‘Bêtông hóa’ thành cổ, ‘nhốt’ di tích trong cũi sắt
Thành cổ Sơn Tây – một trong 4 tòa thành nổi tiếng, tiêu biểu, đẹp nhất miền Bắc, đã đi vào lịch sử, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994, nổi tiếng khắp đó đây với vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc cùng không gian yên bình vốn có đã được xếp vào nhóm “Nghiêm cấm vi phạm”. Thế nhưng, người ta đang ngang nhiên “xẻ thịt”, rồi “bêtông hóa” thành cổ Sơn Tây với những hạng mục công trình xấu xí, phản cảm, thậm chí là hết sức vô lý.
Cổng thành cổ Sơn Tây bị “nhốt” vào lồng sắt (chụp ngày 4.1).Ảnh: ĐỨC VÂN
Những pho cổng thành tuyệt đẹp bị “nhốt” vào lồng sắt
Nhận được cuộc gọi của một người con đất Sơn Tây, tôi tức tốc về thành. Ông Vũ Đình Tuệ, một nhiếp ảnh gia gắn bó từ thời thơ ấu với mảnh đất Sơn Tây, vô cùng xót xa trước sự đổi thay khủng khiếp của tòa thành cổ, đưa chúng tôi xem những bức ảnh màu có, đen trắng có được ép plastic cẩn thận, vẫn được treo trang trọng trên tường nhà ông, ghi lại hình ảnh qua các thời kỳ của những pho cổng thành Sơn Tây rêu phong, cây cối đan cài, hoành tráng. “Cứ thỉnh thoảng, họ lại “vẽ” ra cái gì đó để làm. Họ cứ nói là bảo tồn nhưng tôi chỉ thấy cái đẹp của thành cổ ngày càng bị mai một đi. Đường chưa hỏng đã bẩy gạch lên để làm lại, cổng thành thì bị “nhốt” lại trong “chuồng sắt”, trông nó phản cảm vô cùng. Tôi đau lòng lắm”- ông Tuệ than.
Chiều ngày 3.1, ông Tuệ dẫn chúng tôi vào thành cổ, 2 pho cổng thành mà người dân Sơn Tây vẫn gọi là cổng tiền (Tiền Túc) đối diện ngã ba phố Quang Trung và cổng hữu (Hữu Mỹ) đối diện Trường cấp 3 Sơn Tây vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính với những cây cổ thụ mọc trùm lên ôm lấy di tích đã được trùng tu, được bọc xung quanh bởi một cái khung bằng sắt sơn màu giả gỗ.
Ngay sau đó, chúng tôi tìm đến ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng Ban Quản lý di tích (BQL DT) làng cổ Đường Lâm – đơn vị thực hiện trùng tu 2 cổng thành trên. Ông Sơn khẳng định, 2 cổng thành đã tu bổ theo đúng dự án thiết kế của Bộ VHTTDL, một dự án BQL DT được UBND thị xã Sơn Tây giao cho làm chủ đầu tư. “Hiện nay đã làm xong rồi. Toàn bộ phần chống đỡ là không động chạm gì đến di tích, khi đánh giá hạ giải đã mới đại diện của Cục Di sản, Sở văn hóa về. Chúng tôi chỉ để chống đỡ cổng thành thôi. Không có cách nào khác, nếu cứ để thế là bị sập rồi – ông Sơn nói – Chúng tôi bảo tồn nguyên trạng những yếu tố gốc của di tích thì phải làm như vậy.
Video đang HOT
Chuyện này đã được thỏa thuận của Bộ, Sở VHTTDL, mà có cả nghiên cứu của chuyên gia Nhật Bản, thậm chí chúng tôi tham khảo cả mô hình của Angcovat, Ăng – co Thom người ta cũng làm như thế này. Chỉ có làm thế này mới không ảnh hưởng gì đến di tích. Trước hết là chống đỡ như thế thì toàn bộ tường thành của hai bên cổng và yếu tố gốc của di tích và kể cả những cái cây. Nói như các nhà khoa học, việc bảo tồn 2 cái cổng này rất khó vì di tích chồng lên di tích. Trước kia làm cổng chưa có cây, giờ cây lớn lên rồi, có linh trong đó rồi thì nó là di tích chồng lên di tích”.
Ông Sơn cũng cho rằng, ngoài cách “nhốt” cổng thành vào lồng sắt ra chỉ có cách kiến trúc lại, đập ra xây lại. Nếu phục dựng toàn bộ, đào lên làm lại, thì mất tất cả những cái cây nhưng làm như thế này thì có thể chống đỡ để thế hệ sau nhìn vào sẽ hình dung ra cái cổng nó như nào. Nếu không làm thì đá gạch nó rơi xuống, ảnh hưởng đến người dân và du khách.
Trước kia, cách người ta từng làm với 2 cổng thành còn lại của thành Sơn Tây là đập ra, xây mới, chặt hết sạch cây cổ thụ với lý lẽ “bảo tồn theo kiểu phục dựng” – đã từng bị dư luận và các nhà chuyên môn lên án kịch liệt. Nay, dù là chống đỡ để bảo tồn nguyên gốc của di tích nhưng về mặt kiến trúc để chống đỡ, thì nhìn vào, di tích mất hết vẻ đẹp vốn có, thậm chí xấu xí, phản cảm.
Đường chưa hỏng vẫn cạy lên, đổ bêtông
Những người yêu mến vùng đất Sơn Tây và bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thách thức thời gian của tòa thành độc nhất vô nhị ở xứ Đoài đều choáng váng trước những gì “mắt thấy tai nghe”. Đến ngày 4.1, con đường dạo quanh thành cổ được làm từ khoảng 20 năm về trước, rất quen thuộc đối với rất nhiều người dân Sơn Tây và du khách thập phương, con đường lát gạch hình “zíc zắc”, rêu phong đã nhuốm màu nó tạo nên khung cảnh hài hòa với không gian thành cổ, nay không còn nguyên vẹn. Con đường đã bị bóc hết 1 nửa vòng thành, đổ bê tông dày gần chục phân, kè đá trắng 2 bên đường trông rất… phản cảm.
Trò chuyện với phóng viên, những người thợ thi công công trình này cũng khẳng định: “đường này có xuống cấp gì đâu, nhưng Nhà nước rót tiền vào thì cứ làm thôi. Từ giờ đến Tết ta thì xong nửa vòng thành, còn nửa nữa thì sang năm làm nốt”.
Hạng mục chống đỡ cổng thành cổ được làm bằng sắt sơn giả gỗ nhưng vẫn không mang lại thẩm mỹ cao.
Mặc dù là đơn vị trực tiếp quản lý di tích Thành cổ Sơn Tây nhưng Ban Quản lý di tích lại có vẻ không nắm được những gì đang diễn ra tại tòa thành cổ này. Khi được hỏi về con đường cũ bị cạy lên làm mới, đổ bê tông, kè đá như đường ở các công viên, đô thị, ông Phạm Hùng Sơn cho biết: “Dự án này được UBND TX Sơn Tây giao cho Ban Đầu tư – Xây dựng TX làm chủ đầu tư nên chúng tôi không tham gia từ đầu, không nắm được thông tin. Về mặt bảo tồn di tích thì nói chung là một công trình trong di tích phải thực hiện đúng quy định của luật xây dựng và luật di sản. Phải đảm bảo các yếu tố văn hóa và xây dựng thì mới đảm bảo được đúng cảnh quan.
Trước kia, một số nhà khoa học đã tham mưu với chúng tôi cần hạ bớt mặt đường xuống để phát lộ các dấu tích gốc của thành cổ ra, đồng thời sử dụng các chất liệu phù hợp để làm đường như xi măng giả đất hoặc một loại vật liệu gì đó để con đường trông hài hòa tự nhiên chứ còn gạch hiện tại nó không phù hợp”.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của nhà quản lý cơ sở, ông Sơn nói: “Tôi cũng không biết, việc này phải hỏi đơn vị làm chủ đầu tư”.
Cải tạo nâng cấp trong di tích quốc gia khi chưa có thỏa thuận của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch
Dự án cải tạo nâng cấp đường dạo xung quanh thành cổ được thực hiện bởi quyết định số 1113/QĐ-UBND của UBND TX Sơn Tây do Chủ tịch Đặng Vũ Nhật Thăng ký.
Sáng ngày 4.1, trao đổi với chúng tôi xung quanh dự án này, ông Trần Đức Minh, Giám đốc Ban đầu tư xây dựng, TX Sơn Tây – đơn vị chủ đầu tư cho biết: “Tuyến đường dạo xung quanh Thành cổ với tổng chiều dài 1.371 với mặt cắt ngang, cao độ được giữ nguyên theo hiện trạng, có bề rộng thay đổi từ 3- 5 mét. Chúng tôi tháo dỡ toàn bộ gạch block cũ, tận dụng 50% gạch cũ để lát lại mặt đường kết hợp với gạch block mới, lớp đệm cát vàng dày 5 cm, bêtông xi măng đá dày 10 cm, lớp nilon lót móng, nền đất tự nhiên được đầm chặt”
Con đường bêtông đang thi công trong thành cổ Sơn Tây.
Được biết, tổng mức đầu tư công trình này là hơn 8,3 tỉ đồng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thị xã Sơn Tây. Dự án dự kiến được tiến hành trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là cho đến nay, mặc dù là di tích lịch sử cấp quốc gia, công trình này đã thi công được 1 nửa vòng thành, lớp bêtông dày 10 cm đã khô cứng, nhưng dự án này vẫn chưa được Bộ VHTTDL thỏa thuận.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Minh cho biết: “Việc thỏa thuận với Bộ VHTTDL chỉ là hình thức thôi. Nếu mà chúng tôi động vào di tích gốc thì mới cần phải có thỏa thuận. Đằng này, tường hào bị sụt, đường dạo thì bị các gốc cây chồi lên, bênh lên, hỏng hết cả rồi. Chúng tôi thay bỏ phần bó vỉa bằng đá cho di tích đẹp lên. Đây là phát huy giá trị của di tích chứ không phải là bảo tồn nguyên trạng. Lãnh đạo thị xã muốn cải tạo công trình này để phục vụ nhân dân, làm lại đường”. Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều người dân, con đường lát gạch này không có phương tiện giao thông đi lại, chỉ dành cho nhân dân và du khách tản bộ vãn cảnh. Hơn nữa, hiện trạng của con đường vẫn còn tốt.
Trao đổi với ông Minh về vấn đề này, ông Minh khẳng định: “Đường dạo có thêm 1 lớp bêtông lót để đảm bảo cho rễ cây không chồi lên được, đổ thêm lớp bêtông giá trị cũng không nhiều đâu”. Nhưng dường như, ông Minh đã quên mất rằng Thành cổ Sơn Tây là di tích lịch sử cấp quốc gia, phải được bảo vệ và nghiêm cấm xâm phạm. Việc trùng tu, xây dựng trong khuôn viên di tích quốc gia mà không được đơn vị chủ quản là Bộ VHTTDL thông qua thì không khác nào là đang “phá hoại” di tích.
Ông Minh thừa nhận: “Việc chưa có thỏa thuận với Bộ VHTTDL là chưa hoàn toàn đúng, nhưng do dự án được chuyển từ bên Ban Quản lý di tích sang. Các bước thỏa thuận lẽ ra các cơ quan khác phải làm rồi. Nhưng họ chưa làm. Chúng tôi chỉ là đơn vị thực thi thôi”.
(Theo Lao Động)