Bí ẩn lời đồn thổi về tảng đá quan tài trấn yểm đình Vạn Phúc ở Hà Nội
Hòn đá lại được khắc 11 lỗ vuông, đặt hướng vào phía cửa đình. Người ta cũng đồn thổi rằng, người Tàu đã dùng nó để trấn yểm, làm mất linh khí của đình và làng.
Đình Vạn Phúc – nơi có “tảng đá quan tài trấn yểm”
Tại đình Vạn Phúc (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) lâu nay có một tảng đá hình chữ nhật, một mặt có khắc 11 lỗ vuông, ngày trước được đặt hướng vào cửa đình. Hòn đá ấy có từ bao giờ, chẳng ai biết.
Bịt lỗ vuông lại, con trai chết
Ông Đỗ Văn Thành, năm nay bước sang tuổi 78, kể rằng, ông vốn gốc là người làng Vạn Phúc (Ba Đình), sau mấy lần chuyển nhà, cuối cùng vợ chồng ông về ở trong một con ngõ nhỏ trên đường Lạc Long Quân. “Ngày trước, nhà tôi ở sát đình Vạn Phúc. Thời niên thiếu, tôi hay sang đình chơi, đã thấy có tảng đá hình chữ nhật, dài chừng 2m, đặt nằm ngang phía bên trái cửa đình. Hồi ấy, tôi hay đào giun ở dưới chân tảng đá này để ra giếng đình câu đòng đong, cân cấn. Sau này, khi con gái đầu lòng của tôi được gần 1 tuổi, tôi còn bế cháu ra đình chơi, đặt lên mặt hòn đá này để chụp ảnh”, ông kể.
Hòn đá ấy có tự bao giờ, người Vạn Phúc chẳng ai còn biết rõ. Ngay cái chuyện một mặt của nó có khắc 11 lỗ vuông, người ta cũng chẳng buồn thắc mắc là vì sao. Lâu dần, hòn đá ấy nghiễm nhiên được coi nó là một vật của đình, trơ gan cùng mưa nắng. Câu chuyện về hòn đá sẽ chẳng có gì đáng nói, cho đến một ngày, ông Thành phát hiện ra hòn đá đó “độc hại”.
Hòn đá có khắc 11 lỗ vuông, được cho là dùng để trấn yểm.
Nguồn cơn của câu chuyện được ông Thành dần hé mở từ ký ức cách đây chục năm. Ấy là khoảng đầu những năm 2000, ông có nghe nói đến lớp học cảm xạ của bác sĩ, nhà cảm xạ học Dư Quang Châu. Tìm hiểu về lớp, ông thấy hay nên đăng ký học. Đầu năm 2002, khi đã dần “cảm nhận được bộ môn cảm xạ” (theo cách gọi của ông Thành), ông mới sực nhớ ra hòn đá ngoài đình. “Tôi liền mang quả lắc và “đũa thần” là cần ăng ten ra đặt trước các lỗ vuông ở hòn đá. Kết quả, đầu ăng ten bị hút vào, điều đó chứng tỏ hòn đá này phát ra năng lượng xấu. Dùng quả lắc để đo sinh khí đất đình theo biểu đồ Bovis thì kết quả chỉ khoảng 2.000 – 3.000. Tiếp tục thử nghiệm bằng việc mang thanh xà gồ bằng gỗ ra bịt ngang hết 11 lỗ vuông ấy thì thấy sinh khí đất đình cao lên”, ông Thành kể.
Thế nhưng, một điều trùng hợp là ngay tối đó về nhà, ông Thành bị chứng hốt hoảng, khó thở. Sau đó vài tháng, người con trai của ông đang đi sửa nhà thuê, bị ngã lộn cổ từ tầng 2 xuống đất rồi mất. “Đó là một tai nạn lao động nhưng sự trùng hợp này khiến tôi ngờ rằng nó có liên quan đến việc tôi đã bịt các lỗ vuông ở hòn đá ngoài đình, dù chỉ một lúc thôi”, ông Thành đặt nghi vấn.
Hòn đá giấu vàng (?)
Ông Thành trích dẫn trong những tài liệu, thuật lại rằng, làng Vạn Phúc xa xưa là trại Vạn Bảo thuộc 13 làng trại ở kinh thành Thăng Long, được hình thành từ triều vua Lý Thái Tông (1028 – 1054). Đến năm 1889 đời nhà Nguyễn, Thái Tử Bửu Lân lên làm vua lấy niên hiệu là Thành Thái, hai chữ Bửu Bảo tuy không đồng âm nhưng lại đồng tự, đồng nghĩa, sợ phạm húy nên làng Vạn Bảo đổi tên là làng Vạn Phúc như tên gọi ngày nay.
Đình làng Vạn Phúc thờ Linh Lang Đại Vương Thượng đẳng phúc thần, được xây dựng từ thời nhà Lý. Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), dân làng góp công góp của xây mới tòa đại chính gồm tiền tế, trung tế. Mỗi tòa gồm 7 gian. Năm Thành Thái thứ 16 (1903), đình được xây lại hậu cung, tạo cho kiến trúc của đình hình thành chữ Vương.
Video đang HOT
Đất đai, ruộng vườn ở Vạn Phúc vốn rộng rãi, có nhiều đầm, hồ; có dãy núi Bò, gò Thành Lạc, núi Trúc (Văn Chỉ), núi Rùa… Núi Trúc thẳng từ cửa đình trông sang. Sau cải cách ruộng đất và suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bên trái và bên phải đình xây dựng hai dãy nhà cấp bốn làm trường tiểu học, cả trong nội đình cũng bị ngăn ra làm các lớp học. Đồ thờ tự, nhất là đồ đồng dần hao hụt. Đến năm 1986, đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Trước đây, phía trái đình, đầu đường Đồng Ngổ có 2 cột đá là chân cột cờ. Phía phải đình nằm ở vị trí đầu đường đi vào đền Bảo Sơn là tảng đá hình chữ nhật, mặt trên hơi lồi trông giống như bàn thạch. Tuy nhiên, về sau, hai loại đá này đã biến mất khi dân chúng dựng nhà cửa ở trước cửa đình. Duy chỉ có tảng đá hình chữ nhật như một chiếc quan tài đá nằm ngang phía cửa đình. Theo quan sát, tảng đá này có chiều dài chừng 2m, chiều rộng chừng 40 phân, cao chừng hơn 30 phân. Trên mặt tảng đá có 11 lỗ vuông. Riêng lỗ ở giữa được khắc cao hơn các lỗ hai bên.
Ông Thành đang chỉ lại nơi trước đây đặt hòn đá.
Ông Thành nhớ lại, trước đây có nghe các cụ kể rằng, xưa có thầy địa lý qua vùng nhìn hòn đá và bảo: Ai nắm được gia phả thì nhìn tảng đá này sẽ biết người Tàu giữ của ở đâu.
Câu chuyện về hòn đá giấu vàng có thực hay không, người làng chẳng rõ. Thế nhưng, việc người Tàu đã từng đến dựng nghĩa trang ở làng thì người Vạn Phúc chẳng ai là không biết.
Theo ông Thành, giữa thế kỷ XIX, có một người Ấn Độ thấy Núi Trúc cây cỏ tốt tươi bèn mua để thả dê. Sau, người này bán cho người Hoa kiều Phúc Kiến làm nghĩa địa treo biển bằng chữ Nho và chữ Pháp. Ông Thành vẫn nhớ biển chữ Pháp là “La cimetier de Phúc Kiến”. “Có lẽ người Phúc Kiến đã tìm ra địa điểm giấu vàng. Họ lập nghĩa trang để làm bình phong. Sau này, đào được vàng thì họ đã chuyển đi, vàng cũng hết”, ông Thành đặt giả thiết.
Thế nhưng, vì sao hòn đá lại được khắc 11 lỗ vuông, đặt trong đình và hướng vào phía cửa đình? “Ai cũng biết, hình tròn tượng trưng cho trời, hình vuông tượng trưng cho đất. 11 lỗ trên hòn đá này quy về số nguyên là số 2 ứng với quẻ khôn trên Lạc Thư”, ông Thành bảo. Cùng với việc đo sinh khí đất đình, ông Thành tin rằng hòn đá ấy thật sự do người Tàu trấn yểm.
Cũng dưới góc độ cảm xạ tâm linh, đại tá quân đội Lê Thanh Diệu – một người nghiên cứu về cảm xạ lâu năm, qua khảo nghiệm hòn đá cũng cho rằng “hòn đá này thực sự phát ra những năng lượng xấu, rất xấu”. Vậy, có thực sự hòn đá này dùng để trấn yểm?
“Tháng 8/2002, gia đình ông Trịnh Văn Kỷ góp công đức lát gạch đỏ mở rộng diện tích sân đình, tảng đá quan tài đã được chuyển ra vị trí khác, bề mặt có 11 lỗ vuông kia đã được bật ngửa lên trời. Từ đó, sinh khí đất đình đã tăng lên rất cao”, ông Đỗ Văn Thành cho biết. Hiện nay, tảng đá này được xếp sát bức tường bao quanh đình, bên tay phải từ lối vào.
Theo xahoi
Rùng mình nghe ông lão "cõi âm" kể chuyện "50 năm làm bạn với xác chết"
Đã gần nửa thế kỷ làm việc cho "âm tào địa phủ", ông chẳng nhớ mình bốc bao nhiêu ngôi mộ, bó xác chết cho bao nhiêu đám.
Ông chỉ dùng xe đạp đi làm vì cho rằng... người cõi âm không thích ồn ào
17 tuổi đã làm bạn với xác chết
Người đàn ông đó là Nguyễn Văn Nậm (SN 1949) trú tại xóm 6, thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Người dân thường gọi ông là Nậm "cú mèo" hay Nậm "ma". Đã gần nửa thế kỷ ông làm bạn với xác chết, bốc mộ, bó xác tiễn đưa gần chục nghìn người về cõi âm tào. Ông khiến người đối diện phải rùng mình khi được nghe ông kể về lần đầu tiếp xúc với xác chết, rồi những lúc gặp "ca khó" xử lý.
Như một định mệnh của số phận, từ thuở còn chăn trâu cắt cỏ cùng đám bạn trong thôn, Nguyễn Văn Nậm đã tỏ ra khác lạ với bạn bè. "Ngày đó mỗi khi có đám cải táng bốc mộ, hay có người chết mà đang được bó xác là tôi chạy đến để xem. Không như chúng bạn cùng lứa tuổi nhìn thấy là sợ hãi chạy mất. Mỗi lúc xem tôi như bị thôi miên, chỉ chăm chăm nhìn vào xác người hay những bộ xương được người ta nhặt nhạnh xếp đặt chứ không hề sợ hãi, rất thích thú", ông Nậm nhớ lại.
Không những chăm chú quan sát bằng ánh mắt tò mò, mà khi về nhà ông lại mường tượng bộ xương người rồi cố nhớ lại cách người ta đã sắp xếp như thế nào, theo tuần tự ra sao. Rồi ông vẽ ra những sơ đồ riêng cho mình và coi đó như một công trình nghiên cứu bí mật thời thơ ấu.
Rồi như để kiểm chứng cho "công trình khoa học" của mình, ông Nậm vào bệnh viện ở địa phương xin cho kì được một sơ đồ bộ xương và hệ tuần hoàn trong cơ thể người về để tìm hiểu.
"Ngày ấy tìm hiểu thông tin khó lắm, không dễ như bây giờ đâu. Xin được cái sơ đồ về rồi tôi tích góp mua được hai bộ sách "Thọ mai gia lễ" và "Chọn hướng nhà, bố trí nội thất". Hai cuốn này dạy về các nghi lễ tang ma, phong thủy, tôi thích lắm. Từ đó cái nghiệp bốc mộ, bó xác như gắn chặt với cuộc đời của tôi", ông mỉm cười khi nhớ lại những kỷ niệm thuở xưa.
Khi chỉ mới 17 tuổi, ông đã bắt đầu làm việc bó xác, bốc mộ miễn phí cho gia đình nào có nhu cầu trong thôn. Những lần đầu ông không hề lấy tiền công mà chỉ nhận với người nhà một bữa ăn, hay chai rượu. Ông làm vì thích, vì đam mê và vì cả cái tâm dành cho người đã khuất chứ không hề nghĩ đến tiền bạc hay thù lao.
Nhớ lại lần đầu hành nghề, tiếp xúc với cõi âm, ông nói: "Lần đầu vào nghề tôi cũng thấy lạnh sống lưng khi tiếp xúc với bộ xương người. Nhìn thì dễ nhưng khi ngồi xuống dưới cái huyệt một mình mới thấy sợ. Rồi run vì không biết có làm đúng không, có bốc thiếu cái xương nào không. Lần đó khi làm xong mồ hôi tôi ướt đẫm hai áo. Bởi nếu mình sắp sai hoặc thiếu thì khó sống lắm".
Ông Nguyễn Văn Nậm
Rùng mình nghe lão "cõi âm" kể chuyện hành nghề
Bắt đầu từ đó, ông được mọi người trong vùng biết đến với cái nghề bốc mộ, bó xác. Mỗi khi có đám ma hay cần đụng chạm đến mồ mả thì dù xa đến đâu người dân trong vùng vẫn tìm đến ông. Người ta đặt luôn cho ông cái biệt hiệu Nậm "âm phủ", hay Nậm "ma".
Mấy chục năm làm nghề "âm phủ" này không ít lần ông hoảng hồn trong lúc làm việc. "Như tôi còn lạnh gáy, thì người thường gặp chắc ngất xỉu ngay", ông Nậm cho biết. Đó là những lần gặp phải đám cải táng, khi mở quan tài ra thì hình hài người chết vẫn y nguyên như lúc an táng, mùi hôi thối bốc lên, xộc thẳng vào mũi. Người trong gia đình họ thì bịt mũi vừa chạy vừa khóc còn Nậm "ma" vẫn phải điềm tĩnh làm việc của mình.
Gặp những đám như vậy là ông làm vất vả nhất. "Theo quan niệm người đã chết không nên chôn hai lần, một khi đã cải táng lên thấy hình người còn nguyên, không phân hủy được nhưng không được đóng lại chôn xuống mà phải dùng kéo, dao róc hết thịt đi", ông Nậm nói. Bình thường một đám chỉ mất 30 - 40 phút nhưng gặp phải những đám này phải mất trên 2 tiếng. Điều đặc biệt là khi tiếp xúc với xác chết, xương người, mùi tử thi, mùi hôi thối, ông không bao giờ đeo găng tay hay phòng hộ gì.
Chúng tôi hỏi lão làm như vậy không sợ sao nhưng lão cười và nói làm như thế quen rồi. "Ngày xưa như thế nào thì giờ cũng như vậy, với lại không đeo găng tay khi mà mò xương dưới vũng nước trong quan tài thì sẽ dễ lấy được xương nhất là ngón tay, ngón chân và sẽ không để sót bộ phận nào", ông Nậm nói.
Ông Nậm cho biết: "Thường người chết 3 năm là có thể cải táng được nhưng có trường hợp 5 năm, rồi nhiều hơn nữa. Thời nay có khi chục năm cũng chưa rữa hết thịt, vì khi còn sống họ có bệnh nên tiêm nhiều thuốc Tây mà bệnh lâu rữa nhất là ung thư vì tiêm nhiều hóa chất".
Bởi đặc thù công việc nên ông phải chịu nhiều tác hại của việc tiếp xúc với xác, mảnh xương của người âm. Ngày ông mới lấy vợ là bà Hoàng Thị Dân, hai người có người con trai cả rất kháu khỉnh. Lúc đó ông đi làm đám cải táng ở xã bên, khi về vì nhớ con ông đi thẳng vào nhà ôm con mà không mảy may suy nghĩ gì. Thế là người con trai cả của ông bị sài, đầu rụng hết tóc, mụn mọc quanh người, máu cứ chảy ở những cái mụn đó. Vợ ông được phen hoảng hồn, phải thuốc thang, chăm sóc mãi mới chữa khỏi cho người con cả. Kể từ đó vợ ông luôn khuyên ông bỏ cái nghề "âm tào địa phủ" này nhưng ông đều lắc đầu và nói mình làm phúc chứ không vì tiền, mình làm để con cháu mình sau này hưởng. Thấy chồng quyết tâm thế, người vợ cũng hiểu và thông cảm cho ông.
Ông còn cho chúng tôi biết thêm: "Nghề này khi đi làm về còn kiêng kị gặp bà chửa, những người bị thấp khớp, nếu mà gặp thì nguy hiểm lắm". Chúng tôi hỏi ông vì sao như vậy ông cũng chỉ cười và nói "không biết nữa, theo quan niệm thì đó là bị sài".
Bộ đồ nghề của ông chỉ có con dao và cái kéo (Ảnh minh họa)
Lấy chữ tâm để làm phúc
Việc bốc mộ hầu như chỉ diễn ra vào ban đêm và mùa bốc mộ thì vào độ cuối năm, từ tháng 9 đến tháng 12. Còn việc bó xác thì ông làm quanh năm, hễ có đám là có mặt ông Nậm "cú mèo". Trung bình mỗi năm ông làm khoảng 100 đám bốc mộ, còn đám ma thì ông không để ý là bao nhiêu.
Ông cho biết có đợt đỉnh điểm, một ngày, ông sang cát 76 ngôi mộ cho một dòng họ ở xã bên. Làm từ 6h sáng đến 19h tối mà ông chỉ lấy tất tần tật có... 300 nghìn đồng. "Tôi làm vì chữ tâm, chỉ cần lo cho gia đình miếng ăn là được, không cần thiết phải có của để với cái nghề này", ông Nậm nói.
Có lần, ông đi làm đầm tôm, khi đổ đó lấy tôm thì thấy xác người, ông bình tĩnh vớt xác người xấu số ấy lên và đi báo cho chính quyền địa phương. Khi thủ tục khám nghiệm xong, lại tự tay ông chôn cất tử thi một cách đàng hoàng và chu đáo. Còn có lần ông đang đi làm thì nhìn thấy xác chết trôi ở giữa sông, ông cũng lội xuống vớt lên như lần trước rồi một tay tự mình tự an táng cho xác chết.
Ông cho biết: "Mấy chục năm qua tôi đã gặp bao nhiêu vụ xác chết trôi sông, cũng như ở bờ biển. Tôi đã vớt họ lên, báo chính quyền và tự tay mình an táng cho những số phận lênh đênh đó". Ông cảm thấy tâm hồn mình thanh thản khi làm được những việc đó.
Đã gần 50 năm trong nghề, ông đã đi từ trong làng, ngoài huyện, đến các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Nội rồi trong miền Nam, thậm chí có cả người nước ngoài đến tìm ông nhờ làm giúp.
Bao nhiêu năm qua ông chỉ có chiếc xe đạp cọc cạch để đi làm. Từ khi làm nghề này, ông đã thay 3 chiếc xe đạp. Hiện tại chiếc xe đạp ông đang đi đã được 12 năm. Ông bảo: "Mình không thích đi xe máy, với lại... người âm không thích ồn ào". Ngoài ra, bộ đồ nghề của ông chỉ có con dao và cái kéo nhỏ. Như thế là đủ cho ông làm việc trong bao nhiêu năm qua.
Giờ đây tuổi đã ngoài 60, sức khỏe của ông ngày càng giảm sút nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến cái nghiệp của ông. Ông vẫn tận tụy với công việc, ai cần là ông lên đường ngay. Hỏi ông định làm cái nghề này đến bao lâu thì ông cười khanh khách và đáp: "Đến khi không còn sức làm nữa thì thôi".
Chia sẻ về lão "ma" của làng, ông Lê Ngọc Đóa, Trưởng thôn 6 cho biết: "Ông Nậm là một người tốt, tuy cái tên và tính cách của ông hơi đặc biệt, nhưng ông là người hiền lành, giúp đỡ rất nhiều cho thôn. Mọi người trong thôn đều tôn trọng và quý mến ông".
Theo xahoi
Hàng trăm người chen nhau ngắm 'hào quang tỏa sáng' Do tin đồn, sáng 24/5, hàng trăm người dân kéo nhau ra hai bên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Trà Vinh) căng mắt nhìn lên mặt trời tìm kiếm "ánh hào quang". Người dân kéo nhau ngắm chụp mặt trời tìm "hào quang tỏa xuống" Dòng xe qua lại đoạn đường trên bị ùn ứ, cảnh sát giao thông phải có mặt phân...