Bí ẩn chết chóc: Tác chiến điện tử định hình xung đột Nga – Ukraine
Tác chiến điện tử đã trở thành yếu tố quan trọng hơn rất nhiều trong các cuộc giao tranh ác liệt ở vùng Donbass, song năng lực của Nga hay Ukraine trong lĩnh vực này vẫn là ẩn số.
Trên các chiến trường ở Ukraine, một hành động đơn giản là bật nguồn điện thoại di động có thể gây ra cảnh chết chóc. Cả radar pháo binh và điều khiển từ xa của máy bay không người lái cũng có thể mời gọi một cơn mưa pháo kích.
Tác chiến điện tử đã trở thành một khía cạnh quan trọng nhưng vô hình trong xung đột giữa Nga và Ukraine. Các chỉ huy quân sự phần lớn tránh thảo luận về vấn đề này, vì sợ họ sẽ gây nguy hiểm cho các chiến dịch nếu tiết lộ bí mật, theo một bài viết của AP.
Lợi thế của Nga
Công nghệ tác chiến điện tử nhắm vào các hệ thống thông tin liên lạc, định vị và dẫn đường để xác định vị trí, làm mù và đánh lừa đối phương cũng như giáng đòn sát thương trực tiếp. Tác chiến điện tử được sử dụng để chống lại pháo binh, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và nhiều loại vũ khí khác. Quân đội cũng dựa vào tác chiến điện tử để bảo vệ lực lượng của họ.
Đây là lĩnh vực mà Nga được cho là có lợi thế rõ ràng trong cuộc chiến, theo AP. Tuy nhiên, vì những lý do không hoàn toàn rõ ràng, sức mạnh tác chiến điện tử được nhiều người biết đến của Nga hầu như không được nhìn thấy trong giai đoạn đầu chiến sự khi lực lượng của Moscow vẫn còn hướng tấn công gần thủ đô Kyiv của Ukraine.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga. Ảnh WIKIMEDIA COMMONS
Dù vậy, tác chiến điện tử đã trở thành yếu tố quan trọng hơn rất nhiều trong các cuộc giao tranh ác liệt ở miền đông Ukraine. Đây là nơi Nga có thể dễ dàng di chuyển thiết bị tác chiến điện tử đến gần chiến trường nhờ các tuyến đường tiếp tế ngắn hơn và dễ bảo vệ hơn.
“Họ đang làm nhiễu mọi thứ mà hệ thống của họ có thể tiếp cận”, một quan chức của Aerorozvidka, đội trinh sát thuộc lực lượng điều khiển phương tiện bay không người lái Ukraine, nói với AP. “Chúng tôi không thể nói họ thống trị, nhưng họ cản trở chúng tôi rất nhiều”.
Một quan chức tình báo Ukraine nói mối đe dọa từ Nga là “khá nghiêm trọng” vì làm gián đoạn các nỗ lực do thám và liên lạc giữa chỉ huy với binh sĩ. Ông nói việc Nga gây nhiễu thiết bị định vị GPS trên các máy bay không người lái của Ukraine đã diễn ra đặc biệt mạnh mẽ “trên đường liên lạc”, ranh giới giữa khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát và khu vực do chính quyền Kyiv kiểm soát ở miền đông Ukraine.
Ukraine đã thu về một số thành công trong việc chống lại hoạt động tác chiến điện tử của Nga. Họ đã thu giữ một số thiết bị phần cứng quan trọng và tiêu diệt ít nhất hai đơn vị tác chiến điện tử di động đa phương tiện.
Dù vậy, khó có thể đánh giá được khả năng tác chiến điện tử của Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng năng lực của Kyiv đã được cải thiện rõ rệt kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và phe ly khai nổi dậy ở miền đông Ukraine, song không phải không có những bước lùi. Tuần trước, Nga tuyên bố đã phá hủy một trung tâm tình báo điện tử của Ukraine ở thị trấn Dniprovske, đông nam nước này. Tuyên bố không thể được xác nhận một cách độc lập.
Ukraine cũng đã sử dụng hiệu quả công nghệ và thông tin tình báo của Mỹ và các thành viên NATO khác. Washington nói rằng những thông tin đó đã giúp Ukraine đánh chìm tuần dương hạm Moskva của Nga (Moscow nói tàu chìm do hỏa hoạn). Vệ tinh và máy bay do thám của các đồng minh trợ giúp từ vùng trời gần đó, cũng như mạng lưới liên lạc vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk.
Lần đầu tiên Nga công khai số thương vong từ kỳ hạm Moskva bị chìm
Chiến trường bí ẩn
Tác chiến điện tử có ba yếu tố cơ bản: thăm dò, tấn công và bảo vệ. Đầu tiên, thông tin tình báo được thu thập bằng cách định vị các tín hiệu điện tử của đối phương. Khi tấn công, “nhiễu trắng” (white noise) vô hiệu hóa các hệ thống của đối phương, bao gồm liên lạc vô tuyến và điện thoại di động, radar phòng không và pháo binh. Tiếp theo là bước “đánh lừa”, và đạn sẽ bắn trượt mục tiêu.
“Chiến đấu trên chiến trường hiện đại mà không có dữ liệu thực sự rất khó”, đại tá về hưu Laurie Buckhout, cựu chỉ huy tác chiến điện tử của Lục quân Mỹ, nói với AP. Việc gây nhiễu “có thể làm mù và điếc máy bay rất nhanh và rất nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn mất GPS và radar trong khi bạn là máy bay đang bay với tốc độ 965 km/h”.
Không quân Ukraine . Ảnh UNIAN
Tất cả những điều đó giải thích sự bí ẩn xung quanh hoạt động tác chiến điện tử.
James Stidham, chuyên gia bảo mật từng làm cố vấn cho Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Đây là lĩnh vực cực kỳ tuyệt mật bởi vì phụ thuộc nhiều vào các công nghệ tiên tiến, nơi lợi ích thu được có thể bị sao chép và xóa đi rất nhanh”.
Ukraine đã học được những bài học đắt giá về tác chiến điện tử vào năm 2014 và 2015, khi Nga áp đảo lực lượng của Ukraine bằng tác chiến điện tử. Một sĩ quan Ukraine đã kể với ông Christian Brose, trợ lý của cố Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, về việc các binh sĩ thông tin Nga đã lừa một chỉ huy gọi lại cho mẹ anh như thế nào. Nga đã xác định được vị trí địa lý của anh ngay giữa cuộc gọi và giết anh bằng tên lửa dẫn đường chính xác, theo những gì ông Brose viết trong cuốn sách The Killing Chain (Chuỗi giết người).
Mỹ cũng đã “nếm mùi” tác chiến điện tử của Nga ở Syria. Vào năm 2018, lãnh đạo Hoạt động Đặc biệt của quân đội Mỹ, tướng Raymond Thomas, đã nói về việc liên lạc của các phi công Mỹ thường xuyên bị “đánh sập” ra sao ở Syria, địa bàn tác chiến điện tử “ác liệt nhất” trên hành tinh. Các hệ thống tiên tiến của Nga được thiết kế để làm mù các máy bay cảnh báo sớm – “tai mắt” của các chỉ huy chiến trường – cũng như tên lửa hành trình và vệ tinh do thám của quân đội Mỹ.
Cạnh tranh tàn khốc
Trong cuộc chiến hiện nay, tác chiến điện tử đã trở thành địa bàn diễn ra các cuộc cạnh tranh tàn khốc.
Aerorozvidka đã điều chỉnh máy bay không người lái được trang bị camera để xác định chính xác vị trí của kẻ thù, thả súng cối và lựu đạn. Họ cũng “xâm nhập” để làm nhiễm độc hoặc vô hiệu hóa thiết bị điện tử của đối phương và thu thập thông tin tình báo.
Các quan chức Ukraine cho biết khả năng tác chiến điện tử của họ đã được cải thiện hoàn toàn kể từ năm 2015. Khả năng này bao gồm việc sử dụng các thiết bị liên lạc được mã hóa của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ để giành lợi thế chiến thuật. Ukraine thậm chí đã xuất khẩu một số công nghệ của mình.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ . Ảnh ANADOLU
Trung tá Tyson Wetzel, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết Nga đã gây nhiễu GPS từ Phần Lan đến biển Đen. Do đó, một hãng vận tải khu vực của Phần Lan, Transaviabaltica, đã phải hủy các chuyến bay của một tuyến trong một tuần. Lãnh đạo một công ty có các trạm vệ tinh mặt đất tại khu vực cho biết việc gây nhiễu của Nga cũng đã làm gián đoạn việc phát sóng truyền hình ở Ukraine.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu của cuộc chiến, Nga tác chiến điện tử kém hiệu quả và kém mạnh mẽ so với dự đoán. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến Nga không tiêu diệt được đủ số đơn vị radar và phòng không để giành ưu thế trên không. Bộ Quốc phòng Nga không phản hồi đề nghị bình luận.
Hiện vẫn chưa rõ các tài sản tác chiến điện tử của Nga có thể mang lại bao nhiêu lợi thế. Lực lượng của Ukraine hiện giờ có mức độ tập trung cao hơn so với giai đoạn đầu chiến sự, có thể khiến họ dễ trở thành mục tiêu hơn.
James Rands, thuộc tổ chức tình báo quân sự Jane’s, cho biết phần lớn phụ thuộc vào việc các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga “có được cấu hình trên thực tế như trên giấy tờ hay không”. Mỗi nhóm, bao gồm khoảng 1.000 quân, được cho là có một đơn vị tác chiến điện tử. Lầu Năm Góc cho biết 110 nhóm như vậy đang ở Ukraine.
Điện Kremlin cũng tuyên bố Nga có hơn 1.000 máy bay không người lái đa năng cỡ nhỏ Orlan-10 mà nước này sử dụng để trinh sát, xác định mục tiêu, gây nhiễu và đánh chặn điện thoại di động.
Nhà nghiên cứu Samuel Bendett, thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, cho biết Nga đã mất khoảng 50 chiếc Orlan-10 trong cuộc chiến, nhưng “số lượng họ mất có thể chỉ là một phần nhỏ của số lượng đang bay”.
Sức mạnh UAV tương ứng của Ukraine cũng chưa được biết rõ, song hệ thống Starlink của tỷ phú Elon Musk là một tài sản đã chứng minh giá trị. Hơn 2.200 vệ tinh quỹ đạo thấp của hệ thống cung cấp internet băng thông rộng cho hơn 150.000 trạm mặt đất của Ukraine. Cắt đứt những kết nối đó là một thách thức đối với Nga. Việc gây nhiễu các vệ tinh quỹ đạo thấp khó hơn nhiều so với các vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh.
Xem nhanh: 100 ngày chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga vẫn quyết tiếp tục đến khi đạt mục tiêu
Tại sao Odessa lại quan trọng với cả Ukraine và Nga?
Odessa là cảng biển lớn nhất ở Ukraine, tuyến giao thương huyết mạch kết nối nước này với kinh tế toàn cầu.
Nhiều tuyến tường bao tải cát được dựng lên ở khu trung tâm Odessa. Ảnh: Getty Images
Đường phố ở Odessa lại hối hả, nhưng lần này là do các đợt tấn công bằng tên lửa thi thoảng dội xuống, phá vỡ nhịp sống thường nhật của thành phố. Các tòa nhà ốp đá lộng lẫy thuộc khu trung tâm lịch sử giờ được gia cố thêm bao tải cát. Hầu như chẳng còn ai lui tới những bãi biển trên Biển Đen, khu vực hiện được rải thủy lôi dày đặc. Lệnh giới nghiêm được áp đặt sau 10 giờ tối, khiến gần 500.000 dân trong thành phố phải ở trong nhà.
Ở thời điểm hiện tại, Odesssa có được chút êm ả. Nga giảm tham vọng trong chiến lược quân sự ở Ukraine, tập trung vào mục tiêu ở khu vực Donbass miền đông. Nhưng điều tội tệ hơn có thể vẫn còn ở phía trước. Odessa có tầm quan trọng rất lớn về chiến thuật, kinh tế và biểu tượng. Cảng Odessa giữ vai trò quyết định giúp xử lý khủng hoảng lương thực ngày một lộ rõ trên phạm vi toàn cầu. Vậy tại sao Odessa lại thiết yếu với cả Nga và Ukraine?
Được mệnh danh là "hòn ngọc Biển Đen", thành phố cảng lớn thứ ba tại Ukraine này từng là được coi là "vương miện" của đế chế Nga. Odessa được thành lập vào năm 1794, theo sắc lệnh của Nữ hoàng Catherine Đại đế và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại của Nga.
Tầm quan trọng lịch sử của Odessa có thể chính là nhân tố giúp thành phố tránh được các đợt tấn công tồi tệ nhất từ Nga, khắc hẳn với số phận của Mariupol, cảng biển lớn nhất ở Biển Azov, cách Odessa 500 km về phía đông. Như nhiều khu vực khác ở miền đông, Odessa có cộng đồng người nói tiếng Nga chiếm đa số.
Odessa cũng rất quan trọng về mặt kinh tế. Bốn cảng biển lớn dọc Biển Đen gồm Odessa, Pivdennyi, Chornomorsk và Mykolaiv chuyên chở 70% sản lượng hàng xuất khẩu của Ukraine. Trong đó, Pivdennyi và Chornomorsk đã bị đóng cửa. Việc Nga phong tỏa Biển Đen cùng với hoạt động rải thủy lôi phòng thủ của Ukraine khiến mọi hoạt động vận tải biển ở những khu vực này bị đình trệ, trong đó có xuất khẩu lúa mỳ - mặt hàng Ukraine đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu.
Chính điều này là một tác nhân đẩy giá lúa mỳ trên thị trường thế giới tăng 50% kể từ đầu năm. Giới chức phương Tây cáo buộc Nga sử dụng đòn phong tỏa này để "đe dọa" thế giới, lấy khan hiếm thị trường làm lá bài mặc cả giữa bỏ cấm vận chống Moskva với dỡ phong tỏa cảng biển ở Ukraine.
Về phần mình, Moskva khẳng định giá lương thực tăng cao hiện nay là do hệ quả của lệnh trừng phạt phương Tây dựng lên chống Nga. Phát biểu trước báo giới ngày 23/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng chính trừng phạt chống Nga là nguyên nhân gốc rễ gây ra nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Sức ép mở cửa trở lại hoạt động các cảng biển trên Biển Đen sẽ ngày một lớn. Nông dân Ukraine bước vào vụ gieo hạt mới khoảng một tháng trước, nhưng thách thức nằm ở chỗ quốc gia này không còn đủ kho chứa. Theo học giả Slawomir Matuszak thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu có trụ sở ở Warsaw, Ba Lan, vụ mùa tới tạo thêm cho Ukraine 30 triệu tấn lương thực xuất khẩu, chưa kể hơn 20 triệu tấn khác đang ùn ứ trong các kho chứa silo.
30 triệu tấn lương thực này lớn hơn gấp 50 lần lượng hàng Ukraine xuất đi trong tháng 4 vừa qua. Giải pháp vận tải xuất khẩu thay thế bằng đường sắt và đường bộ chỉ có thể xử lý một phần nhỏ lượng hàng tồn kho, với mức chi phí đắt đỏ hơn so với vận tải bằng đường biển. Giới lãnh đạo thế giới rốt ráo tìm kiếm cách thức giúp giải phóng xuất khẩu ngũ cốc cho Ukraine, nhưng đến giờ vẫn chưa thành công.
Ở thời điểm hiện tại, Nga dồn nỗ lực quân sự vào vùng Donbass. Nhưng trước đó, quân Nga cũng đã dập tắt kháng cự của Ukraine ở Mariupol.
Một trong những cách Nga có thể triển khai là tiến quân về phía tây qua ngả Mykolaiv, để từ Odessa tiến đến Transnistria, một khu vực có thiên hướng ly khai thân Nga ở Moldova.
Các đòn tấn công tên lửa của Nga dội xuống Odessa chủ yếu nhằm đánh sập hạ tầng của thành phố, trong đó có khu vực sân bay và cây cầu Zatoka - cầu đường sắt huyết mạch đối với hoạt động giao thương giữa Ukraine với Romania và Bulgaria.
Odessa hiện vẫn trụ vững trước các đòn đánh từ Nga, chiếm giữ thành phố này có thể là phần công việc khó khăn nhất trong chiến dịch quân sự của Nga. Số phận của Odessa ra sao sẽ có tác động lan tỏa vượt khỏi biên giới Ukraine.
Ukraine cân nhắc rút quân khỏi tỉnh Lugansk Lực lượng Ukraine có thể sắp rút khỏi các khu vực cuối cùng ở tỉnh Lugansk, vùng Donbass để tránh thương vong hoặc bị bắt giữ, trong bối cảnh Nga đẩy mạnh tiến công. Reuters hôm nay (28/5) dẫn lời thống đốc tỉnh Lugansk do Ukraine bổ nhiệm Serhiy Gaidai xác nhận, Nga đã tiến vào Severodonetsk (Sievierodonetsk), thành phố lớn nhất mà...