Bêu tên người tiểu bậy: Nhiều tranh luận
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình việc bêu tên người tiểu bậy nơi công cộng, vẫn còn nhiều ý kiến e ngại việc này xâm phạm bí mật đời tư của công dân
Loạt bài “Bêu tên người tiểu bậy nơi công cộng?” nhận được nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc, chuyên gia. Đồng thời, kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc trên Báo Người Lao Động tính đến chiều 24-8 cho thấy 13% đồng ý hình thức xử phạt bằng việc bêu tên, 23% đồng ý đóng tiền phạt, 26% đề nghị bắt buộc lao động công ích và 38% chọn cả 3 hình thức trên.
LS HUỲNH CÔNG THƯ (Đoàn LS tỉnh Long An):
Bắt buộc lao động công ích!
Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự bảo vệ quyền cơ bản của con người; trong đó có quyền về họ tên, hình ảnh cũng như bí mật đời tư. Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng chỉ nêu các hình thức: phạt tiền, khắc phục hậu quả, cải tạo hành chính…, không có hình thức phạt bêu tên người vi phạm. Công khai thông tin người vi phạm ở nơi công cộng cũng giống như hình thức đấu tố, xâm phạm bí mật đời tư của công dân.
Bên cạnh đó, nếu UBND TP HCM đồng ý với kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, ban hành quy định bêu tên người vi phạm là vượt thẩm quyền. UBND TP ban hành quyết định phải dựa trên những văn bản luật cao hơn nhưng các văn bản luật trên đã không quy định thì không có căn cứ để UBND TP ban hành quyết định này. Chỉ khi nào Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định công khai thông tin người vi phạm là một hình thức xử phạt, UBND TP mới có thể bêu tên người vi phạm nơi công cộng.
Để xử lý tình trạng xả rác, tiểu bậy, TP có thể tăng cường nhân lực kiểm tra, phạt nguội và tăng mức xử phạt. Như một số bang ở Mỹ, người xả rác, tiểu bậy có thể bị phạt từ 1.000- 2.000 USD tùy theo từng bang.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia đô thị, ở các TP lớn trên thế giới, không khó bắt gặp hình ảnh những người lao động công ích trên đường. Những người này bị phạt vì vi phạm hành chính như vứt rác, tiểu bậy, nhả bã kẹo cao su ra đường… Về hình thức, đó cũng là công khai hình ảnh người vi phạm. Nếu ở Việt Nam luật chưa quy định thì có thể điều chỉnh, bổ sung hình thức phạt lao động công ích như là một hình thức phạt chính. Lúc này, người vi phạm cũng phải “chường mặt” ra ngoài đường để lao động, sửa sai cho những hành vi sai phạm của mình.
Tiểu bậy là vấn đề khiến người dân TP HCM rất bức xúc và mong muốn có biện pháp để xử lý triệt để. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
ÔNG ĐỖ VĂN NHÂN (Kon Tum):
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Video đang HOT
Theo tôi, việc bêu tên người tiểu bậy là khó khả thi bởi những lý do sau:
Thứ nhất, hành vi tiểu bậy xuất phát từ ý thức kém của một bộ phận người dân, không chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh nơi công cộng. Người có hành vi tiểu bậy đa số từ nơi khác đến, làm nghề tự do, bán hàng rong hoặc những người lang thang, không có nơi cư trú ổn định. Do đó, rất khó có thể lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cũng như bêu tên họ ở nơi công cộng.
Thứ hai, dù quy định xử phạt đã có (Nghị định 155/2016/NĐ-CP), thậm chí xử phạt rất nặng hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định nhưng do vi phạm thường diễn ra kín đáo, nhanh chóng nên rất khó lập biên bản và xử phạt.
Thứ ba, chính quyền địa phương chưa đầu tư đúng mức nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) để phục vụ người dân. Một số nơi tuy có đầu tư NVSCC nhưng thu phí hoặc địa điểm đặt không thuận tiện, không có chỉ dẫn… nên người dân ngại sử dụng.
Thứ tư, như đã nói trên, đa số người có hành vi tiểu bậy là người vãng lai, nếu lập biên bản, xử phạt rồi công khai tên tuổi sẽ không có tác dụng với họ. Bên cạnh đó, thời gian, địa điểm, hình thức… công khai là vấn đề cần phải tính tới. Đối tượng chịu sự tác động của việc công khai là ai? Lợi ích mang lại của việc công khai là gì?… Đây là những vấn đề cần được tính tới.
Thứ năm, công khai người tiểu bậy hiện chưa có cơ sở pháp lý, nếu làm không thận trọng sẽ phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện.
Để hạn chế hành vi tiểu bậy nơi công cộng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân; bố trí đầy đủ NVSCC và phục vụ miễn phí; bố trí đủ lực lượng để tiến hành xử phạt; thường xuyên giám sát qua camera hoặc tiếp nhận phản ánh của người dân để kịp thời xử lý…
Không muốn bêu tên thì đừng tiểu bậy!
Những ý kiến bạn đọc gửi về Báo Người Lao Động đều khẳng định muốn TP phát triển và văn minh, cần phải giải quyết tận gốc, quyết liệt với hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có vi phạm VSNCC. Bên cạnh đó, có những ý kiến đề nghị xây dựng nhiều NVSCC, thu phí hoặc trợ giá, trước khi xử phạt hay bêu xấu bởi đôi khi không tìm ra chỗ, không có sự lựa chọn nào khác nên mới phải tiểu bậy và họ cũng rất xấu hổ. “Ai sai thì phạt theo luật. Cứ phạt thật nặng, như ở Hồng Kông vứt mẩu thuốc lá xuống đất, bị phạt cỡ 18 triệu đồng, than van, biện bạch vô ích. Còn nhân phẩm con người thì không ai được quyền bêu riếu”- bạn đọc Lan nêu ý kiến.
Nhiều bạn đọc góp ý TP nên tổ chức kết hợp NVS tại trạm xăng hoặc vận động các khu vực hàng quán, nhà hàng, khách sạn… cho phép người ngoài vào đi vệ sinh có thu phí.
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng vấn đề không phải có NVSCC hay không mà nằm ở ý thức, thói quen lười nhác, bạ đâu đi đó. Vì vậy, cứ công khai tên tuổi người vi phạm thì mới mong kéo giảm tệ nạn này. Bạn đọc L.H kể: “Kế bên nhà tôi có một nhà hàng tiệc cưới sang trọng. Sau mỗi đám tiệc, thực khách cũng sang trọng túa ra đường đợi xe và không ít trong số đó “đi” luôn vào sân trước nhà của tôi, không phải vỉa hè nhé. Đừng đổ thừa thiếu NVSCC, ý thức như vậy, cần bao nhiêu NVSCC cho đủ?”. Còn bạn đọc Sao Mai cho rằng: “Muốn không bị bêu riếu hay ảnh hưởng đến nhân thân thì đừng tiểu bậy. Rất đơn giản. Đừng nói là NVSCC không có. Sao phụ nữ họ làm được, đâu có bạ đâu đứng đó như các ông? Tội nghiệp mấy trạm xe buýt, luôn bốc mùi khai nồng. Tè bậy, đó là hành động xấu xí nhất cần phải triệt bỏ”.
V.THƯ
Sỹ Đông ghi
Theo nld.com.vn
Bêu tên người tiểu bậy nơi công cộng?
Ngoài việc công khai thông tin người vi phạm, cơ quan chức năng cũng kiến nghị trích xuất hình ảnh từ camera an ninh, giao thông để làm căn cứ xử phạt
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM vừa đề xuất UBND TP thực hiện một số giải pháp để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính (VPHC) về vệ sinh nơi công cộng (VSNCC) trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là nội dung xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin vi phạm từ người dân, công khai thông tin đối tượng vi phạm.
Quy định xử phạt có, tiểu bậy vẫn tràn lan
Theo Sở TN-MT, hiện nay, xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP (viết tắt NĐ 155). Thế nhưng, việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, hạn chế; làm giảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, tình hình vi phạm về VSNCC chưa được cải thiện, chưa nâng cao vai trò của cơ quan địa phương trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Đặc biệt, dù Nghị định 155 đã tăng mức phạt, cơ quan chức năng cũng tiến hành nhiều biện pháp nhưng tình trạng tiểu bậy vẫn diễn ra tràn lan.
"Theo điều 57 NĐ 155, hành vi vi phạm VSNCC chưa đến mức độ bị công khai thông tin. Tuy nhiên, để việc xử lý vi phạm hiệu quả, ngoài sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, cần phải có sự góp sức của cộng đồng để phê phán hành vi vi phạm, tăng hiệu quả tuyên truyền pháp luật về BVMT" - Sở TN-MT lý giải.
Sở TN-MT cũng kiến nghị giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản VPHC về VSNCC cho đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Sử dụng nguồn tiền xử phạt này hỗ trợ kinh phí, duy trì hoạt động. Hiện nay, 2 lực lượng này chưa được quy định thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản VPHC trong lĩnh vực BVMT nhưng trong tình hình hiện nay, việc này là cần thiết để bảo đảm việc xử lý vi phạm được kịp thời. Ngoài ra, Sở TN-MT đề nghị cho phép cơ quan địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản VPHC về VSNCC.
"Do đặc thù vi phạm về VSNCC là xảy ra nhanh, tức thì trong khi lực lượng kiểm tra hiện nay còn thiếu nên khó bắt quả tang vì vậy cần có cơ chế "phạt nguội" thông qua thiết bị ghi hình. Hơn nữa, hiện nay đa phần các địa phương đều có lắp đặt camera để giám sát tình hình an ninh, giao thông trên địa bàn" - Sở TN-MT giải thích thêm.
Thản nhiên "xả" nơi công cộng Ảnh: Hoàng Triều
Nhiều băn khoăn
Từ thực tế ở địa bàn, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết việc xử phạt tiểu bậy gặp khó khăn khi lực lượng mỏng, sự việc diễn ra rất nhanh, nhiều trường hợp say xỉn bất hợp tác... Đại diện Phòng Đô thị quận 1 cũng cho rằng khó nhất hiện nay là nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là phần lớn người tiểu bậy là dân lao động, lái xe... Một vài công viên có nhà vệ sinh nhưng thường xuyên hư hỏng hoặc đóng cửa sau 22 giờ.
Còn theo ông Lê Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND phường Tân Định (quận 1), Tân Định là một trong những phường xử phạt và lập biên bản đối với các trường hợp tiểu bậy nhiều nhất ở quận 1. Từ đầu năm đến nay đã có 18 trường hợp vi phạm, trong đó 8 trường hợp nhắc nhở, yêu cầu tự dội nước; 10 trường hợp còn lại lập biên bản xử phạt.
"Địa bàn phường khá rộng nhưng chỉ có 1 NVSCC tại chợ Tân Định. Hiện phường có một số khu đất trống, chính quyền đang đề xuất xây dựng NVSCC để giải quyết nhu cầu của người dân. Thiết nghĩ, cần đầu tư hạ tầng rồi mới tính đến chuyện bêu tên, đăng tải hình ảnh. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn là việc bêu tên, hình ảnh người tiểu bậy có vi phạm quyền nhân thân của họ hay không?".
Dẫn chứng việc xử phạt những người tiểu bậy gặp khó khăn, chủ tịch một phường ở quận Thủ Đức cho biết nếu là người đi bộ, sau khi lập biên bản, họ cầm quyết định xử phạt mà không đóng tiền thì cũng không làm gì được. Còn đối với người đi xe máy, có thể tạm giữ tang vật là xe máy hoặc giấy phép lái xe để buộc họ đóng phạt nhưng việc tạm giữ này cũng chưa có căn cứ pháp luật vững chắc. "Những người vi phạm thường có điều kiện kinh tế khó khăn, xử phạt tiền thì họ không có, mà bêu tên thì không công bằng vì những người có điều kiện, chấp nhận nộp phạt, không thể bêu tên, không lẽ vì nghèo mà bị bêu tên?" - vị này băn khoăn.
Trong khi đó, ông Cao Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), cho rằng nên xem xét đề xuất bêu tên, đăng hình ảnh người tiểu bậy vì phường đã từng dùng biện pháp căng băng-rôn ở những nơi hay xảy ra tình trạng này và có hiệu quả. "Hễ chỗ nào có tiểu bậy, mình treo các thông báo xử phạt. Người ta đến đó, đọc nội dung cũng ái ngại và ý thức hơn" - ông Việt nói.
Đã lấy ý kiến 18/24 quận, huyện
Để khắc phục hạn chế trong việc xử phạt VPHC về VSNCC, Sở TN-MT đã lấy ý kiến của 18/24 UBND quận, huyện. Hầu hết các ý kiến đề xuất tập trung vào giải pháp tăng cường lực lượng kiểm tra, lập biên bản VPHC cho địa phương; UBND quận - huyện, phường - xã được sử dụng hình ảnh trích xuất từ thiết bị ghi hình (camera) để xử phạt.
Để hoàn thiện các đề xuất trên, Sở TN-MT TP đề nghị các đơn vị liên quan góp ý trước ngày 27-8 để hoàn thiện báo cáo trình UBND TP xem xét, chỉ đạo.
Pháp luật phải có quy định cụ thể
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM), vấn đề công bố công khai thông tin được quy định tại điều 57 NĐ 155. Theo đó, chỉ những hành vi vi phạm gây hậu quả lớn, trong phạm vi rộng mới bị công bố công khai thông tin. Hành vi xả xác và tiểu tiện nơi công cộng không thuộc trường hợp này. Vì vậy, việc công bố công khai thông tin của người vi phạm là vi phạm quyền nhân thân của họ. Để được công khai danh tính người có hành vi nêu trên một cách hợp pháp, đòi hỏi pháp luật phải có quy định cụ thể.
Nhóm phóng viên
Theo nld.com.vn
Ông Đoàn Ngọc Hải 'tuyên chiến' nạn tiểu bậy nơi công cộng Ông Đoàn Ngọc Hải ký văn bản liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị, trong đó có vấn nạn tiểu bậy. Vào đầu năm 2017, lực lượng chức năng Q.1 đã ra quân xử phạt người tiểu bây nơi công cộng. Theo đó, hàng trăm trường hợp bị xử phạt, người vi phạm phải dọn...