BHXH chi sai quy định hàng chục tỉ đồng
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán Về báo cáo tài chính năm 2015 và đánh giá hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước… tại Bảo hiểm xã hội VN.
Việc BHXH thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều cơ sở khám chữa bệnh thanh quyết toán sai hàng tỉ đồngẢnh: Ngọc Thắng
Cấp trùng 116.096 thẻ bảo hiểm y tế
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), năm 2015, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN đã thực hiện dự toán chi quản lý bộ máy hơn 7.407 tỉ đồng, tăng 75,8% tức khoảng 3.193 tỉ đồng so với năm 2014. Các khoản phát sinh khiến dự toán chi của cơ quan này tăng mạnh gồm: chi phí tuyên truyền mở rộng khách hàng tham gia BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) là 699 tỉ đồng, ứng dụng công nghệ thông tin 967 tỉ đồng, chi giao dịch điện tử lên tới 200 tỉ đồng.
Về công tác lập dự toán còn nhiều tồn tại, sai sót. Một số đơn vị khi lập dự toán chi quản lý bộ máy, phần chi về sửa chữa tài sản cố định dùng nguồn chi không thường xuyên, nhưng lại ghi là nguồn chi thường xuyên như: Lâm Đồng, Lào Cai… Tại Cục Việc làm, việc xây dựng dự toán chưa phù hợp dẫn đến số dư chuyển năm sau cao, khoảng 53 tỉ đồng. Một số hạng mục quyết toán chậm là 12 tỉ đồng. Các trung tâm giới thiệu việc làm chưa tập hợp đủ chứng từ quyết toán kịp trong năm dự kiến là 37 tỉ đồng.
KTNN chỉ rõ, tình trạng cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách xảy ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố, được phát hiện từ nhiều năm trước nhưng vẫn chưa khắc phục. Tổng số thẻ được cấp trùng nhau lên tới 116.096 thẻ.
Video đang HOT
Hơn 2.000 cơ sở khám chữa bệnh chi sai
Báo cáo của KTNN cho biết, BHXH đã ký hợp đồng với 2.141 cơ sở khám chữa bệnh (KCB), trong đó có 582 cơ sở KCB theo định suất tại 41 tỉnh; 1.221 cơ sở KCB theo dịch vụ và 338 cơ sở KCB chỉ tiếp nhận bệnh nhân chuyển đến. Kết quả kiểm toán chi BHYT cho thấy, hầu hết các cơ sở KCB vi phạm về thanh quyết toán BHYT với cơ quan BHXH, số tiền thanh toán sai, vượt mức quy định đến hàng tỉ đồng. Các vi phạm phổ biến gồm: áp giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc không đúng quy định; thiếu chứng chỉ hành nghề; các cơ sở KCB lạm dụng chính sách; người bệnh gian lận; các cơ quan BHXH thiếu kiểm tra, giám sát.
Riêng năm 2015, KTNN phát hiện BHXH chi dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định với tổng tiền 8,6 tỉ đồng, chi phí thuốc không đúng quy định 2,8 tỉ đồng, chi vật tư y tế không đúng quy định 2,5 tỉ đồng, tiền giường không đúng quy định 786 triệu đồng, định nhóm máy ABO đề nghị thanh toán quá số lần quy định 564 triệu đồng (tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình)…
Tại Thái Bình, KTNN phát hiện chi phí KCB tại các cơ sở KCB đề nghị thanh toán với cơ quan BHXH sai quy định số tiền hơn 2,9 tỉ đồng. Nghiêm trọng hơn, qua kiểm toán cho thấy, một số dịch vụ kỹ thuật, sử dụng vật tư y tế có phát sinh nhiều và giá trị lớn nhưng chưa xác định được tính hợp lý, hợp lệ và cơ sở pháp lý để quyết toán chi KCB với số tiền trên 24,471 tỉ đồng. Do đó, KTNN chưa chấp thận thanh quyết toán số tiền này giữa BHXH Thái Bình và các cơ sở KCB.
Tại tỉnh Hòa Bình, KTNN cũng phát hiện từ năm 2013 tới nay, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình áp giá dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm sai quy định, làm tăng giá thanh toán BHYT. Tính riêng quý 1/2016, KTNN đã yêu cầu giảm quyết toán chi BHYT đối với chi phí nói trên tại bệnh viện này lên tới hơn 1,4 tỉ đồng.
Trước thực trạng các cơ sở KCB chi sai chi phí KCB, KTNN yêu cầu BHXH cần nhanh chóng truy thu lại số tiền gần 26 tỉ đồng cho vào Quỹ BHYT, tránh tình trạng quỹ bội chi.
Về tình hình sử dụng Quỹ BHXH, theo số liệu báo cáo tài chính, số dư các quỹ đến hết năm 2015 là 471.813 tỉ đồng. Quỹ hưu trí – tử tuất dự báo đến năm 2031 chênh lệch thu chi bắt đầu âm 35.962 tỉ đồng, kết dư cuối năm 2031 là 3.848.676 tỉ đồng, đến năm 2047 bắt đầu mất cân đối với số dư quỹ âm 625.540 tỉ đồng.
Quỹ ốm đau – thai sản dự báo đến năm 2025 chênh lệch thu – chi quỹ bắt đầu âm 1.421 tỉ đồng, kết dư cuối năm 2025 là 86.417 tỉ đồng, đến năm 2035 quỹ bắt đầu mất cân đối, số âm quỹ là 24.011 tỉ đồng. Quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp dự báo chưa mất cân đối vì có kết dư ngày càng tăng, dự báo dư quỹ hết năm 2025 là 61.232 tỉ đồng.
Từ năm 2017, theo KTNN, Quỹ BHYT bắt đầu bội chi hằng năm và phải dùng quỹ dự phòng để bù đắp. Năm 2017, quỹ dự phòng phải bù 14.464 tỉ đồng, năm 2018 phải bù 16.736 tỉ đồng, năm 2019 phải bù 18.354 tỉ đồng. Cuối năm 2019, quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỉ đồng.
(Theo Thanh Niên)
Bảo hiểm xã hội kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu
Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, quỹ bảo hiểm xã hội đang mất cân đối chi trả trung bình cho 6 năm lương hưu của mỗi người dân.
Trao đổi với báo chí chiều 26/10, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết tuổi nghỉ hưu của người dân Việt Nam được quy định 60 với nam và 55 với nữ đã duy trì từ năm 1960, khi tuổi thọ trung bình khoảng 67. Nay tuổi thọ bình quân đã tăng lên 73 nên thời gian hưởng lương hưu kéo dài. Mỗi người trung bình có 19 năm hưởng lương hưu trong khi theo tính toán quỹ chỉ còn duy trì được cho 13 năm, như vậy mất cân đối 6 năm.
Ngoài ra, theo thống kê của Bảo hiểm Việt Nam, tuổi nghỉ hưu thực tế thấp hơn nhiều so với quy định, chỉ 40% số người nghỉ hưu đúng tuổi, số nghỉ trước tuổi chiếm quá nửa.
Dự kiến tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng cao nhất là 5 tuổi. Ảnh minh họa: Hoàng Phương.
Theo ông Liệu, thời điểm này rất khó tăng mức tiền đóng bảo hiểm vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người lao động và doanh nghiệp. Do vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu theo tuổi thọ trung bình. Trước mắt, ngành này đề xuất thực hiện với một số nhóm đối tượng, ngành nghề, tuy nhiên, cũng phải tính đến bố trí việc làm cho lao động trẻ.
"Việc cân đối quỹ bảo hiểm là cho con cháu chúng ta hưởng, chúng ta cần xây dựng chính sách dài hơi trong 5-10 năm", ông Trần Đình Liệu nói.
Đề cập việc điều chỉnh cho lực lượng công an, vũ trang, ông Trần Đình Liệu cho biết, lực lượng vũ trang, công an là chuyên ngành, với số tuổi nghỉ hưu thấp thì sắp tới phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp, Bảo hiểm xã hội sẽ kiến nghị bù ngân sách vào phần thiếu hụt.
Đầu tháng 9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng lấy ý kiến điều chỉnh nhiều nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật lao động, dự kiến trình Chính phủ đầu năm 2017, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 58 và nam lên 62. Nội dung này từng được trình Quốc hội trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng không được thông qua.
Đoàn Loan
Theo VNE
Ngày quốc tế người cao tuổi (1/10): "Để không ai cô đơn trong tuổi già" "Việt Nam có 10 % dân số là người cao tuổi. Trong đó, khoảng 10.000 cụ đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm chăm sóc. Làm sao để phát huy được truyền thống hiếu nghĩa, kính lão đắc thọ là điều trân quý mà mỗi người đều phải luôn nhớ và khắc ghi". Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung tặng quà tới...