Bí ẩn ngôi chùa có chuông bằng vàng
Chùa Chuông nằm tại thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, TP Hưng Yên ẩn chứa bao huyền tích lạ lùng mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Cảnh ngoài Tam quan chùa Chuông – một mẫu mực về kiến trúc thiền tự
Chuông vàng trôi sông
Theo Đại đức Thích Thanh Khuê – Trụ trì chùa Chuông, sở dĩ chùa có tên Kim Chung Tự là bởi liên quan đến huyền tích cổ xưa, khi một trận đại hồng thủy chưa từng có xảy ra tại địa phương. Trận đại hồng thủy hung dữ ấy đã cuốn theo một bè gỗ, và trên đó ngự một quả chuông vàng rất đẹp. Chiếc bè trôi qua nhiều nơi nhưng không dừng lại. Một ngày kia, bè gỗ đến địa phận thị xã Hưng Yên ngày nay thì dạt vào bãi sông thuộc thôn Nhân Dục. Các cụ già ở làng bên hô hào trai tráng trong vùng dốc hết sức lấy dây kéo chuông nhưng không được. Thấy thế, sư cụ một ngôi chùa nhỏ trong thôn vội mời 10 người nam trung, nữ trinh. Họ lấy tay nhấc chuông lên một cách nhẹ nhàng, thấy sự lạ, người trong vùng mới góp tiền của xây dựng lại chùa khang trang, rộng rãi hơn.
Sau đó, nhân dân trong vùng làm lễ rước chuông vào gác. Tất cả đều háo hức nghe sư cụ thỉnh hồi chuông đầu tiên. Hồi chuông ấy vang lên, âm thanh trong sáng, bay xa hàng ngàn dặm làm dân tình các nơi nghe thấy đều phấn chấn. Nhiều người còn kể, vì nghe thấy tiếng chuông mà báu vật của người Nam lưu lạc ở xứ Bắc liền trỗi dậy tìm về. Bọn vua quan phương Bắc lúc đó rất lo lắng vì ngày nào tiếng chuông còn được thỉnh thì các báu vật mà chúng cướp được của người Nam sẽ về hết với chủ.
Bọn chúng liền sang đất Việt đóng giả là những cao tăng tìm đến chùa hòng lấy cắp chuông vàng. Biết được dã tâm ấy, các tăng ni trong chùa đành mang chuông giấu xuống một giếng nhỏ. Dần dần, những người giấu chuông đều viên tịch hết, hậu thế muốn tìm lại chuông nhưng không biết ở đâu. Có người cho rằng, chuông vàng đã về với đất mẹ. Và để tưởng nhớ quả chuông thiêng ấy, các tăng ni và nhân dân trong vùng liền đổi tên chùa là Kim Chung Tự (tức chùa Chuông vàng).
Cầu đá và con đường nhất chính đạo
“Bói tượng” La Hán
Tại chùa Chuông hiện nay còn lại những pho tượng được đặt ở đỉnh tôn nghiêm, cao nhất thể hiện triết lý vô thường của nhà Phật. Riêng 18 vị La Hán được dựng khéo léo và đặt ở tư thế thoải mái, khuôn mặt biểu lộ cảm xúc. Theo Đại đức Thích Thanh Khuê, nét độc đáo của thập bát La Hán không phải chỉ ở nghệ thuật điêu khắc mà còn ở cảm xúc nội tâm được biểu hiện qua khuôn mặt. Cũng chính vì thế, đã tạo ra cách bói dân gian khá độc đáo tại chùa Chuông qua cách tính năm chọn tượng, cách tính tuổi để tìm tượng ứng với niên vận của mình trong một năm nhất định.
Video đang HOT
Lấy số tuổi đẻ (tuổi mụ) chia cho 9, số lẻ là bao nhiêu thì số tượng ứng với mình sẽ là số đó. Kết quả tìm tượng theo một nguyên tắc nhất định, nam bên trái, nữ bên phải. Ví dụ, một người sinh năm 1979, đến chùa Chuông tìm vận tượng của mình vào năm 2013, khi đó người sinh năm 1979 có số tuổi đẻ (tuổi mụ) là 35 thì có phương pháp tính như sau: Lấy 35 : 9 = 3 (dư 8). Như vậy, số tượng cần tìm là tượng số 8 phía bên tay trái theo hướng chùa nếu là nam, và bên tay phải hướng chùa nếu là nữ.
Tuy nhiên, nếu số tuổi chia hết cho 9 thì số tượng cần tìm sẽ là tượng số 9, tính bằng cách đếm tượng gần tòa Tam Bảo. Hoặc người đến chùa cũng có thể nhắm mắt tâm niệm rồi đi, sau đó dừng lại ở vị trí của một tượng bất kỳ, thì tượng ấy chính là niên vận của mình, cách này không phân biệt nam nữ, trái phải.
Không biết cách bói này chính xác đến đâu, nhưng đó là cách đoán vận mệnh của bản thân mà người địa phương thường có thói quen lên chùa hành lễ vào dịp lễ tết. Ngoài ra, chùa Chuông còn nổi tiếng với “Thập điện Diêm vương” nằm ở hai chái tiền đường, diễn tả những nhục hình mà con người phải trải qua nơi âm giới. Dù chỉ là mô phỏng nhưng khá rùng rợn.
Thập bát La Hán – nơi để bói tượng
Chưa rõ niên đại
Chùa Chuông không chỉ chứa đựng nhiều huyền tích bí ẩn, ly kỳ mà còn ẩn chứa những bí ẩn lịch sử mà cho đến nay, sau rất nhiều nghiên cứu của các nhà sử học, qua một số cuộc hội thảo về phố Hiến… vẫn không tìm ra chính xác sự ra đời của ngôi thiền tự này.
Trong công trình nghiên cứu “chùa Chuông – đệ nhất danh lam” của tác giả Nguyễn Thuấn và Nguyễn Văn Chiến cũng nêu ra ước đoán chùa có niên đại cách ngày nay khoảng 1.700 năm (tức vào thế kỷ thứ III sau Công nguyên). Tuy nhiên, theo cuốn “Đồng Khánh địa dư chí” thì chùa Chuông được xây dựng thời Hậu Lê (thế kỷ VX) và trải qua một cuộc trùng tu lớn vào năm 1707. Một số nhà nghiên cứu như GS Phan Huy Lê, Trương Hữu Quýnh, Trần Lâm Biền… cho rằng, chùa và văn bia có quan hệ cứ liệu lịch sử nên chùa phát tích từ triều Lê.
Không đồng ý với quan điểm ấy, nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng, văn bia trong chùa không thể chứng minh sự ra đời chính xác của thiền tự, mà chỉ là giả thuyết mà thôi. Vì thực tế, cứ liệu trên bia ghi chép về việc trùng tu chùa Chuông chứ không phải nói về công cuộc xây dựng chùa Chuông thời ban đầu. Mặt khác, một số di vật trong chùa hiện tại không thống nhất với nhận định về phát tích của chùa từ thời Lê. Điển hình là một vài viên ngói trên mái chùa là ngói mũi hài có nét hoa văn thời Trần.
Theo xahoi
Những nữ thần "Made in Việt Nam" trong quan niệm cổ nhân (Kỳ 2)
Trong quan niệm của cổ nhân xưa, có sự giao hòa giữa Phật pháp và tín ngưỡng bản địa. Điều đó thể hiện rõ nét qua kiến trúc độc đáo của một số chùa ở Bắc Ninh.
Chùa Dâu - Nơi Phật Mẫu Man Nương từng trụ trì
Khi nàng Man Nương sinh con gái, nhà sư đem gửi vào thân cây. Chi tiết này không chỉ gợi nhớ lại hình ảnh đức Phật ngồi giác ngộ dưới gốc Bồ đề, mà còn chứng tỏ tín ngưỡng "đa thần" của cổ nhân. Trong quan niệm đó, tất cả những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên đều có thể trở thành thần: Mây, mưa, sấm, chớp, cây cối, núi, sông... đều có những vị thần ngự trị. Gốc Dung thụ già cũng là thần, được nhà sư đặt đứa trẻ vào và dặn: "Ta gửi con Phật, người giữ lấy cũng thành Phật đạo", ý rằng thần cây nếu khéo tu cũng sẽ thành Phật. Sau này, khi thân cây được tạc thành các vị nữ thần, lời dạn trên đã ứng nghiệm.
Tượng Phật Mẫu Man Nương
Sau khi gửi đứa trẻ, nhà sư trao cho Man Nương cây gậy phép rồi mới ra đi. Từ đó, Man Nương có khả năng cứu vớt chúng sinh. Thực chất, khi đã được Phật pháp cảm hóa, bà đã có quyền năng từ lúc đó. Nhưng nhà Phật đề cao chữ "duyên", cái duyên chưa tới nên bà chưa thể thành Phật. Bà ở lại trụ trì chùa chính là để đợi cơ duyên, khi cây Dung thụ mang trả lại những đứa con cho mình.
Từ thân cây Dung thụ, 5 vị Phật đã đã được tạo tác gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và Thạch Quang Phật. Như trên đã nói, các vị thần trong tín ngưỡng cũ đã được đẩy lên một tầm mới, trở thành những vị Phật dân gian để cứu độ chúng sinh.
Trong 5 người con Phật, chỉ có Thạch Quang là không rõ giới tính, không thành hình người. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đó là linh khí của người con gái đầu tiên tạo thành. Thậm chí, Thạch Quang còn là đá, chắc chắn, bền vững hơn những người chị em được hình thành từ cây. Búa rìu có thể dụng vào được thân cây nhưng đụng vào Thạch Quang là mẻ. Trong truyền thuyết Tứ Pháp, không chỉ có triết lý Phật giáo hiện diện mà còn có các quan điểm triết học của cổ nhân. Điều này thấy rõ qua việc từ cha mẹ Phật tạo thành 5 con Phật. Đó chính là nguyên lý âm dương, ngũ hành, mà nếu xét đến cùng thì nguyên lý đó được cổ nhân quan niệm là bao trùm lên vạn vật.
Tìm hiểu khá kỹ về truyền thuyết Tứ Pháp để thấy rằng dù giao hòa với Phật giáo, tôn thờ các vị thần nhưng hệ thống tín ngưỡng vẫn không tách rời đời sống tâm linh người Việt, vẫn mang đậm màu sắc của nền văn minh lúa nước. Theo quan niệm trồng trọt của cổ nhân, trong bốn mùa yếu tố thiết yếu để vụ mùa tươi tốt là "nước, phân, cần, giống" thì nước là hàng đầu. Các vị Phật Tứ Pháp đươc thờ phụng, hợp lại sẽ làm ra mưa. Bởi theo quan sát của người xưa, khi mây tụ lại rồi sấm, chớp và sau đó là mưa xuống. Có thể thấy rằng tuy là các vị Phật nhưng tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là để giải tỏa một nhu rất cầu thiết yếu của con người.
Kiến trúc độc đáo "tiền Mẫu hậu Phật"
Đầu tiên, Phật Tứ pháp chỉ được thờ trong các chùa ở một số vùng thuộc Bắc Ninh. Nhưng ngày nay, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp phổ biến tại nhiều vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định... Theo nhiều tài liệu ghi chép, những ngôi chùa thờ Tứ Pháp vào buổi sơ khai đều có kiến trúc khá độc đáo, chỉ có một ngọn tháp ở khu vực trung tâm. Sau đó, nhiều thế kỉ, đến thời phong kiến thịnh trị, các ngôi chùa Tứ Pháp mới được hoàn thiện như ngày nay. Một số chùa vẫn còn giữ được bậc cửa bằng đá chạm hình tượng rồng và sấm, một số bộ vì vì kèo chạm khắc gỗ với các đề tài rồng, nhạc công, vũ nữ, phỗng, hoa lá, mây, sóng... mang đậm phong cách kiến trúc thế kỷ 12, 13.
Các ngôi chùa Tứ pháp thường tọa lạc trên những địa thế đẹp, có diện tích rộng, thoáng đãng. Không gian chùa mở rộng để dễ dàng cho người dân chiêm bái và tổ chức các lễ hội. Giữa các khối nhà bố trí vườn hoa, cây cảnh. Các khu vực nhà phụ làm nơi sinh hoạt của Tăng, Ni và thờ Tổ thường được bố trí xung quanh ẩn nấp vào cây xanh tạo nên cảnh sắc thiên nhiên giữa đạo với đời.
Chùa Dâu - đặc trưng của kiến trúc thờ Phật Tứ Pháp
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng với các ngôi chùa thông thương. Kiến trúc Phật giáo thường tồn tại thao bố cục "tiền Phật hậu Mẫu" nghĩa là tượng Phật được thờ ở gian chính, phía trước, các thánh Mẫu được thờ ở phía sau. Riêng các ngôi chùa thờ Tứ Pháp thì lại bố cục "tiền Mẫu hậu Phật".
Hệ thống tượng Tứ Pháp được đặt ở chính diện, tại vị trí trung tâm và được tạo tác với kích thước lớn. Một số chùa cũng thờ phụng các vị Phật khác nhưng có kích thước nhỏ hơn hoặc được thờ phụng ở các gian bên hoặc phía sau gian chính diện. Điều này cho thấy có những thời điểm, tại một số vùng miền, những vị Phật Tứ Pháp còn được coi trọng hơn các vị Phật nguyên mẫu. Có thể giải thích những khi mất mùa hay hạn hán, dân chúng tìm đến những hình tượng thánh có liên quan thiết thực đến lợi ích của mình. Đó là điều dễ hiểu. Ngày nay, hầu hết các công trình thờ Tứ Pháp đều được trùng tu lại, bố trí "tiền Phật hậu Mẫu". Tứ Pháp vẫn được thờ trong chính diện nhưng các vị Phật tổ sẽ được thờ phụng ở phía trước.
Tượng Pháp Vũ - chùa Dâu
Tượng trong hệ thống kiến trúc Tứ Pháp đều rất cao lớn, tính ở tư thế ngồi thiền đã cao 1,5m, thường tạc ở tư thế thân thẳng, tay phải giơ lên, tay trái để trên đùi cầm chuỗi ngọc. Các pho tượng có tóc xoăn màu đen, tọa trên đài sen, gương mặt mang đường nét đẹp của những phụ nữ bình dị. Các pho tượng đều có thần thái hiền hòa, đức độ, tạo nên sự vững tâm hoan hỉ cho những chiêm hái. Theo một số ghi chép, các tượng Tứ Pháp thường sơn màu gụ bóng. Đây là màu phối hợp giữa màu đỏ và màu đen, tượng trưng cho máu là nguồn sống và sự huyền bí của các thế lực thần thánh. Trung tâm của hệ thống chùa Tứ Pháp là chùa Tổ, nơi thờ Phật Mẫu Man Nương. Ở hình tượng Man Nương, con người không chỉ tìm thấy tình thương, sự cứu giúp của bà đối với dân làng trong hoàn cảnh khó khăn hay có thể chỉ huy các hiện tượng tự nhiên, mà còn coi bà là Mẫu, một vị Phật với tư cách là mẹ, rất gần gũi với con người, luôn bao dung, độ lượng, che chở cho con người. Tục xưa, mỗi khi đến ngày kỵ của Phật Mẫu, trừ Thạch Quang Phật được ở cùng mẹ, thì các pho tượng Tứ Pháp đều được rước khỏi nơi thờ tự, để về chùa Tổ làm lễ chứng tỏ lòng hiếu thảo.
Nhưng chùa thờ Tứ Pháp trước kia thường được người dân tổ chức các lễ cầu đảo mỗi khi hạn hán. Theo truyền thuyết, mỗi khi cần cầu mưa, người ta rước tượng bà Pháp Vân ra khỏi chùa đầu tiên. Sau đó, rước đến tượng của các bà Pháp Lôi, Pháp Vũ, tập trung tại nơi thờ phụng bà Pháp Điện. Lúc đấy, nghi lễ cầu mưa mới được bắt đầu. Người dân tin rằng, những vùng miền nào rước chân nhang của Tứ Pháp về thờ thì nơi đó được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Và như vậy, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp với hệ thống các vị Phật: Phật Mẫu Man Nương và 5 vị con Phật, lần đầu tiên giáo lý nhà Phật đã trở nên gần gũi với cổ nhân. Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là niềm tin tâm linh của con người qua nhiều thời đại, bởi họ không chỉ là thần, là Phật, mà còn là người phụ nữ, người mẹ rất đỗi thân thương và thuần Việt.
Theo xahoi
Người cuối cùng trồng dưa hấu trên "đảo Mai An Tiêm" Nga Sơn từng được biết đến là thủ phủ dưa hấu, gắn liền với truyền thuyết Mai An Tiêm ở đảo hoang. Tiếc rằng nơi đây hiện chỉ còn một người trồng và giữ gìn giống dưa hấu nổi tiếng này. Vùng đất dưa hấu xưa Theo truyền thuyết, vùng đất ven biển huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) xưa kia là một biển...