùng ngày với kết quả kinh doanh thua lỗ của cả HAG và HNG, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, Hoàng Anh Gia Lai đã không báo cáo kết quả giao dịch hồi tháng 2/2016.
Cũng ngay hồi đầu tháng 3/2016, giới đầu tư khá bối rối về thương vụ kỳ lạ chấn động, chơi sốc kiểu bầu Đức. HAGL Agrico của doanh nhân này đã chi toàn bộ 1.650 tỷ đồng vừa có được trong 2 tuần trước đó để mua mua 1 công ty cao su từ 2 đối tác chiến lược cũng chính là DN trước đó đóng góp khoản tiền trên cho HNG để đổi lại 59 triệu cổ phiếu HNG.
Trước đó, việc HAGL dự định lấy cổ phiếu công ty con HAGL Agrico để trả cổ tức cho công đông công ty mẹ HAGL cũng là một kế hoạch gây bão trong cộng đồng giới đầu tư. Họ lo ngại các DN khác sẽ bắt chước HAGL và biện pháp đó quá mới, chưa biết tốt hay không.
Trong năm 2015, đi cùng với sự tụt giảm giá cổ phiếu HAG, bầu Đức cũng khá đen đủi khi lần lượt đánh mất trí người giàu thứ 2 vào tay ông Trần Đình Long, rồi thứ 3 và cũng đã rớt khỏi top 4 danh sách những người giàu nhất trên TTCK, thua cả chị em vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Mặc dù đen đủi kéo dài suốt 2015 và sang cả 2016, nhưng nhiều NĐT vẫn cho rằng, bầu Đức vẫn gặt hái được những thành công nhất định trong thời gian gần đây. 2015 chứng kiến doanh thu của HAGL tăng lên. Trong đó, mảng chăn nuôi bò mang về cho đại gia ngành nông nghiệp này hơn 2,5 ngàn tỷ đồng.
Theo_VietNamNet
Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ báo lỗ, tổng nợ phải trả hơn 32.000 tỉ đồng
Kết quả lỗ gần 600 tỉ đồng quý IV đã kéo lợi nhuận sau thuế năm 2015 của HAGL sụt giảm mạnh, còn chưa bằng phân nửa năm 2014. Trong khi đó, áp lực nợ gia tăng với tổng nợ phải trả tăng hơn 11.500 tỉ đồng so với 1 năm trước.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai
Sau hai lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhắc nhở, cuối ngày 14/3/2016, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã chứng khoán HAG) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2015.
Đáng chú ý là trong quý IV/2015, HAGL bất ngờ báo lỗ 589 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2014 có lãi 42,4 tỉ đồng). Trong đó, mức lỗ sau thuế của công ty mẹ là hơn 566 tỉ đồng.
Con số này đã kéo sụt lợi nhuận cả năm của HAGL xuống còn 678,6 tỉ đồng, chỉ bằng 46,6% so với kết quả đạt được năm 2014.
Thể hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh, có thể thấy hai nguyên nhân lớn khiến HAGL giảm lãi mạnh trong năm, đó là do giá vốn hàng bán tăng mạnh gấp 2,3 lần lên 4.278 tỉ đồng và chi phí tài chính tăng 1,8 lần so với năm trước, lên 1.303,5 tỉ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của HAGL ở mức 32.641 tỉ đồng, tăng hơn 11.500 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Đây chính là mối lo ngại lớn của cổ đông cũng như nhà đầu tư đối với HAGL trong bối cảnh hiện tại.
Nợ ngắn hạn cuối năm xấp xỉ 12.800 tỉ đồng, tăng 35% so đầu năm, trong khi tài sản ngắn hạn là 13.153 tỉ đồng (tăng 36%). Hàng tồn kho tăng mạnh gần 1.600 tỉ đồng sau 1 năm, ở mức 3.650 tỉ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính còn cho thấy, cuối năm 2015, tập đoàn này có hơn 8.000 tỉ đồng tiền đi vay, tăng 17% so với một năm trước đó. Riêng khoản vay ngắn hạn ngân hàng tăng gần gấp ba, lên xấp xỉ 3.200 tỉ đồng. Ngoài ra, năm vừa rồi HAGL phát sinh thêm khoản vay ngắn hạn thông qua trái phiếu chuyển đổi là 1.130 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2015, chi phí xây dựng dở dang của HAGL tăng rất mạnh, gần gấp đôi so với năm 2014, lên xấp xỉ 12.300 tỉ đồng. Trong đó, tập đoàn của bầu Đức dành tới hơn 10.600 tỉ đồng cho việc trồng và chăm sóc cây cao su và cây cọ dầu (hơn gấp rưỡi năm 2014).
Chi phí dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar cũng bị đẩy lên gấp đôi gần 5.500 tỉ đồng. Chi phí cho nhà máy thủy điện cũng tăng hơn gấp đôi lên 3.300 tỉ đồng. HAGL hiện có 35 công ty con và 5 công ty liên kết.
Bích Diệp
Theo Dantri
ACB siết nợ Bầu Đức, Bầu Hiển nói về tình yêu Ngân hàng ACB đang siết nợ HAGL và các công ty của bầu Đức; ngày 8/3 một số đại gia chi hàng trăm triệu mua hoa đính kim cương tặng vợ. ACB siết nợ Bầu Đức, 14 triệu cổ phiếu biến mất bí ẩn CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa phát đi thông báo cho biết đã thực hiện giao dịch bán...